Với 10 đầu sách vừa tiểu thuyết vừa thơ, Phạm Khang cũng có thể được xếp ngồi vào mâm dọn ngoài sảnh trong làng văn chương. Bước qua tuổi ngoại ngũ tuần mà Phạm Khang vẫn cứ long đong lận đận với thơ như một sự trả nợ số phận. Làm thơ để hoàn thành nhiệm vụ mà thượng đến giao cho từ kiếp trước, ngồi đâu cũng nghĩ đến thơ, Phạm Khang bị thơ dày vò như một bệnh nan y chẳng có thuốc chữa.
Điển trai, phong độ đúng chất đàn ông Thanh Hóa, học chính quy tận trời tây để rồi chuốc lấy cái vất vả suốt ngày vặn vò với chữ nghĩa, một thứ ma thuật, khổ chưa!
Số phận của chàng trai hào hoa Phạm Khang có sự liên quan tới một đĩa lòng lợn tại thành phố Thanh Hóa. Ngày ấy đã quá bây giờ chừng 26 năm, mới tốt nghiệp trường sư phạm quốc gia Kiép, trở về quê xứ Thanh lang thang, tóc dài, da trắng, môi đỏ như một chàng hiệp sĩ. Một hôm đi ăn sáng, nhớ quá món khoái khẩu truyền thống, Phạm Khang tạt vào quán lòng lợn tiết canh, gọi một đĩa cộng thêm một cút ba quốc lủi, ngồi nhâm nhi trả thù những ngày ăn bơ sữa bên tây. Bàn bên đang có một tóc dài chấm vai bù xù, kinh trắng dầy cộp, cũng đang sở hữu một đĩa lòng bốc khói, đĩa húng chó non tơ. Hai tâm hồn đồng điệu nhanh, liền rủ nhau góp lại nhậu chung, chán chết cái cảnh đi nhậu một mình, thế là thành chuyện. Chén chú chén anh, cả hai cứ thể gọi thêm chai này rồi chai khác, chú bắt đầu đọc thơ, anh cũng đọc thơ, quán lòng lợn tiết canh biến thành sảnh biểu diễn thơ, khách hàng liên tục gọi thêm đồ nhậu để nán lại nghe hai thi sĩ đọc thơ. Bà chủ nhà hàng mát mặt, cả đống lòng lợn, mấy trăn bát tiết canh, mấy tải quốc lủi bán bay vèo vèo. Cạn cuộc, hai thi sĩ liêu xiêu chia tay, ông anh không quên rủ chú em về nhà xuất bản Thanh Hóa công tác cho vui, ừ thì về. Thế là cuộc đời của Phạm Khang gắn với nơi này đã ngần ấy năm.
Người viết bài này cùng học đại học với Phạm Khang suốt 5 năm. Nhà trường phân công mỗi sinh viên Việt Nam phải sống với 1 sinh viên Liên Xô để thực hành tiếng Nga. Phòng của tôi và Phạm Khang ở sát nhau. Buổi tối, học bài xong là tôi lại sang chơi với Phạm Khang để nghe anh đọc thơ. Phạm Khang có tài nhớ thơ, tôi không biết anh nhớ được bao nhiêu bài thơ, chỉ biết anh có thể nói chuyện thơ mấy tiếng đồng hồ mà vốn không cạn. Có những hôm Phạm Khang đọc thơ của mình mới sáng tác cho tôi nghe. Anh có giọng rất truyền cảm và hấp dẫn, khiến cậu sinh viên người Ukren ở cùng phòng không hiểu gì mà cũng chăm chú ngồi nghe. Có lần cậu ta nói với tôi: Phạm Khang đọc thơ tiếng Việt Nam nghe như cha đạo giảng kinh thánh. Một nhận xét thật hay!
Phạm Khang nguyên là học sinh giỏi văn của tỉnh Thanh Hóa, học tại trường chuyên Thanh Hóa, đến bây giờ vẫn sống ở Thanh Hóa, có lẽ số anh không thể sống xa quê. Đàn ông tuổi Tuất đa tài và cũng đa đoan, mỗi vần thơ được viết ra từ một nét tình, một bài thơ được viết ra từ sự mất mát vô hình đầy luyến tiếc. Một cái quẫy đuôi dưới nước dù chẳng nhìn thấy gì, nhưng ta có quyền phán đoán đó là một con cá to, hoặc có thể là một con lươn, con rắn mặc dù chúng chẳng quẫy đuôi bao giờ. Còn với Phạm Khang thì chắc chắn sẽ đoán rằng cái quẫy đuôi kia là sự oán hận của một cô gái thất tình, cô đã bị một kẻ trai lơ ruồng rẫy sau khi chiếm mất cái quý nhất của nàng.
