Vũ Cao Đàm
Những người thích đùa của Azit Nêxin ngồi thư giãn quanh bàn cà phê bàn về việc trên mạng xuất hiện một bài viết xưng tên tác giả là “VCĐ, giảng viên về lý luận nghiên cứu khoa học của Học viện Hành chính quốc gia”, trong đó nêu nhiều ý kiến phê phán trang mạng Bauxite Việt Nam, dựng đứng lên những chuyện không hề có, đồng thời đưa ra những lời phán xét về một số người, có ý bóng gió chê trách người chủ trì trang mạng BVN đã đi “lạc hướng” và phê phán đích danh TS Luật Cù Huy Hà Vũ. Mọi người hỏi nhau: “Không biết cái ông ký tên là VCĐ này có phải là Giáo sư Vũ Cao Đàm không nhỉ? Giáo sư gì mà ăn nói linh tinh vậy?” Chuyện này đến tai anh Vũ Cao Đàm, và anh đã viết vài điều để tán gẫu với nhau cho chén cà phê bớt đắng. Sau đây là mấy lời góp chuyện của anh Vũ Cao Đàm.
Bauxite Việt Nam
Nhiều bạn bè gọi điện hỏi tôi về chuyện tôi viết bài trên mạng phê phán trang Bauxite Việt Nam của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, trách rằng “Ông dạo này chắc già quá rồi, biến thành trẻ con, ăn nói ngô nghê như đồ con nít, đầu ngô mình sở, chẳng ra nhà chính trị, cũng chẳng ra nhà nghiên cứu, chẳng ra ông công an, cũng chẳng ra thằng Chí Phèo”... Có ông bạn còn rủa tôi: “Thế mà xưng danh là “giảng viên về lý luận nghiên cứu khoa học”. Tôi nghe xong cười ngất.
Tôi gọi điện hỏi anh Huệ Chi. Anh cũng cười ngất như tôi, kể lại với tôi qua điện thoại nói, một sinh viên của anh cũng đã được các bạn gửi cho một đường link có đăng bức thư đó. Bạn sinh viên này tỏ ra rất phân vân, bức xúc: “Thưa thầy, bức thư này ký tên VCĐ, với một vài thông tin trong bức thư, thì có vẻ như là thầy Vũ Cao Đàm? Nhưng mà sao bức thư lại có giọng điệu lạ thế? Vô khối chuyện giật gân biến không thành có làm cho công luận cả nước cứ lăn ra mà cười.
Tôi hỏi anh Huệ Chi: “Rồi sao nữa?”. Anh trả lời tôi: “Tôi hỏi sinh viên có nhớ một lần người ta đã mượn danh thầy Phạm Toàn để phê phán tôi không? Lại một trò “bổn cũ soạn lại” đấy mà! Tôi chỉ cần liếc qua cũng biết được giọng văn của ai rồi”. Thế là thầy trò tôi cho luôn vào sọt rác và chẳng bao giờ bàn đến nó nữa. Nếu anh không gọi điện hỏi, thì tôi đã quên phứt chuyện này”.
Sau câu chuyện với anh Huệ Chi, tôi cũng đã định quên. Nhưng rồi vì tò mò, muốn xem ai đã mượn cái “thương hiệu” của tôi? Tôi đọc kỹ lại bức thư... Ô hay, người ta bịa như thật! Đúng là người ta tung ra những thông tin có vẻ như là tôi... “chính hiệu”. Nhưng chỉ cần các bạn sinh viên hơi biết tôi một chút ít thôi, thì cũng dễ dàng khẳng định, tôi có bao giờ là giảng viên của Học viện Hành chính quốc gia đâu nhỉ? Rồi lại gán vào miệng cái ông VCĐ, nói “Nhà nước đã đâm lao [trong chuyện Bauxite] thì phải theo lao”. Câu chuyện đến tai nhóm sinh viên 8x. Mấy đứa cười khúc khích... “Cái ông VCĐ kia ăn nói lèm bèm thật. Nhà nước đâu phải anh chàng “đâm lao”? Nhà nước có đường, có lối, có chính sách, có pháp luật, sao cái ông VCĐ kia lại dám gọi Nhà nước là cái thằng “đâm lao”. Công nhận cái ông VCĐ hỗn láo!”
