(Kính gửi Giáo sư Trần Đình Sử)
Thưa thầy!
Buổi trưa ngày 28/01/2010, em cùng nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ, nhạc sỹ Văn Dung đang ở Pác Bó thì nhận được điện thoại của thầy: Uyên viết bài in báo chỉ trích tôi 3 chỗ .... (Bài: Nguyên tác và bản dịch Nhật ký trong tù- Những câu chuyện nhỏ! Báo an ninh thế giới cuối tháng số xuân Canh Dần ngày 20/01/2010 in đã sửa đầu đề: Những câu chuyện nhỏ, ý nghĩa lớn). Em đã thưa lại: Đấy là ý kiến em trao đổi, thầy bảo là chỉ trích thì em buồn quá.... Em dự định khi nào về Hà Nội sẽ nói lại với thầy, nhưng em rất ít có việc xuống Hà Nội nên chưa có cơ hội... rồi em quên luôn! Đầu tháng 7, tình cờ đọc trên trang Web Phong Điệp. Nét có bài: Đôi lời nói lại bài thơ Lai Tân của Hồ Chí Minh trong SGK ngữ văn 11 của thầy, em đọc rất nhiều lần thấy buồn và hận! Em buồn và tự hận mình vì mặc dù rất chịu khó đi học (đặc biệt là môn ngôn ngữ em học với các Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết) mà vốn từ ngữ Tiếng Việt của em quá nghèo nàn và khả năng trình bày, tranh biện bằng Tiếng Việt quá non kém! (Vì Tiếng Việt không phải tiếng mẹ đẻ của em!). Nghèo nàn và kém cỏi tới mức em viết gần 1000 chữ trao đổi một vấn đề đơn giản là hiểu câu thứ ba trong bài Lai Tân như thế nào cho đúng mà thầy không hiểu! Vậy nên em viết thư này xin được nói thêm về những điều em đã nói đủ trong bài báo trên an ninh thế giới. May mắn ra thì thầy hiểu cho em, còn không thì em cũng chỉ biết chắp tay vái lạy thầy mà thôi!.
Điều đầu tiên là em khẳng định lại với thầy: Bài Lai Tân trong SGK lớp 11 là giảng chưa trúng! Tại sao lại chưa trúng? Thầy đã đưa ra các bằng chứng SGK giảng không sai. Sách dùng cho giáo viên của thầy đã giảng câu 3 Huyện trưởng đốt đèn làm việc công (Tức là hút thuốc phiện - theo Đặng Thai Mai và Hoàng Trung Thông. Thầy cũng đã dẫn lời của giáo sư Đặng Thái Mai rằng: Bộ mặt ba nhân vật cương lên trên ba câu trên của bài thơ sao mà sinh động thế ? Lão giám ngục đánh bạc ngày này qua ngày khác, viên cảnh sát trưởng lóc lém móc túi tiền của tù và quan huyện thì chong đèn hút thuốc phiện (và câu hút thuốc phiện là do một giảng viên văn học Trung quốc kể theo lời một ông già Hoa Kiều). Ngay cả ở văn bản này nữa cũng chỉ nghe nói chứ chưa bao giờ giáo viên và học sinh được giải thích một cách cặn kẽ về nguồn gốc tại sao câu huyện trưởng đốt đèn làm việc công lại được hiểu một cách trái khoáy là huyện trưởng đốt đèn hút thuốc phiện. Phải có nguyên do, chứ không thể chỉ nghe kể! (Em cũng xin nói ra ngoài một chút rằng, em có đọc được một đoạn thầy Nguyễn Đăng Mạnh viết: Đến thị trấn Túc Vinh, Bác bị cảnh sát bắt. Người bị bắt không phải vì không có giấy tờ hợp lệ mà vì mang trong người rất nhiều Đô la (Hoàng Quảng Uyên nhấn mạnh). Người trữ đô la để mua vũ khí về cho bộ đội Việt Minh (Nhật ký trong tù, nhà xuất bản chính trị quốc gia - 2003, trang 447). Em thấy lạ và hay quá bèn gọi điện hỏi thầy Mạnh, thông tin này đã được in ở đâu, thầy trả lời Nghe ông H. V. H nói thế. Chỉ nghe nói thôi, nên em không sử dụng nguồn này vào bất kỳ bài viết nào). Cũng tương tự như vậy, thông tin của giáo sư Đặng Thai Mai nếu đúng thì vẫn còn một chút lấn bấn là tại sao hiểu thế!?