Thơ đã dày vò Phạm Khang, dày vò tan nát. Hình như đã có một cái vong của một nhà thơ từ kiếp trước không thành danh nhập vào Phạm Khang khiến anh ăn không ngon, ngủ không yên vì thơ, một ngày mà không có ai đẻ chia sẻ thơ thì máu đọng tím bầm trong cổ họng. Nhiều khi đọc thơ cho kẻ ngoại đạo nghe thì bị nó gọi là ông hâm. Thế mới khổ!
Chính cái vong thơ ấy đã thôi thúc Phạm Khang nghĩ ra “trăm mưu nghìn kế” cách tân thơ của chính mình, những câu thơ thoát xác, lìa hồn bây vút lên không trung rồi rơi tõm xuống, đọng lại thành một chất hữu cơ cho một nhành hoa đỏ thắm nở bung ra. Một quy trình của tạo hóa khiến dù Phạm Khang có biến thành Tôn Ngộ Không thì vẫn cứ không thoát khỏi cội nguồn, gốc gác, đó là hiệp sĩ “nhà quê” cầm long đao bằng cành trúc đi dép mo, lướt trên bờ ruộng giao chiến với con nghé con còn mùi sữa mẹ. Con nghé đứng nghếch mõm lên trời cao, ỉa một bãi cức non đầu đời bốc khói. Không còn bất cứ sức mạnh nào hơn cứt được nữa, con nghé đã thắng, và trở thành bạn của nhà thơ vì nó cảm nhận được nhà thơ là đồng loại.
Phạm Khang đã vật vã với nhà quê. Bao nhiêu câu thơ được viết ra từ sự khạc máu cũng không qua nổi phận đời trôi nổi gốc nhà quê. Đó mới là Phạm Khang, một nhà thơ chân quê, đi dép lê, mặc com lê, đầu đội mũ rơm thực sự. Anh gào thét, vận lộn, vặn mình, khóc hu hu trước hình bóng mẹ già đang liêu xiêu đi trên đoạn cuối con đường đời, khi trong bầu vú không còn một giọt sữa. Ta hãy đọc mấy câu viết về mẹ của anh: “Vạt áo mẹ ta bạc trắng vắt sang chiều/ Con đường làng dài cong đòn gánh/ Bữa chợ bữa đồng lo sấp mặt…hoặc: “Không biết mẹ đau ngày thiếu hạt/ Mắt rong rêu xanh xám vết nhăn dài/ Cua ốc thương phận nghèo lóp ngóp/ Mẹ nuôi ta bằng hào phóng đồng làng…” với Phạm Khang hình bóng mẹ là sự quy phục tâm linh bởi đấng sinh thành cao vời vợi chẳng có gì so sánh, hình bóng mẹ được nhà thơ nén vào lòng, giữ mãi cho muôn sau: “Bây giờ mẹ như cánh trăng mỏng/ Bỏm bẻm lòng ta ấm miếng trầu/ Chớp bể mưa nguồn ta có mẹ/ Ơn sinh thành xin giữ tới muôn sau”.
Có thể nói, mảng quan trọng trong thơ Phạm Khang là mảng “tôm cua, ốc, ếch và bùn đất, rong rêu…”, đó là mảng nhà quê mà dù bao nhiêu năm sống ở thành thị, đi khắp thế gian vẫn không thể quên. Có những tập thơ như tập “ Những câu thơ đợi sáng” in năm 2009, Phạm Khang đã dành hơn một nửa viết về mảng quê mùa. Đôi bắp chân trần của cô gái quê trắng như ngà như ngọc những vẫn có những vệt bùn non, mấy cánh hoa bèo tấm. Đọc tập thơ này tôi bỗng nghe tiếng mưa rơi lộp bộp trên đồng, tiếng ếch gọi bạn tình ồm ộp trong cái ao làng, tiếng cá chép vật đẻ ngược dòng soàn soạt. Mở đầu bài Phù Vân anh đã viết: “Phù vân cạn chén sông đầy/ Neo câu hát dặm sình lầy ốc cua”. Chính nhà thơ đã tự nhận mình trong bài Khúc Quê: “Tôi đứa con của vùng chiêm trũng/ Tuổi thơ xanh xao mầu năn lác/ Rét tháng chạp vịt trời giăng mắc ruộng/ Tôi theo cha bẫy vịt giữa đồng làng”.
