Tôi quen nhà báo Nguyễn Cao Thâm (Minh Cao) cách đây gần 30 năm, thời anh và tôi làm báo ở Thái Nguyên. Thời ấy, anh đã khá nổi tiếng với 3 tiểu thuyết: “Lạc thú” (năm 1990); “Cơ hội vàng”, (năm 1992) và “Đa mang” (năm 1993). Sau đó, anh làm quản lí nhiều cơ quan báo chívà cũng từ đấy không thấy tên anh xuất hiện trên văn đàn nữa.Mặc dù, gần 30 năm qua, anh đã cho xuất bản gần 20 đầu sách, nhưng chủ yếu là các tập phóng sự, ghi chép, nghiên cứu lịch sử…; không thấy các tác phẩm văn học. Có lẽ, công việc quản lí báo chí luôn bận rộn khiến anh không còn thời gian để sáng tác chăng?
Mới đây, khi thôi công tác quản lí, anh trở lại với văn học bằng 2 tiểu thuyết “Vượt ngục” Nxb. Dân trí, 2016 và “Sập hầm”, Nxb. Hội Nhà văn, 2017.
So với những tiểu thuyết của Nguyễn Cao Thâm mà tôi được đọc, có lẽ “Sập hầm” là cuốn sách hấp dẫnhơn cả.Nó hấp dẫn bởi cốt truyện. Cuốn tiểu thuyết lấy chất liệu từ những vụ cứu hộ sập hầm mỏ ở Quảng Ninh-nơi thời trai trẻ anh từng làm việc ở độ sâu âm 100 mét. Phần đầu, anh giới thiệu từng nhân vật là tổng giám đốc, thợ lò, giám đốc sở, nhà báo…rồi đưa họ xuất hiện trong tình thế hiểm nghèo: Họ bị kẹt trong hầm than “thổ phỉ”! Tại đây, những người tử tế và những kẻ tham lam, độc ác, sống giả dối với nhau đã bộc lộ bản năng sống của mình trước cái chết đang đến gần. Qua đây, anh muốn gửi tới độc giả thông điệp rằng, vụ sập hầm là kết cục về dục vọng tham lam vô độ của con người. Chỉ có sự kìm chế dục vọng và tình thương yêu giữa con người với con người mới cứu được mọi sự sụp đổ.
Gần đây, một số bài viết về tiểu thuyết “Sập hầm” đăng trên các báo, trong đó cho rằng, Nguyễn Cao Thâm đã đưa ra vấn đề quá lớn, mang tính toàn cầu nhưng viết chưa tới. Tôi lại nghĩ khác. Vấn đề Nguyễn Cao Thâm đề cập tới quá rõ ràng. Như đã nêu trên, vụ sập hầm là kết cục về dục vọng tham lam vô độ của con người. Chỉ có sự kìm chế dục vọng và tình thương yêu giữa con người với con người mới cứu được mọi sự sụp đổ.Câu chuyện sập hầm, phần cuối của cuốn sách, tác giả đã cố ý sắp xếp để ông Lê Quán Triệt, Giám đốc sở bị kẹt trong đoạn hầm sập với anh lái xe cơ quan và nhà báo Hồng Ngọc là nhân tình của ông ta. Trước khi sập hầm, anh lái xe như một tôi tớ của ông Lê Quán Triệt, hầu hạ ông ta, vợ ông, con cháu, anh em họ hàng, và cả cô nhân tình của ông nữa. Anh ta đóng vai tận tụy, trung thành “như diễn viên siêu hạng”. Chỉ khi trong đoạn hầm sập, anh ta mới có cơ hội trở thành kẻ “độc tài” trả thù cho những ngày cúc cung tận tụy như một con chó. Nhân vật Hồng Ngọc làm báo, nhưng bài viết, tin tức của cô đều từ những “sếp lớn” đưa cho. Để có được những tư liệu hay hợp đồng quảng cáo, cô đánh đổi bằng cả thân xác mình. Anh lái xe mắng mỏ Hồng Ngọc: “ Mày biết nghề đĩ bút là gì không? Là cái nghề viết thế nào cũng được. Có tiền thì mày khen. Không có tiền thì mày chửi.”. Và trước cái chết, cả ba nhân vật bộc lộ mình một cách trần trụi, tranh giành can nước, túi bánh; không có tình nghĩa thủ trưởng với lái xe; không có quan hệ nhân tình; không có tình cảm của con người với con người. Cô nhà báo Hồng Ngọc đã nói trắng phớ ra với ông Quán Triệt rằng “Tôi là con khốn nạn. Ông cũng khốn nạn. Ông Ca (lái xe) cũng khốn nạn. Chúng ta đều khốn nạn”.Trong lúc tranh nhau nước và bánh, anh lái xe “ nho nhe” nhắc lời Lão Tử để nhục mạ ông sếp của mình rằng: “ Tất cả là tại cái lòng tham vô đáy của ông! Ông có biết Lão Tử dạy “ Tri chỉ” và “ Tri túc” nghĩa là gì không? Đó là sống trên đời phải biết dừng và biết đủ. Một khi lòng tham vượt quá giới hạn thì ắt sẽ phải chịu sự trừng phạt, ông hiểu không?”.
Đọc đến đây, chắc hẳn bạn đọc sẽ liên tưởng tới những cuộc tranh giành bởi lòng tham của con người và kết cục đau lòng của nó, đã và đang xảy ra, không chỉ ở nước ta mà cả trên thế giới.
Sức hấp dẫn của cuốn sách còn ở nét trào lộng, kiểu hoạt kê. Nhiều chi tiết, hình ảnh được anh miêu tả chân thực, sinh động, đầy chất bi hài. Các nhân vật cá tính rõ ràng như sờ nắm được. Kĩ sư Nhật Điếc thì luôn “Nhất – trí”; bác thợ già Thạch Ngầu hễ cười là “ê hề hế”; chị Phượng Bốc, Chủ tịch công đoàn Mỏ, khi diễn đạt lúng túng thì “Nom rất chi là gì”…
Kết cấu cuốn tiểu thuyết cũng lạ. Tác giả xây dựng chân dung từng nhân vật, sau đó họ đồng loạt xuất hiện trong vụ cứu hộ sập hầm mỏ. Mỗi nhân vật đều mang tính cách, thân phận độc đáo, qua đó, đời sống của thợ mỏ được khắc họa sinh động. Chẳng hạn, cảnh đôi vợ chồng trẻ chăm lợn ốm; những lời thơ trào lộng của ông Thạch Ngầu; chuyện ông Thạch Ngầu chặt chân Tổng Giám đốc… Tôi có cảm giác anh gom góp, tích lũy những mảnh đời, số phận thợ mỏ có thật rồi đưa vào các nhân vật cụ thể theo ý đồ cụ thể. Có vẻ anh mạnh về lối viết hài hước, đi vào những nét thô lậu, đôi khi tục tĩu và rất đời của con người.
Lại có những trang khá cảm động như về mối tình của Đang – Nhàn; hình ảnh ông Giám đốc bị kỉ luật Văn Văn; người thợ lò xù xì, gai góc như ông Thạch Ngầu lại có một tấm lòng thật trong trẻo, thật đẹp, đầy nhân văn.
10/9/2017
D.Q.H.