Tạp văn
A dua. Nghe như tiếng Tây phiên âm. Nhưng không phải tiếng Tây, cũng chẳng phải tiếng Việt. Tra từ điển Hán – Việt, té ra tiếng Tàu: Chữ A – 阿 có nghĩa là dựa vào, nhờ vào, hùa theo; chữ Dua – 谀 có nghĩa là nịnh. Đã có ý dựa dẫm tất phải lấy lòng. Để lấy lòng, có gì hơn nịnh? Để nịnh có hiệu quả, có gì hơn hùa theo? Không nịnh, không luồn cúi đâu phải kẻ tận trung (!) có họa dở người mới cho dựa dẫm. Nịnh lấy hùa theo làm kim chỉ nam. Hùa theo lấy luồn cúi làm công cụ. Hùa theo quyết định chất lượng và hiệu quả của nịnh. Trong đám dụng cụ may vá của phụ nữ, người ta có hẳn một bộ kim khâu các cỡ. Nịnh cũng vậy, có hẳn một bộ, khí chất nào triển khai kiểu nịnh ấy. Kẻ tỵ hiềm thóc mách thích kiểu nịnh hót. Kẻ có tâm tính thẽ thọt vuốt ve chiều chuộng ưa kiểu nịnh nọt. Kẻ vô sỉ trợn trạo nhâng nháo khoái kiểu nịnh thối. Kẻ đầu óc quá thô sơ dùng kiểu nịnh lấy được. Kẻ mang bẩm chất nô lệ tất chọn kiểu nịnh bợ ... Gần đây, thay cho chữ nịnh, người ta dùng chữ nâng bi (Hình như chữ nhập nội từ phương Tây); ý tục hơn, nhưng nghe thanh hơn và sát với thực tế trực quan sinh động hơn. Thời chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước, trong câu chuyện tán dóc của các mẹ bổi khi cấy lúa làm cỏ ngoài đồng và các mẹ sồn sồn lúc sản xuất hàng hóa vật dụng trong nhà xưởng hợp tác xã thủ công nghiệp, vẫn thấy dùng thành ngữ “Nịnh l... bà lắm nạc”. Tục đấy, nhưng đích đáng đích thị, nhưng xả láng cuộc đời theo phong cách “không quần ra đứng đầu làng trông quan”. Có lẽ nó cũng na ná thành ngữ “Khen phò mã tốt áo”, “Khen Trung quốc đông người”. Có thể phân loại đây là kiểu nịnh ngu. Kẻ bốc nịnh kiểu này rất thích hợp với những chân sai vặt, cũng có cái được việc của nó.
Theo quan niệm âm dương ngũ hành, dựa dẫm và nịnh có lẽ đều thuộc hành mộc, nhóm thực vật dây leo, và mang tính âm. Bộ đôi này là một kết hợp ngoại lệ, vuột khỏi tầm kiểm soát của luật Nhị nguyên đối kết - Một mô thức kết nối bền vững giữa âm và dương, bao trùm và xuyên suốt mọi tổ hợp cấu trúc trong đại tự nhiên. Mọi kết hợp thuần âm, thuần dương đều dẫn đến tình trạng ổn định thái quá, phi tự nhiên, không có mâu thuẫn và, do đó, không thể hoài thai cái mới; bắt trước theo lối nói của các học giả thì kiểu kết hợp này: Vi phạm luật biện chứng, triệt tiêu tính sáng tạo. Đến đây, các luật khách quan, vốn có chức năng quán xuyến, uốn nắn, điều chỉnh toàn bộ sự vận động của tự nhiên, đành phải phát huy tác dụng, đích thân xử lý sự tắc ngẽn này. Phương pháp xử lý là cấy chủng tử dương vào hỗn thể thuần âm. Sự kết hợp thuần âm không thể bền, nhưng bù lại, nó có đặc tính không ngừng lặp lại với một tần suất bền bỉ đến kinh ngạc.
Đến đây, chợt hiểu: A dua khởi thủy là hoạt động cộng sinh bầy đàn, về sau được một bộ phận không nhỏ con người sống trong các hình thái xã hội sau xã hội cộng sản nguyên thủy nâng cấp thành những hoạt động, tính chất, trạng thái cầu lợi. Bộ phận không nhỏ này thuộc “thể loại” có tư chất mặc cảm nhỏ bé và chỉ có sức mạnh đầy đủ, tự tin đầy đủ khi nào có cả một tập thể[1], một thế lực bên nó.
