Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÓ SỰ KIỆN GÌ HAY HO Ở NHỮNG TẾT ĐỘC LẬP ĐẦU TIÊN?

Nhà thơ Thạch Quỳ
Thứ tư ngày 5 tháng 9 năm 2018 3:05 PM


Kết quả hình ảnh cho Nhà thơ Thạch Quỳ

Nhà thơ Thạch Quỳ đọc lại những vần điệu cũ của ông Phan Duy Huệ (cậu ruột của nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu) viết trong giai đoạn làm Chủ tịch xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An sau ngày Quốc Khánh 2-9-1945: “Thú thật là những bài thơ này không được hay nhưng những sự kiện ông ghi lại thì rất đáng chú ý. Hóa ra là, những năm đầu cách mạng, Chính phủ không có gạo, không có tiền, mọi việc từ nuôi quân, nuôi quan, nuôi cán bộ đều phải dựa vào lòng yêu nước của các nhà giàu mà sau này, đến 1956 thì ta gọi họ là địa chủ rồi đấu tố bắn giết họ… .”.

Ông Phan Duy Huệ, hiệu là Mai Đình, đậu cử nhân dưới thời vua Duy Tân, năm 1945, cách mạng tháng 8, ông Huệ được cử làm Chủ tịch xã Quỳnh Đôi huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. ( Em gái ông Huệ này là người sinh ra ông Hồ Tùng Mậu mà các tỉnh thành trong nam ngoài bắc đều lấy tên để đặt tên đường phố, tức là ông Hồ Tùng Mậu gọi ông Huệ bằng cậu ruột).
Ông Huệ có để lại một tập thơ, trong đó có nhiều bài ông viết về các sự kiện xẩy ra trong thực tế khi ông làm Chủ Tịch xã ở những năm đầu cách mạng.
Thú thật là những bài thơ này không được hay nhưng những sự kiện ông ghi lại thì rất đáng chú ý.
Hóa ra là, những năm đầu cách mạng, Chính phủ không có gạo, không có tiền, mọi việc từ nuôi quân, nuôi quan, nuôi cán bộ đều phải dựa vào lòng yêu nước của các nhà giàu mà sau này, đến 1956 thì ta gọi họ là địa chủ rồi đấu tố bắn giết họ.
Theo thơ ông Chủ tịch xã Quỳnh Đôi ghi chép lại thì, ngoài việc vận động nhà giàu nuôi quân, chính quyền ta còn có sáng kiến là vận động toàn dân ĐẤU GIÁ ÁO CỤ HỒ.
Đấu giá áo Cụ Hồ là gì ?
Người ta treo ở đình làng, ở các chợ một cái áo, nói là áo của Cụ Hồ rồi cho toàn dân đấu giá. Cách đấu giá ở đây là : Ai có bao nhiêu tiền thì bỏ vào hòm đâu giá bấy nhiêu, cán bộ ghi chép lại. Sau một tuần hoặc một tháng thì công bố người thắng cuộc, tức là người đấu giá với số tiền cao nhất, còn tất cả những người khác coi như thua cuộc, không lấy lại số tiền mình đã đấu giá!
Sau sự việc ĐẤU GIÁ ÁO CỤ HỒ thì vận động nhân dân bán thóc giá rẻ, chính quyền lấy tiền ĐẤU GIÁ ÁO CỤ HỒ để mua thóc. Nói tóm lại là Chính quyền đã dùng chính sách "tay không bắt giặc", tay không mà có thóc, có tiền!
Tôi ghi lại để bọn tham nhũng hàng trăm hàng ngàn tỷ biết là ngày đầu cách mạng, nhân dân đã phải thắt lưng, bóp bụng, góp từng xu từng hào để xây dựng nên chế độ để cho họ cướp bóc, tham nhũng ở ngày hôm nay như thế nào?
Sau đây là các bài thơ của ông Chủ tịch xã

MUA ÁO CỤ HỒ
Áo Cụ, ai mua cứ đến mua
Cụ mà như mới biết đâu mồ
ước chi áo rộng như trời nữa
Trùm khắp ba kỳ được ấm no
Áo này đem bán cho người mặc
Ai đến mua thời Cụ bán cho!
MUA ÁO, BÁN LÚA
Cuộc đời mua bán cũng hay hay
Bán áo hôm qua, mua lúa nay
Lúa cứ từng lô, cân một mực
Áo không có giá, rộng hai tay
Ít nhiều tùy sức, không nài ép
Ấm lạnh theo thời cứ đổi thay
Mai mốt hoàn thành giành độc lập
Cơm no, áo ấm, sợ gì Tây!
CỤ HỒ MUA LÚA
Dạo này mua lúa để khao quân
Thư Cụ đưa ra hiếu khuyến dân
Chẳng kể ít nhiều, tùy sản xuất
Không nề đắt rẻ, quý tình chân
Cơm sôi tăng khí người ra trận
Gạo dã tan thây lũ thực dân
Góp lúa xây nên nền độc lập
Phản công thắng lợi chắc muôn phần!