Ông Ba Hển tên thật là Nguyễn Văn Môi (1898 - 1970), ở xóm Giữa, thôn Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội), một “lão nông tri điền” (người giỏi nghề nông) có sức khoẻ và giỏi nghề thực sự. Nhiều người trực tiếp chứng kiến và kể lại việc ông dùng búa chim đánh xong một búi gốc tre lớn chỉ trong 2-3 ngày trong khi người khác phải 6-7 ngày. Hay chuyện ông nhổ mạ một ngày được 300 bó to (người bình thường chỉ được trên dưới 100 bó); không những thế, ông chỉ xắn quần cao hơn mặt nước ruộng 1-2 gấu nhưng đập sạch đất dính ở chân mạ mà không bẩn quần.
Ông còn là người nổi tiếng về tính hài hước, đã ứng tác được rất nhiều câu chuyện vui, góp phần làm vơi đi nỗi mệt nhọc của bà con nông dân sau những giờ lao động vất vả.
Việc ông có đến 3 cái tên (Ba Bên, Ba Hến và Ba Hển) cũng phần nào nói lên bản tính hài hước của ông.
Một lần, ông Ba Hển cùng một số người đi gặt thuê cho một nhà giàu ở Cát Quế (Hoài Đức). Nhà này rất giàu nhưng lại keo kiệt, trả công thấp, lại không cho thợ thêm chút nước nôi hoặc đồ ăn nhẹ lót dạ giữa buổi. Ông Ba quyết định “nhắc nhở” khéo nhà chủ. Vì là gặt lúa nếp nên bị ai nấy đều bị dặm (bụi, ngứa) hơn hẳn khi gặt lúa tẻ. Đối với những người thường xuyên đi gặt thì họ chỉ cần tắm rửa sạch là hết ngứa nhưng những người ít đi làm đồng thì sẽ bị ngứa rất lâu. Nhà chủ có một đứa trẻ mới sinh được 3 tháng tuổi, ngay hôm đầu nhà thuê người gặt lúa, mang lúa về chất đầy sân, bụi bặm bay vào nhà khiến cho nó bị ngứa nên khóc suốt đêm. Sáng hôm sau, ông Ba ngồi trước cửa, bấm đốt ngón tay, miệng lẩm bẩm ra vẻ thần bí lắm. Nhà chủ thấy lạ, bèn hỏi ông có biết chữ không. Ông Ba bảo mình vốn là thầy cúng nhưng thỉnh thoảng vẫn phải đi gặt đỡ cháu con. Nhà chủ liền nhờ ông cúng giúp cho cháu bé khỏi khóc. Ông bảo nhà chủ chuẩn bị đồ cúng chu đáo, rồi ngồi xếp bằng, miệng lầm rầm bài ví các xứ đồng Ngọc Than do ông ứng tác (vì thực chất ông không phải là thầy cúng, không có bài cúng):
Đồng Sính, Đồng Tròi, Cửa Ngòi
(thỉnh giải)
Đìa Ngải, Thanh Tre, Đìa Mè, Hốc Thốp
Đồng Sộp, Đồng Mang, Đìa Vàng, Cống Cái, Cửa Đình
(thỉnh giải)
(Lặp lại) Đồng Sính, Đồng Tròi, Cửa Ngòi
(thỉnh giải)…
Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có mấy câu ví nhưng đến chỗ hô “thỉnh giải” (tiếng đệm) thì ông lại xướng to lên. Đồng thời, một tay tay ông thả đồng xu rơi xuống, tay kia cầm con dao chém ngang trúng đồng xu làm nó kêu một tiếng “keng”. Sau đó, ông bảo nhà chủ tắm cho cháu bé, giặt tã lót sạch sẽ, đêm nay nó sẽ ngủ yên. Quả nhiên, mọi việc diễn ra đúng như ông nói. Thực ra, việc tắm cho đứa bé chỉ là để trôi hết bụi bặm chứ không phải là màn ma thuật nào cả. Nhà chủ rất phục, ngoài trả công riêng ông Ba còn cho cánh thợ ăn uống tử tế; sau đó, khi gặt xong, lại trả công xá rất hậu.
Một lần, ông Ba thấy một anh chàng bán cá giống người Kẻ Trôi đi qua, liền mời vào nhà uống nước, hút thuốc lào. Anh chàng thấy trong nhà ông có sách vở liền hỏi: - Ông cũng biết chữ à? Ông quyết định dạy cho anh chàng cao ngạo này một bài học. Ông hỏi anh chàng có biết đặt câu đố không. Anh chàng kia cho ông Ba ra đố trước; đố gì anh ta cũng giải được. Ông Ba nhìn đồ nghề của anh ta, ứng tác đọc liền:
Nhất nhân lưỡng trì
Lương quân binh mã nó thì ở trong
Ngồi đâu thì đập tầm bông
Đứng lên hán hởn mới thì khoẻ binh.
