Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LẠI BÀN VỀ CÂU " TIÊN HỌC LỄ HẬU HỌC VĂN. "

Thái a Trần
Thứ tư ngày 29 tháng 8 năm 2018 5:41 PM





Hôm trước tôi có đọc bài viết của tác giả Hiệu Minh trên trang Blog của ông bàn về câu "khẩu hiệu": TIÊN HỌC LỄ HẬU HỌC VĂN mà GDVN nêu lên trong các nhà trường lâu nay. Tôi cũng comment mấy lời tỏ ý "phản bác '' câu này. Tôi cho rằng nó trái với PHƯƠNG CHÂM GD CON NGƯỜI TOÀN DIỆN, Bộ GD nêu ra từ lâu mà đến giờ vẫn chưa thay đổi. Hôm nay bổ sung thêm cho rõ hơn.


Để hiểu rõ câu này, trước hết xin nói qua về nguồn gốc xuất xứ của nó. Đây là câu nói đầu lưỡi của các thầy đồ dạy chữ Nho thời trước. Cũng được coi như "phương châm" để đào tạo những lớp người được gọi là Nho sĩ, rồi ra làm quan, trở thành ''công cụ'' giúp các "quân vương" cai trị "bách tính". Cũng chưa rõ câu này ra đời từ thời nào, ở T.Q hay ở V.N. Trong "kinh sách" Nho học, không thấy có ghi 6 chữ này. Chỉ thấy có một đoạn văn do học trò Khổng Tử ghi lại lời thầy mình trong sách Luận Ngữ có ý nghĩa tương tự. Câu đó như sau: " Đệ tử nhập tắc HIẾU, xuất tắc ĐỄ, CẨN nhi TÍN, phiếm ÁI nhi thân NHÂN; hành hữu dư lực tắc dĩ học VĂN" ( Học Nhi - 6). Dịch ra như sau:"Con em ở trong nhà phải HiẾU (với cha mẹ), ra ngoài phải kính trên nhường dưới (ĐỄ), cẩn thận và thành TÍN, yêu mến cả mọi người (phiếm ÁI) và gần người có đức NHÂN (Đây chính là những hành vi theo LỄ - Lễ là hành vi biểu hiện cụ thể đức NHÂN của người QUÂN TỬ. Không phải tiêu chí ngang với NHÂN trong "ngũ thường" của Đổng Trọng Thư sau này nêu ra mà nhiều người gán cho Khổng Tử); làm được như vậy mà còn dư sức (DƯ LỰC) thì mới đi học VĂN."(tức học chữ và kinh sách Nho học) Như vậy đủ thấy câu "châm ngôn" trên là do hậu Nho (chưa rõ tác giả) đã rút ngắn lại theo trật tự "trước"(TIÊN), "sau" (HẬU) thành 6 chữ là từ câu nói trên của Khổng Tử. Ý Khổng Tử muốn nhấn mạnh để đào tạo người có học vấn (chữ nghĩa,kinh sách) để rồi "tham chính", trước tiên phải xem ai có đủ đạo đức (NHÂN NGHĨA, được biểu hiện ra ở hành vi đúng với LỄ), thì mới là người đủ tiêu chí để trau dồi học vấn rồi mới có thể làm quan trị dân. Số học trò của Khổng Tử vì vậy cũng đều là những người đã trưởng thành được trọn lựa theo tiêu trí này, không phải là trẻ nhỏ. Do vậy mới có khái niệm trước sau. Từ đó về sau, hậu Nho nước ta, trừ những người học đến nơi đến chốn, đỗ đạt cao, còn đa phần chắc chỉ nhớ 6 chữ này. Rồi ra một truyền 10, 10 truyền 100..., cứ thế lan rộng ra cả trong dân chúng thành câu nói đầu lưỡi không chỉ ở các thầy đồ mới thuộc. Những thầy đồ có bằng cấp đều theo đuổi đường quan trường, còn lại lớp thầy đồ sức học chưa vượt được kỳ thi Hương, thậm chí mới qua "nhất trường''(một trong 3 bài thi Hương), ''chữ chưa hay cày chưa biết'', trong ''bụng'' mới có một ''nhúm'' chữ Nho, cũng đủ để mở lớp ''khai tâm'' cho răm trò còn để tóc trái đào, vắt mũi chưa sạch, đã hiểu gì ''lễ nghĩa'' trong nhà ngoài làng như K.Tử nói, nhưng vẫn cho theo thầy để học VĂN (tức chữ Nho, Kinh sách). Nên thầy cũng chỉ cần hiểu câu trên với nghĩa đủ làm chỗ dựa cho uy quyền của thầy để ''dạy bảo'' mỗi khi trò sơ xuất trong lời ăn tiếng nói, không đúng LỄ của thân phận học trò mà thôi. Dù cho hiểu đúng hay sai thì câu đó cũng đã làm tròn ''sứ mệnh'' lịch sử của nền GD Nho giáo trước đây để thực hiện một mục tiêu duy nhất là đào tạo lớp người ''tuân phục'' bề trên theo TAM CƯƠNG NGŨ THƯỜNG của trật tự xã hội P.K. Làm sao mà thích hợp với nền GD hịên đại của ta hiện nay?