Cùng với rong rêu, tôm cua, ốc ếch, con đò, bóng cá, tăm chim…trong thơ phạm Khang còn nhàu nhã những khuôn mặt bất hạnh khổ đau trên cõi nhân gian. Đó là chất đáng quý của người quân tử. Ít ai lần đầu gặp Phạm Khang lại biết được sự thương kẻ hèn mọn như thể thương chính bản thân mình. Đọc mấy câu thơ trong bài “Cơm bụi” nhiều khi lại thấy thương tác giả hơn bởi đa đoan đa sầu đa cảm: “Một ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ/ Cái dạ dày nhẩn nha góp nhặt/ Lếch thếch nắng mưa/ Lếch thếch miếng đời cơm rơi cơm vãi/ No lòng quán bụi ta say”.
Đời mà đa đoan là khổ, khổ ngay trong tư duy, khổ toàn diện, tuy nhiên đó mới chính là phẩm chất cao quý nhất của một “người thơ” như Phạm Khang.
Như một gã thợ mộc, Phạm Khang vác đồ nghề lao vào rừng chữ nghĩa chặt đẽo, gọt giũa, và dùng pháp thuật thổi một phép nhiệm mầu vào những tứ thơ, vặn cổ một câu dân ca, ghè đôi ghè ba thoáng cảm xúc riêng tư nhúng vào bát dấm, nhét vào miệng nhai ngấu nghiến như nhai món nem sống. Để rồi Phạm Khang đã có một cái gì đó của riêng mình, điều này chỉ có thể cảm nhận khi đọc những câu thơ của anh, chứ không thể nói thành văn được.
Đêm. Đó là khoảng hãi hùng, có giết người, có hiếp dâm, có cướp của, có bàn tay của kẻ mạnh giật miếng ăn khỏi mồm kể yếu, đó là sự thật. Không như những người vô thần, Phạm Khang đã nhìn vào đêm bằng ánh mắt bao dung thiên hậu, và thấy những điều bình yên, thấy một nụ hôn tình, thấy bà tiên cứu nhân độ thế. Hãy đọc mấy câu trong bài “Những chuyện kể trong đêm” của anh: “ Một Thạch sanh hào hiệp/ Một cô tấm nghèo trở thành hoàng hậu/ Một cây khế tung cánh đại bàng/ Cái thiện lên ngôi/ Lòng tham không chỗ đứng”.
Vâng. Chỉ có thể viết ra những câu như thế từ một trái tim rất đại chúng, bao dung. Phạm Khang đã cho nhân loại một điều ước, một điều ước sẽ biết cả thế giới thành một bài thơ tình hay nhất trong mọi thời đại, một bài thơ có sức mạnh hơn một vạn quả bom nguyên tử. Mỗi con người nhỏ nhoi trong nhân gian phải thò tay vào kích nổ bài thơ hạnh phúc, không kẻ nào được phép đứng ngoài, thậm chí chỉ là trong ý nghĩ.
“Đối thoại với thơ” đó là tiêu đề bài thơ cuối cùng trong tập “Những câu thơ đợi sáng” của Phạm Khang. Bài thơ nặng như một tảng đá mọc chênh vênh trên sườn núi, nó mà đổ xuống sẽ đè chết vạn người. Nhạc của bài thơ này lại nhẹ như một làn mây ngũ sắc, bay vật vờ tìm nơi trú ngụ mà chẳng biết trú ở đâu. Đọc bài này những người yếu tim sẽ khóc, sẽ khóc vì sự tồn tại, một canh bạc lớn nhất đời người, đặt vào đó toàn bộ say mê đẻ rồi nhặt được sự hư vô, nhặt được một cục nước đá lạnh lẽo có thể dùng chườm trán giải rượu cho kẻ quá chén trước cuộc chơi. Một tiếng nổ đinh tai nhức óc, bài thơ biến thành một cô gái điếm vô cùng xinh đẹp, chìa tay kéo tác giả về phía cuối trời. Nơi đó hai người làm tình với nhau. Xin trích 4 câu cuối bài thơ này: “Thôi xin biệt những ngày hoang vu mơ mộng/ Về bên em sống thật giữu nụ cười/ Lại đối thoại với cuộc đời bề bộn/ Lại kiếm tìm dăm ba chữ lang thang”.
Con đường thơ ở phía trước rải đầy chông gai, cả những chiếc đinh thép nữa, Phạm Khang ơi, bạn vượt qua nó thì máu nơi gan bàn chân phải ứa ra đỏ lòm. Mong chờ từ bạn một câu thơ mới!
Lê Tự
ảnh: Phạm Khang