Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LẠ VÀ MỚI Ở MỘT CUỐN TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ

Phạm Quang Đẩu
Thứ tư ngày 21 tháng 12 năm 2016 5:40 AM




Đọc sách

 



Huyền thoại kim thiếp Vũ Môn của Thâm Giang Trần Gia Ninh được viết theo kiểu chương, hồi như Tam Quốc diễn nghĩa hay Thủy Hử vốn quen thuộc. Sách dày hơn 400 trang khổ lớn, với 14 chương và 35 hồi kể chuyện những anh tài ở một giai đoạn lịch sử gần 30 năm của thế kỷ XV, mà thời đó nước ta còn gọi là Giao Chỉ. Nhưng tác giả đã “lưu ý” tôi: Tam Quốc diễn nghĩa vốn được coi là “7 giả, 3 thật”, còn cuốn này của ông viết dựa trên chính sử trong nước, cộng với sử liệu nhà Minh, bản tiếng Anh và tiếng Hán, bên cạnh đó tham khảo khá nhiều thần phả, gia phả các dòng họ ở địa phương, ông khẳng định với tôi, “Giả rất ít, thật khá nhiều!”. Chẳng thế mà nhà Trung Quốc học, dịch giả có uy tín, nhà văn Trần Đình Hiến(Người dịch nhiều tác phẩm của Mạc Ngôn, giải Nobel 2012) vừa đọc xong tác phẩm của Thâm Giang Trần Gia Ninh đã gọi điện ngay cho tôi, câu đầu tiên là: “Nguồn tư liệu từ sử sách và điền dã cực tốt!”

Cái “lạ” và…

Cái “lạ” trước hết thuộc về tác giả cuốn tiểu thuyết lịch sử mà tôi muốn giới thiệu. Thâm Giang Trần Gia Ninh là bút danh, lần đầu xuất hiện trên văn đàn. Ông vốn là một nhà vật lý có tên tuổi ở nước ta. Ông không nêu tên thật, đơn giản ông cho mình là ngoại đạo khi cầm bút viết văn và lúc về già(năm nay ông 75 tuổi) coi viết chỉ là một thú chơi để giãi bầy với bạn bè niềm tự hào về một nền văn minh Việt từng hiện diện. Tất nhiên, nếu niềm tự hào đó chỉ ở một cuốn sách chung chung, mờ nhạt thì không có gì đáng nói. Song ngay từ ngày đầu ra mắt bạn đọc, cuốn sách đã gây ngạc nhiên cho không ít người, kể cả những người chuyên viết về đề tài lịch sử. Với nguồn tư liệu phong phú có nguồn gốc rõ ràng, đây là một cái “lạ” nữa của Huyền thoại Kim Thiếp Vũ Môn.

Ông vốn là bạn quen lâu năm của tôi. Ngày ông còn viện trưởng một viện thuộc Viện Khoa học Việt Nam, ông đã nổi tiếng là nhà vật lý luôn đi tiên phong trong nghiên cứu, chế tạo các thiết bị điện tử tinh vi đạt chuẩn quốc tế, như lần đầu tiên ở nước ta viện của ông đã làm được kính hiển vi lực nguyên tử, hay chế tạo được một số loại vật liệu nano kích cỡ 1 phần tỷ mét phục vụ sản xuất, đời sống…Ông về hưu gần chục năm nay, vẫn chưa ai thay được cái ghế “Chủ tịch hội đồng khoa học viện”. Một nhà khoa học tài năng, nhiều đồng nghiệp đã nói về ông như vậy. Một hôm ông đến nhà đưa tôi tập bản thảo dầy dặn, bảo: “Anh xem và cho ý kiến”. Tôi hoàn toàn bất ngờ vì cuốn tiểu thuyết chẳng liên quan gì đến chuyên môn của ông, lại được mô tả một cách sinh động, hấp dẫn thời kỳ lịch sử nước ta 600 năm về trước. Cuối quý 1-2015, sách được Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Ra mắt bạn đọc được ít bữa, một nhà sách ở Hà Nội thính nhạy với thị trường văn hóa đọc đã phối hợp với Nhà xuất bản Văn học, đề nghị tác giả trau chuốt chút ít để chuẩn bị tái bản…

