Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐẶNG CƯƠNG LĂNG - “TÔI TÌM THẤY TÔI”

Nhà NCPB Văn Giá
Thứ năm ngày 22 tháng 12 năm 2016 9:40 PM


Kết quả hình ảnh cho Thơ Đặng Cương Lăng


Tôi bắt đầu đôi dòng về tập thơ “ Giọt đời” của Đặng Cương Lăng không phải bằng bài thơ đầu tiên lấy làm tên tập thơ này, mà lại bằng bài thơ nằm gần cuối tập. Đó là bài “Tôi tìm thấy tôi”.
Bài thơ được làm theo thể 4 chữ, gồm 4 khổ, mỗi khổ 4 dòng. Bài thơ này dựa trên hai ý tưởng: “Tôi học” và “tôi hỏi”.
Chủ thể nhân vật trữ tình nói về chuyện học rừng cây, học con sông, học hoa lá, học đá, nghĩa là học những đức tính, phẩm giá của chúng. Ví dụ với cây: “Tôi học rừng cây/tìm về ánh sáng”; hay “Học cách xanh tươi/cỏ cây hoa lá”…Cây cỏ đã sinh ra chỉ có biết xanh, sứ mệnh của chúng là phải xanh, phải được sống và hướng về sự sống, thế thôi. Nhưng đối với con người, muốn trở nên xanh, nên tốt cũng không dễ dàng gì. Muôn vàn trở lực từ cuộc đời, từ chính bản thân mỗi cá nhân khiến cho công cuộc làm người, nhất là làm người tử tế, không phải lúc nào cũng dễ dàng. Vậy nên, nhân vật trữ tình trong bài thơ tự nhắc mình phải học thiên tạo để có được một cuộc người đẹp đẽ.
Thêm nữa, bên cạnh việc “học”, nhân vật trữ tình nối thêm việc “hỏi”: “Tôi hỏi đất trời/vì sao cao cả?/Tôi hỏi biển khơi/vì sao sóng gió?”. Hẳn nhiên đây không phải là những lời căn vặn cái lẽ tự nhiên, mà giản dị hơn, cũng sâu lắng hơn: hỏi để ngẫm về cái lẽ huyền vi của vũ trụ này, để thấy sự sống này luôn luôn là những điều bí ẩn, không dễ gì mà hiểu được, thậm chí không dễ gì mà học được.
Kết thúc tác phẩm là một khổ thơ đẹp: “Tôi học vầng trăng/tự đầy khi khuyết/vượt lên còn mất/tôi tìm thấy tôi”. Chủ thể trữ tình đã xác lập một tư thế mang tính chủ động, nhập cuộc, dấn bước, ngược lại hoàn toàn với thế bị động, dừng lại, do dự. Khả năng dấn thân, tự nhiệm để khẳng quyết sự có mặt của chính bản thân mình là tư thế làm người kiêu hãnh.
Bài thơ thoạt tưởng rất nhẹ, nhưng đọc một vài lần, sẽ thấy độ nặng đằm của nó. Cái chất nghĩ ngợi, triết lý có mặt ở bài thơ này, và khá nhiều trong tập thơ này là sự đi tiếp của một lựa chọn mà Đặng Cương Lăng đã theo đuổi trong một hai năm trở lại đây.
Đi theo hướng biểu đạt chất nghĩ đòi hỏi người viết phải lập tứ rất thông minh, mà thường là bằng các tương quan, phát hiện ra những tương quan lạ, bất bình thường trong những cái tưởng như bình thường nhất. Lại nữa, ở loại thơ này, lối biểu đạt ngôn từ rất kiêng cái cách trưng ra những mệnh đề luận lý trực tiếp, mà cần phải bằng/qua một hệ thống hình ảnh tương hợp với cái tứ đã định. Người nào ham triết lý trực tiếp trong thơ là có nguy cơ thất bại. Khi đó, các câu thơ sẽ trở nên gầy guộc, thiếu sức sống.
Trong thơ Đặng Cương Lăng, có những câu/bài thơ vừa có được cái chất triết lý chiều sâu mà vẫn giữ được sự sống xanh non duyên dáng:
Mặt trời đã khuất đầu non
Bắt em thì dễ
Nhưng còn trái tim ?
(Cảm tác về bức tranh hoa hồng)
Giọt vui mở cửa
Giọt buồn cài then
Giọt thương chất chứa
Giọt tình lên men (Giọt)
Có những câu thơ, Đặng Cương Lăng dường như quên ý định làm triết lý, hóa ra lại rất ấn tượng:
Một âm thanh lạ
Khua vào chờ mong”
(Đâu rồi tiếng guốc?)
Có những câu thơ được phát triển, làm mới trên chất liệu dân gian:
Chẳng lo chân chưa cứng
Chỉ sợ lòng đã mềm (Chinh phục)…
Lại có những câu thơ tưởng như rất đỗi vu vơ mà đầy ám gợi:
Chân trời và những trống không…chân trời (Không đề).
Một người làm thơ chân chính luôn tự đặt mình vào một quá trình không có hồi kết, luôn luôn “sẽ là”, chứ không phải “đã là”. Kiểm soát những chỗ lỏng tay. Thường hằng nhu cầu làm mới. Thơ Đặng Cương Lăng ngày càng chinh phục nhiều bạn đọc.
Chớm Đông, 2016
PGS.TS Văn Gía