Phóng sự
Ông là người dân tộc Sán Chay (còn gọi là dân tộc Cao Lan) sống trong một hẻm núi ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Giống như bao người nông dân miền núi khác cày ruộng làm nương rẫy, câu cá, hút thuốc lào…Cho đến một hôm người ta phát hiện ra ông giống Bác Hồ đến kinh ngạc trong một lần hội thao ông bắn nỏ bách phát bách trúng…
Tên ông là Lâm Văn Lập, người thôn Khuôn La, xã Tân Hương huyện Yên Bình. Từ QL70 vào đến nhà ông chừng một cây số, đó là con đường đất đủ cho hai chiếc xe bò tránh nhau, ngày nắng ráo thì khá, còn ngày mưa thì lầy lội rất khó đi, nhất là phải qua một con suối nhỏ mưa lớn lũ dâng cao thì phải đợi mấy tiếng đồng hồ nước rút mới qua được.
Tôi phải mấy lần nhờ anh bạn đang công tác ở Huyện Ủy Yên Bình điện hỏi thăm xem ông có ở nhà không mới đến gặp ông được. Hóa ra, mấy năm nay ông theo các con lên Lào Cai giúp chúng làm ăn, thi thoảng mới về nhà, đấy là khi vào vụ cày bừa, gặt hái ông mới có mặt ở nhà, xong việc lại đi. Sống ở Khuôn La bây giờ là hai cụ thân sinh ra ông, vì thế dù đi làm ăn ở đâu đôi ba tháng ông lại về. Ông bảo tôi: Bây giờ tôi về ở hẳn nhà, hai cụ nhà tôi tuổi cao không còn khỏe như ngày xưa nữa...
Ông Lập sống trong ngôi nhà sàn lưng tựa vào núi xung quanh cây cối mọc xanh um, trước cửa là ao cá trên bờ trồng chuối và nhiều cây ăn quả khác. Một vùng quê thanh bình cây cối xanh mướt, trên đồi nhà ông là một rừng nứa ngộ (còn gọi là nứa dại) cây to bằng bắp tay mọc song sóng cao vút. Ông bảo: Vạt nứa này em lấy trên rừng về trồng cho mát ngôi nhà…
Thực tình, ông cũng chẳng biết mình giống Bác Hồ, khoảng hơn chục năm trước do mải làm việc nên quên không cạo râu, đi ra đường bọn trẻ cứ trố mắt nhìn, chỉ trỏ rồi hét to “Bác Hồ”! “Bác Hồ”! Chúng chạy ùa theo nắm lấy tay ông ríu rít hỏi: Bác ơi, sao bác giống Bác Hồ thế? Bác nhà ở đâu vậy? Thấy bọn trẻ vây quanh hỏi chuyện vui vẻ và vô cùng thân mật nên ông cũng rất vui, từ đó ông để râu mà không cạo nữa. Chợt ông nhìn tôi cười rất sảng khoái: Còn một lý do nữa, tôi hay đi làm ăn xa, nên để râu cho vợ khỏi nghi ngờ em út nọ kia…
Ông Lập cho hay, ông sinh ngày 5/7/1964, tại thôn Khuôn La. Những năm 60 của thế kỷ trước cuộc sống vô cùng khó khăn, người dân Sán Chay càng khó khăn hơn, nên ông chỉ học hết lớp 7 rồi nghỉ ở nhà làm ruộng nương. Ngày ấy rừng còn nhiều, ông làm cạm bẫy, đẽo cây làm nỏ săn bắn chim, sóc và chuột rừng để cải thiện bữa ăn. Ông trở thành tay bắn nỏ cừ khôi ở Khuôn La, sóc chạy nhanh như thế, nhưng nhiều con không thoát khỏi tay ông. Mỗi lần ông xách nỏ lên rừng không mấy khi về tay không, khi thì dăm ba chú sóc, khi là chú gà rừng. Bây giờ rừng tự nhiên không còn mấy, ông cũng không lên rừng săn bắn nữa, ông cười bảo: Đã lâu rồi tôi không đi săn bắn, đó là nghề sát sinh không tốt đâu. Quanh nhà tôi cây cối xanh um thế này chim chóc rồi sóc về cả đàn tôi có bắn chúng đâu. Mỗi sớm ngủ dậy nghe chim hót, nhìn sóc leo trèo trên các cành cây tôi rất vui. Thấy tôi bắn giỏi mọi người mời tôi làm huấn luyện viên cho các cháu học sinh môn bắn nỏ tham dự thi Hội thao Phù Đổng của huyện rồi của tỉnh. Trong Hội thể thao năm trước, một nhà báo thấy tôi giống Bác Hồ quá xin được chụp ảnh rồi đăng