Nhân ngồi tán gẫu với mấy bạn sinh viên cao học vốn là học trò của tôi, nay đã là Thạc sỹ, hiện làm việc trong ngành an ninh, tôi lại được nghe một ý kiến bất ngờ hơn: “Thầy có thấy không? Cái ông VCĐ kia còn phán “Nguồn gốc của trang Bauxite Việt Nam là không rành mạch”. Chúng em ngờ cái ông VCĐ này không phải là nhà nghiên cứu đâu!” Tôi hỏi: “Vậy ông ta là... là cái giống gì, theo các bạn?” Anh bạn Thạc sỹ đang làm việc trong ngành an ninh nói: “Cái ông VCĐ này chắc chắn không phải là nhà nghiên cứu lý luận khoa học đâu thầy ạ. Nhà nghiên cứu thì biết rõ về nguồn gốc trang mạng của thầy Nguyễn Huệ Chi chứ... Câu chuyện thầy ấy bày tỏ với cơ quan an ninh hồi giữa tháng Giêng năm nay với một thái độ đàng hoàng, bản lĩnh, nổi tiếng đến nỗi khắp trong ngoài nước ai cũng biết thầy ấy là một trong ba người khởi xướng một trang mạng yêu nước, thế mà cái ông VCĐ này nói xưng xưng là “không rành mạch” thì có lạ không? Biết đâu ông VCĐ này là... công an cũng nên”. Anh bạn nói xong tợp một ngụm cà phê. Tôi hỏi: “Công an à? Tôi không tin. Công an người ta đứng đắn, chứ ai làm chuyện bịa tạc như vậy!”. Tôi được nghe các bạn trả lời: “Vâng, thầy nói đúng đấy ạ. Chắc chắn không phải là công an Việt Nam đâu, thưa thầy. Công an Việt Nam có lẽ không đến nỗi phải hạ mình làm chuyện đó, nhất là ở trường hợp cụ thể này”... Cậu ta hạ giọng: “Công an ta không làm cái chuyện giả mạo tên thầy đâu! Công an “nước lạ” đấy”.
Vài thông tin vui vui. Bác Huệ Chi thì không bận tâm. Tôi nói với bác cho gửi bài này đăng trên trang Bauxite Việt Nam, thì đã bị bác gạt đi. Bác bảo: “Chuyện vớ vẩn, rác tai cư dân mạng!” Nhưng tôi nói với bác: “Chuyện thư giãn thôi mà!”
Tham khảo nguyên văn với vài lời chú của GS Vũ Cao Đàm:
Kính gửi: trang mạng Bauxite Việt Nam và những bạn đọc quan tâm!
Tôi là VCĐ, giảng dạy lý luận về nghiên cứu khoa học của Học viện Hành chính quốc gia, người đã ký tên vào các thư ngỏ của nhóm các Giáo sư, Tiến sỹ, nhà văn hóa Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Nguyễn Thế Hùng đồng ký tên kiến nghị Nhà nước ngừng triển khai 9 dự án khai thác bauxite Tây Nguyên. Ngày 07/5/2009, sau khi được biết về thư kiến nghị này, tôi đã ký tên với tất cả sự cảm phục tấm gương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 99 tuổi vẫn đau đáu vận nước, mệnh dân, với sự hiểu biết của bản thân tôi gần 40 năm hoạt động nghiên cứu khoa học, đã có trực tiếp hơn 10 năm công tác tại các tỉnh Tây Nguyên, hoàn toàn không có ai thúc đẩy, xúi giục, kích động. Tôi hiểu rằng, là trí thức mang trên mình sứ mệnh “tội đồ” của nhân dân, người nghĩ hộ nhân dân, nói hộ nhân dân, vì thế, trước một chính sách nhiều sai sót như dự án Bauxite, tôi hy vọng việc ký thư ngỏ của tôi và các trí thức sẽ góp tiếng nói phản biện xã hội, giúp các nhà hoạch định chính sách có cơ sở khoa học và thực tiễn để lựa chọn, điều chỉnh dự án cho phù hợp.
Tôi cũng là người đọc trang mạng Bauxite Việt Nam khá thường xuyên, đều đặn, bởi trong đó, tôi tìm thấy được khá nhiều ý kiến đồng cảm, một nơi để bày tỏ quan điểm một cách tương đối dân chủ. Tôi cũng tin tưởng vào mục tiêu ban đầu mà ông Nguyễn Huệ Chi đã trả lời phỏng vấn đài RFA đã khẳng định, trang mạng bauxite được lập ra với mục đích phản biện xã hội, không hoạt động vì mục đích chính trị, không vụ lợi.