Ông người Đức Immanuel Kant bảo: Khi luồn cúi người khác thì bản thân kẻ được luồn cúi cũng chẳng ra gì, bởi cả hai đều chà đạp nhân phẩm. Câu này được nhiều người hoan nghênh, họ gọi ông là nhà triết học lớn. Bộ phận không nhỏ khác thì không bằng lòng, họ rỉ tai nhau: Phát biểu như thế, ông Kant chưa phải kẻ thiệp đời; đến mấy chữ ấm vào thân còn chưa thủng, nói chi đến việc hiểu đời, làm sao có thể trở thành nhà triết học?
Trong ngôn ngữ Việt, a dua là chữ mượn. Mượn, vì chúng ta không có. Phải chăng, trong tâm thế hành xử, người Việt không có loại tính trạng này? - Yên tâm đi, về khoản này, hoàn toàn có thể tự tin rằng, ít nhất, ta không hề thua kém người hàng xóm Phương Bắc kính mến của mình.
Vật chất có trước, tinh thần có sau. Con người trông thấy mặt trời trước khi đặt cho nó một cái tên thật lãng mạn: Vầng Dương. Lấy tên con của người đặt tên cho con mình vẫn còn hơn chẳng biết gọi nó là gì. Từ đó, lan man tiếp, thoát Trung quyết không thể là một sự phủ định thuần cơ (học), một cú nhấn Delete all/xóa ráo. Phát xít Nhật là độc ác xấu xa nhưng quạt máy Nhật vừa mát vừa êm vừa bền vừa đẹp vừa ăn ít điện vừa không đắt. Phủ định tính phát xít và học cách chế tạo quạt máy là hai việc hoàn toàn khác nhau, ngoại trừ một điểm nhỏ: vô cùng hệ trọng. Người Nhật đả đảo hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki nhưng lại nồng nhiệt hoan nghênh khoa học công nghệ, kỹ thuật chế tạo, tinh thần giản dị, phong cách thực dụng và những đồng vốn đầu tư từ kẻ đã từng nếm mùi thảm họa Trân Châu Cảng. Từ một gã lùn nhiễm phóng xạ nặng, xơi quả knock out vào phút chót, Nhật Bản đã vươn vai thành chàng khổng lồ lừng lững, xa lánh công nghệ a dua. Nếu có chê, chỉ chê cái anh Nhật này ở chỗ mắc bệnh sĩ, thứ bệnh của những kẻ mê mải đọc sách. Hơi lỗi một tý đã tự dằn vặt cắn rứt, rồi gập người, rồi cúi đầu, rồi chẳng đợi nghị viện xuống tay “chặt chém”, nằng nặc xin từ chức. Nếu lương tâm của người Nhật mang hình hài cụ thể, hẳn làn da màu vàng không hề dùng kem dưỡng của cái hình hài ấy sẽ phải mang nhiều vết răng lắm.
Điều gì khiến ta phải tự ti? Điều gì khiến ta sinh rụt rè? Không ít trường hợp, tự ti và rụt rè còn sinh ra thói ghen tỵ, đố kỵ, xăm soi, tọc mạch và độc ác. Đến bậc siêu việt như cố đại văn hào người Nga F.M. Dostoievsky cũng phải thốt lên: “Mỗi người lại ghen tỵ cho nhân cách của mình đến mức họ ra sức cố gắng để cốt sao thóa mạ và dìm dập nhân cách của những người khác và khẳng định cuộc sống của mình trong đó. Thế là xuất hiện chế độ nô lệ, thậm chí là chế độ nô lệ tự nguyện: Những kẻ yếu thế sẵn sàng phục tùng những kẻ mạnh, miễn sao để kẻ mạnh giúp cho họ đè nén những kẻ yếu hơn”.
Nếu coi A dua là một “môn phái”, thì môn phái này khá câu nệ trong việc thu nạp đệ tử. Vì bản chất của môn phái là dựa dẫm, xu nịnh và hùa theo nên nó chỉ có thể dung nạp những hạng tùy nhân lấy việc phục tùng không quan tâm đến hậu quả làm lẽ sống, có bản lĩnh tàn độc, có bẩm chất láu cá và năng lực thiết kế tiểu xảo cao. Thợ xăng chết bó chiếu, người diệt cỏ đôi khi chết vì thuốc diệt cỏ. Dùng con dao hai lưỡi cũng không hẳn là an bình.
