Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TỪ CON NGỐ ĐẾN NGƯỜI ĐÀN BÀ BỊ MA ÁM CỦA NGUYỄN HIẾU

Lưu: Quốc Hòa
Thứ tư ngày 14 tháng 12 năm 2016 5:47 AM


(Cảm nhận văn chương của Lưu: Quốc Hòa)

Tôi đã đọc trọn vẹn bộ tuyển tiểu thuyết của Nguyễn Hiếu gồm 648 trang.
Khác hơn với đọc CON NGỐ. Lần này nhẩn nha, nhấm nháp hơn. Có đoạn đọc đi đọc lại mấy lần. Đọc rè như kẻ đói ăn, cứ sợ ăn nhanh thì chóng hết cái phần quà mà ông khách lữ hành Nguyễn Hiếu bất ưng ban cho mình.

Một lần trong khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ viết văn. Tôi nhớ câu tâm sự của giảng viên - Nhà văn Sương Nguyệt Minh nói với học viên: Đọc là phương pháp nạp năng lượng cho sáng tác văn học. Có khi 3 năm liền không viết dòng nào mà chỉ cặm cụi đọc. Tài như anh mà còn thú nhận như thế huống chi lũ bập bẹ ngô nghê như tôi lại hùng hục viết.

Lại nhớ cả lời dặn của Đỗ Chu: Viết làm đếch gì nhiều! Viết ít thôi. Đừng hót láo nháo như chim ri chim sẻ. Hãy làm con hùm nấp ở trong rừng, thỉnh thoảng ra bìa rừng gầm lên một tiếng cho thiên hạ đái tóe ra quần...
Đúng quá mà cũng ...khó quá bởi vì trót mang cái cốt chim sẻ mất rồi. Cái cốt "hùm" đành tu để dành kiếp sau nếu lại được đầu thai làm người.

Càm ràm một tí cho vui. Tôi xin quay về chủ đề chính như đã nêu. Có nghĩa là cảm nhận về tiểu thuyết NGƯỜI ĐÀN BÀ BỊ MA ÁM của Nhà văn Nguyễn Hiếu.

Chả cứ người đàn bà, nhân vật Bích Lan trong tiểu thuyết bị ma ám đâu. Chính tôi bị lão ma sống Nguyễn Hiếu "ám". Có lúc bị ám nặng quá. Tôi thoát ra, gấp sách đi làm một việc gì đó để "thoát ám" nhưng chẳng thể nào thoát.
Ngay từ dòng mở đầu. Nguyễn Hiếu đã nêu một triết lí cho tác phẩm: Người đàn bà đẹp hiền hậu là tiên/ Người đàn bà đẹp tinh quái là quỷ... Rồi nữa: Người đàn bà đẹp, suốt từ tuổi 16 đến hết xuân. Đôi môi họ là viên đá mài làm mòn vẹt bao cuộc đời những kẻ đàn ông ham hố...

Sao Nguyễn Hiếu cay nghiệt với đàn bà đẹp thế. Cái đẹp có tội gì đâu mà đay trì cơ chứ. Hay nhan sắc đàn bà đẹp đã táp vào cuộc đời anh những tai ương?...Chả biết nữa, nhưng tôi cũng là một nạn nhân ấy thì Nguyễn Hiếu cũng không loại trừ...Điều ấy chỉ hỏi ông Giời.
Phải và cũng không phải. Không phải nhưng là phải. Cái ám ảnh ấy đâu cứ tôi mà thiết nghĩ là yếu nhược chung của giới đàn ông. Của tôi, của bạn. Của bạn cũng là của tôi trong kiếp nhân sinh nồng nã của giống đực.

