Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

DƯ CHẤN FORMOSA – HÀ TĨNH

Tạ Hữu Đỉnh
Thứ năm ngày 22 tháng 12 năm 2016 1:43 PM


Tạp bút 
Theo lời cô Dung, nhân viên bộ phận đối ngoại của công ty Formosa giới thiệu với Đoàn nhà văn đến thăm, thì khu công nghiệp lớn vào loại nhất Đông Nam Á này có 3 hạng mục công trình:
Một là Nhà máy luyện gang thép, công suất 7,5 triệu tấn/ năm.
Hai là Nhà máy nhiệt điện, công suất 650MW.
Ba là Cảng biển nước sâu Sơn Dương, tầu có tải trọng 300.000 tấn cập cảng được.
Tổng diện tích mặt bằng là 3.318,12ha, trong đó diện tích mặt đất là 2.025,37ha, diện tích mặt biển là 1.293,35ha.
Nhưng bài bút ký – phóng sự: “Trải nghiệm Hà Tĩnh – Formosa” của nhà văn Hoàng Quốc Hải (thành viên trong đoàn) đã trích ba đoạn trong Bản dự án Khu công nghiệp Vũng Áng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo Quyết định số 72/ 2006 QĐTTG, ngày 3/4/ 2006, thì không phải khu công nghiệp này chỉ có 3 hạng mục, mà phải đến 8 hạng mục cộng trình. Và đọc 3 đoàn trích này người đọc cũng hết sức ngạc nhiên, không hiểu sao chữ nghĩa lại mù mờ, rối rắm khó hiểu đến thế? Vậy xin được chép ra đây để bạn đọc tiện tham khảo:
Đoạn I:
“ - Phát triển các ngành luyện kim với lợi thế tài nguyên, nguồn nguyên liệu, các ngành công nghiệp gắn với khai thác cảng biển, khu công nghiệp trung tâm nhiệt điện và lọc dầu”.
Chỉ riêng 6 âm tiết trong dòng đầu tiên của đoạn trích này ý nghĩa đã không rõ ràng. Vì trong thiên nhiên có đến 7 loại khoáng sản đều được xếp vào hàng kim loại như: vàng, bạc, đồng, sắt, nhôm, chì và cả thuỷ ngân. Vậy, các ngành luyện kim ở đây là những ngành nào?
Rồi 8 âm tiết trong hai câu tiếp theo ý nghĩa cũng mù mờ. Đất cũng là tài nguyên. Nước cũng là tài nguyên. Vậy từ tài nguyên trong Bản dự án viết đây là tài nguyên gì? Song, vì Vũng Áng có Nhà máy thép, cho nên người đọc đoán đó là quặng sắt. Khai thác quặng sắt là nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy gang thép của khu công nghiệp.
Cả cụm từ: “…các ngành công nghiệp gắn với khai thác cảng biển…” cũng tối nghĩa nốt. Vì cảng biển cũng là một ngành công nghiệp. Vậy tại sao không viết cụ thể là: “Nhà máy Điện và Nhà máy thép gắn với khai thác cảng biển” có phải dễ hiểu hơn không?
Cả câu cuối cùng cũng mù tịt nốt! Trung tâm là ở giữa. Khu công nghiệp trung tâm nghĩa khác với trung tâm khu công nghiệp. Khu công nghiệp trung tâm là nơi tập trung nhiều cơ sở kinh tế, nhiều ngành nghề quan trọng có thế mạnh hơn so với các nơi khác. Chắc câu văn này muốn nói Nhà máy nhiệt điện, Nhà máy thép và Nhà máy lọc dầu (nếu có) là trung tâm của Khu công nghiệp Vũng Áng. Nếu vậy thì sao? Thì chịu! Chẳng ai có thể hiểu câu văn này định nói gì? Chỉ biết là công ty Formosa có thêm một hạng mục đầu tư nữa là Nhà máy lọc dầu và Xí nghiệp mỏ khai thác tài nguyên. Chắc là quặng sắt, mà trong bài bút ký nhà văn Hoàng Quốc Hải đã khẳng định rằng: “Trước hết, không bao giờ chủ nhân Formosa lại đầu tư khai thác mỏ quặng nằm sâu trong lòng đất hàng trăm mét”.
Đoạn trích thứ 2:
“- Phát triển đồng bộ khu liên hợp Vũng Áng – Sơn Dương bao gồm đầu tư khai thác có hiệu quả khu liên hợp cảng, phát triển dịch vụ cảng và các dịch vụ vận tải để tạo thành một trong những cửa ngõ ra biển quan trọng của Bắc Trung bộ”.
Có lẽ người viết và cả người được quyền phê duyệt Bản dự án cũng đều rất ưa chuộng những từ Hán - Việt có âm hưởng hoa mĩ như “trung tâm”, “đồng bộ”, “liên hợp” và “dịch vụ”. Cho nên dòng trên vừa viết: “Phát triển đồng bộ khu liên hợp” rồi, dòng dưới lại thấy: “Khu liên hợp cảng…”. Vũng Áng đã kết hợp với Sơn Dương thành khu liên hợp rồi. Vậy thì còn khu liên hợp nào nữa đây?!
Rồi lại: “phát triển dịch vụ cảng và các dịch vụ vận tải…”.
