Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÂN VẬT TRỮ TÌNH TRONG THƠ TRẦN NHUẬN MINH

Nguyễn Thị Thảo
Thứ năm ngày 13 tháng 9 năm 2018 4:08 PM




1 - CÁI TÔI KHẮC KHOẢI TRƯỚC HIỆN THỰC ĐỜI SỐNG

Là nhà văn có cái nhìn thấu đáo, toàn cục nên bức tranh đời sống trong thơ Trần Nhuận Minh đa diện, nhiều chiều, tất yếu cái nhìn của Trần Nhuận Minh về đời sống có tầm phổ quát. Ông đưa con mắt đến từng ngõ ngách để phơi bày mọi mặt đời sống xã hội, những điều ngang trái trước mắt thôi thúc ông viết. Nhà thơ thấy phải dùng ngòi bút “đánh thức” nhiều thành phần trong xã hội đang bị cuốn vào guồng quay thời cơ chế thị trường. Trần Nhuận Minh tỉnh táo trước ma lực của những cám dỗ lúc bấy giờ, vì tỉnh táo nên hẳn ông đau lòng nhất. Trần Nhuận Minh sợ nhất là những người cùng tầng lớp trí thức với mình trở nên thoái hóa, biến chất vì không đủ bản lĩnh vượt qua mọi cám dỗ dù là tầng lớp cấp tiến trong xã hội. Là một đảng viên từng đứng trong hàng ngũ Đảng vậy mà Tú Lão trước cơ chế thị trường đã suy nghĩ lệch lạc hẳn và sống buông thả, hưởng thụ: “Lão bảo Lão vừa xin ra khỏi Đảng/ Kệ xác sự đời những biến thiên/ Hằng ngày uống rượu và cười khẩy/ Lão chỉ quan tâm mỗi chuyện tiền (Tú Lão). Tại sao một đảng viên lại có thể bất chấp lương tâm, dửng dưng trước dư luận xã hội, chỉ để thỏa mãn những dục vọng bản thân như vậy: “Lão bảo cưới nhí về làm thiếp/ Tính Lão chẳng ưa việc lòng thòng/ Thuê hẳn hai hàng bình bịch/ Vừa đi vừa bắn pháo bông (Tú Lão). Đau lòng vì lão không giấu giếm những việc mà ai cũng thấy sai trái, mà lão như dương dương đắc ý để cả thiên hạ biết thú vui của mình. Lão hả hê, hài lòng với cuộc chống thực tại, bỏ bê gia đình, vợ con, mọi sự với lão giờ không còn ý nghĩa, chỉ xoay quanh “chuyện tiền”. Đồng tiền bẻ cong công lí, bóp méo nhân cách con người, Trần Nhuận Minh đã chỉ ra rất rõ, tiền là quan trọng nhưng không để thành nô lệ của nó.

Trần Nhuận Minh rất tinh tường, ông nhận ra sự giả dối hiện hữu khắp nơi, có khi là ngay cả với chính bản thân mình: “Đứa thì đêm lạy van người/ Ngày ngày vênh váo, coi trời bằng vung/ Đứa làm đạo diễn văn công/ Nỗi đau đời, giấu vào trong tiếng cười (Bạn chơi từ thuở khăn quàng đỏ). Hiện thực xã hội khiến con người trở nên lạnh lẽo vô cùng, miếng cơm manh áo đặt lên trên thảy mọi giá trị đạo đức. Ngòi bút của nhà thơ không hề né tránh hiện thực, dù hiện thực hôm nay có nhiều thay đổi, song vẫn còn những góc khuất, những mảng tối cần được nghệ thuật quan tâm tới. Đất nước thời hội nhập mở ra nhiều cơ hội đổi đời nơi đất khách quê người nhưng kéo theo đó là mặt trái của nó. Đến với bài thơ Cụ Chiến tiễn cháu gái đi giúp việc gia đình ở nước ngoài ta cũng thấy xuất hiện yếu tố cốt truyện như trong tác phẩm tự sự. Câu chuyện xoay quanh sự kiện cháu gái của cụ Chiến chuẩn bị đi giúp việc. Để được lên đường, đứa cháu phải trải qua lớp học với những công việc cơ bản như: “Cháu đã qua lớp học/ Tập lau nhà, thùa khuy/ Tập hầu cơm ông trẻ/ Đưa tăm cháu phải quỳ”, (1) thậm chí phải: “Tập ăn thừa dưới bếp/ Tập khóc chẳng ai hay( 1). Cuộc đời cụ Chiến từng là chứng nhân những năm tháng đau thương, tủi nhục nhưng bất

-----------------------------------

(1 ) vì ông chủ trẻ ngồi chiếu ăn cơm – những chi tiết trên đều lấy ra từ nội dung bài giảng cho các cô đi lao động giúp việc nước ngoài – Nhóm Biên soạn - NBS).