Và hỏi: đố là cái gì? Tất nhiên, anh chàng phét lác kia không trả lời được. Ông liền chỉ tay vào anh ta và bảo: - chính mày đấy! Rồi giảng giải: “Nhất nhân lưỡng trì” là một người quảy hai cái thúng sơn đựng nước, tức là hai cái ao (trì); “Lương quân binh mã nó thì ở trong” tức là cá giống ở trong hai thúng sơn; “Ngồi đâu thì đập tầm bông/ Đứng lên hán hởn mới thì khoẻ binh” tức là người bán cá giống khi ngồi phải lấy tay đập nước (đập tầm bông), còn khi đứng phải lắc lư (hán hởn) để tạo bọt cho cá thở.
Đúng là chân dung anh chàng bán cá giống. Anh chàng kia phục lăn, xin lỗi ông Ba, chào ông rồi đi.
Giàu, nghèo phải giữ chữ tình
Một lần, ông Ba Hển đi gặt thuê cho một nhà giàu ở xã bên. Nhà ấy giàu có tiếng, từng có cả một ngôi chùa riêng. Ông chủ nhà thì đối xử bình thường với thợ gặt nhưng bà vợ thì rất quan cách, lại tỏ ý khinh thường lũ nhà nghèo, phận làm thuê. Ông Ba rất ức và tìm cách “uốn nắn”. Hôm đầu, mọi việc bình thường; hôm sau bà chủ bỗng “xấu dạ” (đi ngoài, khó cầm), đã lấy thuốc uống mà chưa khỏi và tỏ ra rất lo lắng. Ông Ba bèn bảo:
- Cha ông tôi có làm thuốc (thực ra không phải, ông Ba nói với dụng ý khác), tôi cũng có học được đôi chút, bà có muốn chữa không?
Tất nhiên là bà chủ nhà đồng ý ngay.
Ông Ba bảo: - Mai phải lên huyện để khám phân xem ăn gì mà xấu dạ thì mới chữa được!
Bà chủ có vẻ xấu hổ: - Khám phân? chả lẽ lên huyện lại… vậy thì làm thế nào mà mang…
Ông Ba chỉ vào cái chạn bát: - Bà cứ đi vào cái choé sứ kia kìa, rồi đạy (đậy) nắp lại kẻo bay mất hơi thì không khám được đâu. Cái giống xấu dạ là khó chữa lắm!
Bà chủ biết ông Ba nói cạnh khoé mình, từ đó có vẻ thay đổi, bớt tỏ vẻ kẻ cả với thợ.
Xếp cối đá, nhắc nhở tình người lao động
Lần đưa anh em đi gặt thuê ở Thanh Quang (Hoài Đức), ông Ba gặp phải sự tranh chấp quyết kiệt với một số người sở tại, cùng cảnh làm thuê. Lần đó, một nhà giàu thuê 2 toán thợ gặt chạy mưa ngập đồng. Toán thợ sở tại thấy ông Ba gặt xong không lượm, không quảy về ngay mà phơi ở đồng thì về trước, chiếm toàn bộ số cối đá (dùng làm bàn đập lúa), ý làm cho toán thợ Ngọc Than làm không xong việc, bị chủ ngừng thuê và họ sẽ chiếm suất. Ngày đầu tiên, toán của ông không làm xong việc, bị chủ nhắc nhở; ông xin cho thêm ngày hôm sau. Sáng hôm sau, ông bảo anh em ra đồng gặt trước; ở nhà, ông bê số cối đá xếp chồng lên nhau rồi ra đồng gặt lúa. Cánh thợ sở tại về trước, thấy thế không biết làm cách nào đưa cối đá xuống để đập lúa, đành bỏ lúa ở sân ra đồng gặt tiếp. Khi ông Ba về, ông nhẹ nhàng bảo: - Cùng cảnh làm thuê, không ai muốn ai mất việc, nhưng phải bảo nhau; mình không thương nhau thì chủ nào có thương, thiếu gì người khác trong thiên hạ mà họ có thể thuê mướn. Toán thợ sở tại hiểu ra, xin ông Ba và toán thợ Ngọc Than bỏ quá cho. Sau đó, cả hai toán thợ tiếp tục công việc cho đến khi xong.
Đỗ Quốc Bảo
(sưu tầm và kể)