Bản thân em khi đọc câu Huyện trưởng chong đèn làm việc công được hiểu là chong đèn hút thuốc phiện cũng đã tự hỏi rất nhiều lần: Tại sao lại hiểu như thế và em bắt đầu đi tìm câu trả lời cho riêng em. Quá trình đi tìm câu trả lời bắt đầu từ năm 2004 khi em đọc được một văn bản lưu ở viện văn học (văn bản không số, Đặng Thái Mai ký ngày 4/02/1960). Có một dòng như thế này: Về bài Lai Tân, câu thứ 3: theo đ/c tuỳ viên văn hoá Trung quốc thì ở Trung quốc câu này trước hết có nghĩa là huyện trưởng đốt đèn hút thuộc phiện. (Xin gửi thầy bản chụp). Đó là một đầu mối rất có giá trị (vì được ghi bằng giấy trắng, mực đen) của một tuỳ viên văn hoá chắc trình độ và hiểu biết về văn hoá Trung Hoa không đến nỗi kém!. Tại sao ông ta lại bảo như thế?
Năm 2006, trong chuyến sang Nam Ninh (Trung quốc) em đã tranh thủ trao đổi về bài Lai Tân với giáo sư Hoàng Tranh, viện phó viện Khoa học - Xã hội Quảng Tây, Giáo sư Nông Lập Phu, viện phó viện nghiên cứu Đông Nam á, nhà báo Hoàng Tổ Giang, Tổng thư ký hội nhà báo Quảng Tây, nhà văn Phùng Nghệ, Chủ tịch Hội nhà văn Quảng Tây.... Các vị ấy đều trả lời Đó là một câu tiếng lóng phổ biến ở Quảng Tây! (Em cũng kể với Phùng Nghệ về cuốn tiểu thuyết Phong nhũ, phì đồn (nghĩa là: ngực nở, mông to) của Mạc - Ngôn Việt Nam dịch Rất xa nguyên tác thành: Báu vật của đời. Phùng Nghệ ngạc nhiên hỏi: Sao thế? Em bèn lấy câu của thầy Hoàng Ngọc Hiến trả lời Việt Nam nó thế!).
Năm 2007, sang huyện Tịnh Tây (một huyện của Trung quốc giáp với huyện Hà Quảng - Cao Bằng). Em lại đem chuyện này ra hỏi các nhà văn Đường Trạch Hoàn, nhà văn Lương Hiểu Văn... các ông ấy cũng trả lời ấy là một câu tiếng lóng.
ở tỉnh Cao Bằng có một nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá rất uyên thâm là ông Vương Hùng, em đem câu này hỏi ông, ông bảo: ở vùng mình ngày trước đám thanh niên muốn rủ nhau đi hút thuốc phiện cũng dùng tiếng lóng Tẻm tâng hết ray cán lố vớ (đốt đèn làm việc vớ !)
Năm 2009, một lần Tào lao ở ban sáng tác Hội nhà văn Việt Nam, em có kể chuyện này cho nhà văn, dịch giả Trần Đình Hiến nghe, ông vỗ tay Đúng, đúng, Trung quốc hay dùng tiếng lóng, họ có cả một quyển từ điển dầy về tiếng lóng, để mình về tra cứu!. Không biết quyển từ điển kia có chép câu này không? Cũng có thể họ bỏ sót!
Như vậy là trong 5 năm truy tìm em đã tìm ra câu trả lời cho riêng mình (không biết có đúng không!). Em tìm hiểu kỹ như thế rồi mới dám có ý kiến là theo lời căn dặn của thầy Muốn thế thì phải nghiên cứu thật kỹ những gì người đi trước đã làm, nếu không thì dễ bị hố đấy. Trong chuyện này em có bị hố hay không? Người đọc chắc sẽ có câu trả lời đúng.
Nếu như chấp nhận cách hiểu của người Trung quốc mà em tìm hiểu được thì trong sách giáo khoa, và trong những bản in Nhật ký trong tù, câu 3 trong bài Lai Tân nên có một chú thích: Câu này là một câu tiếng lóng phổ biến ở vùng Quảng Tây - Trung quốc có nghĩa là Huyện trưởng đốt đèn hút thuốc phiện. Chú thích như thế thì học sinh và giáo viên mới không lúng túng khi sách hướng dẫn của thầy viết rằng Ban trưởng cứ đánh bạc, cảnh trưởng cứ ăn tiền, huyện trưởng cứ hút thuốc phiện và một khi công nhận đó là một câu tiếng lóng thì chỉ có một nghĩa thôi (chứ không thể có 2 hoặc nhiều nghĩa như SGK giảng). Đặc điểm của tiếng lóng là: Nghĩa đen của từ ngữ chỉ là vỏ ngôn ngữ còn nghĩa thật (nghĩa lóng) lại khác xa với vỏ ngôn ngữ mà nó mang. Không thể giảng: Câu thơ như thế là có hai nghĩa, rất thú vị. Nếu dịch là hút thuốc phiện thì chỉ có một nghĩa đen thôi. Mất thú. Câu Nếu dịch là hút thuốc phiện chỉ có một nghĩa đen thôi là thầy viết sai. Không phải là dịch mà là hiểu và nghĩa đen của câu đốt đèn làm công việc là... Đốt đèn làm công việc còn đốt đèn hút thuốc phiện lại là nghĩa khác chứ không phải là nghĩa đen!.