khuất của dân tộc trong vòng nô lệ. Giờ đây, cụ lại xót xa trước nỗi niềm đứa cháu gái tội nghiệp sắp bươn trải trên đất nước người: “Bài học thời mất nước/ Ai ngờ dùng hôm nay”. Cụ từng kinh qua bao trận mạc, chiến thắng bao kẻ thù nhưng giờ bất lực không thể giúp gì đứa cháu gái phải tha phương cầu thực, bơ vơ nơi xứ người, hòa bình rồi nhưng việc duy trì miếng cơm manh áo thì lại muôn phần gian khó: “Ba mươi năm đánh giặc/ Ngẩng đầu trong đạn bom/ Đói nghèo run tay gậy/ Cụ đứng bên đường mòn. Hẳn nhiều người có trách nhiệm sẽ phải ân hận, day dứt bởi đã có lúc để cho những người từng làm nên chiến thắng phải rơi vào tình cảnh bi thương như thế này. Cuộc sống khốn khó ở quê nhà khiến nhiều người ôm giấc mộng đổi đời, nhưng cuộc sống nơi xứ người chưa bao giờ là dễ dàng, cô gái nông dân chất phác, hiền hậu, Trên sân bay quốc tế Seremechevô là một thực cảnh đau lòng: “Mấy ai thương đến kẻ nghèo/ Tấm thân đầy đọa đến điều…chưa xong. Những người phụ nữ thường cam chịu và chỉ mong cuộc sống bình lặng sau lũy tre làng, nhưng ở đây, người phụ nữ này hẳn không thể tiếp tục bám trụ ở quê nhà nên mong muốn một cuộc đổi đời để thoát khỏi kiếp cơ hàn vây bủa: “Tưởng rằng hết kiếp ngựa trâu/ Nào ngờ lại thấy trên đầu dùi cui”. Vì vuộc sống mưu sinh, họ đã dấn thân vào con đường đầy gian truân, bươn trải ngược xuôi, và phải đối mặt với những nghiệt ngã, phũ phàng. Hiện thực đời sống thúc bách nhà thơ phải nói, phải viết để phơi bày, cảnh tỉnh. Tất cả những gì hiện hữu xung quanh cuộc sống mà bất bình Trần Nhuận Minh đều lên tiếng. Ông đòi công bằng cho những người thợ mỏ vất vả hằng ngày vùi thân dưới quặng than, thậm chí đánh đổi cả tính mạng vào những vỉa than mà không đảm bảo cuộc sống: “Bụi than bay mờ mịt công trường/ Rồi đọng xuống đen rầm/ Từng nang phổi hàng ngàn thợ mỏ”. Ông khắc khoải lo âu cho cuộc sống những người thợ mỏ mà mình gắn bó, thấu hiểu hơn ai hết. Hay sự đau đớn khi ông chứng kiến một cháu bé đói quá ăn cắp cái bánh mì, mà người lớn vả vào miệng cháu đến rơi cả răng ra: “Cướp một miếng ăn mà bị xử đến mức này/ Với trẻ con sao các người ác thế/ Không ai vô can khi một em bé/ Đến ngày hôm nay vẫn còn đói bánh mì (Bài thơ không định viết). Chứng kiến cảnh ấy nhà thơ “không định viết” nhưng trái tim bao dung, nhân ái thôi thúc ông viết để giãi bày những bất công đầy rẫy giữa cuộc đời: “Người chẳng bao giờ ngần ngại/ Cấp rượu thịt/ Cho những cái bụng quá no/ Ban rét mướt/ Cho những tấm lưng trần (45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh). Nhà thơ trăn trở trước những điều ngang trái mình chứng kiến ở đời, ông than trách ông trời ăn ở không cân. Trong bài thơ Tự thuật nhà thơ đã bày tỏ nỗi trăn trở: “Viết được một câu thơ trung thực với Nhân Dân/ Tôi đã đi qua bốn mươi năm bão táp/ Cả xã hội diệt trừ cái Ác/ Cái Ác vẫn ngang nhiên cười nói giữa đời”. Sống giữa thời buổi vàng thau lẫn lộn, nhiều giá trị truyền thống đảo điên trước giá trị vật chất, ông thấy mình phải viết để mọi người thấy điều không phải mà tránh xa. Tại sao có thể xã hội hôm nay lại lắm điều lệch lạc đến vậy: “Trước cần lí lịch tốt/ Giờ cần có lắm tiền” (Gửi bác Vương Liên), hay: “Trí khôn bây giờ/ Nằm trong các hầu bao (45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh). Trang thơ của Trần Nhuận Minh viết nhiều về ma lực của đồng tiền với đời sống con người khi những giá trị vật chất lên ngôi: Tiền bạc và Đức tin/ Đến bây giờ lại là con một Mẹ...” (45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh). Trái tim luôn lo lắng cho đời, thổn thức trức những biến thiên khôn lường của xã hội đã cất tiếng răn đe, cảnh báo con người trước cơn bão suy đồi: “Em mặc quần bò/ Đi xe Pho/ Nghe nhạc Rốc/ Nói tiếng Anh và mi mắt đẫm son Hàn/ Tim em đập ở thị trường Chứng khoán (45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh). Văn hóa nước ngoài du nhập, bên cạnh tiếp thu những tư tưởng tiến bộ mặt trái của nó không phải ai cũng đủ tinh tế nhận ra. Tâm lí sùng ngoại, lối sống phóng khoáng không phải là biểu hiện của sự giàu sang như nhiều người lầm tưởng mà là sự trượt dốc, tha hóa, mai một những giá trị truyền thống, hồn cốt dân tộc. Mọi sự biến thiên đều mang lại cho nhà thơ dự cảm xót xa: “Làng tôi thành quán lâu rồi/ Bún gà, lòng lợn... cứ xơi suốt ngày/ Hàng Tàu cho đến hàng Tây/ Hàng nào cũng có... phơi ngay ra đường (Làng tôi thành quán). Sự xói mòn những giá trị đạo lí truyền thống đang len lỏi vào từng ngõ ngách ở mọi vùng quê.

Trần Nhuận Minh từng tâm sự trong một bài báo: “Một xã hội tốt đẹp là một xã hội làm cho bất cứ người nào cũng bộc lộ được sự nhân ái của mình. Không muốn nhân ái cũng phải nhân ái. Tôi mong ngày đó đến mau hơn”. Nó là mong ước của ông, là điều ông luôn đau đáu, cho nên đọc thơ Trần Nhuận Minh chúng ta thấy một nỗi niềm khắc khoải, một mong muốn nhân văn là con người có thể dùng tình yêu thương, nhân ái để xây dựng xã hội.