Sự hùa theo tìm đến cửa của những kẻ đang phất, thổn thức thành kính hạ đặt lâu dài một lẽ sống, một tình cảm a dua thuần khiết, khả tín và vô cùng khả ái. Triển khai tốt, được thu nạp, liền được người đời xem là kẻ thuộc bè này thế lực nọ, thuộc trường phái này tư tưởng kia và như vậy, ít nhiều, tùy nhân này đã mang trên mình sắc thái của một cá thể có “chủ kiến”. Người có chủ kiến dễ được xếp vào hạng đàng hoàng, mạnh bạo; hơn thế, còn được thiên hạ bình chọn là hạng khôn ngoan, có giáo dục, có khiếu thẩm mỹ chính trị, khiếu thẩm lợi thời thế cao và được người đời vị nể; chí ít cũng ngại, sợ, chỉ dám đứng nhìn từ đằng xa. Nhìn từ xa chỉ thấy lờ mờ. Lờ mờ là trạng thái khiến Lý Thông và Thạch Sanh đều trở nên lung linh kỳ ảo. Lờ mờ là môi sinh tốt, là tổ ấm của những sự mập mờ, ỡm ờ và nhập nhằng.
Sẽ rất thời thượng và không bị lạc lõng nếu ta mặc bộ đồ mà khi ra đường dễ dàng nhận thấy chúng được khoác trên phần xác của rất nhiều người. Sẽ rất an bình khi ta chỉ nói những điều được nhiều người nói tới.
Trong bài viết Vật thể lạ thành vật thường dùng, nhà văn Hồ Anh Thái khuyên nhà văn cũng nên tránh những ngôn từ bị đại chúng hóa, dùng ra rả trên phương tiện thông tin đại chúng, dùng đến mòn rách như xơ mướp, như thẻ bị quẹt mòn mã vạch. Và ông cho rằng cái gì được đám đông truyền tụng tấm tắc đều tiềm ẩn trong nó sự a dua đáng ngờ. Rất nhiều người đồng tình với suy nghĩ này. Bởi, thực tế, người dân luôn nghĩ nhà văn, nhà chính trị, nhà nước, nhà đài, nhà báo ... đương nhiên là chuẩn mực về văn phạm trong các phát ngôn truyền tải, và do đó, yên tâm mà học theo. Nhưng cũng không ít người chép miệng: Dào ơi, vẽ! Đã làm gì có bộ luật tố tụng hình sự nào đề cập đến tội danh cả nhiều triệu người cùng khoác trên người một kiểu thời trang, cùng phát biểu một ý hoặc cùng hoan hô đả đảo theo một hiệu lệnh tế nhị nào đó? Và chưa thấy quốc gia nào bắt bỏ tù cả nhiều triệu người một lần. Diện tích nhà tù không thể coi là biến số chặn trên. Kho thực phẩm nuôi tù nhân lại càng không thể là cái niêu Thạch Sanh.
*
Đắm mình trong không khí phấn khởi chung của cuộc sống vật chất xã hội đang được cải thiện, nếu ai đó tự thể hiện sự cao quý, lạnh lùng tuyên bố: “Độ này tôi đâm sợ cao lương mỹ vị” thì lập tức kẻ đó sẽ trở thành người đáng kính. Và nếu người đáng kính đó đang là ngôi sao, bất kể trong lĩnh vực show-bit, chánh trị, giáo dục, thông tin đại chúng, thông tin tiểu chúng ... hay hàng hải, giao thông, điện lực, dầu khí, ngân hàng vân vân thì, roẹt, các nhà chép sử sẽ lập tức ghi âm chất lượng cao câu nói đó. Để làm gì? Để đưa cho con ông ta, rồi con truyền cho cháu, cháu trao cho chắt ... để chúng làm bằng chứng hùng hồn sắc bén, hạ gục tất cả những kẻ nào, trong tương lai, dám không thừa nhận tính ưu trội phi thường về năng lực hấp thu của cải xã hội của cái thời mà một số cụ thế hệ ngũ đại tứ đại tam đại của chúng đã oanh liệt và huy hoàng trải qua.
