Em thế nào thì cứ thế mà đến
Chớ loay hoay sửa soạn áo quần.
Đây là hai câu thơ của nhà thơ người Ấn Độ Tagore ca ngợi vẻ đẹp tự nhiên trong tình yêu. Hẳn phải gần gũi với nhau lắm, gắn bó với nhau lắm, hiểu nhau lắm, tôn trọng nhau lắm… người con trai mới thoát ra khỏi những cái thuộc về bên ngoài, những cái thuộc về hình thức mà thốt ra những lời chân thành như vậy.
Đó cũng là hai câu thơ giản dị khó làm, tuy có thể buột ra một cách ngẫu nhiên, nhưng lại bao hàm, chất chứa.
Không là gì hết cả
Đời là sự thoáng qua
Một đời đâu đủ sức
Hiểu hết một bông hoa
Đây là bốn câu thơ của nhà thơ người Áo Lubomirski, cho thấy: Để nắm bắt hết một cái gì, dù là đơn giản như một bông hoa thôi, cũng không dễ dàng gì, có khi ta phải bỏ cả “một đời” mà vẫn “đâu đủ sức”.
Không hiểu tại sao khi đọc “Nhặt lại tháng ngày rơi” của Trần Trương, tôi lại nhớ đến 6 câu thơ trên. Hai câu đầu, liên quan đến thơ Trần Trương. Bốn câu thơ sau, liên quan đến con người Trần Trương.
Không gian thơ của Trần Trương có lúc thật đẹp, có lúc thật trong trẻo, có lúc đầy đam mê say đắm, có lúc đầy phập phồng lo toan mang màu sắc tâm trạng. Và nếu để gọi sự vật với đúng tên gọi của nó, thì đấy là những nỗi niềm của những khoảnh khắc bừng rộ của tâm trạng. Ta có thể minh chứng bằng Bản Mông với “Sắc đỏ cháy lan ra chân trời/ Hoa đào nhấp nháy tựa sao rơi/ Những có gái Mông cười như rắc hạt”; Cà phê em với “Chưa bao giờ, chưa bao giờ như vậy/ Cà phê thơm câu chuyện chúng mình”; Một mùa thu khác với “Trong quán cà phê bên hồ Gươm/ Tôi nhâm nhi buổi sáng/ Nhìn qua ô cửa Tháp Rùa/ Thấy từng mảng mùa thu rơi xuống”; Chợt về Tuyên” với “Núi buồn từ thuở em đi/ Chông chênh thành Mạc xanh rì bóng câu”… Trong số này, câu “Núi buồn từ thuở em đi” là một câu thơ hay, cho thấy chiều kích của một tình yêu. Người yêu đi rồi mà đến núi cũng bị hụt hẫng, bị phiền muộn, bị ảnh hưởng đến thế, thì thử hỏi còn có gì lớn hơn em của anh?
Trong “Nhặt lại tháng ngày rơi”, Trần Trương có khá nhiều bài thơ viết ở xứ người. Đó là Phác thảo Angko, Làng nổi Biển Hồ, Paris, Ở Tô-ki-ô… Qua những bài thơ đó, Trần Trương tỏ ra là người ưa lật xoay, khám phá… Câu “Người Nhật đi ngay trong lúc họ ngồi” được coi là phát hiện đáng giá, cho thấy ở xã hội hiện đại ở thế giới nói chung và ở Nhật Bản nói riêng, con người rất ít được nghỉ ngơi đúng nghĩa. Trước mắt người Nhật, hình như cuộc sống và thời gian, bao giờ và khi nào cũng là thách thức và eo hẹp. Với họ, không chỉ “đi” là “đi” mà “ngồi” cũng là “đi”.
Và Trần Trương từng yêu, yêu hết mình ngỡ đến đánh mất mình như thế này đây:
Hồn thơ từ bấy đến giờ
Cũng thất lạc thật bất ngờ giống tôi.
Nhưng tôi thực sự bất ngờ khi đọc những câu thơ triết lý sâu sắc được sinh thành bởi những trải nghiệm ở tuổi “xưa nay hiếm” của Trần Trương. Đó là những câu thơ giản dị mà sâu sắc, chỉ cần đọc lên thôi, không nói thêm một câu nào nữa, độc giả đã thấy thấm thía: “Búa nghị án gõ lên bàn nghị án/ Mà vẫn nguyên bóng tối dưới chân đèn” (Điều còn lại), “Cái nắng hôm qua không hong khô được cái áo hôm nay” (Lý giải), “Người nhạt rồi muối không chữa được đâu” (So sánh”… Trong số này, “Cái nắng hôm nay không hong khô được cái áo hôm qua” là một câu thơ ấn tượng. Một hiện tượng ai cũng biết, tựa như chân lý vậy, mà không phải ai cũng nói ra được. Và khi có người nói ra thì mọi người chỉ còn biết ồ lên tán thưởng. Nghĩa bề mặt của câu thơ là thế, nhưng còn nghĩa bề sâu của câu thơ thì sao? Không thể sửa chữa quá khứ (cái nắng hôm qua) bằng hiện tại (cái áo hôm nay) được theo trình tự thời gian một đi không trở lại. Giống như trong Truyện Kiều), Nguyễn Du từng viết: Sen tàn cúc lại nở hoa…
Chưa hết. Sẽ hình dung ra đầy đủ hơn con người Trần Trương, nếu như ta đọc kỹ “Tự họa”:
Bởi quá đam mê những điều phù phiếm
Nên tôi thường pha loãng tôi ra
Khi chợt tỉnh, quanh mình toàn bụi bám
Trước gương soi, cái bóng cũng nhạt nhòa.
Đây nữa, một “Giao mùa” mang hơi hướm thơ cổ mà vẫn tân thời, ấn tượng, đáng nhớ đến từng chi tiết:
Sen nở hết mình tuổi mãn khai
Nắng vội vơi dần, nắng chợt phai
Em cầm sen trắng như mây ấy
Thu chở heo may hết ngõ gầy.
Bên cạnh đó, Trần Trương còn một xứ Đoài của riêng ông. Một xứ Đoài ở đây và ngay bây giờ. Qua "Hỏi xứ Đoài", tôi dám chắc ít có người nào yêu xứ Đoài đến mức thất thần như ông:
Tôi mất xứ Đoài mất cả mây
Mất người con gái mắt Sơn Tây
Cả làng chân đất lên Hà Nội
Mà tương mẹ ngả vẫn còn đây.
Ngay trong Hỏi xứ Đoài, ông cũng nhìn ra bi kịch của hiện đại bằng một lời than chứa chất tâm sự khác người:
Dồn sức ta đi lên hiện đại
Những mà hiện đại có gì vui!
Và sau khi gấp “Nhặt lại tháng ngày rơi lại”, tôi như phát hiện ra một Trần Trương khác, thậm chí rất khác, cả trong thơ và trong đời.