Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐƯỢC GỌI LÀ "ĐỒNG CHÍ" CÓ...NGƯỢNG KHÔNG ?

Vũ Lân
Thứ tư ngày 14 tháng 12 năm 2016 3:51 PM


Thử hỏi, những đảng viên chân chính liệu có băn khoăn, trăn trở khi được làm “đồng chí” với “một bộ phận không nhỏ” đảng viên thoái hóa, biến chất, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chạy theo lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân?

​“Đồng chí” là một từ Hán-Việt, thường được dùng như một đại từ nhân xưng trong tiếng Việt để gọi và xưng hô với những người cùng tổ chức, cùng lý tưởng, chí hướng, cùng đội ngũ...

Ở nước ta, từ lâu, từ “Đồng chí” được dùng phổ biến nhất là trong các tổ chức Đảng, trong lực lượng vũ trang, trong các đoàn thể chính trị - xã hội. Còn ở ngoài đời, dù không phải là đảng viên, đoàn viên thanh niên, khi nhắc đến hai từ này, nhiều người nhớ ngay đến bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu. Ra đời năm 1948, bài thơ tạo nên một sự bùng nổ, lan truyền rộng khắp trong quân đội. Bởi nó phản ánh đúng, ca ngợi tình đồng đội gian khổ, “vào sinh ra tử” có nhau của các anh bộ đội Cụ Hồ - thời mà những người nông dân yêu nước bỏ lại ruộng vườn, nhà cửa đi đánh giặc.

​Trải qua các giai đoạn phát triển, nhất là từ khi đất nước bước vào xây dựng nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng với thế giới, vì nhiều lý do, tình cảm đồng chí, đồng đội với nhau ở chỗ này, chỗ khác bị (đã bị) “vơi đi ít nhiều”.

Trong nhiều năm lại đây, tại không ít tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, trong cuộc họp hoặc cả trong những lúc sinh hoạt hằng ngày, người ta thường gọi nhau cậu, tớ, ông, tôi… Thậm chí đôi khi càng là những người thân mật, gắn bó lại càng xưng hô với nhau một cách thoải mái (mày, tao, chi tớ...). Còn trong các cuộc họp nghiêm túc, lúc lôi nhau ra kiểm điểm, phê bình, khi không ưa nhau thì nhiều người lại dùng từ “đồng chí” để phê bình, nhận xét, đánh giá lẫn nhau. Nhiều khi ghét nhau, mâu thuẫn, căng thẳng, thậm chí tức giận nhau, người ta lại dùng từ “đồng chí”!

Được gọi là 'đồng chí' có... ngượng không?
Ảnh minh họa

Bây giờ chúng ta có xu hướng gọi theo chức danh như: bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, nghệ sĩ, nhà nọ, nhà kia, giám đốc, tổng giám đốc,... chứ ít dùng từ “đồng chí”. Bởi mọi người cảm thấy nghe nó “cưng cứng”, khó quen tai với những người trẻ, sinh sau chiến tranh.

​Tuy từ "đồng chí" ở đâu đó có hiện tượng làm mai một ít nhiều ý nghĩa, tình cảm, sự gắn bó, thế nhưng không thể vì “những con sâu” như thế mà hai từ “đồng chí” trong sinh hoạt nội bộ của các tổ chức Đảng bị nhạt mờ, bị mất đi ý nghĩa thiêng liêng. Và đặc biệt không phải ai muốn làm “đồng chí” của nhau cũng được.

Từ thực tiễn cuộc sống, nhất là trong các tổ chức Đảng của ta hiện nay, có những vấn đề liên quan đến việc xưng hô “đồng chí” cũng cần cân nhắc sao cho phù hợp. Nếu như trước đây, “đồng chí” là những người “vô sản”, nghèo khó như nhau, “Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài miếng vá/Miệng cười buốt giá/ Chân không giày/ Đêm rét chung chăn, thành đôi tri kỷ”, thì ngày nay “đồng chí” với nhau mà người thì giàu “nứt đố đổ vách” (không phải bằng lao động chân chính), người sống nghèo giữ đạo đức cách mạng.

Thử hỏi, những đảng viên chân chính liệu có băn khoăn, trăn trở khi được làm “đồng chí” với “một bộ phận không nhỏ” đảng viên thoái hóa, biến chất, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chạy theo lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân? Những đảng viên-cán bộ lãnh đạo cấp này cấp khác, dù chưa bị khai trừ khỏi Đảng, chỉ bị cảnh cáo, khiển trách liệu có xứng đáng nhận được sự tin tưởng của mọi người và nhất là có ngượng ngùng khi được gọi là “đồng chí”?

​Chuyện liên quan đến nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng là những minh chứng xác thực nhất và ý nghĩa nghĩa thiêng liêng của hai từ “đồng chí”.

Có ý kiến cho rằng, với những sai phạm nghiêm trọng thì ông Vũ Huy Hoàng liệu có còn xứng đáng được là “đồng chí”, đồng đội với hàng triệu đảng viên chân chính đang phấn đấu, hy sinh vì lý tưởng, sự nghiệp của Đảng, vì sự hạnh phúc của dân nữa không? Và hiện nay, nơi ông Vũ Huy Hoàng đang sinh hoạt đảng, những đảng viên chân chính suy nghĩ như thế nào mỗi khi gọi ông Vũ Huy Hoàng bằng hai từ “đồng chí”?

​Chuyện liên quan đến nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng là những minh chứng xác thực nhất và ý nghĩa nghĩa thiêng liêng của hai từ “đồng chí”.

Có ý kiến cho rằng, với những sai phạm nghiêm trọng như đã nêu trong thông báo thì ông Vũ Huy Hoàng liệu có còn xứng đáng được là “đồng chí”, đồng đội với hàng triệu đảng viên chân chính đang phấn đấu, hy sinh vì lý tưởng, sự nghiệp của Đảng, vì sự hạnh phúc của dân nữa không? Và hiện nay, nơi ông Vũ Huy Hoàng đang sinh hoạt đảng, những đảng viên chân chính suy nghĩ như thế nào mỗi khi gọi ông Vũ Huy Hoàng bằng hai từ “đồng chí”?

​Trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn Đảng ta rằng “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng”; “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Tình đồng chí ở đây là tình cảm giữa những con người với nhau và hơn thế nữa là sự cao cả kiên cường, dũng cảm, bất khuất, tràn đầy lòng hy sinh vì nhau.

Chính trong hoàn cảnh hiện nay, hơn bao giờ hết đất nước đang rất cần những “đồng chí” - những con người dám hy sinh lợi ích cá nhân cho Tổ quốc mình, đồng bào mình, cho hôm nay và mãi về sau.

Vũ Lân

Nguồn: tuanvietnam