Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LÊ BÁ THỰ VỚI TỰ TRUYỆN “TÔI VÀ LÀNG TÔI”

Hoàng Quốc Hải
Thứ năm ngày 6 tháng 9 năm 2018 8:44 AM




Kết quả hình ảnh cho Lê Bá Thự


Đọc hết 300 trang sách, thấy cảm giác lâng lâng thích thú, muốn viết ngay một cái gì đó mà Lê Bá Thự đã viết về tuổi thơ mình. Đó là sức truyền cảm nảy sinh từ tác phẩm. Nhưng khi cầm bút mới thấy khó viết. Mặc dù “ Tôi và làng tôi” được trình bày một cách chậm rãi, tựa như cuốn phim quay chậm về cuộc đời cậu bé Lê Bá Thự.

Lê Bá Thự chỉ viết về ngôi nhà của mình, chòm xóm và ngôi làng của mình- làng Nguyệt Lãng. Nhưng sao ta như được thấy các làng quê của đồng bằng Bắc Bộ cách nay hơn nửa thế kỷ. Lê Bá Thự kể đủ thứ chuyện ở quê mình, nhưng không phải chuyện gì anh cũng kể. Đó là nghệ thuật tiết chế.

Thử xem anh nói những chuyện gì ở quê mình. Trước hết là làng Nguyệt Lãng, cái tên thật thơ mộng. Có nghĩa là ngôi làng đẹp như “Chị Hằng” lãng đãng dạo qua. Đó là niềm tự hào của tác giả mỗi khi nhắc đến tên gọi của làng mình. Đương nhiên, tôi không nhắc lại những gì tác giả đã kể, mà chỉ điểm những gì tôi cho là thú vị, thuộc về nét đẹp phong tục của làng quê.

Mở đầu cho ký ức tuổi thơ, tác giả viết: “ Khi biết nói, tôi gọi mẹ tôi là chị”. Đây là một phong tục phổ biến của làng quê Bắc Bộ đối với các gia đình hiếm muộn con, đặc biệt là con trai, thường dạy con gọi bố mẹ là anh, chị từ khi trẻ bập bẹ nói. Đó là “mẹo” để đánh lừa ma quỉ và tà thần. Phong tục này còn vương sót lại từ thời xa xưa, thời của đa thần giáo. Tức cái thời các tông giáo chưa xuất hiện, nên đa số nhân loại còn nhút nhát, chưa nhận thức được các qui luật của thiên nhiên và xã hội, nên tôn thờ tất cả từ hòn đá, gốc cây, bến nước, rừng, núi, suối, sông… với quan niệm “vạn vật hữu linh”.

Như tất cả các làng quê Việt cổ xưa. Hồn làng được gửi trọn vào mái đình, cây đa, giếng nước cùng các đám tế rước thần linh trong ngày hội, cùng các trò diễn như chèo, tuồng, hát xướng và các trò chơi như đánh đu, đánh vật, thổi cơm thi, dệt vải thi v.v… Phần này, tác giả mô tả hết sức tỉ mỉ và đắm đuối, tỏ ra người có óc quan sát và có trí nhớ dai. Nhưng trên hết, phải có lòng yêu quê hương, thì tình quê mới sâu đậm.

Lê Bá Thự sinh năm 1942, có nghĩa là anh ý thức được phần nào về cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp, quãng từ 1950 đến 1954, trong độ từ 8 đến 12 tuổi. Vậy mà anh nhớ được khá nhiều việc và nhiều chi tiết thú vị. Quãng từ 1950 đến 1954 là quãng thời gian quyết định cho cuộc kháng chiến của ta đi đến giai đoạn kết thúc thắng lợi.

Nhận thức của Lê Bá Thự về cuộc chiến tranh chống xâm lược qua ngôi làng của anh. Đó là ngôi làng được rào dậu bằng những lũy tre kiên cố, những giao thông hào chiến đấu và hai bốt gác của dân quân tại hai cổng đầu và cuối làng, gọi là làng chiến đấu. Tuy nhiên, suốt cuộc kháng chiến, Thanh Hóa là vùng tự do, trọng điểm của Khu Bốn. Điều Lê Bá Thự nhớ rõ, là công việc phòng gian bảo mật thấm đậm trong toàn dân, để bịt tai bịt mắt gián điệp có lọt được vào làng, vẫn như kẻ đui, điếc mà thôi.

