Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

RƠI LỆ KHI XEM PHIM "MÙI CỎ CHAY"

Hoàng Bích Nga
Chủ nhật ngày 14 tháng 10 năm 2018 5:10 PM

Kết quả hình ảnh cho Phim Mùi cỏ cháy


Phòng chiếu phim Mùi cỏ cháy, người xem đã ra về gần hết mà chị bạn của tôi vẫn còn ngồi bất động, nức nở, không thể đứng lên được. Chồng chị đến bên nhẹ nhàng nói:“ Về đi em!”. Nhưng chị vẫn không nhúc nhích. Tôi nói với anh, cứ để chị ngồi thêm chút nữa.
Cả ba anh em chúng tôi đi xem phim Mùi cỏ cháy, một bộ phim được giải Bông sen bạc trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 tại Phú Yên năm 2011. Tôi xem, nhiều đoạn, nước mắt cứ trào ra không kìm lại được. Tôi nghĩ, có lẽ ai có con trong cuộc chiến tranh đã hy sinh sẽ không có đủ lòng can đảm để xem hết bộ phim, bởi nó gợi lại tận cùng những kỷ niệm đau thương mà những bậc cha mẹ phải chịu đựng. Một bộ phim kể về chiến tranh, về việc giữ thành cổ Quảng Trị 1972.
Trung tâm chiếu phim quốc gia Hà Nội ở ngay tại trung tâm Hà Nội, chiếu bộ phim khắc hoạ về những chàng trai Hà Nội sống và chiến đấu trong những thời khắc gian khổ nhất của chiến tranh - năm 1972. Người Hà Nội đến xem, với biết bao cảm xúc về những kỷ niệm của thời chiến đã qua, những đau thương sống lại. Chị bạn tôi người Hà Nội, xem phim Mùi cỏ cháy, nước mắt chảy hoài. Hà Nội đau thương nhưng dũng cảm, bền bỉ, kiên gan chịu đựng cuộc chiến tàn khốc, tất cả đã sống dậy trong lòng chị. Ngồi cạnh chị, tôi thấy nhiều lần chị nấc lên bởi những cảm xúc mà bộ phim đưa lại. Chiến tranh được tái hiện bằng hình ảnh. Tình cảm cha con, mẹ con, tình cảm đồng đội, tình người được hiển hiện qua phim, ít cảnh thôi nhưng khiến cho người ta nao lòng. Chiến tranh đã đảo lộn tất cả, tước đi sự bình yên, của Hà Nội, của mỗi làng quê yên tĩnh xưa kia.
Chúng tôi im lặng đi bên nhau sau khi rời phòng chiếu. Đường phố Hà Nội như thân thương hơn. Tôi nói với chị, chị à , Hà Nội vẫn còn mà, đã qua cả rồi, bình yên trở lại, chị đừng buồn. Khoác tay chị, tôi thấy bâng khuâng lạ lùng, người Hà Nội rất nhạy cảm, họ rất dễ cảm thông với nỗi khổ đau, mất mát của đồng loại. Chị bạn tôi là người Hà Nội gốc, lại hiểu biết nhiều về lĩnh vực văn học, điện ảnh, chị thích đọc sách, xem phim Việt, chị luôn xốn xang bởi những kỷ niệm xưa về Hà Nội. Chẳng thế mà, khi đi chơi với chị, đến những nơi cổ kính của Hà Nội, tôi hay hỏi chị về những kỷ niệm xưa. Chị bồi hồi nhớ lại và kể cho tôi nghe. Hà Nội là máu thịt của chị. Chẳng thế mà, năm 1954, cả nhà đã xuống Hải Phòng để chuẩn bị di cư vào Nam, nhưng rồi họ ở lại không đi nữa, chị lại về Hà Nội học tiếp. Và rồi, những thăng trầm của cuộc chiến 1965- 1975 đã cuốn gia đình chị, cuốn người Hà Nội và cả nước vào đó. Những đau thương, mất mát, những phút hào hùng rơi lệ, người Hà Nội và người khắp trên khắp dải đất chữ S này đều được nếm trải.
Xem bộ phim này không ai có thể đừng được nỗi lòng tiếc thương, xót xa những chàng trai trẻ đã hy sinh. Các chàng trai, tuổi đôi mươi, chưa hề biết yêu, chưa từng được nắm tay bạn gái, đang ở giảng đường các trường đại học. Các chàng trai sinh viên Khoa Văn, nhập ngũ, với bao ước mơ, tài văn chương sớm nở rộ. Họ tình nguyện lên đường nhập ngũ. Họ còn nhớ mẹ phát khóc khi vào quân đội. Những cá tính, những suy nghĩ của các chàng trai Hà Nội được miêu tả khá sinh động. Thậm chí, hành động của một chàng trai Hà Nội, run lẩy bẩy vì sợ bom đạn quá, muốn chạy trốn, nhưng rồi, các bạn đã giúp anh ta lấy lại lòng can đảm để bước tiếp vào cuộc chiến. Những chi tiết đó đi vào lòng người, nó thật hơn và người hơn khi thể hiện cái cảm xúc của người lính lúc anh ta chạm mặt với thực tế phũ phãng của chiến tranh.