Chú Sắc tôi là người sống ở quê, đã từng bị Thực dân Pháp bắt bỏ tù vì tội trèo lên cây đa đầu làng, bắc loa[2] tuyên truyền cho Việt Minh. Trong những năm khó khăn đói kém nhất của cái thời chưa có Khoán 10, gia đình chú tuyệt đối chưa bao giờ phải sống trong cảnh thiếu thốn. Tài. Một lần về quê ăn giỗ, trên đường từ đám giỗ về nhà, cụ bảo tôi: “Ngày trước gia đình chú sống vất vả chật vật lắm, ơn bác Kim Ngọc, ơn trên, từ ngày có Khoán 10, đời sống đã khá hơn, gia đình chú tạm thời không còn bị thiếu thốn nữa. Bây giờ, mỗi khi đi đình đi đám, nếu người bên cạnh có quý hóa mà tiếp cho miếng thịt, chú hãi lắm nhưng vẫn phải làm mặt vui vẻ, cố nuốt, kẻo lỡ ra sau này không có mà ăn, rồi người ta lại cười cho”. Bài học này tôi đã khắc cốt ghi tâm và đang quyết liệt forward, chuyển tiếp cho các con của mình. Đấy là một cách hành xử đẹp của người từng trải; nhưng, quái lạ, chẳng thấy ai hùa theo.
Trong thiên tiểu luận Chuyện Miếng Ăn, có một đoạn ngài Mạc Ngôn viết thế này, xin chép ra đây để chia xẻ với những độc giả vì quá bận bịu mà chưa kịp đọc: “Tôi sinh năm 1955, đó là thời đại hoàng kim đầu tiên của nước Trung Hoa mới. Theo các cụ già kể lại thì vào thời đó vẫn còn được ăn chắc dạ. Nhưng cảnh tươi đẹp đã kéo dài không lâu, rất nhanh chóng đã bước vào thời kỳ Đại nhảy vọt. Nhảy vọt một cái là bắt đầu phải nhịn đói. Việc đầu tiên tôi còn nhớ được là theo mẹ đi ăn cơm bếp tập thể. Mang theo chậu với cóng đi. Người ở mấy thôn, chen chúc cả vào một chỗ để xếp hàng, được nhận một ít cháo loãng, gạo thì ít, rau thì nhiều, rất ít khi có lương khô. Tôi nhớ là có một thằng bé ở cạnh nhà tôi đánh rơi cóng cháo xuống đất, cóng thì vỡ, cháo đổ hết ra ngoài. Mẹ đứa bé vừa đánh nó vừa khóc. Đứa bé đó quát lên: Kìa mẹ, đừng đánh nữa, mau húp cháo đi! Nó mặc cho mẹ đánh, nằm xoài ra đất, lè lưỡi ra nếm lấy ít cháo đổ trên mặt đất. Nó bảo mẹ nó: Kìa mẹ uống mau đi! Uống được tí nào hay tí ấy! Mẹ nó nghe nói vậy, cũng đâm bắt chước, quỳ hai gối xuống đất, vục đầu liếm cháo. Tất cả mọi người ở đó ai cũng khen thằng bé thông minh, đều dự cảm rằng thằng bé sau này sẽ có tiền đồ ghê gớm lắm. Quả nhiên nhân bảo như thần bảo, cái thằng bé liếm cháo năm xưa ấy, giờ đây đã trở thành người giàu nhất làng tôi. Cậu ta làm giàu bằng cách nuôi côn trùng. Nuôi bọ cạp, nuôi ve sầu, nuôi sâu đậu đem bán cho các khách sạn và nhà hàng của cơ quan với giá cao. Cậu ta thấy rõ những cái mỏ khoét của những kẻ có tiền và những kẻ có quyền ngày càng nhọn, khẩu vị càng ngày càng điêu, bọn họ từ chối thịt cá, thích ăn những món kỳ dị mới lạ, như một con chim nhỏ đáng yêu. Ánh mắt chính là tiền bạc. Cậu ta bảo bước sau sẽ huấn luyện cho những người sang (trọng) ăn sâu của quả bông. Tôi thì đồ rằng, sớm muộn gì, Cậu bé đó cũng sẽ viết một cuốn sách “mang tựa đề”: LỢI ÍCH KHÔN LƯỜNG CỦA VIỆC AM HIỂU KHOA A DUA HỌC ẨM THỰC. Rồi cậu ấy lại thu bộn tiền.