Tiếng lóng chỉ có duy nhất một nghĩa, nghĩa này khác xa nghĩa đen của vỏ ngôn ngữ. Chẳng hạn trong cuốn Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, từ cớm là từ bọn lưu manh, trộm cắp chỉ mật thám (công an). Còn từ bỉ vỏ là chỉ người đàn bà (con gái) ăn cắp (móc túi). Vì không truy tận gốc cách hiểu câu 3 trong bài Lai Tân mà sách giáo khoa cứ gán cho câu này 2 nghĩa (vì như thế mới thú!).
Đó là cách hiểu và cách giảng câu 3 mà em trình bày. Cách giảng này hoàn toàn khác với sách giáo khoa, chứ không phải giảng thêm như thầy nói Anh Hoàng Quảng Uyên cũng không giảng gì nhiều hơn so với SGK ngữ văn của chúng tôi cả.
Viết đến đây em thấy em đã trình bày rõ cách hiểu của riêng em về câu 3 trong bài Lai Tân không còn nói gì nhiều nữa, nhưng trong bài viết của thầy có 6 điều nói lại mà cả 6 điều đều mang tính học thuật nên em xin phép được nói rõ từng điều.
Câu thứ nhất: Thực ra thiêu đăng, điểm đăng chỉ là một. Không thể là một được, chính xác là hai từ này có thể thay thế nhau trong một số trường hợp. Dịch đúng từ thiêu đăng cho hợp văn cảnh phải dịch là: Đốt đèn, chứ dịch là chong đèn, dễ dẫn người đọc đi lạc.
Câu thứ hai: Ngay từ đầu, trong phần dịch nghĩa bài thơ mấy chữ Biện công sự được dịch thành làm việc công, không phải các nhà soạn sách hoắng lên nắn lại rồi thêm vào. Theo em hiểu: Biện công sự dịch là làm công việc (chính xác nhất là theo cách hiểu của chính tác giả Hồ Chí Minh là: làm việc). Dịch là làm việc công là ngẫu hứng quá! Trong Tiếng Việt: Làm việc khác với làm việc công: Làm việc là có cả việc công và việc tư, còn làm việc công chỉ là làm việc công chứ không có việc tư. (Nếu thầy Nguyễn Minh Thuyết tình cờ đọc bài này, xin thầy chỉ giáo). Hiển nhiên vậy mà thầy Trần Đình Sử cố giảng lấy được: Dịch nghĩa đen như vậy là đúng. Mà có nhấn mạnh chữ công thì càng tương phản gay gắt với tính chất tư của chúng lại càng hay, có sao đâu. Trời ơi là trời!.
Câu thứ ba: Thiêu đăng không nhất thiết chỉ có một nghĩa tiếng lóng là hút thuốc phiện như ông tuỳ viên nọ bảo. ở đây thầy lại bẻ queo ý của ông tuỳ viên rồi. Ông tuỳ viên bảo thiêu đăng biện công sự nghĩa trước hết là đốt đèn hút thuốc phiện. Bản thân hai từ thiêu đăng chẳng ai bảo là hút thuốc phiện cả (dù là tiếng lóng đi nữa). Rồi thầy còn viện dẫn cả Hán ngữ đại từ điển để cho có sức thuyết phục, cũng chẳng cần nhọc công làm gì!.