Nền GD ngày nay là dành chung cho toàn xã hội. Mục đích chung nhất là nâng cao Dân trí để xây dựng một xã hội BÌNH ĐẲNG - TỰ DO - DÂN CHỦ. Nhiệm vụ trong trường học như nguyên lý GD của Bộ từng nêu ra là ĐÀO TẠO CON NGƯỜI LAO ĐỘNG MỚI TOÀN DIỆN theo 4 tiêu chí ĐỨC- TRÍ- THỂ- MỸ. Như vậy làm gì có khái niệm TIÊN (trước) HẬU (sau)? Dù rằng có giải thích câu này theo lối "bình cũ rượu mới": LỄ là ĐẠO ĐỨC, VĂN là KIẾN THỨC, HỌC VẤN. Dù cho là cách giải thích này tạm "xuôi " tai đi, vậy thì còn TIÊN và HẬU, giải thích thế nào cho nó không trái với GIÁO DỤC TOÀN DIỆN, phải thực hiện trong cùng một quy trình?
Vả lại nếu cứ xem câu đó là hay, là cần thiết cho phương châm GD ngày nay. Thì cớ sao ta đã "treo cao" câu đó khắp các trường trong cả nước đã qua mấy chục năm làm "phương châm", mà nền GD không những không tiến lên, ngược lại xu hướng giật lùi ngày một rõ? TRí DỤC, ĐỨC DỤC sa sút rõ rệt! Vậy thì sự tồn tại của câu đó là vô tích sự,nếu không muốn nói là còn có tác dụng xấu! Bằng chứng là chính học sinh đã xuyên tạc câu đó thành "Tiên đưa LỄ, hậu đưa VĂN", để riễu cợt nền GD đang có xu thế "thương mại hóa" ở khắp các trương sở! Thực ra thì nền GD nước ta tốt lên hay kém đi đâu vì một cái ''khẩu hiệu''? Nếu vậy hóa ra chỉ cần thay cái khẩu hiệu là GD thay đổi được ngay sao ? Điều ấy chỉ có ''tài'' của Tôn Ngộ Không trong tiểu thuyết Tây Du Ký chắc mới làm nổi(!) GD phát triển tốt hay kém là do ta chưa tìm ra được chủ trương đường lối và biện pháp tốt. Điều này trông chờ vào T.Ư và Bộ. Vậy thì còn chờ gì mà không hạ "khẩu hiệu" đó xuống "cất" vào bảo tàng ?Nếu không muốn nói là vứt vào hố rác LS GD!

Thực lòng tôi, ngay từ buổi các bậc thầy kỳ cựu như Nhà Giáo Nhân Dân GS Nguyễn Lân và một số GS khác đồng lòng đề nghị Bộ GD đưa câu khẩu hiệu TIÊN HỌC LỄ HẬU HỌC VĂN treo cao ở khắp các trường học trong toàn quốc làm "phương châm" cho ngành phấn đấu đạt tới. Chúng tôi đã thấy không "xuôi". Thậm chí chẳng cần phải nêu khẩu hiệu làm gi cho rườm. Nhưng vì chúng tôi là lớp nhà giáo hậu sinh, thuộc lớp con cháu của các thầy vào bậc cha chú, theo tập quán ''gia trưởng'' từ xưa hằn sâu vào tiềm thức mọi người, làm sao dám mở miệng phản bác để chịu tiếng xấc xược, không biết lễ nghĩa với "người trên"! Vả lại không khí chung, mọi người rất thích nêu ra các loại khẩu hiệu. Đa số như vậy mà riêng mình phản đối sẽ bị chê là gàn dở. Nhưng sợ nhất là bị quy cho tội chống đối chủ trương của Bộ GD thì mang họa vào thân!
Nay có những bài báo bàn về câu khẩu hiệu trên. Nhưng xem ra những người bàn tới chỉ nói làng màng, chung chung không dám nói thẳng vào ý nghĩa của câu. Hoặc người bàn không biết rõ, hoặc cố tình né tránh, vẫn sợ "nhạy cảm" không dám nói thẳng ra. Thôi thì, tôi cứ mạnh dạn nêu lên những ý kiến của mình trên trang Fb. Hoặc là bạn bè có đọc đến để chia sẻ suy nghĩ chân thành của mình, hoặc không cũng để gửi gắm cho con cháu nhà tham khảo.

