Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYỄN KHẮC PHÊ "SỐ PHẬN KHÔNG ĐỊNH TRƯỚC"

Thanh Tùng
Thứ tư ngày 21 tháng 12 năm 2016 5:34 PM








Trong lời ngỏ của cuốn tự truyện, nhà văn Nguyễn Khắc Phê khiêm tốn rằng, trong “làng văn” mình không là “cái đinh” gì, trong “chính trường”, hay các địa hạt khác, ông thường chỉ là “người giúp việc”. Tôi thì cho rằng, có khi những điều thú vị ở cuốn tự truyện này lại là ở những điều “tai tiếng”. Mà “tai tiếng” nhất là thời ông làm Tạp chí Sông Hương.

Trong “Số phận không định trước” Nguyễn Khắc Phê dành nhiều thời lượng cho phần Nơi bắt đầu “con đường mòn ấy” và Những tác phẩm đầu tay. Đó là tuyến đường 12A miền tây Quảng Bình, một đầu mối của đường Hồ Chí Minh, mà tác giả lúc đó là một cán bộ kỹ thuật công trình giao thông tình nguyện vào tuyến lửa công tác với tinh thần “đâu cần thanh niên có...”.

Những trang viết, những tác phẩm đầu tay của Nguyễn Khắc Phê đều là hiện thực cuộc sống và chiến đấu trên tuyến đường này trong những năm không quân Mỹ ném bom phá hoại các công trình giao thông, ngăn chặn các đoàn xe chi viện vũ khí, lương thực, chuyển quân vào chiến trường miền Nam.

Đó cũng là bước ngoặt cuộc đời, từ “chỗ đứng của người kỹ sư” lấn từ từ rồi sang hẳn chỗ đứng của người cầm bút với các tác phẩm: Đường giáp mặt trận, Đường qua làng Hạ, Vì sự sống con đường. Những tác phẩm ấy vài chục năm sau, và cho đến hôm nay vẫn còn ý nghĩa thời sự nên có cuốn đã được tái bản (có cuốn in lần ba); hoặc là câu chuyện của vài chục năm về trước lại được nhà văn tiếp nối trong một số tác phẩm viết sau ngày hòa bình như cuốn Chỗ đứng người kỹ sư (1980), cứ giống như là tập hai trong một bộ phim truyện nhiều kỳ.

Tuy nhiên, đọc Số phận không định trước độc giả sẽ quan tâm nhiều hơn ở phần hồi ký gia đình. Một gia đình lớn, từ song thân cho đến đến anh chị em ruột thịt thấp thoáng trong các nhân vật của tiểu thuyết Biết đâu địa ngục thiên đường (NXB Phụ nữ, 2010 - tái bản 2011) được xuất hiện trong tự truyện.

Biết đâu địa ngục thiên đường là cuốn tiểu thuyết có thời gian thai nghén dài nhất, được đánh giá là hay nhất của Nguyễn Khắc Phê nhưng vẫn chưa thể nói hết được những điều cần. Ta sẽ gặp lại họ như là nguyên mẫu của các nhân vật.

Về hai cụ song thân dù đã là hai “nhân vật chính” trong tiểu thuyết nhưng cũng có những điều phải làm sáng tỏ thêm trong tự truyện. Ví như những nỗi day dứt của bố ông khi bước vào quan trường; rồi tâm trạng có thể gọi là “vô cảm” của đứa con (chính là Nguyễn Khắc Phê!) khi chiến đấu ở đường Trường Sơn, không đoái hoài chi đến nấm mộ cô quạnh của người bố ở Trại cải tạo gần nơi mình đóng quân, liệu có được “thông cảm” hay có cách lý giải nào khác?...

Cuộc đời các ông chú, bà cô và gia đình vợ ông với những số phận cũng rất “tiểu thuyết”, lần đầu được tác giả “phác họa” trong tự truyện; mặc dù họ là những con người bình thường, không có vai vế gì trong xã hội.

Là nhà văn luôn quan tâm đến thời cuộc, Nguyễn Khắc Phê đã in hẳn một tuyển tập văn chính luận “Nhà văn và Thời cuộc”. Viết tự truyện đã đành chủ yếu là chuyện riêng cuộc đời, nhưng tác giả đã luôn luôn gắn cái riêng vào cái chung để tự truyện của mình phản ánh được những vấn đề thời đại. Ông chia xẻ: Điều đó còn cần có sự “cộng hưởng” của bạn đọc.