Những cảnh vượt sông Thạch Hãn thật sinh động mà cũng thực khủng khiếp. Trước đây tôi có biết qua sách vở về việc bộ đội của miền Bắc vượt sông Thạch Hãn để vào thành Quảng Trị năm 1972, nhưng tôi không thể mường tượng được nó lại gian khổ và khốc liệt đến thế. Sự giành giật từng tấc đất ở thành cổ Quảng Trị đã có biết bao người hy sinh. Chẳng thế mà, khi tôi đến thăm thành cổ, tôi như thấy mảnh đất vẫn như rung lên, và tôi như nghe thấy những tiếng rì rầm của linh hồn bao chàng trai trẻ mãi mãi tuổi hai mươi. Cuộc chiến ở thành cổ, cảnh bom đạn khủng khiếp đã được khắc hoạ trong phim. Phim ảnh có sức tái hiện sinh động và đi vào con tim một cách nhanh nhất. Khi một người lính hy sinh, người xem như thấy có vết dao cứa vào trái tim của mình. Có lẽ, xem phim này ít người có thể cầm được nước mắt. Tôi thấy, bộ phim Mùi cỏ cháy tái hiện chiến tranh khá sâu sắc và ấn tượng. Không chỉ khốc liệt, chiến tranh, dù chính nghĩa hay phi nghĩa vẫn làm cho con người bị tổn thương và lao đao. Nhưng, cũng chính chiến tranh đã cho người ta biết được lòng dũng cảm và sự hèn nhát, sự gắn bó và sự cảm thông giữa những con người, giữa quân với dân, giữa đồng đội, giữa người lính với người lính. Đó chính là sức mạnh giúp cho sự chiến thắng.
Và cảm nhận sâu sắc nhất sau khi xem phim về đề tài chiến tranh, là ai cũng có khát vọng, mong được sống trong hoà bình, thiết tha với cuộc sống bình yên, những khoảnh khắc thanh bình là điều hạnh phúc nhất của con người.
Phim Mùi cỏ cháy hay và ấn tượng nhưng cũng hơi nặng nề. Giá như phim có nhiều cảnh lãng mạn hơn, diễn tả được những ước mơ của các chàng trai về những gì tuổi thanh xuân mơ ước khi các chàng sắp bước vào cuộc chiến sẽ làm cho phim đỡ buồn hơn. Và có thể, hình ảnh về những khát vọng yêu thương của các chàng trai trẻ càng đẹp, càng bay bổng thì nỗi xót thương lại càng sâu lắng, quằn quại hơn và ý nghĩa của bộ phim càng được nâng cao hơn. Khi không được hưởng hạnh phúc ở cõi trần, họ sẽ được hưởng ở thiên đường, biết đâu, những cảnh lãng mạn ấy lại làm cho giá trị chống chiến tranh mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn. Nếu như có nhiều cảnh miêu tả tâm trạng của những người tham gia cuộc chiến, nhất là những hình ảnh, tâm tư của người lính bên đối phương, có nhân vật ấn tượng hơn, đưa vào phim, thấp thoáng, có thể là âm thanh, có thể là hình ảnh, có thể chỉ hai tiếng “Mẹ ơi” trước khi anh ta lìa đời, đồng hành với tiếng kêu “Mẹ ơi” của người lính Hà Nội …sẽ làm cho phim khách quan toàn diện hơn. Nếu như giảm bớt cảnh vượt sông đi một chút thì cảnh lắng đọng hơn và phim đỡ nặng nề. Phim về đề tài chiến tranh có nhiều cách thể hiện. Tuy nhiên, để người đi xem có thể xem lại nhiều lần thì phim không nên quá nặng nề, phim có thêm nhiều chất thơ hơn và cắt bớt những chi tiết rườm rà nếu có thể.
Bộ phim Mùi cỏ cháy rất đáng xem. Nó đi vào lòng người và để lại nhiều cảm xúc. Phim Việt đang thu hút người xem, với nội dung phong phú, cảnh quay đẹp và có tính tư tưởng cao./.