Người đời bảo làm cái anh đàn ông, không nghiện hay không ham mê một thứ gì (sách, nhạc, phim ảnh, du lịch, thể thao ... kể cả những thứ gây hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu bia ...) thì quả là người nhạt nhẽo. Thế thì chiều chiều lên xe với một bộ dụng cụ chơi tennis hàng hiệu, chỉ cần bạn bè, người quen trông thấy là ta đã trở thành dân đam mê quần vợt thời thượng rồi, có ai đến đấy mà biết ta chơi dở hay không. World cup ở Brazil ư? Hơi đâu mà chòm chõm, thấp thỏm chầu chực đến 3 giờ sáng để xem mấy trận tứ kết làm gì cho mệt thân. Trước khi đi làm chỉ cần lướt qua mấy trang web là đã có đủ những thông tin cần thiết để có thể rôm rả góp với đồng nghiệp ở chỗ làm những lời bình luận vừa nóng hổi vừa sắc xảo rồi. Ai bảo ta không tâm huyết với nền bóng đá nhân loại như những fan sành bóng đá nào? Còn lâu mới nhạt nhẽo nhá! Chỉ chán một nỗi, quái, phần lớn các bình luận của họ cũng nóng hổi, sắc bén chẳng kém gì ta. Điều an ủi là mấy cậu thanh niên đang tập sự trong cơ quan lại hết lời khen ta: Anh có nhiều phẩm chất của người làm chính trị ở những nước phát chiển, cố lên! - Lời khen cũng là một thứ vốn liếng vô hình quý báu, có thể có được mà không hề tốn kém như những khoản chi trong trương mục đầu tư cơ hội.
*
Đạt được quyền lực chính danh thường là hạng thông minh, quả cảm; cao hơn nữa, luôn đứng về phía kẻ yếu. Có ai a dua với kẻ yếu không? Trợn mắt coi khinh ngàn lực sỹ, khom lưng làm ngựa các nhi đồng chỉ là tâm thế của những bậc hào kiệt. Người có tâm thế đó cầm chắc cái vất vả, hiểm nguy mà chẳng mấy khi được “ấm vào thân”.
A dua cũng là một thứ phép màu, nhiều khi dìu kẻ bần tiện phú tiện dần lên những nấc thang quyền lực. Cây cọ của Leonardo da Vinci trao vào tay người thường thì sẽ tạo nên một thợ sơn. Thợ sơn tồi bôi bẩn vật dụng, nhà cửa. Bộ dao cầu của Hải Thượng Lãn Ông trao vào tay hạng “Bẩm cụ bây giờ thì thối lắm ạ” thì dụng cụ làm thuốc cứu người sẽ thành cái máy chém. Ngông cuồng, tự mãn (khí tiểu dị doanh/kẻ nhỏ nhen dễ thỏa mãn), cậy quyền, ỷ thế, thủ ác, thương mại hóa mọi giá trị, biến giá trị thành vô giá trị và ngược lại, gây loạn tiền loạn danh loạn đạo ... là kết cục tất yếu khi a dua lên ngôi, lúc quyền lực được trao vào tay những hạng tùy nhân uốn éo.
Ở đâu có a dua thì ở đấy phong trào bè cánh lên cao, có đấu đá, có chà đạp, có vườn ươm cái ác, có sự khinh miệt và sự quyết liệt triệt hạ tính thiện, có sự đau đớn ấm ức của lòng ganh ghét, có cái cười hả hê của sự đố kị. Khi a dua thắng thế, tính ác được diễn đạt là sự “cứng rắn của kẻ làm việc lớn”, lòng nhân ái bị phỉ báng như một thứ ủy mị rẻ rách đáng thương.
Trong lịch sử nhân loại, sự lên ngôi của a dua bao giờ cũng là triệu báo gở cho một thời đại đã quá bê tha. Nhưng, ngược lại, có tâm thành ý sáng thì tình hình sẽ khác; Pyotr Đại đế - nhà cải cách kiệt xuất - đã chế ra bài thuốc cải lão hoàn “thanh xuân” cho một nước Nga bảo hoàng, lạc hậu và già cỗi. Đồng khí với Pyotr Đại đế, nước ta cũng từng có Nguyễn Trường Tộ, nhưng tiếc thay, nhà Nguyễn không chịu dùng bài thuốc của ngài, đành để con cháu ngậm ngùi đứng dưới đất mà xót xa, mà ngẩng mặt xuýt xoa chiêm ngưỡng Nhật bản, người cùng thời cùng cảnh ngộ với mình, bay vút lên những tầng mây sáng lành.