Xuyên suốt chiều dài, chiều sâu của cốt truyện là nhân vật Bích Lan mà cái tên khai sinh ban đầu cha mẹ đặt rất cẩu thả là La. La sinh ra trong gia đình ông lái trâu Nghệ. Cái nghề mà dân gian có câu cửa miệng "thật thà cũng thể lái trâu" thế nên con bé La hấp thụ được cái máu hám lời ngay từ lúc đi chăn trâu. Nhìn cái gì cũng quy ra tiền. Học bố mẹ "lãi mẹ đẻ lãi con" ngay cả mấy hào bạc lẻ.
Khung cảnh diễn ra với địa danh cũ thời "Con ngố" là làng Chiện nghèo túng với bãi thả trâu Phân Nha. Bọn trẻ trâu muôn thưở là hồn nhiên nghịch ngợm với trò chơi trẻ con nhưng La gần như tách khỏi cái trẻ con ấy. Nhân một lần thấy có đôi vợ chồng trẻ đi ô tô về làng La đã ao ước: Sau này phải lấy chồng đi ô tô cho thiên hạ trố mắt ra mà nhìn, mà nể phục.

Giá La xấu xí hay là con bé thường thường thì đi một lẽ. Đằng này lại là con bé xinh đẹp ưa nhìn ngay từ lúc mặc cái áo len rách đi chăn trâu. Ngay từ thưở còn chúm chím đã có động cơ chinh phục và lợi dụng Lâm, anh con trai khờ khạo 16 tuổi và thật như đếm. Biết trải ổ rơm trong miếu cô Liêm để nướng cá ăn với Lâm. Anh chàng Lâm do giới tính dẫn đường đã hùng hục đi mò cá, hùng hục mang sâu cá lên chợ bán để mua chả đem về miếu cho cô bé chăn trâu. Kết quả là đôi trẻ đã "ăn nằm" kiểu trẻ con trong miếu. Đó không phải là nhục cảm tình yêu mà đầy bản năng giới tính. Cái cảnh hai đứa trẻ làm chuyện người lớn với nhau rất gợi, rất thật. Chúng hốt hoảng thấy máu vương trên những cọng rơm vàng...Đọc lên ta thấy tội nghiệp cho chúng.

Nguyễn Hiếu đã đưa nhân vật La vào đời như thế. Vào đời một cách liều lã nhưng lại là manh nha của sự toan tính về sức mạnh của mình khi trời cho nhan sắc. Cái tò mò, cuốn hút của tác phẩm bắt đầu từ đấy. Người đọc muốn xem nhân vật này trượt xa đến đâu trong cuộc chơi dùng nhan sắc đầy biến ảo.

Với lối dẫn chuyện liền mạch. Nguyễn Hiếu cứ lần lượt, nhẩn nha đưa ta vào những tình tiết khác nhau khi nhân vật La sau khi lên xã thay đổi tên khai sinh thành Bích Lan. Cú lừa ngoạn mục với anh Uyên, cán bộ xã chỉ mấy câu ỡm ờ, vài cái cọ xát rất xa vời của thân thể con gái cũng hạ gục một kẻ đàn ông ham hố mù quáng. Câu chuyện được nâng dần lên về thủ đoạn khi Lan đã biết dùng sức nóng của cơ thể thiếu nữ, đốt cháy thày giáo coi thi để đạt điểm cao trong kì thi phổ thông cuối cấp rồi đi thẳng vào trường Đại học. Người thày ấy, vì giới tính hối thúc đã bỏ qua bao nguyên tắc, bao chuẩn mực đạo đức tối thiểu của "đạo dạy" để nâng đỡ một học sinh không có thực lực về kiến thức.
Bích Lan trượt dần trên đường đời về thủ đoạn lừa tình. Cái gì khó: Dùng tình thế chấp. Cái gì có lợi: Dùng thân xác, dùng nhan sắc thôn tính cai trị và...thắng lợi tuyệt đối.