2 – CON NGƯỜI THỜI HẬU CHIẾN

Chiến tranh đi qua nhưng di chứng mà nó để lại vẫn âm ỉ trong lòng mỗi gia đình và vẫn là vấn đề nhức nhối chưa được giải quyết. Nếu như trong giai đoạn kháng chiến, hình tượng người lính thường hiện lên trong những giờ phút khốc liệt, cam go, đầy thử thách nơi chiến trường, thì trong giai đoạn hậu chiến, họ được khai thác trong những tình huống trớ trêu, “cắc cớ” của ngày trở về. Kết thúc những tháng năm khói lửa, đạn bom, giờ đây người lính trở về với quê hương, gia đình, tìm lại cuộc sống bình yên và những điều thân thuộc. Nhưng một lần nữa, bão giông lại nổi lên trong cuộc đời, họ phải đối mặt với một thử thách mới. Trần Nhuận Minh bằng sự tinh tế của mình nhanh chóng nắm bắt được những biến chuyển tâm lí phức tạp của người lính khi phải thích nghi với cuộc sống mới, lạ lẫm. Cuộc sống của họ không còn bị ám ảnh bởi tiếng súng, tiếng bom nhưng lại có những “cơn sóng ngầm” luôn rình rập, không buông tha họ. Đại tá quân đội về hưu với đồng lương ít ỏi phải làm nghề bơm xe đạp; một người bạn từng có mặt trong khắp các trận đánh cho đến ngày đất nước thống nhất vẹn tròn, khi giải ngũ về quê, vẫn khoác trên mình bộ quân phục giản dị, bắt đầu bước vào cuộc sống của một lão nông tri điền: “Đứa thì đánh giặc liên miên/ Về quê vẫn chú lính quèn vậy thôi” (Bạn chơi từ thời quàng khăn đỏ). Còn rất nhiều người lính bước ra từ cuộc sống binh nghiệp đầy gian khó. Họ phải đối mặt với một cuộc sống mới mà mọi giá trị đang biến đổi từng ngày. Họ khó hòa nhập với cuộc sống thị trường đầy bon chen, với những quan hệ xô bồ, và vì thế, cứ ngơ ngác giữa dòng đời và người thân. Những người đã từng là anh hùng nơi chiến trận. Một người lính già lúc trẻ lập nhiều chiến công hiển hách, huân chương treo đầy trên tường, bây giờ bỗng thấy mình lạc lõng giữa cuộc sống đang đổi thay một cách nhanh chóng, nên chỉ còn biết sống với hoài niệm của một thời chiến tranh ác liệt nhưng hào hùng: “Chẳng ai cười người già lão/ Ơn Giời, Giời để tuổi cho/ Chiến công còn ghi sử sách/ Huân chương để trên bàn thờ/ Mai ngày về cùng các cụ/ Nhớ thuê hai đội kèn đồng/ Thổi toàn bài ca chiến trận/ Đã từng vang dội núi sông (Quê ta).

Trong mảng thơ tự sự của Trần Nhuận Minh, chúng tôi đặc biệt chú ý những bài thơ đề cập đến những cảnh ngộ đau lòng thời hậu chiến. Tác giả quan tâm đến những người hùng một thời từng tung hoành khắp các mặt trân sau khi chiến tranh kết thúc họ trở về với cuộc sống thường ngày và đối diện với vô vàn những trắc trở. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng đâu đó là những nỗi bất hạnh bao trùm mỗi mái nhà, những người lính từng chỉ biết chiến đấu nay phải bon chen tính chuyện cơm áo gạo tiền để đảm bảo kinh tế cho gia đình. Nói như Nam Cao “gánh nặng cơm áo ghì sát đất”, dù muốn hay không họ cũng phải thích nghi với xã hội thời cơ chế thị trường. Đó là cuộc chiến không có ta/ địch, không có thắng/ thua nhưng lại âm thầm, dai dẳng mà nhiều người trong họ phải đầu hàng, thua cuộc. Trở về với cuộc sống thường nhật, sự nghèo đói, mặt trái cuộc sống phô bày, họ cảm thấy mình là những “người thừa”, tàn dư” của một thời lửa đạn: “Thân qua trăm tầm đạn/ Không hề có vết thương/ Tưởng như bạn nói dối/ Tớ ư? Lính chiến trường…Hỏi vợ Vợ tớ bỏ/ Hỏi con Nó vượt biên/ Hỏi nhà Nhà tớ bán/ Hỏi thơ Đếch ai in (Bạn cũ). Người lính chiến trường năm xưa từng vào sinh ra tử nơi chiến trường ác liệt nhưng không bị thương, vậy mà khi về sống giữa cuộc đời lại mang thương tích nặng nề. Đó là vết thương trong lòng khi không hòa nhập được với cuộc sống xung quanh. Nhân vật trong bài Bạn cũ từng đánh bộc phá, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, sau 10 năm gặp lại thì: vợ bỏ, con vượt biên, nhà đã bán, anh ta chỉ còn trơ hai bàn tay trắng. Tác giả hỏi: “Bây giờ bác muốn gì?. Người bạn cũ trả lời: “Tớ muốn làm liệt sĩ!”. Bi kịch thay cho một người đang sống giữa thời bình mà lại mong muốn được làm “liệt sĩ”, nó thể hiện sự bế tắc đến tột độ. Câu trả lời vừa hài hước vừa xót xa này có lẽ nằm ngoài sức tượng tượng của nhiều người. Tại sao lại ra nông nỗi vậy? Chiến tranh đã cướp đi bao mái ấm gia đình, con mất bố, vợ mất chồng, bao người chiến sĩ đã để xương thịt nằm lại nới chiến trường lạnh lẽo. Ai mà không thèm được sống, bước ra khỏi cuộc chiến, những người còn giữ được sinh mạng quả hiếm hoi, họ may mắn hơn vô số đồng chí nằm lại ngoài kia. Họ phải sống hạnh phúc, hạnh phúc vì mình còn sống, còn nhìn thấy nước nhà độc lập, non sông thu về một mối, thấy thành quả của bao anh em đồng đội. Vậy tại sao người cựu binh oai hùng một thời lại thốt lên những lời chua xót như vậy? Người lính trong những năm nước nhà bị giày xéo dưới gót giày quân xâm lược họ không nề hà gian khổ, bất chấp mọi khó khăn, hiểm nguy, kể cả sinh mạng để đấu tranh cho lí tưởng cao quý, thiêng liêng. Là anh hùng trên chiến trận, thế nhưng bước ra khỏi cuộc chiến, người lính dày dạn kinh nghiệm trận mạc ấy lại không thể dung hòa được những cơn sóng ngầm đang âm ỉ trong chính gia đình mình. Không thua bất kì một cường quốc hùng mạnh nào thế nhưng người lính thất bại trong chính nơi từng được gọi là tổ ấm. Ông đau đớn, quặn lòng nhìn vợ con rời bỏ vì không chịu được vất vả, khó nhọc. Sự bất lực làm ông day dứt, ông không thể mang đến cho vợ con cuộc sống đủ đầy, không thể giữ gìn cái gọi là gia đình. Những tưởng bước ra khỏi cuộc chiến, trở về với trong vòng tay gia đình là chuỗi ngày sum họp, hạnh phúc, nhưng lại ra kết cục bi đát. Người cựu binh chua chát, nghĩ giá như mình nằm lại chiến trường như bao đồng đội, đã không phải chứng kiến cảnh tượng đau lòng thế này. Bài thơ cũng gióng hồi chuông đối với xã hội, chúng ta cần có trách nhiệm với những người đã hi sinh vì xương máu vì Tổ quốc, phải có trách nhiệm chăm lo cuộc sống cho họ như một cách thể hiện truyền thống đạo lí dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”.