Cũng muốn nói thêm,nếu có ai định hỏi lại: Thế thì GD ta nên lấy câu khẩu hiệu gì làm "phương châm" cho hợp? Cũng xin trả lời rằng: Sao nhất thiết cứ phải có khẩu hiệu? Bộ đã có LUẬT GD, có TRIẾT LÝGD, có PHƯƠNG CHÂM GD thì cứ theo đó mà vạch ra các biện pháp thực hiện rồi chỉ thị cho các cấp, các trường ,những cơ quan liên đới cứ thế mà thi hành cho tốt. Khẩu hiệu chỉ cần dùng để hô hào kêu gọi làm những công việc đòi hỏi lòng tự nguyện của mọi người chẳng hạn như kêu gọi mọi người làm việc từ thiện, hay việc cấp bách như chống lụt lội, chống ngoại xâm ... Còn những việc đã đưa vào luật thì cứ theo luật mà làm. Nền GD của ta hiện nay vẫn chủ yếu là các trường công lập chịu sự chỉ đạo của Bộ GD. Một vài trường tư mới hình thành cũng vẫn do bộ chỉ đạo. Vậy thì các trường chỉ có việc chấp hành! Theo cách nghĩ của tôi: Trường nào làm tốt thì khen thưởng, không tốt thì kỷ luật, kém quá thì đóng cửa, giải thể. Giáo viên dậy giỏi thì tăng lương, kém thì phạt lương, kém quá thì sa thải. Học trò học giỏi thì cấp học bổng, kém thì lưu ban; lười không muốn học thì cho nghỉ về kiếm việc làm khác. Muốn tránh nể nang, thiên vị trong đánh giá những việc trên, để được khách quan, Bộ không chỉ chọn những người LIÊM CHÍNH vào Ban thanh tra, mà khi thanh tra cần phải tham khảo ý kiến đánh giá trường, lớp, thầy, cô của học sinh, sinh viên và cả của hội phụ huynh HS nữa.

Ngoài ra cũng nên bỏ hẳn cái gọi là "phong trào thi đua". Thi đua hiện giờ đã "nhàm",trở thành hình thức và cũng là nguyên nhân đẻ ra những báo cáo dối trá để lấy thành tích cao cho đơn vị, nhằm lấy thưởng..., lừa dối Sở, Bộ mà thôi!

Về mô hình giáo dục phổ thông thì nên phát triển theo tháp HÌNH THANG CÂN, nếu gộp cả GD ĐH thì nên theo hình CHÓP như các nước, để loại bớt học sinh lười, không thích học,hết cấp học cho sang trường học nghề. Chú ý chất lượng, không nên thiên về số lượng, cố ép để lấy thành tích ''phổ cập toàn dân'', phát triển theo mô hình HÌNH CHỮ NHẬT như hiện nay.

Đối tượng ưu tiên vùng miền hay dân tộc ít người chỉ nên ưu tiên bằng cách tạo điều kiện, môi trường học tập tốt hơn, hoặc kéo dài thời gian học để đảm bảo chất lượng ngang bằng với thành phố và miền xuôi. Không nên ưu tiên bằng cách cộng thêm điểm. Cách này không những không đảm bảo chất lượng, vô hình chung lại là coi thường và xúc phạm lòng tự trọng của người được ưu tiên. Phải ''kê cao'' mới bằng người sao còn gọi là bình đẳng?


Chỉ mong các nhà GD tìm biện pháp CCGD làm sao để phát huy được tinh thần TỰ LẬP, nâng cao lòng TỰ TRỌNG của học sinh sinh viên. Tạo điều kiện cho họ phát huy được tinh thần DÂN CHỦ, ĐỘC LẬP TƯ DUY, TỰ DO SÁNG TẠO,BÌNH ĐẲNG PHẢN BIỆN để tìm ra chân lý. Tránh lặp lại lối mòn của thời kỳ qua,- thời lớp tuổi chúng tôi khi còn trẻ - đã bị hạn chế mọi điều dưới áp lực của óc gia trưởng trong nền giáo dục Nho học cũ còn hằn sâu trong nếp nghĩ của cả già lẫn trẻ, thầy lẫn trò như: Phân biệt ngôi thứ, già trẻ, đẳng cấp, chiếu trên chiếu dưới, bằng cấp , sang hèn ,giai cấp, nghề nghiệp chuyên môn..! Tệ hại đến mức sợ ''nọ kia" không ai dám mở miệng(!) Chỉ biết nghe theo và vâng lời người trên, trở thành một thứ công cụ biết đi, biết ăn,biết hắt hơi xổ mũi...Như vậy thì làm sao phát huy được khả năng sáng tạo của tuổi trẻ?! Đất nước lạc hậu, kém phát triển là lẽ đương nhiên!

Mong mỏi và hy vọng sự thay đổi lắm thay!

T.A ( 23 - 6 - 2016)