Trên cơ sở ý kiến của các nhà khoa học, Chính phủ, Bộ Công thương đã tổ chức một số cuộc hội nghị, hội thảo, họp báo về việc này và ít nhiều đã có sự điều chỉnh nhất định. Tư thế của Việt Nam trong tình hình hiện nay, trong mối quan hệ bang giao phức tạp với ông láng giềng Trung Quốc đã buộc Nhà nước ta vào thế đâm lao phải theo lao, cưỡi trên lưng cọp, vấn đề là lao phóng thế nào, cưỡi cọp thế nào để bảo toàn. Theo tôi trách nhiệm của trí thức là góp ý kiến về mặt khoa học để Nhà nước có cái nhìn toàn diện, việc điều chỉnh hoặc lựa chọn các quyết định chính sách phải dựa trên rất nhiều tiêu chí, từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đến không gian, thời gian, lịch sử, địa lý… Vì thế, tôi cũng là người phản đối trang mạng này sau một thời gian theo dõi. Chưa đề cập đến nguồn gốc không rành mạch của trang mạng Bauxite Việt Nam lập ra ở Mỹ và ban quản trị mạng chủ yếu do người bên ngoài điều hành [Quái nhỉ, cái ông VCĐ sao mà ăn nói quàng xiên bất chấp sự thật mà không biết ngượng? Cả nước này biết GS Nguyễn Huệ Chi là người Việt Nam đang sống sờ sờ ở Hà Nội, hàng ngày điều hành trang mạng đến mất ăn mất ngủ, thế mà dám đặt điều ăn không nói có, thế có hỗn xược không? - GS Vũ Cao Đàm chú], các bài viết trên trang mạng này đã không còn giữ được nguyên tắc ban đầu là nơi thể hiện các ý kiến phản biện khoa học hoặc phản biện xã hội về vấn đề bauxite, mà ngày càng có xu hướng gây sức ép buộc Nhà nước phải chấm dứt ngay lập tức các dự án bauxite, bất kể mối quan hệ đối ngoại, hợp tác kinh tế quốc tế, bất kể quan hệ chính trị phức tạp giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước [Ôi thôi! Ông VCĐ ơi, GS Nguyễn Huệ Chi sức mấy mà gây sức ép với Nhà nước này buộc họ dừng ngay lập tức dự án Bauxite được? Ông cứ thử làm đi coi. Còn bác Huệ Chi và cả tôi nữa, dù có lên tiếng trên trang BVN thì vẫn không bao giờ coi đấy là chuyện “cóc kiện trời” đâu. Chỉ là phản biện nghiêm chỉnh đúng phận sự của người trí thức thôi, xin ông chớ có ăn nói cái kiểu đặt điều hàm hồ như vậy xỏ xiên - GS Vũ Cao Đàm chú]. Rất nhiều bài viết tranh cãi theo kiểu “lý toét”, “xã xệ” làng xã thời kỳ Pháp thuộc. Rất nhiều bài viết lồng ghép tư tưởng quan điểm cá nhân, vin vào cớ phản đối bauxite để phê phán đường lối phát triển đất nước, đả kích chế độ XHCN, phê phán hầu hết mọi chính sách, pháp luật của Nhà nước [Ông VCĐ lại cố ý gán tội cho trang Bauxite Việt Nam nữa rồi. Là người đọc trang mạng này đều đặn, những điều ông “vơ vào” như “lồng ghép tư tưởng cá nhân” nhằm phê phán mọi chủ trương, đường lối của Nhà nước tôi chẳng hề tìm thấy, trái lại đây rõ ràng là một trang mạng nhất quán trên tinh thần yêu nước. Còn về giọng điệu, nếu mà đạt được như thời Tự lực văn đoàn thì đã là đỉnh cao của văn chương trào phúng, trang mạng này dầu hay mấy cũng chưa thể với tới đỉnh ấy đâu, không nên quá khen – GS vũ Cao Đàm chú]. Một số lớn các bài viết không ghi tên thật, hoặc nặc danh với lời lẽ bộc lộ cảm tính thái quá, hoặc lấy từ các trang web không rõ nguồn gốc từ bên ngoài [bản thân ông VCĐ có rõ nguồn gốc của ông hay không mà chỉ trích người khác thưa ông? – GS Vũ Cao Đàm chú]. Một số người cơ hội chính trị nổi tiếng như ông Hà Sỹ Phu, ông Trần Khuê cũng lợi dụng đưa các bài viết, bài thơ mang tính chất kích động tư