Tác giả tự nhận không có “nghề” văn chương, song kết cấu tiểu thuyết hợp lý, nhân vật chính, phụ nhiều mối quan hệ đan xen tự nhiên, được khắc họa đậm chất văn chương. Đó cũng là một điều “lạ” với một tác phẩm đầu tay. Không ít những trang mô tả gây được ấn tượng mạnh với người đọc. Chẳng hạn, đoạn viết về cái chết bi tráng của nhà kỹ thuật ẩn danh Trần Hằng trong rừng sâu: “Lúc đó trời đất tối sầm, giông tố ầm ầm. Một tiếng sét vang động núi rừng. Sét đánh vào ngọn cây trầm cổ thụ cao nhất, lửa cháy rực. Kỳ lạ, lửa chỉ cháy một khoảng rừng nhỏ, làm đổ mấy cây trầm xuống cháy khô, chất thành một đống như có người sắp xếp, rồi tắt hẳn bên cạnh một tảng đá lớn. Hà Ất đặt xác cha lên đống gỗ trầm đó, phủ lá trầm lên rồi châm lửa. Ngọn lửa bùng lên, thấy mùi hương trầm lan tỏa khắp nơi, phút chốc chỉ còn lại đám tro tàn của hài cốt. Thu dọn tro cốt cho vào hộp đâu đấy, Hà Ất lấy kiếm đẽo gọt tảng đá…”(trang 133). Hay khi tả thác Vũ Môn: “…những hôm trời quang mây tạnh, đứng ở chân núi nhìn lên trông như gắn vào trời xanh một giọt nước khổng lồ, tách hẳn lòng suối, từ trên cao đổ vào khoảng không làm thành cái chài hình cung chụp xuống dài khoảng trăm thước để chắp nối với lòng suối ở bậc dưới”(trang 154)…Tác giả còn dụng công sử dụng ngôn ngữ, sao cho phù hợp với ngôn ngữ của người sống cách nay 6 thế kỷ với nhiều thổ ngữ, từ vựng Việt cổ không còn trong đời sống hôm nay, như: con khái tức con hổ, ló-lúa, mấn-váy, cân gấy-con gái, trụt-dốc…Hoặc có những đoạn tả khá tỉ mỉ về trang phục thời ấy: “Khố bằng vải gai, bẹ cau hoặc da hươu thắt qua háng từ trước ra sau…”; “Đàn bà con gái ở nhà thì ngực trần, đi xa đeo yếm vuông bằng vải gai hoặc da hươu che đến rốn. Phía dưới cũng không khoác gì, cách rốn một quãng thì đeo một cái túi nhỏ hình chữ nhật, có tua, to bằng bàn tay, vừa để che mình dưới một cách lỏng lẻo, vừa để các thứ lặt vặt”…

…cái “mới”

Mạch truyện được bắt đầu từ việc Minh Thành Tổ cất quân thôn tính nước Giao Chỉ, đánh bại nhà Hồ, Hồ Nguyên Trừng con trai cả của Hồ Quý Ly dâng bí quyết chế tạo súng thần cơ và được trọng dụng. Từ đây hé lộ một dụng ý xuyên suốt của tác phẩm, viết về những nhân tài khoa học công nghệ của nền văn minh Việt từng một thời vang bóng. Từ thế kỷ XV, người Giao Chỉ đã đi đầu trong việc luyện kim, rèn kiếm sắc, đúc súng thần cơ, pha chế thuốc nổ…Kẻ xâm lược phương Bắc mưu kế hiểm độc, chủ ý bắt người tài Giao Chỉ đem về phục vụ cho mục đích bành trướng của chúng, đồng thời hủy diệt nền văn hóa bản địa để dễ bề cai trị bằng chính sách ngu dân. Nhờ công nghệ vũ khí cướp được ở Giao Chỉ, năm 1410 Minh Thành Tổ đã đánh bại đội quân hùng mạnh của người Tacta từng tung hoành khắp miền Trung Á rộng lớn.