Ấn tượng nhất là trong một cuộc báo động bất ngờ diễn ra như quân Pháp sắp tấn công làng Nguyệt Lãng. Ngoài Ban chỉ huy, dân làng hoàn toàn không biết đây là cuộc báo động giả, nhằm kiểm tra tinh thần sẵn sàng đối phó với tình huống xấu nhất của nhân dân làng Nguyệt Lãng.

Đang đêm báo động, quân Pháp sắp tấn công. Cậu bé Lê Bá Thự được mẹ đánh thức: “ Dậy! Dậy mau đi tản cư”. Cậu bé ngơ ngác hỏi lại trong trạng thái nửa thức nửa ngủ: “ Mẹ ơi, tản cư là cây chi hả mẹ?”. Thật nực cười. Nhưng đây là từ ngữ lần đầu được nghe, nên cậu bé chưa có khái niệm. Từ đây, nhận thức của cậu bé trưởng thành dần cho tới khi chiến tranh kết thúc vào tháng 5. 1954, sau chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Lê bá Thự kể về mấy làng cùng kéo nhau đi xem bộ phim “Bạch Mao nữ” của Trung Quốc trên một bãi chiếu phim.

Đây là bộ phim mà Trung Quốc hào phóng viện trợ, đã được nhân thành nhiều bản, chiếu khắp các làng quê, nhằm bồi dưỡng lòng căm thù địa chủ, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giai cấp long trời lở đất sắp diễn ra trong cải cách ruộng đất.

Lê Bá Thự né cuộc cải cách ruộng đất ở quê anh. Ngay cả việc xem phim “Bạch Mao nữ” đâu có diễn ra bình thường như khi coi các phim khác. Theo cách mô tả của Lê Bá Thự về buổi xem phim, hoặc là anh còn nhỏ không nhớ hết các chi tiết do người xem gây ra, hoặc khi đó làng quê anh chưa có cuộc phát động giảm tô.Sự thật trên nhiều địa phương, nếu đã qua phát động giảm tô, khi xem phim này, công chúng như bị lên đồng tập thể. Gào khóc ầm ĩ. Ngất xỉu hàng loạt. Rồi bật dậy gầm lên: “ Đả đảo địa chủ cường hào gian ác!” Tiếng hô át cả tiếng máy nổ. Rồi ầm ầm gạch đá ném lên màn hình. Kết thúc buổi chiếu bóng: Sân chiếu ngổn ngang gạch đá như một bãi chiến trường. Và tinh thần ấy, lập tức xuất hiện trong các cuộc đấu tố địa chủ ngày mai. Nông thôn hoảng loạn như lại tiếp một cuộc chiến tranh không tiếng súng. Có thể nói Cải cách ruộng đất là một cuộc chiến tranh không tiếng súng được du nhập từ Trung Quốc, được các cố vấn Trung Quốc chăm sóc tận tình. Vì vậy sức công phá của nó vào nền đạo đức truyền thống và các giá trị văn hóa dân tộc là vô cùng khốc liệt. Lê Bá Thự dã bỏ qua đoạn trường này không đưa vào tự truyện. Có nhẽ hồi đó anh còn quá nhỏ để có thể nhận thức được di họa của nó. Và cũng có thể anh né nó để cuốn sách được ra đời suôn sẻ. Sự lựa chọn nào của tác giả cũng đều là hợp lý.