Ví như qua chương “Bố tôi: Nho sĩ, đại quan, nhân sĩ”, Nguyễn Khắc Phê góp phần giúp bạn đọc có cách đánh giá đúng hơn về tầng lớp vua quan Triều Nguyễn, về mối quan hệ giữa chính quyền cách mạng và trí thức.

Vấn đề hệ trọng này cũng được thể hiện đậm nét trong chương “Cuốn sách mang hai tên”. Những trang ghi lại chặng đời tác giả sống và chiến đấu ở Trường Sơn đã nêu cao ý chí và tinh thần hy sinh cao cả của tuổi trẻ khi Tổ quốc kêu gọi. Chuyện giải thưởng văn chương đang là “thời sự” và cách đánh giá tác phẩm văn nghệ cũng được bàn đến…

Số phận của Nguyễn Khắc Phê đã không theo lá số tử vi được lập theo ngày tháng năm sinh. Bạn bè có người “đổi tên” ông là Nguyễn Khắc... Khổ. Bởi cậu ấm con vị Đại quan triều Nguyễn đã khốn khổ từ lúc mới lọt lòng mẹ; đã nếm trải biết bao nhiêu là giông gió cuộc đời như nạn đói năm 1945. Trong cơn “bão” cải cách ruộng đất Nguyễn Khắc Phê phải bỏ quê chạy thoát thân, rồi chiến tranh ác liệt, chủ nghĩa lý lịch, “nạn nhân” khi dấn thân đổi mới văn học nghệ thuật.v.v...

“Nạn nhân”, hay nói cách khác là “tai nạn nghề nghiệp” được Nguyễn Khắc Phê kể lại trong hai chương “Sông Hương với tôi” và “Cuốn sách mang hai tên”? Lần thứ hai Tạp chí Sông Hương bị đình bản là thời Nguyễn Khắc Phê làm Tổng Biên tập, Nguyễn Đắc Xuân làm Phó Tổng biên tập.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, lúc đó là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế, có lời “chiêu tuyết” trong buổi làm việc tại “Nhà Đỏ” (Văn phòng Tỉnh ủy): Cũng mừng anh Phê, anh Xuân đều là người viết, nghỉ làm Sông Hương sẽ có thì giờ viết thêm tác phẩm mới... Đó là dự báo lạc quan và chính xác của Nguyễn Khoa Điềm.

Không chỉ có thêm, mà thêm rất nhiều. Sau thời điểm đó cả Nguyễn Khắc Phê và Nguyễn Đắc Xuân ra sách đều đều. Thấy hai ông này ra sách ào ào mà “sảng hồn” - cách đây ít ngày tôi nghe một bạn văn của họ nói như thế. Nguyễn Khắc Phê thành thật: “May nhờ thoát khỏi chức Tổng biên tập tôi mới có thời gian, có điều kiện để viết một số tiểu thuyết được dư luận chú ý như Thập giá giữa rừng sâu, Biết đâu địa ngục thiên đường...”. Mảng bút ký, tản văn, phê bình - tiểu luận, chính luận của ông thì có hơn chục tập, có tập tái bản lần hai, lần ba. Và lần này là tự truyện, dày 490 trang, NXB Hội Nhà văn cấp phép.

Trước khi chia tay, thay vì lời chào tôi buột miệng: Khi chuẩn bị ra bộ tuyển tập của mình nhà thơ Ngô Minh để lộ lý do... sức khỏe. Còn anh? Nguyễn Khắc Phê mỉm cười: Bạn quên là tôi cũng đã gần “bát tuần” rồi sao.

Lớp văn nghệ Huế thân quen cùng tuổi Kỷ Mão (1939) với tôi như Trịnh Công Sơn, Đinh Cường đều “lên Trời” cả rồi! Ở Hà Nội thì Cao Tiến Lê, Bùi Bình Thi, Nguyễn Khắc Phục… cũng đã chào đồng đội ra đi. Còn tôi, hồi đầu năm, sáng dậy, bị hạ huyết áp, suýt nữa “đi họp” (từ của Tô Nhuận Vỹ). Đời là “vô thường” mà, nên “việc hôm nay, chớ để đến ngày mai”.

