(tiếp theo)
4. ÂM NHẠC
Ở trong căn nhà cũ của ông bà ngoại con, nay dùng để cho thuê, có một người phụ nữ trẻ, gốc Ý, làm nghề thợ may. Một lần khi đến đó để trồng lại cây mận trước nhà sau cơn bão, chúng ta đã nghe cô ấy, đứng giữa những đống áo quần cao ngất, những cuộn chỉ xanh đỏ vàng sặc sỡ, hát opera. Con nhớ không. Hãy gọi cô ấy là Sophia. Con tỏ ra không thích nhạc kịch opera, hồi trước ta cũng không thích, bây giờ thì có khác. Nhưng hãy nghe câu chuyện của Sophia. Trước khi dọn đến đây, cô ở trong một chung cư nhiều căn phòng. Ngay sau khi dọn vào nơi ấy, cô bị mất ngủ vì mỗi đêm có một đứa bé trai khóc thét lên ở phòng bên cạnh. Người mẹ là thiếu nữ nhỏ tuổi, hình như chưa tới tuổi thành niên, ở một mình, không chồng. Cô ta uống rượu và đánh bạc suốt ngày, thường ngồi ngoài hành lang tán nhảm với bạn bè, để mặc con ngủ một mình trong tối.
Thằng bé mới được một tuổi, đôi khi mệt lả chợp mắt một lát thức dậy lại khóc. Cứ suốt đêm như thế. Sophia cố gắng nói chuyện với người mẹ nhưng không thành công, chứng nào vẫn tật ấy. Một đêm không ngủ được, Sophia nhớ ra rằng cô là ca sĩ: cô thường hát trong các nhà thờ và các ban nhạc cộng đồng. Vậy là mỗi tối, sau khi ăn tối xong cô bắc ghế ngồi sát vào tường, giữ im lặng, lắng nghe tiếng khóc của đứa bé, làm quen với tiếng khóc ấy.
Một đứa bé khóc thì có gì mà nghe? con có thể hỏi. Nhưng những đứa trẻ có cách khóc khác nhau, trong những tâm trạng khác nhau: sợ hãi, buồn rầu, giận dữ, hay đơn giản vì đói. Vậy thì Sophia lắng nghe tiếng khóc và bắt đầu hát. Trước hết cô chọn những bài hát lullaby nhẹ nhàng mà cô nghĩ là thích hợp với nó, sau đó vài điệu trữ tình nữa. Mới đầu đứa bé ngạc nhiên, im bặt, lát sau lại khóc tiếp. Nhưng chỉ sau hai hay ba đêm thôi thằng bé đã hết khóc hẳn khi cô bắt đầu cất giọng hát và ngủ luôn một mạch đến sáng. Âm nhạc đã làm cho một tâm hồn bé dại và đau khổ tìm thấy an bình trong bóng tối, trong cuộc đời vừa mới bắt đầu của nó.
5. CHÁY RỪNG
Ở miền Tây Canada mùa hè này rất khô hạn, cháy rừng khắp nơi.
Trên đường đi câu cá về nhà, chúng ta băng qua một khu rừng có mùi cháy khét, con nhớ không. Mặt đất khô, nứt nẻ, nóng bỏng. Đó là buổi chiều tháng tám, trước ngày khai trường. Những trận cháy rừng kéo dài mấy tuần liền, vẫn còn tiếp tục, khói bay mù mịt bầu trời, cay mắt. Con tìm thấy một đống lửa hình như có người dập chưa kỹ, tro tàn ngún khói, và chúng ta lội bộ xuống suối thật xa để xách nước về dập tắt ngọn lửa âm ỉ ấy.
Khi ta còn nhỏ tuổi, bằng tuổi con bây giờ, ta đã trải qua một mùa hạn như thế. Đêm nóng bức như một kẻ chờ đợi khách phương xa, ướt đẫm mồ hôi, trở mình suốt đêm, nghe tiếng muỗi. Một lần nọ trong đêm có tiếng la hét dữ dội, cả xóm bừng dậy. Lửa cháy đỏ rực góc trời. Đứng trong cửa sổ, chín tuổi, nhà cháy ở góc xóm nhỏ. Nhà ở thôn quê thời ấy làm bằng các vật liệu như tranh tre nứa rất dễ bén lửa. Sau này ta biết rằng ngôi nhà ấy cháy không phải vì tai nạn, mà một người đàn ông quá đau khổ đã đốt nhà, căn lều nhỏ ở gần bến sông, và ra đi. Đám cháy để lại trong lòng ta vết bỏng.
Buổi chiều ấy khi hai chúng ta băng qua rừng, con đã đứng lại một lúc. Ta đã vòng tay qua lưng con, ôm khẽ. Con đã để yên trong tay ta, thật lâu. Trong không gian, mùi khói, mùi lá và côn trùng cháy khét, mây mù, mặt đất khô, trước mặt chúng ta, mặt trời đỏ rực, đó là một màu đỏ không thể nào quên, đỏ lừ đừ, hung dữ, khao khát, buồn rầu, hủy diệt. Màu đỏ của những cuộc cháy rừng, của những cuộc chiến tranh, lúc nào cũng rình rập nhân loại. Ở dưới chân con có một mẩu gỗ đã cháy thành than, con cầm lên, thả xuống trên nền đất cứng, hòn than kêu loong coong như kim khí. Con biết rằng đó là gỗ quý. Ta đã gặp thứ gỗ quý này cháy thành than khi bị đốt rừng, cuối những năm một chín bảy mươi thế kỷ trước ở vùng miền đông Nam bộ. Ở nhiều nơi trên thế giới, hiện nay, ngay vào lúc này đây, sự hủy diệt ấy vẫn còn tiếp tục. Đôi khi dưới những hình thức khác, đôi khi giống hệt như vậy, một trận cháy rừng.
6. VẾT THƯƠNG
Trên thái dương bên trái, gần chân mày, có một vết sẹo dài. Ba đang nói về khuôn mặt của H., người bạn cũ của ba thời tiểu học. Gặp lại khi về làng.
Thấy ta nhìn đăm đăm, bác ấy bảo: vết thương này do nhà ngươi gây nên.
- Thật không?
- Thật.
- Bao giờ?
- Bốn mươi năm rồi.
Vậy là lúc hai chúng ta học lớp ba hay lớp bốn.
- Khó tin. Ai mà nhớ những chuyện ấy, ta nói.
- Bạn có thể quên, nhưng mình không quên. Chúng ta leo qua hàng rào bác thợ hớt tóc hái trộm ổi một buổi trưa. Khi chơi đùa, bạn vô ý đẩy ta té nhào từ trên hàng rào cao xuống, cào xước mặt vào một hòn đá.
- Hàng rào nào, vườn nhà ai, ta không thể nhớ. Ta không thể nhớ đó là buổi trưa hay buổi chiều. Nhưng H. mang vết sẹo ấy trên mặt, nhỏ thôi, hơi dài, không để ý thì cũng khó thấy, nhưng bạn ấy nhìn thấy nó mỗi ngày khi soi gương.
Thấy nó chảy máu. Thấy nó đau nhức. Thấy nó lành và lên da non. Thấy nó lên sẹo. Thấy nó những ngày mùa hè, buổi trưa, thấy nó những ngày mùa đông, buổi tối, nhớ một đứa bạn cũ, nghịch ngợm nhưng có lẽ đáng yêu, ở một nơi xa.
Timmy, con thấy không, chính ta là người gây ra vết thương ấy thì ta không thể nhớ, ở đâu, hòn đá nào, hàng rào nhà ai, một buổi trưa nào.
(còn tiếp)
Nguyễn Đức Tùng