Mới vào hè chưa bao lâu mà trên “ màn hình” của Bộ trưởng Bộ Văn Hóa-Thể thao-Du lịch ( xin được gọi tắt là Văn-Thể-Du ) Nguyễn Ngọc Thiện đã xuất hiện liên tiếp, dồn dập nhiều chương trình “ hot” quá . Bàn dân thiên hạ chưa nguôi ngoai cơn bực mình vì Cục Nghệ thuật biểu diễn của ông Nguyễn Đăng Chương ra lệnh cấm 5 bài hát trước năm 75, liên tiếp sổ ra vụ cấp giấy phép cho Quốc ca.Chưa kịp hít hà lại xẩy ra vụ ông Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái xuống lệnh “ xứ trảm” ông Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Đà Nẵng HuỳnhTấn Vịnh quanh việc cơi nới hay không bán đảo SơnTrà; để rồi vài ngày sau chính ông Thứ trưởng vội vã hạ bút ký thu hồi văn bản kỷ luật và ngỏ lời xin lỗi ông Vịnh.
Ấy là dư luận và báo giới còn “ tha” cho ông Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và cái Bộ Văn-Thể-Du của ông quanh việc làm rùm beng với bộ phim “Kong-Đảo đầu lâu”. Này nhé: Bây giờ đã hai năm rõ mười, anh chàng đạo diễn của phim cũng không phải thuộc loại “ sao Hôm, sao Mai “ của điện ảnh Hollywood; bộ phim này ngoài phần doanh thu vượt trội ra cũng thuộc loại giải trí “ thường thường” thôi..Thế mà đùng đùng, Bộ Văn-Thể -Du của nước mình mời anh đạo diễn này làm Đại sứ Du lịch Việt Nam một nhiệm kỳ tới mấy năm. Xem “ Kong-Đảo đầu lâu”, tìm hiểu sự nghiệp phim ảnh của ông đạo diễn này, chắc chắn người khắp năm châu bốn biển cũng hiểu rằng nền văn hóa của một xứ sở mà anh đạo diễn này làm sử giả đang ở đẳng cấp nào? Này nhé: Không biết chú trợ lý nào sui bẩy, suýt nữa Bộ Văn –Thể-Du rước chú khỉ đột Mỹ về đứng sừng sững bên Hồ Hoàn Kiếm, mà lại ngay sau khối tượng “ Thà quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”
Chưa hết đâu, ông Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện ơi..Để khuyếch trương “chiến quả “ của “ Kong-Đảo đầu lâu”, ngành du lịch nước ta ( hay Du lịch tỉnh Ninh Bình?) liền cho cắt băng khánh thành phục hiện “ y như trong phim” nơi đã quay phim. Cũng những chiếc lều hình nơm cá, cũng vài dàn bếp đun ngoài trời..Và những người dân địa phương “được” ( hay “bị” ? ) mặc khố lá và mặt vẽ xanh đỏ cũng y như trong phim. Trong “ King-Đảo đầu lâu” nói rõ: có một hòn đảo đầy đầu lâu ở ngoài khơi Thái Bình Dương, nghĩa là hoàn toàn nằm ở đâu đó ngoài hải phận Việt Nam. Ở hòn đảo đó có những túp lều, những người thổ dân như ở diểm du lịch mới tại Tràng An. Liệu có suy diễn quá không, nếu vị khách tham quan nước ngoài nào đó nhầm lẫn mà nghĩ rằng, Việt Nam bom đạn chiến tranh kéo dài gần nửa thế kỷ, thì nơi đây có đảo đầu lâu là đúng rồi (?! )
Bộ Nông nghiệp đang lo sốt vó về tôm cá chết; thuyền tàu sắt nhanh chóng bị hỏng nát. Bộ Công thương đau đầu bởi những vụ thua lỗ bạc tỷ dollar. Bộ Y tế chưa giải quyết ra ngô ra khoai vụ “ ngộ độc thực phẩm” đã bi truy cứu trách nhiệm quanh vụ “ chạy thận “ ở Hòa Bình;vụ tốn kém quá nhiều tiền quanh việc nhập thuốc chữa bệnh và y cụ từ nước ngoài. Bộ Tài Nguyên-Môi trường vừa méo mặt về vụ Fomosa, đang dáo dác để mắt lo tới các vụ Fomosa khác rập rình chỉ chực nổ ra. Bộ Giáo dục-Đào tạo loay hoay với việc cải tiến cải lùi, để đi tới kết luận “ cái cũ hôm qua sẽ thành cái mới hôm nay” chăng.. v..v..
Ngó đi, ngoảnh lại, xem ra chỉ có Bộ Văn-Thể-Du là “ ngon cơm”. Comple, cà vạt thật chỉnh trang, mái tóc ép chải cho thật láng mượt, thảo ra một bài “ đít-xì-cua” văn vẻ,hoành tráng một tý ..Và lên xe đến dự buổi cắt băng khánh thành một cuộc triển lãm, chúc mừng một lễ hội, tháp tùng các vị cấp cao trong một bữa tiệc cần tới mấy điệu múa uốn lượn nhuốm qua quýt màu dân tộc..Có chỉ đạo Cục dọc, Ngành ngang cũng “năm đường ba sợi” là hoàn thành nhiệm vụ. Thời buổi này, xét trên toàn cục, Văn-Du-Thể vẫn là lĩnh vực “sạch” nhất, tránh xa nhất với tiền bạc, đất cát… Lo quái gì thằng nào, con nào xía vào?