Dân gian có câu: Hoa đến thì, hoa phải nở… Có không ít điều “chất chứa” sau hơn nửa thế kỷ cầm bút, chưa (hoặc khó) nói được qua hơn hai chục tác phẩm đã xuất bản cùng các bài báo, đến tuổi này, tưởng cũng nên công bố…

Nguyễn Khắc Phê & “Số phận không định trước. (Bài của nhà báo Thanh TÙng, trên báo Đà Nẵng cuối tuần ngày 18/12/2016)

Trong lời ngỏ của cuốn tự truyện, nhà văn Nguyễn Khắc Phê khiêm tốn rằng, trong “làng văn” mình không là “cái đinh” gì, trong “chính trường”, hay các địa hạt khác, ông thường chỉ là “người giúp việc”. Tôi thì cho rằng, có khi những điều thú vị ở cuốn tự truyện này lại là ở những điều “tai tiếng”. Mà “tai tiếng” nhất là thời ông làm Tạp chí Sông Hương.

Trong “Số phận không định trước” Nguyễn Khắc Phê dành nhiều thời lượng cho phần Nơi bắt đầu “con đường mòn ấy” và Những tác phẩm đầu tay. Đó là tuyến đường 12A miền tây Quảng Bình, một đầu mối của đường Hồ Chí Minh, mà tác giả lúc đó là một cán bộ kỹ thuật công trình giao thông tình nguyện vào tuyến lửa công tác với tinh thần “đâu cần thanh niên có...”.

Những trang viết, những tác phẩm đầu tay của Nguyễn Khắc Phê đều là hiện thực cuộc sống và chiến đấu trên tuyến đường này trong những năm không quân Mỹ ném bom phá hoại các công trình giao thông, ngăn chặn các đoàn xe chi viện vũ khí, lương thực, chuyển quân vào chiến trường miền Nam.

Đó cũng là bước ngoặt cuộc đời, từ “chỗ đứng của người kỹ sư” lấn từ từ rồi sang hẳn chỗ đứng của người cầm bút với các tác phẩm: Đường giáp mặt trận, Đường qua làng Hạ, Vì sự sống con đường. Những tác phẩm ấy vài chục năm sau, và cho đến hôm nay vẫn còn ý nghĩa thời sự nên có cuốn đã được tái bản (có cuốn in lần ba); hoặc là câu chuyện của vài chục năm về trước lại được nhà văn tiếp nối trong một số tác phẩm viết sau ngày hòa bình như cuốn Chỗ đứng người kỹ sư (1980), cứ giống như là tập hai trong một bộ phim truyện nhiều kỳ.

Tuy nhiên, đọc Số phận không định trước độc giả sẽ quan tâm nhiều hơn ở phần hồi ký gia đình. Một gia đình lớn, từ song thân cho đến đến anh chị em ruột thịt thấp thoáng trong các nhân vật của tiểu thuyết Biết đâu địa ngục thiên đường (NXB Phụ nữ, 2010 - tái bản 2011) được xuất hiện trong tự truyện.

Biết đâu địa ngục thiên đường là cuốn tiểu thuyết có thời gian thai nghén dài nhất, được đánh giá là hay nhất của Nguyễn Khắc Phê nhưng vẫn chưa thể nói hết được những điều cần. Ta sẽ gặp lại họ như là nguyên mẫu của các nhân vật.

Về hai cụ song thân dù đã là hai “nhân vật chính” trong tiểu thuyết nhưng cũng có những điều phải làm sáng tỏ thêm trong tự truyện. Ví như những nỗi day dứt của bố ông khi bước vào quan trường; rồi tâm trạng có thể gọi là “vô cảm” của đứa con (chính là Nguyễn Khắc Phê!) khi chiến đấu ở đường Trường Sơn, không đoái hoài chi đến nấm mộ cô quạnh của người bố ở Trại cải tạo gần nơi mình đóng quân, liệu có được “thông cảm” hay có cách lý giải nào khác?...

Cuộc đời các ông chú, bà cô và gia đình vợ ông với những số phận cũng rất “tiểu thuyết”, lần đầu được tác giả “phác họa” trong tự truyện; mặc dù họ là những con người bình thường, không có vai vế gì trong xã hội.

Là nhà văn luôn quan tâm đến thời cuộc, Nguyễn Khắc Phê đã in hẳn một tuyển tập văn chính luận “Nhà văn và Thời cuộc”. Viết tự truyện đã đành chủ yếu là chuyện riêng cuộc đời, nhưng tác giả đã luôn luôn gắn cái riêng vào cái chung để tự truyện của mình phản ánh được những vấn đề thời đại. Ông chia xẻ: Điều đó còn cần có sự “cộng hưởng” của bạn đọc.