Điều vô cùng đáng ngại và tai hại là ta rất dễ nhầm lẫn sự a dua với tính đoàn kết; nết thô lỗ với tính quần chúng; thói xoi mói tọc mạch với sự quan tâm; chứng đố kỵ với lòng phẫn nộ cao quý; sự hằn học tối tăm với lòng căm thù, khinh bỉ (thái độ yêu ghét quang minh). Thời thuộc Pháp, nhiều kẻ có quyền lợi cá nhân gắn liền với chế độ bảo hộ cùng những kẻ đang khao khát thiết lập quan hệ a dua với quan chức bảo hộ hoặc những kẻ bản địa đầu óc vốn luôn thiếu vắng sự tư duy đã từng bôi nhọ các nhà cách mạng bằng hai chữ hằn học vì những nhà cách mạng đã thẳng thừng vạch trần toàn bộ sự thối nát của chế độ phong kiến-thuộc địa với thực trạng ngu dốt, tự mãn, ăn cắp tiền thuế như ranh, tham nhũng như giặc, ức hiếp và khinh rẻ, coi người dân như cỏ rác ...
Chúng ta cũng hay nhầm lẫn sự sâu sắc, điềm tĩnh, hướng thiện với thói hèn yếu khoác bộ cánh đại nhân, lẩn tránh hiểm nguy, láu tôm láu cá giữ lấy chữ an cho riêng mình để rồi tọa hưởng kỳ thành trên mồ hôi xương máu của bao người; ta cũng hay lẫn lộn giữa đấu tranh với đấu đá, tranh đấu với tranh giành, lòng thủy chung với nết bảo thủ, đảng phái với bè đảng, ê kíp với bè cánh...
*
Vị ngọt của nịnh cũng thật lạ, thật quyến rũ, thật khó chống đỡ. Có vẻ, ít nhiều, ai cũng ưa nịnh, thậm chí, không loại trừ cả những người tốt. Kẻ thông minh thì cũng là con người. Hình như càng thông minh càng ưa nịnh. Mức độ ưa nịnh của kẻ thông minh, trong một khoảng biến thiên nào đó, tỷ lệ với cường độ được nịnh. Nhưng khi phẩm chất thông minh vượt qua một ngưỡng nhất định thì họ trở nên nhậy cảm và khinh ghét thậm tệ cái thứ gọi là a dua, chẳng khác đồ thị của hàm số f = -1/x được vẽ trên hệ tọa độ Đề các, có trục tung biểu diễn khoái cảm thẩm nịnh, trục hoành biểu diễn mức độ xu nịnh của những kẻ a dua quanh họ và tập khởi (miền xác định) gồm những giá trị từ -∞ đến +∞. Điểm 0, gốc tọa độ, chính là cái ngưỡng; tại đây, mức khoái cảm thẩm nịnh từ +∞ nhảy phắt sang mức -∞.
Lý Bạch bên Trung hoa là bậc thần thơ, vậy mà ngài Mạc Ngôn nhận xét: Ông ta (Lý Bạch) đã phải cúi mặt khom lưng để phụng thờ bọn quyền quý, viết ra những câu thơ rợn người như “mây muốn áo quần, hoa muốn đẹp” để xoa mông ngựa cho vợ bé của vua, với ý định nhờ đó để kiếm lấy tý quan mà làm. Tiếc rằng nhà vua lại không chịu thua kém ông ta, chỉ ban cho chức quan hàn lâm mà phục dịch, không có chức mà cũng chẳng có quyền, cũng chỉ như một bầy tôi vậy thôi[3].