Câu thứ tư: Anh Hoàng Quảng Uyên nghĩ rằng SGK giảng thiêu đăng là hút thuốc phiện. Thầy viết tắt quá, chẳng bao giờ em nghĩ thiêu đăng là hút thuốc phiện cả mà là thiêu đăng biện công sự nghĩa là đốt đèn hút thuốc phiện, theo cách nói tiếng lóng của Trung quốc. Thầy còn viết như thế hiểu thiêu đăng biện công sự là hút thuốc phiện không phải là phát hiện đầu tiên của anh Hoàng Quảng Uyên gần đây, mà đã có từ 35 năm trước làm cơ sở cho sách giáo khoa giảng văn .... Em không bao giờ dám nhận vơ như thế, nhưng em có quyền xác nhận rằng, em là người tìm ra câu trả lời tại sao lại hiểu đốt đèn làm công việc là đốt đèn hút thuốc phiện như ông tuỳ viên văn hoá Trung quốc khẳng định. ấy là cách dùng tiếng lóng ở vùng Quảng Tây - Trung quốc. Điều ấy chẳng có công trạng to tát gì, nhưng thầy đã nói thế buộc em phải khẳng định lại.
Câu thứ năm: Thầy viết Guồng máy cai trị ở đây xưa nay vẫn phân công, phân nhiệm rành mạch như thế (Ban trưởng cứ đánh bạc, cảnh trưởng cứ ăn tiền, luyện trưởng cứ hút thuốc phiện). ở những chỗ khác thầy bảo là phải hiểu câu thiêu dăng biện công sự nhiều nghĩa thì ở đây thầy chỉ đóng khung một nghĩa hút thuốc phiện! Như thế có tự mâu thuẫn không?
Câu thứ sáu: anh Uyên kể theo đồng chí tuỳ viên văn hoá Trung quốc thì ở Trung quốc câu này trước hết có nghĩa là luyện trưởng đốt đèn hút thuốc phiện. Không phải em kể mà em đưa ra bằng chứng giấy trắng mực đen để làm cái gốc đi tìm câu trả lời. Thầy còn viết câu thơ như thế là có hai nghĩa, rất thú vị. Nếu dịch là hút thuốc phiện thì chỉ có một nghĩa đen thôi. Lại nghĩa đen. Sao cứ lặp đi, lặp lại sự sai sót không đáng có như thế!.
Và câu cuối cùng: Tôi cảm thấy hình như anh Hoàng Quảng Uyên hơi có chút tâm lý tham công phát hiện về tính chất thể loại.... Em xin được thưa lại với thầy rằng, mấy năm gần đây, em dồn tâm lực vào nghiên cứu về Bác Hồ và đã có một vài phát hiện nhỏ, nhưng chưa bao giờ em kể công, tham công cả. Em nhớ, khi em viết loại bài Nhật ký trong tù - Số phận và lịch sử - Giáo sư P. L đã viết tôi không tin. Khi em đến viện văn học lần thứ hai tìm tài liệu, giáo sư H. C bảo Lại nhật ký trong tù à? Đời còn có bao nhiêu việc phải làm chứ!. Nay thầy lại nói em tham công. Hoá ra các giáo sư đều có quan niệm giống nhau- cái quan niệm mà tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Thái hay nói vui: Đi chỗ khác chơi. Dẫu vậy, em vẫn tiếp tục đi theo con đường của em. Em biết sẽ có những động chạm, và em sẽ phải chịu đựng như nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã từng chịu đựng. Nhưng Trần Mạnh Hảo là Trần Mạnh Hảo, Hoàng Quảng Uyên là Hoàng Quảng Uyên, chẳng sao cả!
ở cuối bài viết thầy đưa thêm bài Tân xuất ngục, học đăng sơn vào để tăng thêm trọng lượng cho những ý kiến của thầy. Em xin nói rằng: em không có phát hiện gì mới mẻ về bài này mà em chỉ tò mò đi tìm ngọn Tây phong lĩnh ở đâu trên đất Quảng Tây rộng gần bằng đất nước Việt Nam vì chú thích trong SGK không làm em thoả mãn Tây phong là một ngọn núi ở Quảng Tây. Em đã đi tìm và xác định Tây phong lĩnh là ngọn Ngư phong, nằm bên đường Ngư phong, đại lộ Liễu Thạch, Thành phố Liễu Châu, cách trụ sở của Cục chính trị đệ tứ chiến khu 5km (ở phía Đông), nơi giam giữ Bác Hồ trước khi Bác được trả tự do. Em nghĩ đó là chuyện nhỏ, nên em đã viết trên bài in báo an ninh thế giới rằng: Đây chỉ là những chuyện nhỏ chứ không phải là những khám phá, phát hiện to tát gì!. Rất mong thầy đọc lại đoạn này. Tiện đây em xin cung cấp cho thầy thêm một thông tin: Trong bản in Nhật ký trong tù do viện văn học dịch, chỉnh lý, bổ xung, in lần thứ ba, nhà xuất bản văn học 1983, nhóm biên soạn đã chú thích như thế này về bài Tân xuất ngục - Học đăng sơn: Bài thơ cuối cùng này nguyên không có đầu đề, cũng không có trong ngục trung nhật ký, vì được sáng tác sau khi Bác Hồ đã ra tù. Cũng như các lần in trước, người dịch tạm thêm đầu đề và đặt vào đây làm bài kết thúc cho tập thơ. Bác Hồ được thả khỏi nhà tù Tưởng Giới Thạch khoảng giữa thứ 9 - năm 1943, vì như Bác ghi rõ trong nguyên bản, tập ngục trung nhật ký chấm dứt vào ngày 10 tháng 9 năm 1943. ô kìa! Bài Tân xuất ngục, học đăng sơn được dịch in từ nguyên bản, bút tích của Bác Hồ, có đầu đề hẳn hoi (xin xem bản chụp) sao lại bảo không có đầu đề, đầu đề do người dịch thêm vào?...
