Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỀ NGHỊ TRAO GIẢI THƯỞNG CHO ÔNG BÚT TRE

Dương Đức Quảng
Thứ hai ngày 5 tháng 6 năm 2017 3:54 PM




Kết quả hình ảnh cho Thơ Bút Tre


 



Hàng chục năm qua, nhiều văn nghệ sĩ cả nước đã được xét và nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật với số tiền thưởng không hề nhỏ. Nhiều người rất xứng đáng với Giải thưởng này, nhưng không phải không có người tài năng thì vừa phải, tác phẩm thì nhạt nhòa, không mấy người đọc, người biết nhưng cũng được Giải thướng. Trước thực trạng đó, có người đã đề nghị Nhà nước nên bỏ việc xét thưởng này.
Trong khi đó có người được nhiều người đánh giá: nhân cách đáng kính trọng, tài năng và cống hiến không hề nhỏ, thơ ca được nhiều người yêu thích, thậm chí trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, thơ ông như có sức mạnh giúp cán bộ, chiến sĩ lạc quan, yêu đời, vượt qua gian khổ, ác liệt ở chiến trường. Ông chính là Đặng Văn Đăng, tức nhà thơ Bút Tre, mà hôm nay, 4-6-2017, nhà thơ Trần Nhương, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã có bài viết đăng trên trang mạng của mình là trannhuong.net đề nghị trao giải thưởng lớn cho nhà thơ Bút Tre. Tôi không phải là nhà văn, nhà thơ, không phải là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng là một người đọc thơ, yêu thơ, trong đó có thơ Bút Tre nên hoàn toàn ủng hộ đề xuất này của nhà thơ Trần Nhương và mong mọi người cùng ủng hộ lời đề xuất đó.

Theo trang wikipedia.org, Bút Tre tên thật là Đặng Văn Đăng, còn gọi là Đặng Văn Quang, quê xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Ông sinh năm 1911, mất năm 1987. Ông lấy bút danh là Bút Tre. Ông đỗ tú tài triết học dưới thời Pháp thuộc, viết báo dưới thời đó với bút danh Lục Y Lang. Ông từng làm công tác ngoại giao với chức danh Bí thư thứ hai tại Đại sứ quán Việt Nam ở Rumani. Sau khi về nước, ông làm Trưởng ty (bây giờ gọi là Giám đốc sở) Văn hoá Phú Thọ. Người ta nhớ Bút Tre, không phải vì những bài thơ trữ tình, cũng không vì thơ ông gần với những bài ca dao, mà vì cách làm thơ, gieo vần của ông thật bất ngờ, thường mang đến cho những người nghe sự sảng khoái sau những giờ lao động mệt nhọc căng thẳng. Câu lục bát nổi tiếng có rất nhiều người thuộc khi nhắc đến ông là câu thơ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
Hoan hô đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về...
Hoặc:
"Hoan hô đồng chí Hà Đăng
Ấn cho tàu chạy băng băng như rùa..."
Thơ Bút Tre đã cùng tồn tại với rộng rãi người dân Việt Nam suốt nửa cuối thế kỷ 20 và có thể sẽ còn lâu hơn nữa trong cách sống lạc quan mang lại niềm vui ngày thường cho nhiều người Việt Nam.
Nhà thơ Bút Tre còn là người ghi lại câu nói nổi tiếng của Bác Hồ: "Các Vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước" khi Bác gặp bộ đội chuẩn bị giải phóng Thủ đô năm 1954 ở Đền Hùng.
Nhà thơ Ngô Quang Nam, nguyên Giám đốc Sở văn hóa Thông tin Phú Thọ đã có cả một công trình nghiên cứu về thơ Bút Tre, được Nhà xuất bản Văn Hoá in thành sách phát hành năm 2000. Ngoài ra còn nhiều nhà thơ, nhà văn và bạn đọc, kể cả những người sáng tác thơ theo kiểu Bút Tre đã có những bài viết về thơ của ông và những giai thoại về thơ ông. Tất cả đều yêu mến, quý trọng nhân cách và tài thơ của ông.
Ông Bút Tre là Trưởng ty Văn hóa nhưng sống liêm khiết, đạm bạc, gia tài có giá trị nhất khi về hưu là một chiếc xe đạp. Bà Tuệ Oanh, cán bộ TTXVN, vợ của ông Nguyễn Chấn, nguyên Bộ trưởng Bộ Điện Than trước đây, là nhân viên cũ của ông Bút Tre thời ông làm Trưởng ty kể với tôi: Năm 1971 xảy ra trận lụt rất lớn ở Phú Thọ, nhà ông Bút Tre bị ngập, chiếc vali đựng quần áo của ông bị nước cuốn trôi. Mùa đông đến ông không còn quần áo rét để mặc. Ông Bút Tre viết thư cho bà Tuệ Oanh kể lại chuyện bị ngập lụt này. Bà Tuệ Oanh muốn gửi tặng ông một bộ com lê nhưng lục lại trong tủ quần áo của chồng chỉ thấy có một bộ duy nhất là của ông Nguyễn Chấn, còn bộ thứ hai là mượn của Bộ Tài chinh để đi công tác nước ngoài nên không thể gửi tặng ông Bút Tre được. Bà Tuệ Oanh đành dùng phiếu vải cả năm của hai vợ chồng để mua 10 m vải ka ki gửi tặng ông Bút Tre để ông may quần áo rét. Thế đấy, cán bộ cỡ như ông Bộ trưởng và ông Trưởng ty hồi ấy đâu có giầu có như bây giờ!