Trong những bài thơ tự sự viết về thời hậu chiến, có lẽ bài Thím Hai Vui là đáng để chúng ta suy ngẫm hơn cả: “Những năm chú ra trận/ Thím buồn vui một mình/ Thím bảo những ngày ấy/ Là những năm hòa bình/ Có tin đồn chú mất/ Thím thầm cắn chặt môi/ Nuôi hai con ăn học/ Cấy cày đến quắt người/ Bỗng đột nhiên chú về/ Tung huân chương đầy chiếu/ Thím cười mà như mếu/ Nước mắt chả buồn lau/ Thế rồi biết vì đâu/ Yên lành không chịu được/ Vợ con chú đánh trước/ Xóm giềng chú đánh sau”. Tại sao mỗi lời thơ cất lên lại cay đắng như vậy? Chiến tranh kết thúc đáng lẽ phải mang đi mọi đau khổ bất hạnh chứ? Bài thơ như những thước phim quay chậm khiến cuộc đời bất hạnh của thím Hai Vui hiện ra trước mắt độc giả. Chồng ra trận, đi làm nghĩa vụ với Tổ quốc nên thím ở nhà làm trọn đạo vợ hiền dù vất vả trăm bề nhưng thím lại thấy vui lòng hơn so với bây giờ “Là những năm hòa bình. Rồi đến khi có tin chú mất như một đòn khủng khiếp giáng xuống đầu thím, thím lại như bao người phụ nữ Việt Nam đương thời gắng gượng vượt qua những mất mát, đau thương để chăm lo cho gia đình. Đây là hình ảnh mẫu mực của người phụ nữ Việt Nam kiên trung trong những năm đánh Mỹ, vậy mà cuộc dời thím chưa từng có phút yên bình. Thế nhưng khi những mất mát của thím dần nguôi ngoai, thời gian sắp chữa lành những vết thương do cuộc chiến gây ra thì chú trở về. Chú về là tin vui chứ? Người tưởng mãi nằm lại nơi chiến trường nay trở về lành lặng quả là hi hữu, là niềm vui của gia đình không gì sánh bằng. Ấy vậy mà chú đã dập tắt tất cả sự sung sướng của vợ con bằng những hành động ngang xương, trái khoáy vô cùng: “Yên lành không chịu được/ Vợ con chú đánh trước/ Xóm giềng chú đánh sau/ Chớ dại mà can chú. Chú lại đẩy người phụ nữ đáng thương này một lần nữa rơi vào địa ngục: “Đến bây giờ chiến tranh/ Mới đến thật với thím. Sao mà ngang trái, oái ăm, chiến tranh không cướp đi hình hài của chú nhưng cướp đi nhân tính, trả lại cho xã hội một con người biến chất. Bài thơ không chỉ phơi bày hiện thực đau khổ của thân phận người phụ nữ mà còn gián tiếp tố cáo chiến tranh đã hủy hoại nhân tính người. Tất cả “gan ruột” nhà thơ đều đã được “phơi bày” trong từng câu chữ. Bao nhiêu nghịch lí chất chồng: tên thím là Vui nhưng đời lại buồn; thời chiến tranh, xa chồng tuy cực khổ, vất vả mà cuộc sống bình yên. Hết chiến tranh, chồng trở về thì tai họa lại giáng xuống gia đình chị. Thơ viết gan ruột đến như thế làm sao mà không xúc động lòng người cho được. Tôi chợt nhớ, trong bài thơ Mười sáu cuộc chiến tranh của nhà thơ Nguyễn Trọng Tín có ý thơ lạ - nó như sự thật hiển nhiên, đại ý: Làng tôi có 26 ngôi nhà/ Có 16 người đàn bà sau chiến tranh có chồng không về nữa/ Có 16 ngọn gió, ngọn mưa đêm đêm đi gõ cửa/ Trong đó có nhà mẹ tôi : “Dẫu chiến tranh đã xa (qua 10 năm) lâu rồi/ Nhưng làng tôi còn âm ỷ/ 16 cuộc chiến tranh”. Chiến tranh kết thúc nhưng dư chấn chiến tranh để lại, nỗi đau nó trút xuống mỗi gia đình không biết bao giờ mới nguôi. Tiễn một người vợ lính kể về cuộc đời một người vợ có chồng hi sinh ngoài mặt trận, nhưng cả đời chị vẫn sống trong hi vọng chồng trở về, ngay cả lúc sắp lìa đời chị cũng không từ bỏ hi vọng: “Chị chẳng bao giờ tin là anh đã chết/ Dù đồng đội anh cũng chẳng thấy ai về/ Nỗi chờ đợi mong manh và tuyệt vọng/ Nửa đêm dài khắc khoải mấy cơn mê”. Có nỗi đau nào hơn thế? Chờ đợi không đáng sợ nhưng chờ đợi trong vô vọng không biết đến bao giờ thì đáng sợ vô cùng. Chị đã chờ cả một đời đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn khắc khoải hi vọng. Ngày tiễn chồng lên đường ra mặt trận người vợ trẻ nào cũng bịn rịn, day dứt nhưng nghĩa vụ với Tổ quốc cao hơn tình thân, họ là những người vợ sinh ra trong thời chiến họ hiểu trách nhiệm của mình nên không bao giờ cản bước chồng dù trong lòng đau thắt. Họ chỉ có trái tim hi vọng, ánh mắt đợi chờ ngày chồng trở về đoàn tụ. Ấy vậy mà, thời gian trôi qua tàn nhẫn giết dần giết mòn những hi vọng ấy. Đất nước đã thống nhất rồi, Bắc- Nam đã sum họp rồi, sao mái ấm của chị vẫn chưa “ấm”, chồng chị sao mãi chẳng trở về. Bài thơ không nhiều sự kiện, chỉ đan dệt bằng những chi tiết nhỏ nhặt đời thường nhưng lại có sức diễn tả sâu sắc tâm trạng đợi chờ đến mòn mỏi của người vợ trẻ, hệt như một “hòn vọng phu sống giữa cuộc đời. Nỗi đợi chờ chập chờn cả trong những cơn mê, rồi chị bất chợt reo lên sung sướng khi thấy ai đó giống anh ngoài cửa sổ, nụ cười chư kịp nở trên môi đã tắt lịm. Nghe trong dòng tâm trạng nhân vật ta nhớ đến nỗi lòng người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn. Đến phút cuối vẫn chờ chồng trong vô vọng: “Tim ngừng đập chín ngày mặt vẫn hồng tươi/ Chị như đã gặp anh trong khói sương thăm thẳm/ Giọt lệ đọng mơ hồ dưới hàng mi chưa khép hẳn/ Niềm vui đắng cay đâu chỉ của một người”. Nghe câu chuyện cuộc đời chị hẳn ai cũng đau lòng, giờ đây chị đã có thể đoàn tụ chồng ở một thế giới khác, sẽ không còn những trông ngóng vô vọng dày vò chị.