Trở lại với “Tôi và làng tôi”, Lê bá Thự có lối viết nhẹ nhàng, chân thực. Lối kể chuyện mộc mạc rất đáng yêu. Đoạn viết sau đây là một ví dụ: Hồi mới ra Hà Nội, tôi quen thói nhà quê, ăn thành tiếng, nhai chồm chộp, cắn đôm đốp, húp xì xụp. Nghĩa là tôi ăn bằng miệng, bằng tai, bằng mắt, và phải ăn như vậy thì cường độ “ngon” cùng cái sự sung sướng khi ăn của tôi mới đạt tột đỉnh. Nhưng chẳng bao lâu sau đó có người bảo tôi, dân quê chúng mày ăn uống kiểu lợn như vậy là “không văn minh”, là “không lịch sự”. Đó là chưa kể, khi ăn cần phải mím môi, không được nhe răng làm người khác phát tởm. Tôi lấy làm xấu hổ vì cái sự quê mùa của mình. Từ đó, tôi cố gắng tập ăn theo “chế độ không tiếng”, nghĩa là nhai, húp, cắn, xé, hết sức nhẹ nhàng, không để phát ra tiếng kêu, tiếng động hoặc bất kỳ một âm thanh nào khác. Đó mới gọi là“văn minh thành thị”, “văn minh châu Âu…” ( Tr60 Tôi và làng tôi).

Phải nói đây là đoạn tả chân với bút pháp trào lộng, và tài sử dụng ngôn ngữ hình ảnh rất điêu luyện. Những tu từ về tượng thanh, tượng hình được chọn lựa kỹ càng và đặt đúng vị trí, nên càng phát huy được hiệu quả. Ví dụ “nhai chồm chộp”, “cắn đôm đốp”, hoặc “…nhe răng làm người khác phát tởm”.

Cứ như trong truyện mà suy, ta thấy tuổi thơ Lê Bá Thự gắn bó với mọi công việc của làng quê một cách hết sức chặt chẽ, tự nguyện, hào hứng và say mê như sau này anh làm nghề văn vậy. Từ xay lúa, giã gạo, chăn nuôi trâu bò, gà lợn và các công việc đồng áng như bắt cua, bắt cá hoặc lúa, mạ, cấy,trồng…Việc gì cậu bé cũng tham gia đến cùng. Qua cách mô tả của anh từ việc nấu cám lợn đến việc mò cua bắt ốc, việc bắt ếch qua trận mưa đầu mùa,…đều diễn ra theo một qui trình hết sức tự nhiên, nhưng lớp lang chặt chẽ như một tay nhà nông lão luyện.

Cậu bé 14-15 tuổi Lê Bá Thự chăn lợn, trải lòng mình với vật chăn nuôi như một nghệ sỹ. Và khi nhìn thấy con lợn của mình bị người ta giết thịt, tấm lòng từ ái của cậu bé như bị tổn thương, như bị xúc phạm. Hãy nghe Lê Bá Thự kể lại khúc nhôi này : “…Nói thực, tôi ruột đau như cắt khi đích mục sở thị con lợn yêu dấu của tôi bị người ta chọc tiết, máu chảy bắn tung tóe. Không đau xót sao được khi chiều hôm qua nó còn gọi tôi cho nó ăn, nó còn vẫy tai, vẫy đuôi chào tôi, mừng tôi, cám ơn tôi đã cho nó nồi cám ngon, chúng tôi vẫn còn là đôi bạn thân của nhau; chiều hôm qua ăn xong nó còn lăn đùng ra ngủ một cách vô tư, không hề nghĩ, không hề biết, hôm nay nó phải lìa đời giữa lúc nó đang hoàn toàn khỏe mạnh, đang lên cân, đang tăng trọng. Tôi cám cảnh, tôikhóc, tôi thương nó lắm, cho dù nó chỉ là con lợn.”(trang 64 Tôi và làng tôi).

Về đề tài chăn nuôi này, tác giả còn cho ta biết, làng anh cũng như các làng quê khác ở Bắc Việt Nam còn nhập “công nghệ chăn nuôi” từ Trung Quốc. Đó là nuôi lợn bằng phân trâu bò. Kết cục, tác giả cho ta biết: “chẳng nhữnglợn nhà tôi mà lợn cả làng tôi đều tuyệt thực” (trang 68).