Thoạt đầu đọc lướt, cứ nghĩ đấy là xoa mông vợ bé của vua. Ngông. Ngông rách trời. Sau lại giật thót mình: Sao ông ta khinh xuất thế? Xoa mông vợ anh nông phu còn e bị xơi đòn gánh, huống hồ... Đọc lại, thở phào ... té ra lại là xoa mông ngựa cho vợ bé của vua. May. Từ mông ngựa đến mông vợ bé của vua vẫn còn xa. Giời ạ, người đọc không có cách gì hãm được một cơn cười, vừa cười ngả ngiêng vừa thọc tay vào túi quần rút mùi xoa, phòng khi nước mắt bất đồ ứa ra, vào hùa với Lý tiên sinh, bôi nhọ khí phách nam tử đại nhân hào hùng thăng tiến. Cay đắng đấy, nhưng kín đáo.
Thuở thái bình thịnh trị nhà Hậu Lê. Một lần đi chơi thuyền cùng bá quan, vua Lê Thánh Tông vờ say rượu, ẩy Lương Thế Vinh rơi tòm xuống sông, rồi phớt lờ, cứ tiếp tục cho chèo thuyền đi. Vua chẳng ngờ được, khi rơi xuống sông, Vinh lặn một hơi mất hút, đến một chỗ vắng lên bờ ngồi núp vào một bụi cây. Thánh Tông chờ mãi không thấy Vinh trồi lên, mới hoảng hốt, cho quân lính nhảy xuống tìm vớt, nhưng vị quan hay thơ giỏi toán sành nhạc kia thì sau khi kiếm được một mảnh sành, đưa lên chà nhẹ vào trán rồi ngồi rung đùi trong bụi cây. Vua, thót người ân hận vì lối đùa nhả của mình, đang chỉ chực khóc, thì tự nhiên thấy Vinh từ dưới nước ngóc đầu lên, lúc lắc đầu mà cười, cười vui. Lên thuyền rồi, Vinh vẫn còn cười. Thánh Tông ngạc nhiên gặng hỏi, mãi, Vinh mới tâu: "Thần ở dưới nước lâu là vì gặp phải một việc kỳ lạ. Thần gặp cụ Khuất Nguyên, cụ hỏi thần xuống làm gì? Thần nói dối là thần chán đời muốn chết. Nghe qua, cụ Khuất Nguyên trợn tròn mắt, mắng thần: "Mày là thằng điên! Tao gặp Sở Hoài Vương và Khoảng Tương Vương hôn quân vô đạo, mới dám bỏ nước bỏ dân trầm mình ở sông Mịch La. Chứ mày đã gặp được bậc thánh quân minh đế, sao còn định vớ vẩn xằng bậy?". Thế rồi cụ đá thần một cái vào trán, thần mới về đây!". Vinh vừa nói vừa đưa tay trỏ vào vết xước trên trán mà vờ nhăn nhó. Thánh Tông nghe xong, biết là Vinh nịnh khéo mình, nhưng cũng rất hài lòng, thưởng cho rất nhiều vàng lụa. Một giai thoại vui, nhưng vẫn phảng phất chút vị đắng cay ... tinh tuyển. Đạo lý “có đắng cay mới có ngọt bùi” là vậy sao? Rốt cục, Cam khổ tương hàm cũng chỉ là một cách diễn giải cụ thể cái đạo lớn nhất của trời đất: Âm dương tương hàm.
Thành ngữ “Đời là bể khổ” chắc được tạo ra dựa trên những câu chuyện có thực.
“Sống gửi, thác về” có lẽ là lời động viên nhân ái nhất của sự bất lực. Câu dỗ dành con nhỏ: “Nín đi, chóng ngoan, rồi u nói với thày hái mấy ông sao trên giời xuống cho em chơi (!)” đã cho thấy sự hiểu biết lẽ đời vô cùng sâu sắc của các bà mẹ xứ ta.
Đức Chúa trời dùng vật chất để tạo ra con người và nuôi dưỡng, phát triển con người.
Phật gia lại khuyên chúng sinh bốn chữ bằng lòng và buông bỏ.
Còn con người thì chưa biết đến bao giờ mới thôi sùng sục lặn ngụp trong cái bể trầm luân vĩ đại đầy những mâu thuẫn nhân sinh này?
2014
[1] Dấu về gió xóa – Tiểu thuyết của Hồ Anh Thái – Nxb Tuổi trẻ - 2012
[2] Một cái ống hình nón, gò bằng thứ tôn mỏng, giúp cho tiếng nói được truyền đi xa hơn.
[3] Tạp văn Mạc Ngôn – Nxb Văn học - 2005