Chiến tranh: tang tóc, đau thương, mất mát. Bên cạnh những người vợ ngóng chồng là hình ảnh những người mẹ ngóng con. Những người mẹ vĩ đại đã sinh cho Tổ quốc những người anh hùng, những đứa con đã hóa thân vào hồn thiêng sông núi. Thế nhưng, đằng sau sự vĩ đại của những đứa con anh hùng là bóng dáng mẹ già còng lưng, mỏi mòn chờ con trong vô vọng. Câu chuyện về cuộc đời bá Kim tiếp tục xoáy vào lòng người nhờ sự có mặt của yếu tố cốt truyện. Tác giả đã tái hiện cuộc đời bá bằng những thước phim quay chậm, Bá Kim sống ở một ngôi nhà nhỏ, phía sau là vườn mía rộng, những vật dụng thân quen với bá là chiếc niêu đất nấu cơm, chiếc trõng tre trước hiên nhà. Những chi tiết đó cho thấy cuộc sống của bá đơn sơ đạm bạc, tưởng đâu là yên bình. Thế nhưng những sự kiện nối tiếp nhau xảy đến, khiến người mẹ này như quỵ ngã. Chiến tranh đã lần lượt cướp đi những người con thân yêu của bá: “Con cả mất khi chiếm hầm Đờ Cát/ Con thứ hi sinh lúc giành lại Sài Gòn” (Bá Kim). Các anh hi sinh không kịp để lại tấm ảnh cho người mẹ ấy thờ. Hàng ngày, bá Kim vẫn móc cua bán. Mỗi đêm, bên ngọn đèn xanh, bá đếm từng đồng tiền liệt sĩ bỏ vào chiếc hũ sành, nhất định không tiêu đến. Bá để dành tiền để khi mất lo liệu không phiền bà con lối xóm- những người cũng có cuộc sống khó khăn chứ chẳng dư dả gì. Bá không muốn là gánh nặng cho mọi người. Bá sống lặng lẽ và ra đi cũng lặng lẽ: Rồi một sớm ngọn đèn vẫn sáng/ Cái hũ nằm bên Bá đã đi rồi! Gương mặt bá dịu hiền thanh thản quá/ Không hề vương những buồn khổ cõi đời (Bá Kim). Câu chuyện về cuộc đời bá Kim như một lát cắt mỏng và sắc về nỗi đau sau chiến tranh của người ở lại, nó cũng là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay những bài học thật sâu sắc về nhân cách sống. Trên dải đất hình chữ S này ắt hẳn có vô vàn những Bá Kim như thế - những bà mẹ Việt Nam anh hùng đã hiến dâng tài sản quý giá nhất của mình cho Tổ quốc, chúng ta hôm nay cần có trách nhiệm với các mẹ.

