Để vào được các điểm trường, các thầy cô giáo phải đi qua những cung đường khủng khiếp như thế này.
Những dòng tâm sự rơi nước mắt của cô giáo Lưu Thị Hằng đang công tác tại điểm trường Xà Phìn, trường mầm non Bát Đại Sơn, xã Bát Đại Sơn, Quản Bạ, Hà Giang khiến trái tim người phụ nữ như tôi thắt lại.
Những hi sinh, sự tận tâm, hết lòng với nghề của người cô, người mẹ ấy thật khó lòng đo đếm được. Chấp nhận cảnh xa chồng, xa con… lên tận Xà Phìn, giữa mênh mông đại ngàn để dạy học. Không sóng điện thoại, không một bóng đèn điện thắp sáng, đường đi vào chỉ có thể đi bộ, không một phương tiện nào di chuyển được ngoài trừ cưỡi ngựa, cưỡi bò.
Tác giả Hà Cường trong bài viết trên Dân trí ngày 2/9 kể lại: Cô Hằng ở một mình trong ngôi nhà 3 gian trát bằng bùn và rơm, gian giữa dành làm lớp học, gian kế bên vừa làm phòng ngủ, phòng kho để đồ. Ngoài cùng là chiếc bếp nhỏ, được lợp tạm bợ từ vài mảnh bạt, đi lại phải khom lưng nếu không sẽ chạm vào “nóc” bếp.
Vật chất thiếu thốn đủ bề, nhưng nỗi cô đơn đến “lạnh người” mới là điều khó khăn nhất. “Nhiều khi ở một mình buồn không muốn nấu cơm, ăn tạm gói mì, quả trứng cho xong bữa. Những đêm mưa bão, thân gái một mình giữa nơi rừng hoang cứ ngồi trước bếp vừa ăn cơm vừa chan nước mắt mà tự thấy thương cho chính mình”.
Những nỗi cô đơn ấy, chẳng riêng cô Hằng phải trải qua. Có bao “cô Hằng khác”, bao nhiêu thầy cô giáo trẻ vẫn đang ngày ngày, tháng tháng, năm năm đánh đổi cả tuổi xuân mà bám trụ lại hàng trăm điểm trường xa xôi, hẻo lánh trên cả nước.
Đó là những giáo viên của trường mầm non Hoa Ngọc Lan, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, trước dịp khai giảng năm học mới lại quyết tâm lặn lội băng rừng thuyết phục gia đình cho con quay trở lại lớp.
Đó là những người thầy, người cô của Trường Tiểu học Mường Típ 1, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, lội bộ cả hàng chục cây số đường rừng để đến trường rồi ngồi thụp bật khóc trước khung cảnh hoang tàn sau lũ. Toàn bộ vật dụng sinh hoạt, lương thực bị cuốn trôi, thầy cô cầm cự qua ngày bằng gạo cứu đói và rau rừng.
Là hình ảnh thầy Hoàng Lê Thành – Hiệu trưởng trường Tiểu học Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hoá) dò dẫm từng bước chân, đi bộ hàng chục km trên những cung đường sạt lở để đến điểm trường cho kịp lễ khai giảng…
Là cô Trịnh Kim Quế, 14 năm gieo chữ ở những bản xa xôi nhất Mường Lát, mỗi tuần vượt hàng trăm cây số bằng xe máy mới về được thành phố với gia đình.
Mưa lớn nhiều ngày đã khiến hệ thống giao thông trong khu vực này hoàn toàn tê liệt. Các tuyến đường bị sạt lở gây chia cắt, cô lập. Nhiều giáo viên ở Mường Lát đã phải đi bộ vượt qua những cung đường sạt lở để đến trường. Có người phải bám vào gàu máy xúc…
Nếu không phải là tình yêu với học trò, nếu không là tinh thần xông pha, nhiệt huyết, vô tư của tuổi trẻ… thật khó để lý giải động lực nào đã giữ họ trụ lại được với nghề, giữ họ cắm rễ với trường, kiên trì (và cả dũng cảm) để cõng chữ lên non như vậy.
Đành rằng xã hội vẫn luôn dành những lời ngợi ca đối với nghề nhà giáo, rằng “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”- Comenxki, đành rằng Nhà nước ta vẫn dành sự quan tâm và có chế độ lương, phụ cấp cho những giáo viên miền núi xa xôi… Nhưng, thiết nghĩ, họ - những người dạy học, cần được lắng nghe nhiều hơn và cần được trân trọng hơn.
Nói cho cùng, văn hoá và sự giàu có của quốc gia chỉ có được và vững bền khi xã hội quan tâm đến đời sống của những người làm nghề giáo - những người thầy, người cô chân chính, yêu nghề; và khi giáo dục được coi trọng, đầu tư xứng đáng…
Những người thầy, người cô có thể rơi nước mắt, nhưng xin đừng bao giờ để họ phải cô đơn!
Bích Diệp