lên “fây búc”, nhiều người vào xem, rồi một lần cùng đoàn thể thao xuống Hà Nội dự thi, nghe danh tôi bắn nỏ giỏi, lại có ngoại hình giống Bác, nên trường Đại học FPT mời tôi tới huấn luyện cho các cháu học sinh, rồi cho tôi vào thăm lăng Bác. Do hôm ấy đông khách quá, tôi không vào được cửa chính, vòng qua cửa phía sau. Tại đấy các anh công an đang tập luyện, thấy tôi nhiều người ngạc nhiên cứ nhìn theo tôi khiến hàng lối xộc xệch. Thấy vậy, anh chỉ huy cho anh em nghỉ giải lao, mọi người ùa tới trò chuyện với tôi…
Ông Lập cười mủm mỉm, rồi vớ chiếc điếu cày rít một hơi quay mặt ra ngoài cửa sổ nhả khói mù mịt. Tôi nhìn kỹ ông, quả thật ông giống Bác Hồ đến kinh ngạc, giống từ mái tóc, chòm râu, chiếc mũi xống cao, hàm răng, nụ cười và đôi mắt rất sáng cùng dáng người nhỏ nhắn và rất nhanh nhẹn. Ông nhấp chén nước rồi kể tiếp: Khi vào thăm ngôi nhà sàn của Bác, đường đông thấy tôi mọi người dừng hết cả lại, họ thi nhau đứng cạnh tôi chụp ảnh khiến đường càng tắc. Mấy ông Tây ngạc nhiên quá cũng chụp ảnh liên tục…
Để xem tài bắn nỏ của ông, tôi đề nghị ông bắn mấy phát để tôi được tận mắt thấy tài thiện xạ của ông thế nào. Ông chẳng ngại ngần lấy chiếc nỏ trên xà nhà, rồi rút mấy cái tên cài trên vách rồi đặt tấm bia cách chừng 10m ngay phía đầu hồi nhà. Ông chậm dãi dương nỏ, bắn liền 3 phát, kết quả thật đáng kinh ngạc: Một mũi trúng vòng 10, còn hai mũi trúng vòng 9. Tôi xin ông thử bắn một phát xem sao, ông bảo: Anh đừng ngắm mũi tên vào tâm bia nhé, hạ xuống một chút, tay giữ nỏ thật chắc trước khi bật lẫy…Tôi làm đúng như ông nói, phát tên cắm phập vào bia khiến mọi người cười ồ, vì mũi tên trúng vòng 7. Ông cười bảo: Lần đầu bắn nỏ như thế là khá rồi…
Nghe tiếng ông có tài bắn nỏ trăm phát trúng cả trăm, nhiều trường học phổ thông và trường nội trú ở Yên Bái và Lào Cai đều mời ông tới huấn luyện cho các cháu bắn nỏ. Ông bảo: Tôi không nhớ đã dạy bao nhiêu lớp, có lẽ hơn chục lớp, hàng trăm người được tôi dạy. Riêng thôn Khuôn La này có khoảng hơn 60 cháu do tôi dạy bắn nỏ. Nhiều trại hè ở Lào Cai, Yên Bái đều mời ông tới dự, các cháu quây quần bên tôi, rồi chụp ảnh làm kỷ niệm rất vui vẻ. Rồi một số cuộc thi kể chuyện Bác Hồ, họ cũng mời tôi tới, đi đi lại lại để minh họa, có cháu đoạt giải cao nhảy lên ôm lấy cổ tôi hét lớn: Cháu cảm ơn bác Lập nhiều…
Do ngoại hình giống Bác Hồ nên cuộc sống của ông gặp khá nhiều phiền toái, bạn bè của ông ở Lào Cai thường rủ ông đi ăn sáng hoặc dự tiệc ở các nhà hàng. Vừa bước chân vào quán, nhiều người đã ồ lên vì kinh ngạc, họ xúm lại hỏi han rồi xin được chụp ảnh cùng, không ít người mang rượu tới chúc “Bác Hồ” một chén. Vì thế, ông rất ít khi tới các nhà hàng, ở Lào Cai thì chủ yếu trông nhà, giúp con cháu làm vườn, còn về Yên Bái không mấy khi ra đường.
Tôi rủ ông xuống ao câu cá, ông đồng ý ngay. Ông bảo: Ao nhà tôi nhiều cá lắm, khối con nặng 3-4 kg, hôm nào thong thả anh rủ bạn bè vào đây câu cá, uống rượu. Tôi có loại rượu ngâm cây rừng ngon lắm nhé, uống mê luôn…
Ảnh:
A1- Ông Lâm Văn Lập rót nước mời khách
A2- Ông Lập hút thuốc trước khi lên rừng lẩu cỏ rừng
A3- Ông Lập với chiếc điếu thuốc lào
A4- Ông Lập câu cá
A5- Tác giả chia tay ông Lâm Văn Lập, hẹn ngày tới câu cá