Ông Bút Tre mất năm 1987, trước khi mất ông để lại một bài thơ, cũng là lời dặn rất cảm động sau:
Tôi dặn, tiễn tôi tới suối vàng
Thưa kèn, giảm trống, chẳng đò ngang
Dứt đường Tây Trúc, kinh thôi tụng
Buông sách Thọ Mai, lễ chẳng màng
Xã hội, cơ quan ngừng phúng viếng
Họ hàng thân thuộc chút khăn tang
Hương thơm, đèn sáng, vòng hoa trắng
Trầm mặc, cử hành đám lễ tang.
(Theo "Vè sĩ Bút Tre", Báo Tuổi trẻ online, 26/01/2007).

Những năm còn làm việc tại Văn phòng Chính phủ, tôi có dịp được tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một số chuyến công tác. Một lần Thủ tướng hóm hỉnh kể chuyện tiếu lâm rồi đọc cho một số cán bộ đi cùng nghe bốn câu thơ “kiểu Bút Tre” do nhà văn, nhà báo Trần Bạch Đằng, nguyên Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam, làm. Đó là năm 1971, ông cùng ông Trần Bạch Đằng và ông Võ Thuần Nho, em trai của Đại tường Võ Nguyên Giáp, khi đó là Thứ trưởng Bộ Giáo dục sang Cộng hòa Dân chủ Đức chữa bệnh. Trước khi đi, cả ba ông đều được nhận các bộ quần áo com-lê do Bộ Tài chính cấp phát. Trên máy bay, ông Võ Văn Kiệt và ông Trần Bạch Đằng mặc quần áo “cọc cạch”, không đồng bộ, riêng ông Võ Thuần Nho mặc nguyên cả bộ, “rộng thùng thình”. Nhìn thấy vậy, ông Trần Bạch Đằng ứng khẩu đọc bốn câu thơ “kiểu Bút Tre”:
Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên oai hùng
Hoan hô Thứ trưởng Võ Thuần
Nho đi Đông Đức mặc quần…tài chinh (chính)!.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt kể rằng, những năm chiến tranh, nhiều cán bộ, chiến sĩ ở miền Nam thuộc thơ Bút Tre vì những vần thơ đó đã làm cho cuộc sống vui hơn, lạc quan hơn để vượt qua gian khổ chiến trường. Ông bảo, không thấy nhà văn, nhà báo hay cơ quan nào đề nghị trao giải thưởng cho ông Bút Tre, nếu có ông sẽ là người ủng hộ.

Cũng phải sau 20 năm kể từ ngày ấy, hôm nay tôi được đọc những lời tâm huyết của nhà thơ Trân Nhương đề xuất trao Giải thưởng lớn cho nhà thơ Bút Tre. Giải thưởng lớn là giải thưởng gi? Cơ quan nào trao? Và, không hiểu lời đề xuất này có vị lãnh đạo có trách nhiệm nào nghe và ủng hộ như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng ủng hộ hay không và cơ chế thực hiện như thế nào? Thật khó lắm thay!
Tôi nghĩ, cách tốt nhất là Hội Nhà văn Việt Nam nên có đề nghị Nhà nước trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho ông Bút Tre, nhà thơ được nhân dân yêu mến, về những cống hiến của ông cho làng thơ nước Việt.
Dẫu chưa được giải thưởng gì nhưng tôi nghĩ, ở nơi suối vàng ông Bút Tre rất vui vì đã được giải người dân trao giải thưởng cho ông từ lâu, từ cái hồi:
Hoan hô đồng chí Bút Tre
Thơ phú ngang phè mà lại hóa hay!

D.Đ.Q