Đau đớn nhất là những đàn ông, những con mồi bị Lan giăng bẫy. Thày Quỳ là một ví dụ. Khi cả hai cùng nằm chung cái bẫy thì Lan thoát hiểm mau lẹ như con lươn luồn trong bùn. Nhưng có hai nhân vật đàn ông đáng thương và đáng trách nhất là sự khờ dại của lão Đách, thợ bắt rắn nhà nghề trong khu rừng nơi gần trường Lan đang học. Lão ước ao nếu được nắm tay Lan thì mất 150 cái trứng rắn cũng "chơi". Thế nên khi Lan nhờ tìm mật gấu, lão Đách bỏ nghề bắt rắn mà thầm lặng mượn nỏ đi bắn hổ. Thật là mạo hiểm và khờ dại. Có ai bắn được hổ bằng tên nỏ bao giờ. Thế mới biết, trước ham muốn bản năng, trước nhan sắc đàn bà. Kẻ khôn lanh mưu lược cũng trở thành kẻ lú mụ. Kết quả là lão Đách mất mạng vì 2 cái tát của con hổ...Rồi Tín, anh chàng có đầy đủ hạnh phúc trong tay mà bóp nát ra để cưới Bích Lan chỉ vì nhan sắc. Nhân vật Cận, chồng Lan mới đáng thương. Cận là nô lệ cho sắc đẹp, khi tỉnh ngộ trước phản bội của vợ thì vật vã, nhục nhã đành cắn răng mà chịu. Một loạt đàn ông lướt qua cuộc đời Lan đều bị "mòn vẹt" theo đúng nghĩa thất thái, thảm bại.

Tôi vừa làm cái việc "tố tụng" Bích Lan theo kiểu liệt kê có mùi vị của thông tấn. Cả quãng đời đóa hoa Bích Lan mãn khai nhan sắc chỉ dùng vào mục đích chiếm đoạt vật chất và địa vị. Viên đá mài ấy thật sự có độ ma sát chết người.

Bích Lan, cô gái đẹp làm đàn ông đau khổ và hốt hoảng. Ai cũng tưởng đóa hoa ấy mình sẽ chiếm đoạt nhưng suy cho cùng cũng chả của ai. Lan là loài hoa độc nở bung nhưng ong bướm chui vào hút mật thì hoa khép lại và nghiền nát. Biết như thế nhưng ong bướm cứ nhao nhao đòi chui vào, liều chết giương vòi và con nào cũng tưởng mình là kẻ đậu lên hoa đầu tiên.

Đàn bà đẹp! Lại đàn bà đẹp. Cái muôn thưở trên thế gian, muôn thưở mọi triều chính luôn nhấp nhóa của sự thoán đạt. Bao vương triều chao đảo vì đàn bà đẹp nhưng đa đoan quỷ quái. Viết đến đây tôi lại nhớ, lại liên tưởng đến chi tiết trong tiểu thuyết "Thày Đàn" của Đoàn Ngọc Hà: Cái cảnh khi ông "Xếp nhất" ngành giáo dục, nổi tiếng nghiêm túc "mặt sắt" chuẩn bị cầm bút kí quyết định kỷ luật một Hiệu trưởng, không công nhận danh hiệu thi đua cho một nhà trường. Ngồi trước ông là một người đẹp có tên rất kiêu kì: Nga Vương. Cô ta là một quan chức ngành giáo dục của một tỉnh nổi tiếng về nhan sắc. Nga Vương lúc đó cởi một khuy áo cổ và với tay gỡ cặp kính trên mắt vị kia và cứ thế...Lau kính bằng đùi. Thế mà cứu được một Hiệu trưởng, cứu được danh hiệu thi đua một tập thể nhà trường kể cũng ngoạn mục đến hài hước, hài hước đến ngoạn mục.
Tôi lại nhớ đến câu đùa của TS Lê Thẩm Dương với sinh viên: Qua giám định của y học hiện đại thì đàn bà đẹp có hàm lượng "yêu tinh" trong máu rất cao.
Trong máu Lan quả hàm lượng ấy vượt trội. Lan không có tình bạn, không có tình yêu với bất cứ người đàn ông nào. Cả một thời xuân sắc chỉ có toan tính, vụ lợi. Nhan sắc chỉ dùng vào một mục đích duy nhất là chiếm đoạt. Nhan sắc là một thứ hàng hóa trao đổi.
Đáng thương và đáng giận cho những người đàn bà đẹp như thế. Họ không có tình yêu, không có tình bạn. Luôn rượt đuổi một điều gì đó, vừa cụ thể, vừa mơ hồ nhưng cuối cùng thì không nắm trong tay thứ gì cả.
Những tuyến nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Hiếu khá đa dạng. Đa dạng về thành phần, nghề nghiệp, chức vụ. Có trí thức cấp cao cấp tiến. Có dạng nhang nhang, có dạng ngu đần bẩn tưởi. Tất cả sự đa dạng ấy lại có chung một dạng là lú lẫn vì nhan sắc mà người đời vẫn gọi theo lối dân dã là: Dại gái.
Trong sự bế tắc về lòng tin ấy ta bắt gặp những nhân vật đáng yêu như mối tình Thùy, Vinh. Sự tôn trọng tình đồng nghiệp và không tầm thường trong tình ái như Lý. Ta cũng ám ảnh thương cảm cho Liễu với số phận dâu con ở gia đình quyền thế...Tất cả, tất cả làm nên "Người đàn bà bị ma ám".
Cái hay của tiểu thuyết là sự phát triển tính cách của nhân vật Bích Lan. Cái tài của Nguyễn Hiếu là chi tiết đời sống nông thôn, thành thị. Cái gì cũng đậm, cũng thật, cũng sinh động như chính tôi và bạn vừa trải qua, vừa đi qua, đã ăn ở tá túc nơi ấy. Người đọc khi gấp sách lại cũng yên lòng thỏa mãn.