3 – CON NGƯỜI THỜI ĐỔI MỚI

Giai đoạn sau Đổi mới chúng ta được tiếp xúc với một Trần Nhuận Minh mang nhiều nét “lạ lẫm” với những chuyển biến mạnh mẽ: gan góc hơn, quyết liệt hơn, táo bạo hơn. Với sứ mệnh: “Hãy áp tải sự thật/ Đến những bến cuối cùng(Nhà thơ áp tải), nhà thơ lăn xả vào cuộc sống bộn bề, phức tạp của đời sống, hướng ngòi bút đến những mảnh đời bất hạnh xung quanh mình. Bên cạnh đó thể hiện những trăn trở khôn nguôi về số phận đau thương của con người xung quanh mình, chính nhờ vậy thơ ông mang vẻ ngoài bình dị, nhẹ nhàng nhưng ẩn bên trong là sức mạnh nội lực phi thường, tạo cảm xúc cho người đọc. Nhà thơ đã dồn toàn bộ “bút lực” cho lần “tái sinh” này. Nhà thơ đã từng tâm sự: “Hiện thực đất nước hôm nay là những biểu hiện của một xã hội đang vận hành trong cơ chế thị trường, từng bước hội nhập với thế giới, với tất cả những mảng sáng, tối của nó. Tôi rất quan tâm tới mảng hiện thực này. Vì nó đang tác động rất ráo riết đến đời sống của cả xã hội và của tất cả mọi người ( Đối thoại văn chương).

Sau công cuộc Đổi mới đất nước, bên cạnh những sự cởi trói tích cực trong tư duy, con người hoài nghi trước những thay đổi chóng mặt nhiều giá trị, chuẩn mực xã hội. Xã hội thay đổi mạnh mẽ, Trần Nhuận Minh là gạch nối giữa hai thời kì của đất nước, là chứng nhân của thời kì mở cửa, sống từng trải qua các giai đoạn đổi thay ông đã nhận ra cơ chế thị trường mang lại nhiều cái mới, thì vẫn còn những bất ổn, những tiêu cực tồn tại, cho nên, Trần Nhuận Minh luôn nhạy cảm, xót xa, đau đớn trước sự băng hoại môi trường và nhân cách con người nhất là những người trí thức - những người có học, có văn hóa nhất trong xã hội. Cũng là một trí thức đương thời nên Trần Nhuận Minh nhạy cảm hơn cả với những tác động của xã hội với tầng lớp này. Cơ chế thị trường cuốn phăng họ đi, con người có nguy cơ biến dạng trước những tác động của ngoại cảnh. Người tri thức được coi là tầng lớp trên của xã hội, những con người có học vấn hơn cả nhưng một số người trong họ cũng không thể dùng tri thức cưỡng lại sức mạnh của đồng tiền. Nhiều người bị ma lực của đồng tiền cám dỗ, khát vọng đổi đời bất chấp khiến họ vướng vào vòng lao lý: “Sự đời bác đến thế thì/ Đã làm ông giáo còn đi buôn nhà/ Sớm mai bác phải ra tòa” (Bạn chơi từ thuở quàng khăn đỏ). Hay cô Bổng từng là nhà giáo gương mẫu chuẩn mực, được sự kính nể của bao thế hệ học sinh, sự tín nhiệm của đông nghiệp “Bầu cô đi đại hội trên” vì truyền đạt những điều hay lẽ phải, ấy vậy mà giờ cô lao vào “mê tín dị đoan”. Về hưu cô được giao “Thắp nhang và quét sân đền” (Cô Bổng) nhưng cô lại lợi dụng điều đó để kiếm tiền từ những người đi chùa bằng “thẻ với bùa”. Con người cả đời chấp nhận sống trong nghèo khó nhưng luôn thấy nghề nghiệp của mình là cao quý sao giờ lại có những suy nghĩ và việc làm lệch lạc đến vậy? Xã hội thời mở cửa có nhiều đảo lộn về chuẩn mực và các thang bậc giá trị, thì xuất hiện những con người thích nghi nhanh chóng với lối sống mới cũng là chuyện đương nhiên…Khôn ngoan, thức thời, tìm và tạo cơ hội làm giàu cho mình không phải hoàn toàn là việc xấu, không hoàn toàn là người xấu - nếu như đó không phải là lối sống sai trái. Lối sống buông thả của một bộ phận trí thức khiến nhà thơ đau đáu, trăn trở nhưng điều làm ông day dứt hơn cả là liệu cơ chế thị trường còn phơi bày những góc tối nào nơi người tri thức. Lối sống thực dụng len lỏi vào từng tâm hồn làm nhân cách họ lệch lạc khỏi quy chuẩn xã hội. Họ liệu bao nhiêu người còn giữ mình được trước những cám dỗ bủa giăng. Một anh bạn từng làm chủ tịch huyện, giám đốc ngành, kinh qua không biết bao nhiêu trọng trách xã hội quan trọng vậy mà giờ đây: “Về già chơi chống bỏi/ Tom chát đủ tam khoanh (Thăm bạn). Hay bác Vương Liên từng vào sinh ra tử khắp các mặt trận, chinh chiến không sợ bất cứ kẻ thù nào. Vậy mà giờ đây, bác lao vào cuộc sống hưởng thụ tha hóa: “Nghe đâu bác bây giờ/ Đóng tiền vào bao tải/ Thuê những hai hầu gái/ Giặt quần và đấm lưng (Gửi bác Vương Liên). Bác bây giờ coi đồng tiền là trên hết: “Trước cần lí lịch tốt/ Giờ cần có lắm tiền”, một quan điểm mang tính lệch lạc, đề cao sự chi phối của đồng tiền trong đời sống. Quả thật, đồng tiền bắt đầu chi phối sâu sắc đời sống, do đó cạm bẫy tiền tài giăng mắc khắp nơi đôi lúc làm con người lóa mắt, không phân biệt được phải- trái, đúng- sai. Trần Nhuận Minh là người nói thẳng, nói thật, ông luôn ý thức trách nhiệm: “Hãy áp tải sự thật- Đến những bến cuối cùng”, cho nên ông đi sâu vào mọi ngõ ngách để tìm hiểu những điều sai trái và lôi nó ra ánh sáng, với mong muốn cảnh tỉnh tất cả mọi người. Mọi người phải kiềm chế những ham muốn, dục vọng của mình. Những lo lắng đầy trách nhiệm trước sự rạn nứt những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc, những xót xa trắc ẩn trước những cảnh đời éo le, ngang trái, khiến Trần Nhuận Minh đặc biệt quan tâm đến những người trí thức bị tha hóa bởi hoàn cảnh.