Những điều nêu trên chính là cái “mới” dễ thấy nhất của tác phẩm, có lẽ đến nay chưa cuốn tiểu thuyết lịch sử nào ở nước ta đề cập tới vấn đề có tính “khoa học-kinh tế” như thế. Không chỉ dừng lại ở việc miêu tả một nhân vật lịch sử là Hồ Nguyên Trừng, ở Huyền thoại Kim Thiếp Vũ Môn còn đưa ra nhiều nhân vật kỹ thuật tài giỏi cùng thời với Hồ Nguyên Trừng. Song họ không hèn nhát, yếm thế núp bóng kẻ xâm lược. Lòng yêu nước của họ thể hiện rất rõ, làm ra vũ khí có uy lực, chất lượng cao để đánh đuổi kẻ xâm lăng bờ cõi. Luyện thép, rèn kiếm “chém sắt như bùn” có: Trần Hằng, La My, Ba Lậu Kê (đạo sĩ Bà La Môn, gốc Ấn Độ), Trần Hà Ất…; điều chế thuốc súng, tạo khí cụ nổ có Trần Quốc Trung, Nguyễn Thời Kính, Nguyễn Tuấn Thiện…Ngay từ đầu các nhà kỹ thuật đó đã đồng tâm hiệp lực với những tướng tài, mưu sĩ giỏi trong các cuộc khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược, những nhân vật lừng danh ghi trong sử sách như: Nguyễn Chích, Lê Văn Linh, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi, Lê Lai, Bùi Bị, Đinh Liệt, Nguyễn Súy…Nhân vật Lê Lợi từng được lấy làm nhân vật chính trong một số cuốn tiểu thuyết lịch sử, nhưng chưa tác phẩm nào thành nhân vật điển hình(chẳng hạn cuốn Hội thề của Nguyễn Quang Thân, NXB Phụ nữ 2009, nhân vật này tính cách còn mờ nhạt), thậm chí việc xây dựng nhân vật Lê Lợi còn xuyên tạc lịch sử(như cuốn Khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Hoan biên soạn, NXB Từ điển Bác khoa)… Dưới ngòi bút của Thâm Giang Trần Gia Ninh chân dung vị vua xuất thân từ kỳ hào này có nhiều nét mới chân thực, nhiều tư liệu lần đầu được công bố. Đó là một minh chủ, trong chiến đấu nhiều cơ mưu, biết trọng dụng hiền tài, song đến thời bình lại có lúc sai lầm ruồng bỏ những công thần bậc nhất như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Chích, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo… Đáng ngạc nhiên khi trong Huyền thoại Kim Thiếp Vũ Môn vai trò phò tá mưu lược hàng đầu với chủ tướng Lê Lợi lại thuộc về những nhân vật thời nay ít được biết đến, như: Lê Văn Linh, Nguyễn Chích, Bùi Bị…Phải chăng tư liệu của tác giả đầy đủ hơn, mới hơn nên mới mạnh dạn đưa ra ánh sáng những nhân vật từng hiện diện trong lịch sử như vậy? Một nhân vật nữa là Phan Liêu, khi đánh giá về công tội, có vài sử gia đã nhắc đến trong bài viết ở các tạp chí nghiên cứu, chưa có tác phẩm văn học nào mô tả cụ thể nhân vật này. Trong cuốn sách đầu tay của Thâm Giang Trần Gia Ninh nhân vật Phan Liêu được khắc họa khá đậm nét và là một trong những nhân vật thành công nhất. Phan Liêu tuổi trẻ, tài cao vốn con nuôi một đại thần thời Hậu Trần lúc đó đang trấn thủ Nghệ An. Tướng Minh Trương Phụ đánh Nghệ An, Phan Liêu ép cha nuôi đang lúc ốm yếu đầu hàng, phò tá giặc giết Nguyễn Biểu, bắt vua Trần Trùng Quang và Đặng Dung. Y còn bày mưu cho Sái Phúc vây bắt thợ giỏi và con gái đẹp đưa về thiên triều, rồi phá tan cả làng nghề rèn Kẻ Chàng, Kẻ Treo. Sau thấy mình công to mà không được trọng dụng, y phản lại nhà Minh, dựng cờ khởi nghĩa nhưng không thành, phải trốn chạy vào rừng. Trước đấy, trong một trận giúp quân Minh vây đánh làng Kẻ Treo, bất ngờ y gặp và cứu được cô gái Xuân Liên, tài sắc vẹn toàn và y đem lòng yêu. Chính nhờ được Xuân Liên khuyên nhủ, y đã quay lại chống giặc Minh. Khi đã gia nhập nghĩa quân Lê Lợi, thành thân với Xuân Liên, chiếm được thành Đỗ Gia, ngẫu nhiên y mới biết chính mình là kẻ đã giết cha Xuân Liên trong cuộc đàn áp nghĩa quân trước đây, thì trong lòng rất ân hận. Ruốt cuộc, y đã tìm đến cái chết trong một trận đánh để chuộc lỗi lầm. Có thể kể thêm một nhân vật phản diện khác được cuốn sách miêu tả khá thành công, là Sái Phúc, một kẻ xâm lược có đầu óc thực dụng, không từ một thủ đoạn tàn bạo nào để làm đẹp lòng hoàng đế Trung Hoa. Ta còn gặp trên từng trang viết các nhân vật lịch sử phản diện đa dạng về tính cách, hành vi ứng xử như: Hoàng Trung, Mã Ký, Vương Thông, Liễu Thăng…Huyền thoại kim thiếp Vũ Môn được viết theo lối kể chuyện, tiết tấu nhanh, không nặng về miêu tả diễn biến tâm lý, nội tâm nhân vật, quy mô trận đánh, bối cảnh xã hội… Nhưng không vì vậy mà cuốn sách kém hấp dẫn bởi thiếu những “điểm nhấn” cần thiết. Ta gặp ở đây vô số những tình tiết đặc sắc, mới lạ về truyền thống thượng võ của người Giao Chỉ, về mối quan hệ thuần phác, sòng phẳng giữa người với người thời đó, về phong tục tập quán, cảnh quan môi trường…Như ở chương 9 “Bạch Ngọc sơn trang. Tuấn Thiện nhập làng…” miêu tả quá trình tìm hiểu, điều chế thuốc súng của một nhóm các tướng trận mạc, kiêm “nhà công nghệ” là những trang viết thật sinh động, độc đáo, tác giả vốn là nhà khoa học nên miêu tả quá trình điều tra, tìm hiểu các thành phần của thuốc súng cho hỏa hổ, hỏa tiễn, pháo nổ là rất cụ thể, chính xác. Đoạn văn ở trang 246, về trận thư hùng diễn ra trên thuyền trong một đêm trời đầy sao giữa biển của viên tướng trẻ nhà Minh Hàn Uy với đại tướng quân “Nụy khấu” Nguyễn Súy thật hấp dẫn, tưởng như ta được đọc trong những sách kiếm hiệp nổi tiếng thời xưa. Một “đặc sản” của cuốn tiểu thuyết là những miêu tả về tình yêu lứa đôi. Đó là mối tình Hà Ất-Mai Ly trong sáng tuyệt vời bên thác Vũ Môn; mối tình dang dở song thơ mộng của quận chúa Huy Chân và dũng tướng Nguyễn Tuấn Thiện; mối tình oan trái, bi kịch của Xuân Liên-Phan Liêu; mối tình đượm màu huyền bí, siêu thoát của Hàn Uy- Hà Hoa lập nên dòng họ Samurai ở nước Lưu Cầu (sau thuộc Nhật Bản).