Mỗi chương trong tác phẩm bố cục đều ngắn, kế tiếp nhau liền mạch nên dễ đọc, dễ cảm, dễ nhớ. Lời thoại đặt đúng miệng của kẻ nói ra (có nghĩa là trí thức ra trí thức, tiểu nông ra tiểu nông). Xuyên suốt tác phẩm là chuyện tình ái, nhục cảm giới tính nhưng không lõa lồ và phồn thực. Không phồn thực nhưng gợi phồn thực vừa đủ. Mô típ phân thân được dùng trong tác phẩm cũng đủ độ không dẫn người đọc bảng lảng hư huyền khó tin.
Có lẽ riêng phần kết tôi không thấy thỏa mãn bởi vì Bích lan chết nhanh quá, chết như đùa chỉ vì viên đá của trẻ trâu (đứa trẻ này là con trai người tình cũ bị Lan hắt hủi). Lan chết ở miếu cô Liêm. Cái nơi mà cô cho Lâm làm tình ngày còn bé. Cái nơi mà cô thầm ước ngày xưa là quyết lấy chồng có ô tô chở mình về làng. Sau bao mưu toan, đến khi cùng chồng mới cưới (cưới lần thứ hai) đi ô tô về bãi thả trâu Phân Nha thì kết thúc cuộc đời ở đó. Kể ra thì hai nhân vật này đáng bị trừng phạt vì nhân vật Tín phụ vợ cùng Bích Lan có thâm niên lừa tình đàn ông. Giá họ phải bị luật nhân quả trừng phạt thì cứ...nhẩn nha một tí. Hãy để cả hai cùng chết chứ để sống một e thiếu công bằng. Có đầy cách chết tại sao phải chết "uỵch" một cái nghe cứ nghi nghi như kiểu sắp đặt. Đành rằng Nguyễn Hiếu muốn kết chuyện ở chính nơi nó bắt đầu. Cái ga cuối của chuyến lữ hành tai ương.
Thông điệp Nguyễn Hiếu gửi tới cuộc sống làm ta ám ảnh. Trước hết là những người đàn bà đẹp nhưng quỷ quái. Là những đàn ông ham hố lú lẫn. Nó nhắc ta, cảnh báo ta đang là loại người gì trên cõi đời này để tự điều chỉnh mình. nhận rõ chân giá trị của cái đẹp thánh thiện. Biết ta đang đi đến đâu, hành xử thế nào để thành "tiên" hay thành "quỷ".
Đó là cảm nhận chủ quan của tôi trước tiểu thuyết NGƯỜI ĐÀN BÀ BỊ MA ÁM.
Phủ Lý tháng 12/2016
LQH