Ví như qua chương “Bố tôi: Nho sĩ, đại quan, nhân sĩ”, Nguyễn Khắc Phê góp phần giúp bạn đọc có cách đánh giá đúng hơn về tầng lớp vua quan Triều Nguyễn, về mối quan hệ giữa chính quyền cách mạng và trí thức.

Vấn đề hệ trọng này cũng được thể hiện đậm nét trong chương “Cuốn sách mang hai tên”. Những trang ghi lại chặng đời tác giả sống và chiến đấu ở Trường Sơn đã nêu cao ý chí và tinh thần hy sinh cao cả của tuổi trẻ khi Tổ quốc kêu gọi. Chuyện giải thưởng văn chương đang là “thời sự” và cách đánh giá tác phẩm văn nghệ cũng được bàn đến…

Số phận của Nguyễn Khắc Phê đã không theo lá số tử vi được lập theo ngày tháng năm sinh. Bạn bè có người “đổi tên” ông là Nguyễn Khắc... Khổ. Bởi cậu ấm con vị Đại quan triều Nguyễn đã khốn khổ từ lúc mới lọt lòng mẹ; đã nếm trải biết bao nhiêu là giông gió cuộc đời như nạn đói năm 1945. Trong cơn “bão” cải cách ruộng đất Nguyễn Khắc Phê phải bỏ quê chạy thoát thân, rồi chiến tranh ác liệt, chủ nghĩa lý lịch, “nạn nhân” khi dấn thân đổi mới văn học nghệ thuật.v.v...

“Nạn nhân”, hay nói cách khác là “tai nạn nghề nghiệp” được Nguyễn Khắc Phê kể lại trong hai chương “Sông Hương với tôi” và “Cuốn sách mang hai tên”? Lần thứ hai Tạp chí Sông Hương bị đình bản là thời Nguyễn Khắc Phê làm Tổng Biên tập, Nguyễn Đắc Xuân làm Phó Tổng biên tập.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, lúc đó là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế, có lời “chiêu tuyết” trong buổi làm việc tại “Nhà Đỏ” (Văn phòng Tỉnh ủy): Cũng mừng anh Phê, anh Xuân đều là người viết, nghỉ làm Sông Hương sẽ có thì giờ viết thêm tác phẩm mới... Đó là dự báo lạc quan và chính xác của Nguyễn Khoa Điềm.

Không chỉ có thêm, mà thêm rất nhiều. Sau thời điểm đó cả Nguyễn Khắc Phê và Nguyễn Đắc Xuân ra sách đều đều. Thấy hai ông này ra sách ào ào mà “sảng hồn” - cách đây ít ngày tôi nghe một bạn văn của họ nói như thế. Nguyễn Khắc Phê thành thật: “May nhờ thoát khỏi chức Tổng biên tập tôi mới có thời gian, có điều kiện để viết một số tiểu thuyết được dư luận chú ý như Thập giá giữa rừng sâu, Biết đâu địa ngục thiên đường...”. Mảng bút ký, tản văn, phê bình - tiểu luận, chính luận của ông thì có hơn chục tập, có tập tái bản lần hai, lần ba. Và lần này là tự truyện, dày 490 trang, NXB Hội Nhà văn cấp phép.

Trước khi chia tay, thay vì lời chào tôi buột miệng: Khi chuẩn bị ra bộ tuyển tập của mình nhà thơ Ngô Minh để lộ lý do... sức khỏe. Còn anh? Nguyễn Khắc Phê mỉm cười: Bạn quên là tôi cũng đã gần “bát tuần” rồi sao.

Lớp văn nghệ Huế thân quen cùng tuổi Kỷ Mão (1939) với tôi như Trịnh Công Sơn, Đinh Cường đều “lên Trời” cả rồi! Ở Hà Nội thì Cao Tiến Lê, Bùi Bình Thi, Nguyễn Khắc Phục… cũng đã chào đồng đội ra đi. Còn tôi, hồi đầu năm, sáng dậy, bị hạ huyết áp, suýt nữa “đi họp” (từ của Tô Nhuận Vỹ). Đời là “vô thường” mà, nên “việc hôm nay, chớ để đến ngày mai”.

Dân gian có câu: Hoa đến thì, hoa phải nở… Có không ít điều “chất chứa” sau hơn nửa thế kỷ cầm bút, chưa (hoặc khó) nói được qua hơn hai chục tác phẩm đã xuất bản cùng các bài báo, đến tuổi này, tưởng cũng nên công bố…