Trong các giấy tờ ông nội tác giả vốn là một nhà nho mù nổi tiếng vùng Hương Khê(Hà Tĩnh) để lại, có hai câu Hán Nôm “Kim thiếp”, nhiều năm sau con cháu không hiểu được nghĩa. Trong quá trình tích lũy tư liệu để viết cuốn tiểu thuyết chương hồi này, cuối cùng thì tác giả đã hiểu được, đó chính là thương hiệu của một loại thép “chém sắt như bùn”mà tổ tiên từng luyện được ở chân núi Vũ Môn. Và “Huyền thoại Kim thiếp Vũ Môn”, chính là câu chuyện về một nền văn minh của nước Việt cổ hơn 600 năm trước.

Quê hương tác giả có thác Vũ Môn vắt trên lưng chừng núi Giăng Màn, thuộc dãy Trường Sơn. Hiện ở Hương Khê còn cây thị nghìn tuổi đã chứng kiến Hội thề giữa chủ tướng Lam Sơn Lê Lợi với chủ tướng Cốc Sơn Nguyễn Tuấn Thiện; đền thờ Bạch Ngọc Hoàng hậu và Quận chúa Huy Chân; xóm Lò nơi luyện sắt đúc súng vẫn còn tên và dấu tích xưa ở Gia Phố…Đặc biệt, ngôi nhà thờ dòng họ Trần của tác giả vẫn còn lại trên nền đất cũ nhìn ra sông Ngàn Sâu, nơi mà 600 năm trước Trần Hà Ất-Mai Ly đã chọn dựng nhà, khởi đầu cho dòng họ Trần Gia Phố. Bao nhiêu năm nay tác giả âm thầm tích lũy tư liệu và nghiền ngẫm, “Cuối cùng thì tôi đã tráp lại thành quyển sách mỏng này như là tấm lòng của kẻ hậu sinh ghi nhớ về tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Và cũng mong góp chuyện gẫu cho kẻ sĩ lúc nhà du”(Mấy lời cẩn bạch & Dẫn nhập).

Tuy tác giả nói vậy, nhưng tôi không cho rằng cuốn sách này chỉ có “kẻ sĩ” mới đồng cảm, mà chắc hẳn nhiều bạn đọc đều có thể trải nghiệm và chia sẻ tấm lòng yêu quê hương, đất nước của tác giả. Nhà khoa học của chúng ta đã cho ra đời tác phẩm đầu tay, một cuốn tiểu thuyết lịch sử đề cao tài-trí Việt với một nội dung thật độc đáo, sinh động, hấp dẫn. Theo tôi, đây chính là một “hiện tượng” bất ngờ, thú vị cho nền văn học nước nhà hôm nay!