Đọc bài của thầy trên phong Điệp, net em điện hỏi ngay Phạm Phong Điệp, người bạn học cùng khoá với em hiện công tác ở báo văn nghệ trẻ rằng: Bạn thấy bài này đã in ở báo giấy nào chưa?. Trả lời Hình như chưa. Hỏi: Liệu in bài thầy Sử và bài của Hoàng Quảng Uyên trên văn nghệ được không?. Trả lời chắc là không được!. Tiếc quá! giá như thư (bài) này được in để nhiều người đọc thì hay quá.
Thưa thầy, em còn nhiều điều muốn nói về văn thơ Hồ Chí Minh (nhất là Nhật ký trong tù) nhưng em ngại quá vì càng nói nhiều càng lộ ý đồ tham công. Sợ thì có sợ nhưng em vẫn phải nói (vào một dịp nào đó) vì quả thực Nhật ký trong tù còn nhiều bí ẩn (ẩn số) lắm. Những ẩn số có thể giải được và những ẩn số không bao giờ giải được. Chẳng hạn con số ghi năm sáng tác, ở đầu ghi là 1932-1933, ở cuối lại ghi là 1942-1943. Mặc dù được giải thích là: Ghi (1932-1933) là để nguỵ trang, con số đúng là: 1942-1943!. Công bằng mà nói ta chưa có câu trả lời chính xác nhất, đúng nhất, tâm phục, khẩu phục nhất. Vì điều này nên một số học giả (như Lê Hữu Mục chẳng hạn) cứ bám vào để chứng minh: Nhật ký trong tù không phải của Hồ Chí Minh mà là của một ông già họ Lý nào đó!?.
Thưa thầy, thầy nói rằng, cách đây 35 năm giáo sư Đặng Thai Mai đã mở cửa cho giảng: Biện công sự là hút thuốc phiện. Nếu nói theo cách của thầy thì cái sự mở cửa ấy đã có từ 50 năm rồi, mà người mở cửa chính là ông tuỳ viên văn hoá nọ. Ông mở bằng văn bản hẳn hoi: ở Trung Quốc câu này trước hết có nghĩa là huyện trưởng đốt đèn hút thuốc phiện. Ông mở ngay trước mặt những người làm sách Nhật ký trong tù nhưng chẳng ai nhìn thấy (hay chẳng muốn nhìn). Giá như lúc ấy, có ai đó hỏi ngay ông Tuỳ viên văn hoá rằng: sao ông nói lạ lùng thế? Biện công sự là làm việc công sao bắt phải hiểu là hút thuốc phiện?!. Thì chắc chắn ông tuỳ viên sẽ trả lời: ở bên Ngổ, đó là một câu tiếng lóng. Hà hà, . Nếu có chuyện như thế xảy ra cách đây 50 năm thì sẽ không có chuyện trao đi, đổi lại cách hiểu câu 3 bài Lai Tân. Thầy cũng chẳng phải nhọc công viện dẫn Hán ngữ đại từ điển, viện dẫn Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, một giảng viên dạy văn học Trung quốc, một ông cụ Hoa Kiều.... Để mà cố dịch biện công sự (mà Bác Hồ dịch và hiểu là làm việc) thành làm việc công, rồi cho cách dịch đó là thú vị, cao siêu!?.
Em xin gửi thầy vài lời non nớt rất mong thầy tiếp tục chỉ giáo. Em rất cảm ơn thầy!. Kính chúc thầy mạnh khoẻ.
Học trò: Hoàng Quảng Uyên
Cao Bằng, ngày 10 tháng 7 năm 2010