Sau cải cách ruộng đất, cả khu Bốn đói dài. Thanh Hóa là vùng đói trọng điểm. Để cứu đói, còn được phổ biến trồng khoai lang ụ, theo kinh nghiệm đưa về từ Trung Quốc. Việc này Lê Bá Thự có mô tả rõ trong tác phẩm. Chỉ biết sau ba tháng, phá ụ đất to như lô cốt ra, thì những củ khoai lang thu được không to hơn chiếc đũa ăn cơm. Về sau, trên mặt trận nông nghiệp còn nhập phương pháp cấy dày như gieo mạ. Kết quả khi lúa trổ bông, nó chen chúc không có chỗ thở. Các hợp tác xã tiên tiến có điện lưới thì mắc quạt xung quanh bờ, quạt cho lúa được thoáng khí. Nơi không có điện thì xã viên dùng những chiếc quạt lúa to đùng để quạt. Tất cả các biện pháp cứu vãn đều là trò chơi con nít. Kết quả là lúa cấy dày cũng thê thảm như khoai ụ, như lợn ăn phân trâu bò. Và dân Thanh Hóa lâm thảm cảnh chết đói. Ôi, nếu ta không mụ mẫm,cái gì của giới cầm quyền Trung Hoa ấn vào cho cũng nhận,cái gì người ta làm cũng bắt chước.Nếu như ta tỉnh táo một chút,khôn ngoan một chút,và cảnh giác một chút với nhà cầm quyền Trung Hoa(mọi thời đại), thì đất nước này đã tránh được biết bao thảm họa cứ triền miên tới tận ngày nay.

Điều hơi ngạc nhiên khi đọc “Tôi và làng tôi”, tác giả viết vào lúc đã 75-76 tuổi. Vậy mà vẫn giữ được nét tươi trong thời thơ trẻ. Và tác giả cho ta hiểu biết nhiều thứ về làng quê như ta đã từng biết, nhưng không thể nhớ và mô tả lại một cách sinh động như “Tôi và làng tôi”. Đến nỗi, tôi có cảm giác, nếu ai muốn nghiên cứu về văn hóa làng quê Việt Nam xưa cũ, không thể không tham khảo “Tôi và làng tôi”. Bởi trong đó nó có đủ cả dân tộc học, xã hội học, phong tục học, tín ngưỡng và cả văn hóa dân gian.

Lê Bá Thự có cuộc sống vô cùng phong phú, từ cậu bé ở cùngchấy rận, không biết cả xà phòng là cái gì. Rồi trở thành một học sinh học giỏi, tham gia các hoạt động xã hội từ trên ghế nhà trường, tới việc du học thành tài, trở thành cán bộ giảng dạy bậc đại học, rồi Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, cuối cùng là dịch giả, nhà văn.

Trong mảng sách dịch của Lê Bá Thự, ấn tượng nhất là tác phẩm PHARAON của nhà văn Ba Lan BOLESLAW PRUS viết về một vị vua nổi tiếng của Ai Cập, cũng tức là viết về cái nôi văn hóa cổ đại vùng Trung Đông.

Điều thú vị nữa là, nền văn học Ba Lan có hai tác phẩm thuộc loại hàng đầu, đều do hai nghiên cứu sinh Việt Nam dịch. Ngoài Lê Bá Thự, còn có PGS Tiến sỹ, nhà văn Nguyễn Hữu Dũng, dịch tác phẩm QUOVADIS của nhà văn HENRYK SIENKIEWICZ, giải thưởng Nobel văn học 1905. Tác phẩm này viết về thời kỳ cổ đại La Mã.

Một chi tiết nữa cũng không kém phần lý thú, hai nhà văn Ba Lan, hơn kém nhau đúng một tuổi. SIENKIEWICZ sinh năm 1846, còn BOLESLAW PRUS sinh năm 1847.

Và hai dịch giả Việt Nam tuổi cũng chỉ chênh nhau có vài ba năm.

Cả hai dịch giả này đã chuyển dịch khá nhiều tác phẩm văn học tiêu biểu của Ba Lan sang tiếng Việt. Họ thực sự là sứ giả văn hóa, là chiếc cầu nối giữa hai nền văn hóa Ba Lan – Việt Nam. Lại nữa, cả hai nhà văn này đều được đích thân Tổng thống Ba Lan trao tặng Huân chương công trạng.

Vài lời nói thêm này, nhằm khẳng định sự nghiệp văn chương của nhà văn Lê Bá Thự có bề dày đáng kính. Và “Tôi và làng tôi” là một điểm son đáng trân trọng.

Hà Nội, tháng Vu lan 2018

HQH