tưởng trái chiều một cách quá lộ liễu, đả kích, chống đối chế độ [Tưởng ông VCĐ nên dè dặt khi tùy tiện hạ những lời kết tội này nọ đối với người khác, việc ấy đã có cơ quan chức năng họ làm. Mà tôi có thấy ông Trần Khuê xuất hiện trên trang mạng này bao giờ đâu? Ông nhìn gà hóa cuốc đấy ư? Riêng ông Hà Sĩ Phu thì có một số bài, chủ yếu cũng là những câu đối viếng tặng bạn bè, như thế mà gọi là chống đối chế độ được à! Trời ơi, cái ông VCĐ này có loạn trí không đấy? – GS Vũ Cao Đàm chú]. Một số Luật sư cực đoan, chưa bao giờ có danh, có tiếng trong giới như ông Cù Huy Hà Vũ, vì “dám” đứng đơn trong vụ kiện Thủ tướng hy hữu và nực cười mà cũng được tung hô, ca tụng [việc TS Cù Huy Hà Vũ, xin để ông Vũ nói chuyện thẳng thắn với ông, phiền ông cho địa chỉ thật của mình ông VCĐ ạ - GS Vũ Cao Đàm chú]. Mạng Bauxite Việt Nam vô tình (hay cố ý) đã không còn nguyên nghĩa một trang phản biện xã hội, mà đã trở thành nơi lẫn lộn đồng thau, thượng vàng hạ cám, nơi tập hợp nhiều phần tử chống đối trong và ngoài nước, thành tụ điểm để một số người lợi dụng tuyên truyền, hướng lái dư luận, lợi dụng tạo dựng uy tín chính trị, trở thành một trang mạng với các luận điệu không khác gì diễn đàn của các tổ chức phản động lưu vong ở hải ngoại, chỉ có điều họ có được tấm bình phong là danh tiếng của một số trí thức lớn, đứng đắn và được nhiều người trong nước tham gia hơn mà thôi [đến đây thì ông VCĐ đã lộ cái mặt thật ra rồi, học trò của tôi ngờ ông là bọn chỉ điểm hạng bét có lẽ đúng. Vì thế từ đây trở xuống tôi không cần chua thêm làm gì nữa cho phí công – GS Vũ Cao Đàm chú].
Tôi là một trí thức lâu năm về lý luận nghiên cứu khoa học, tôi hiểu rằng phản biện xã hội và phản biện khoa học không đồng nhất với nhau, bên cạnh thuộc tính khoa học, phản biện xã hội còn có thuộc tính xã hội, tức là phản ánh các quan điểm, quyền lợi của các tầng lớp khác nhau trong xã hội và không phải lúc nào cũng dựa trên các cơ sở lập luận khoa học thuần túy và các yếu tố quyền lợi chính trị, kinh tế, xã hội được phản ánh thông qua chủ thể phản biện. Tôi cho rằng mạng Bauxite Việt Nam đã không đạt được mục tiêu đặt ra, phản biện đã không được định hướng, không đúng nơi, đúng chỗ, người phản biện không đủ chức năng, không đủ vai trò, ảnh hưởng tới xã hội và nhất là không xác định được mục tiêu phản biện là gì. Hơn nữa, việc lợi dụng phản biện tràn lan, vô chính phủ và lồng ghép các mục đích chính trị của trang mạng Bauxite Việt Nam đã làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự giới trí thức nói chung.
Tôi cho rằng cần phải có sự quản lý của Nhà nước đối với các trang web như thế này, trước khi kêu gọi sự trung thực, lương tâm của những người điều hành. Thái độ của tôi và nhiều trí thức, không thể đứng chung với các cá nhân phản động lưu vong người Việt, những người cơ hội, lợi dụng phản biện để tạo dựng thân thế, uy tín chính trị. Chúng tôi mong muốn có được một diễn đàn thực sự lành mạnh, thực sự trong sạch để bày tỏ, như một cách đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Cái chúng ta muốn tìm là cái nhìn sáng tỏ về vận mệnh đất nước và cách xử sự đúng đắn của người trí thức nhằm góp phần cùng cả dân tộc chèo chống, kiên quyết không đi theo những kẻ “chỉ đường” sai trái có thể đẩy lịch sử vào những tình thế hiểm nghèo.
VCĐ