À, còn cái “ lộc” này nữa, mà các Bộ khác không thể có, ngoài Văn-Thể-Du. Con cái các vị “ thượng cấp”, các quan ngài “ đối tác cùng ăn chia” nếu dốt nát, kém cỏi, không đủ khả năng thi vào trường này, trường nọ đòi hỏi tới điểm toán, lý, văn..ư? Cứ dắt cháu tới Bộ chúng tôi,nhận hết..nhận hết..Các cháu sẽ trở thành chuyên viên quản lý bảo tàng, thư viện, sân khấu, điện ảnh ráo trọi. Không cần các cháu am hiểu kỹ lưỡng, sâu sắc đặc trưng ngôn ngữ của múa, kịch, sân khấu, hội họa làm gì cho mệt sức! Các cháu chỉ cần ậm ừ; gật lắc, tỏ ra ta sâu sắc, ta biết hết, nhưng ta bỏ qua cho- như cha chú đi trước vẫn làm đó, là được !
Kể ra đây cho vui. Cách nay 2,3 năm gì đó, khi đang mùa Đại hội thường niên của các hội văn học, nghệ thuật trong cả nước. Đồng chí thủ trưởng cơ quan văn hóa của tỉnh nọ có chiêu đến tiễn biệt đại biểu các Hội đi Hà Nội họp. Ở tất cả các Hội, thủ trưởng ngành văn hóa tỉnh nọ đều kết thúc “ đít-xờ-cua” bằng một lời chúc mừng như nhau: Xin chúc các đồng chí hãy vì màu cờ sắc áo của tỉnh nhà mà tham gia Đại hội ! “. Thông minh, sâu sắc, khái quát thật ! Mà hình tượng nữa! Múa, làm phim, diễn kịch, cả các anh các chị nhà văn, nhà thơ nữa, cũng hãy vì màu cờ sắc áo mà tiến lên !
Nói vậy nhưng cũng không hẳn là vậy. Xin đừng vơ cả nắm bỏ rọ! Nhiều vị chức sắc đầu ngành văn hóa gần đây cũng đã “lai tỉnh” để thấy rằng quản lý ngành nghề Văn –Thể -Du này không hề đơn giản chút nào. Anh chị em văn nghệ sỹ am tường kỹ càng, sâu sắc về từng chuyên môn mà họ đã tự nguyện hiến dâng cả cuộc đời của mình. Đã qua cái thời kỳ “bắt quyết” họ vì vài yêu cầu chính trị, tư tưởng chung chung rồi ! Cán bộ quản lý văn hóa dễ “ đo ván” như chơi khi động chạm tới những gì thuộc về nguyên tắc sáng tạo, về “chuyện bếp núc” của họ.
Những gì vừa kể cũng không đáng lo, đáng ngại bằng những thử thách cán bộ quản lý Văn-Du-Thể đang đối mặt khác…Ví như, đã hội nhập thì làm sao để tránh được những lai căng, ảnh hưởng đây? Ví như, đồng tiền đã được xã hội “ thượng tôn” như hiện nay thì chỗ nào là gianh giới giữa nghệ thuật đích thực và nghệ thuật đã hàng hóa “hóa”? Và đây nữa, với lĩnh vực Văn-Thể-Du, yêu cầu tối thượng “ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” nên hiểu và vận dụng như thế nào nhỉ? Hệt như anh làm xiếc phải đi qua một sợi giây căng ngang hai bên vực sâu: một bên là tư tưởng, là chính trị; một bên là Tiền, Tiền, Tiền…Giữ được thăng bằng, không sây sẩm mặt mày để đi qua được hết khúc giây ngắn hay dài đó, thần kinh phải thật vững, ngón nghề phải cao cường lắm lắm, chứ đùa sao ?
Bạn bè trong thành phố Hồ Chí Minh kể cho nghe..Ông Nguyễn Thành Rum, Tiến sỹ Luật, trụ được trọn nhiệm kỳ Giám Đốc Sở Văn Hóa-Thể Thao-Du lịch thành phố này cũng đáng kể là người tài và can đảm. Ông Rum yêu thể thao, có hiểu biết về thể thao nên ông này chỉ hiện diện khi giới thể thao xin trình và xin duyệt. Sân khấu, phim ảnh, ca nhạc …ông Rum “né”, nhường lại cho các chuyên viên của mình “ phán” hoặc “ Oké ”.
Hai ông Giám đốc kế cận ông Rum lá gan không lớn bằng, hoặc giả khôn ngoan, tinh ma hơn vị tiền nhiệm.Ông Phan Ngọc Như Khuê gánh vác Sở Văn-Thể-Du được nửa nhiệm kỳ, liền xin điều chuyển về làm Đoàn phó Đoàn Đại biểu Quốc Hội Thành phố.Thay ông Như Khuê, ông Nguyễn Hữu Việt mới ngồi ấm chiếc ghế Giám đốc chừng nửa năm, vội bỏ ghế đứng dậy tìm một chân né được búa rìu tại văn phòng đại diện Ban Tư tưởng TƯ ở TP Hồ Chí Minh.
Giới văn hóa nghệ thuật thành phố đang chăm chắm hướng về ngôi nhà của Sở Văn -Thể- Du ở đường Đồng Khởi với nỗi thắc thỏm,âu lo: Ông Huỳnh Thanh Nhân, nguyên Bí thư Quận ủy Quận Thủ Đức, vừa ngồi vào chiếc ghế Giám đốc Sở này mới đâu đó được một vài tuần. Liệu với tuổi trẻ, tài cao ông Thanh Nhân sẽ bám trụ được nơi này lâu hơn 2 vị tiền nhiệm không đây ?
Ghi chú ảnh:
Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn Hóa-Thể thao-Du lịch trao bằng chứng nhận “ Đại sứ Du lịch VN” cho Jordan Vogt-Roberts, đạo diễn phim” King-Đảo đầu lâu”