Bên cạnh đó là những mảnh đời bất hạnh bởi cuộc sống khó khăn, đói nghèo vây bủa. Một người bạn của nhà thơ thuộc diện gia đình chính sách nên vợ anh ta mới được chọn đi làm ôsin nước ngoài (bởi ngành than đang lúc giảm biên chế) (1). Anh ta động viên vợ: “Thôi vui mà đi mình nhé/ Dùng dằng người khác sẽ thay/ Lương tám trăm đô, mỗi tháng/ Ơn giời còn một cơ may…/ Anh sẽ bỏ bồ, chừa rượu/ Tảo tần nuôi mẹ, dạy con/ Vài năm nhớ

-----------------------------

(1) Chi tiết này tác giả lấy ra từ Qui chế hướng dẫn diện được ưu tiên xét tuyển người đi lao động nước ngoài ( NBS chú thích ).

về, mình nhé/ Trông mình như vẫn còn son (Lời một người bạn có vợ đi làm Ôsin ở nước ngoài). Chẳng lẽ cha anh hy sinh xương máu để con cháu được “ưu tiên” đi làm ôsin ư? Là chồng, trụ cột gia đình, ấy vậy người chồng rượu chè, gái gú rồi đặt trọn gánh nặng lên vai người vợ tội nghiệp. Người vợ ấy nào muốn cảnh sống nơi đất khách quê người, xa rời gia đình, vậy mà vì gồng gánh gia đình phải ngậm đắng nuốt cay mà đi. Trần Nhuận Minh luôn dành sự thương cảm đặc biệt với thân phận người phụ nữ. Họ là nạn nhân của hoàn cảnh và chịu nhiều thua thiệt, bất bình đẳng trong quan hệ xã hội. Ông lo lắng cho những cuộc đời quá nhiều tai ương như cánh bèo lênh đênh sóng nước không biết trôi dạt về đâu: “Quanh co trò chuyện đôi hồi/ Thì ra em đã là người lưu vong/ Chôn con, bỏ việc, không chồng/ Dây đời ai cởi trong vong ấy ra (Tình cờ gặp người quen trên tầu tốc hành Xêvaxtôpôn - Matxcơva). Và đâu đó vẫn còn những thân phận oan ức, bất hạnh, bị chà đạp: “Nơi này có người bị đẩy lên giàn lửa/ Chỗ kia có người bị xô xuống vực sâu/ đâu cũng có người bị lăng nhục…/ Vị anh hùng ơi!/ Thế gian chẳng bình yên/ Dù mỗi sớm tiếng chim trời vẫn hót” (45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh).

Nếu như ở giai đoạn trước, nói về người thợ mỏ giọng điệu Trần Nhuận Minh say mê ngợi ca những con người hăng say lao động làm giàu cho Tổ quốc thì bây giờ đất nước thời mở cửa nhà thơ thấu hiểu hơn ai hết nỗi vất vả, cực nhọc của họ trong công cuộc mưu sinh. Đó là những năm tháng vất vả khi ngành than xuống dốc. Vùng vàng đen của Tổ quốc trong tác giả ngoài sự giàu có, trù phú khoáng sản còn là hình ảnh cuộc sống cơ cực của nông nhân thời bao cấp. Trả lương bằng tín phiếu, nhưng tín phiếu lại không thể giúp anh thợ lò đong gạo, con anh lại phải đói: “Anh thợ lò mang tín phiếu ra chợ/ Tôi có ba mươi ngàn, ai trả bao nhiêu?/ Gạo nhà nước, bốn tháng liền nợ sổ/ Lũ trẻ trưa nay lại phải treo niêu…/ Anh còn có suất cơm công nghiệp/ Cố làm thêm than cho lũ trẻ no lòng/ Tiền năng suất lại ghi thêm vào phiếu/ Tôi có ba mươi ngàn, ai mua không?” (Bên đường). Sống cùng những người thợ mỏ, chứng kiến cuộc sống của họ ông hiểu hơn ai hết những vất vả trong cuộc sống mưu sinh. Hành động lặp đi lặp lại của anh thợ lò xoáy sâu vào chúng ta sự thương cảm, xót xa. Anh thợ lò làm việc cật lực để kiếm tiền đong gạo cho cả nhà, là trụ cột trong gia đình anh cố gắng hơn ai hết để mong các con mình có cuộc sống đầy đủ. Anh được trả bằng tín phiếu ba mươi ngàn, song không thể dùng nó để mua gạo cho những đứa trẻ, một sự thật vô cùng nghịch lí trong xã hội bao cấp bấy giờ. Bần cùng, người công nhân này đã mang tín phiếu ra chợ bán lấy tiền. Nhưng đáp lại chỉ là những cái lắc đầu và nụ cười chua chát của những người xung quanh… Làm việc cật lực nhưng lại không thể dùng lương để đong gạo, có sự thật nào nghịch lí hơn, nhà thơ cảm thông cho cảnh ngộ người công nhân.

