Trước đây, nghe người ta nói rằng khi ra nước ngoài, một số người Việt cứ hay nhận mình là người nước khác, chứ không nhận mình là người Việt. Tôi rất bức xúc và cảm thấy mình bị xúc phạm và coi đó là những điều bịa đặt. Rồi khi làm xuất khẩu lao động, tôi đã đưa hàng loạt những phụ nữ, trẻ trung độc thân có, có chồng con rồi cũng có, sang làm giúp việc nhà những gia đình ở Đài Loan. Rồi khi đưa những thanh niên trai tráng các làng biển miền Trung đi câu cá mực ở vùng biển Nam Mỹ cho các chủ tàu Nhật Bản, Hàn Quốc, thì tôi bình tĩnh lại. Rồi tôi thấy hàng ngàn, hàng vạn cô gái trẻ miền Tây Nam Bộ đua nhau lấy chồng Đài Loan, chồng Hàn tìm cơ hội đổi đời. Rồi khi nghe các ông có chức trọng quyền cao lên tivi nói rằng nghèo cũng là một nỗi nhục thì tôi bình tĩnh thêm chút nữa. Tôi không đủ tri thức để tranh luận vấn đề to tát là người Việt mình đang ở đâu trong thế giới này. Tôi chỉ dám nói những điều mình đã thấy, đã biết, để tự nhắn nhủ rằng: Chiến thắng được cái dốt, cái nghèo hèn mới là cái khó nhất. Chiến thắng nghèo hèn cũng là một chiến thắng hãnh diện bậc nhất, vẻ vang bậc nhất.
***
1- Tôi được sếp giao nhiệm vụ ra sân bay đón một đối tác người Nhật. Tôi dùng một tờ giấy cứng, ghi lên dòng chữ to: Mr. Nakata. Cửa ra Quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất nghẹt người đứng chờ đợi. Đã gần Tết, Việt kiều về rất đông nên chiếm được một chỗ mặt tiền lối ra để đối tác thấy mình ngay không dễ.
Tôi nhìn ngang nhìn ngửa thấy rất nhiều người giương bảng tên khách nước ngoài. Toàn là người các doanh nghiệp ra đón đối tác làm ăn. Nhân viên khách sạn đón khách mặc đồng phục và đeo phù hiệu. Tôi chợt giật mình vì thấy có tới hai cái bảng ghi tên ông khách của tôi. Chết cha, thế là người của hai doanh nghiệp nữa cùng ra đây đón vị khách này rồi. Tôi lặng lẽ hạ bảng tên xuống, cuộn lại và gọi cho sếp.
- Sếp à, tôi thấy có tới hai người ở hai công ty khác cùng ra đón lão Nakata
- Anh có nhầm không đấy?
- Không nhầm đâu sếp, hai vị này tôi đều biết tên mà. Họ làm ở công ty X,Y. Nhưng họ không biết tôi.
- Mẹ kiếp, thế mà Nakata bảo với tôi rằng đợt này sang Việt nam, hắn chỉ làm việc với công ty mình. Hắn còn dặn đi dặn lại rằng các ông đừng thông báo chuyến sang Việt Nam của tôi lần này cho các công ty khác.
Không còn hy vọng, nhưng tôi vẫn nán lại để xem một trong hai địch thủ của tôi, ai sẽ là kẻ đón được vị khách Nhật đáng kính. Rồi cuối cùng vị khách người Nhật cũng đi ra. Hai người đi đón giương bảng tên chạy ra như thể chặn lối, cười hồ hởi. Nakata thoáng chựng lại rồi bình thản gạt hai vị ra, đi tiếp về phiá chiếc xế hộp từ đâu đang trờ tới. Ông ta vừa đi vừa trò chuyện với nhân viên của Công ty Z và một cô gái xinh như mộng.
Nhân viên công ty Z là người thứ tư ra sân bay đón Nakata.
2.
Trang 2 tờ Thể thao & Văn hoá, số 71, thứ 5, ngày 12.3.2009 có bài của phóng viên Phong Vũ, phỏng vấn Robert Nita, cầu thủ của Romania đang chơi bóng cho Câu lạc bộ Thể công. Bài báo có tựa: Quê tôi bảo sang Việt Nam là khùng. “…Tôi mất khá nhiều thời gian để quyết định sang Việt Nam. Cho đến hôm nay, tôi cho rằng mình đã đúng. Vậy mà có rất nhiều người bảo tôi là thằng khùng, sang một đất nước chỉ có chiến tranh và chiến tranh là nổi tiếng để chơi bóng…”( trích nội dung bài báo).
Trước nữa, tôi không nhớ chính xác ngày tháng, Câu lạc bộ Juventus của Ý sang thi đấu giao hữu tại Hà Nội. Phóng viên của một tờ thể thao nào đó cũng có một bài viết. Bài viết có nội dung: Một cầu thủ Juve nói rằng anh ta mang theo một cái Radio vì anh ta biết ở Hà Nội rất ít thông tin...
3.
Do nhu cầu công việc nên nhiều lần tôi tiếp xúc với mấy ông nước ngoài thuê lao động Việt Nam. Lần ấy, tôi dẫn một đoàn hơn chục thuỷ thủ Nghệ An, Hà Tĩnh xuống nhập tàu đánh cá của Hàn Quốc đang cập cảng Cát Lở, Vũng Tàu. Vừa giáp mặt thuỷ thủ ta, ông thuyền trưởng xứ Hàn hô to: Oh, Vietnamese! Vietnamese! Pằng…pằng…pằng! Pằng…pằng…pằng!
Tôi đã quen với chuyện này, nên dửng dưng như không nghe thấy. Còn mấy thủy thủ xứ Nghệ thì cười khoái trá, coi như một cử chỉ thân thiện của thuyền trưởng vậy.
Sài Gòn, 5.2010
V.D.C