Đối tượng phản ánh trong thơ Trần Nhuận Minh rất đa dạng: “xuất thân giàu hay nghèo thì có gì quan trọng gì, cái quan trọng là khả năng chiết xuất cuộc sống giàu hay nghèo đó, mà tạo dựng thành tác phẩm nghệ thuật, và qua tác phẩm đó phản ánh được hưng vong của một xã hội, thậm chí cả một thời đại ( Đối thoại văn chương), vì vậy đối tượng hướng đến trong thơ ông vô cùng đa dạng, là con người thuộc mọi giai tầng, lứa tuổi, nghề nghiệp... trong xã hội. Trái tim của ông giàu tình thương, ông thương hết thảy những con người bất hạnh trong xã hội. Đến cả cô gái điếm bị xã hội coi khinh, rẻ rúng, bị đẩy ra ngoài rìa xã hội, bị cả gia đình từ chối ông vẫn đau lòng thay. Ở đây, chủ thể trữ tình bộc lộ tâm trạng cảm thông, thương xót cho thân phận người kĩ nữ khi bị cha mẹ, bạn bè xa lánh, mọi ngả đường chỉ là ngõ cụt đầy bóng tối: “Cha mẹ chối từ, bạn bè xa lánh/ Không biết ngày mai sẽ sống thế nào/ Mắt đàn ông nhìn em đều biến dạngCanh khuya). Con người trở nên nhỏ bé, thậm chí là rẻ rúng, dù cố gắng vẫy vùng song vẫn không có lối thoát bởi: “Đất đã hẹp mà trời càng thêm hẹp/ Trốn vào đâu sông núi vẫn vô tình”. Còn người kĩ nữ, cô cũng bộc lộ tâm trạng cô đơn, cảm giác tủi hổ khi bị người đời xa lánh, coi khinh. Đặc biệt, trong sâu thẳm tâm hồn người kĩ nữ ấy vẫn có những rung động, khao khát rất đời thường: “Chẳng còn dám gửi quà về biếu mẹ/ Nỗi cô đơn thăm thẳm đến rợn người/ Khi chợt thấy bếp nhà ai đỏ lửa/ Lúc thoảng nghe đâu đó trẻ con cười… / Anh hãy ít ra là cầm lấy tay em/ Để em nhận tiền mà không hổ thẹn(Canh khuya). Trần Nhuận Minh không thấy khinh ghét cô gái này, ông vẫn phát hiện vẻ đẹp tiềm tàng khuất lập đâu đó, hạt ngọc ẩn giấu sâu trong lớp bùn. Hóa ra, cuộc sống nhơ nhớp ấy chưa lấy đi của cô tất cả. Ông cảm nhận rằng đi vào con đường buôn phấn bán hoa không phải là lựa chọn của cô gái, ắt hẳn cô có điều khó nói. Với trái tim nhân hậu, Trần Nhuận Minh nhìn cô bằng cặp mắt thương cảm, cảm thông sâu sắc. Như Nguyễn Du chưa bao giờ mất niềm tin vào Kiều. Sau những “Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm”, Kiều đau đớn, xót thương cho cái phận “sống làm vợ khắp người ta” của mình, nỗi nhục nhã ấy cứ nghĩ đến là đau lòng: Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,/ Giật mình mình lại thương mình xót xa” Bởi vì triền miên trong những “cơn say, trận cười”, những “bướm lả ong lơi”, những khách làng chơi dập dìu tối ngày, chỉ đến khi tàn canh Kiều mới có thời gian để sống với tâm trạng thực của mình. Cái “giật mình” nói lên tất cả những nỗi niềm của Kiều: thảng thốt, ngạc nhiên, bẽ bàng, xót xa cho thân phận của mình. Cô gái ở đây cũng vậy, ở nơi tưởng như nơi tâm hồn cằn cỗi ấy vẫn có những dòng nước mát lành róc rách chảy.

Với những sự thay đổi quan niệm sáng tác đã tạo đà cho những thành công của Trần Nhuận Minh trong giai đoạn này, đưa thơ ông đến gần với công chúng văn học hơn. Chính nhà thơ đã bày tỏ: “Tôi yêu cuộc đời này, sống cho nó, chết cho nó, và không bao giờ mất niềm tin vào nó, khi chính nó đã tự đổi thay một cách phũ phàng trắng trợn nhiều bậc thang giá trị trước mắt tôi. Tại sao ở đời lại lắm chuyện vòng vèo ngang trái, luôn làm tôi phiền lòng đến thế?”(Đối thoại văn chương). Tất cả những nỗi niềm trăn trở ấy trước cuộc đời đã được nhà thơ giãi bày trên trang giấy, ông hi vọng nó sẽ góp thêm một tiếng nói có hiệu lực vào việc thức tỉnh lương tri của con người, mong muốn con người lương thiện hơn, yêu thương và trân trọng nhau hơn.