Thiết nghĩ, bến cảng là một giao điểm ở giữa nơi hai phương tiện vận tải thuỷ và bộ phải chuyển giao hàng hoá cho nhau. Mà cảng là bến đỗ chung cho cả hai loại phương tiện vận tải ô tô và tầu thuyền, để bốc hàng hoá lên bờ và đưa hàng hoá xuống tầu, khi phải chuyển đổi từ đường bộ sang đường thuỷ và ngược lại. Và như vậy thì dich vụ cảng cũng chính là dịch vụ vận tải”. Vậy thì còn “các dịch vụ vận tải” nào nữa đây? Hay công ty Formosa lại có thêm một hạng mục đầu tư nữa là lập các đoàn tầu, đoàn xe kinh doanh vận tải hàng hoá?
Đoạn trích thứ 3:
“- Xây dựng khu đô thị mới Vũng Áng đồng thời ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, khu du lịch nghỉ dưỡng biển trở thành các điểm du lịch quan trọng trong tuyến du lịch ven biển Bắc Trung bộ”.
Vũng Áng ở chân núi phía Bắc dẫy Hoành Sơn, là vùng làng quê của cư dân nông, ngư nghiệp, gồm chín xã thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là một “huyệt đạo” hiểm yếu của cả nước. Mà 450 năm trước Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói với Nguyễn Hoàng: “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân”. Và cũng một phần là nhờ vào dẫy núi đó làm phên dậu che chắn giữa “Đằng Trong” (Miền Nam) và “Đằng Ngoài” (Miền Bắc) mà vương triều nhà Nguyễn tồn tại đến hơn 300 năm. Ai đã đi qua Đèo Ngang (Hoành Sơn còn gọi là Núi Ngang) cũng đều cảm thấy cảnh quan non nước trời mây ở đây đẹp đến mê mẩn lòng người, đồng thời cũng hiểu rẳng chỉ cần 100 quân ở trên đỉnh đèo này thì cũng có thể chống lại hàng vạn quân ở dưới chân đèo phia Bắc. Một địa điểm quan trọng về an ninh quốc phòng như vậy, chẳng hiểu sao lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và Thủ tướng Chính phủ lại cho công ty Formosa thuê những 70 năm?
Bản dự án còn cho công ty Formosa xây dựng khu đô thị mới và với tay sang cả ngành du lịch. Nhưng đã được làm du lịch thì tại sao lại hạn chế, chỉ cho phát triển hai loại hình là du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng biển. Còn rất nhiều loại hình du lịch khác như: Du lịch văn hoá nghệ thuật, du lịch tâm linh, du lịch mạo hiểm v.v…chẳng lẽ cấm hay sao mà không thấy nói đến?
Như vậy là tại đoạn trích thứ ba này, công ty Formosa lại có thêm 2 hạng mục đầu tư nữa là Xây dựng và Du lịch. Nâng tổng số lên 8 hạng mục, chứ không phả là 3 như cô Dung đã giới thiệu ở phần đầu bài bút ký.
Dưới 3 đoạn trích Bản dự án, tác giả bài bút ký viết:
“Đúng là các nhà lập kế hoạch phát triển kinh tế không tưởng và lãng mạn hơn nhiều các nhà thơ lãng mạn”.
Không! Tôi không cho là họ lãng mạn và không tưởng đâu. Về điều này tôi xin lấy một dẫn chứng để chứng minh: Đó là việc đã từng xẩy ra với chính nhà văn Hoàng Quốc Hải:
Ngày giặc Mỹ ném bom miền Bắc nước ta, trận đầu tiên xẩy ra ở Quảng Ninh, ngày 5/8/1964. Chiếc máy bay đầu tiên của không quân Hoa Kỳ bị quân dân ta bắn rơi. Và tên giặc lái đầu tiên An-va-ret nhẩy du bị bắt sống. Hoàng Quốc Hải là nhà báo Việt Nam đầu tiên gặp mặt tên giặc lái. Ông viết bài bút ký: “Tên giặc lái An-va-ret bị hạ gục”. Một tác phẩm viết về một chiến công vẻ vang và oanh liệt như vậy, nhưng không được đăng ở chính tờ báo “nhà”, nơi Hoàng Quốc Hải đang làm phóng viên cho tờ Vùng Mỏ. Vì Tổng biên tập báo và Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh, Nguyễn Thanh Lương bảo: “Trên chưa có chỉ đạo”!
Những người viết và phê duyệt Bản dự án khu công nghiệp Vũng Áng cũng giống như các ông Tổng biên tập báo Vùng Mỏ và Trưởng ban tuyên giáo tỉnh Quảng Ninh. Họ không có đủ trình độ hiểu biết ngang tầm với chức vụ và công việc họ được giao, chứ nào họ có biết lãng mạn lãng mẹo là cái gì đâu!
Bài báo còn cho biết: “Formosa đã thuê 8 nhà thầu ở Trung Hoa đại lục với cả vạn người kéo sang làm việc hối hả một cách đáng ngờ…”.
Nhưng theo bài: “Chết trong cơn lốc tiền”, đăng trên báo Dân Trí mới đây, thì số nhân công làm việc ở Vũng Áng không phải là một vạn mà là 5 vạn người. Trong đó người Việt Nam chỉ có 15%. Tức là 7.500 người, còn 492.500 người đều là người Trung Quốc. Và sau vụ cá chết, nếu tập đoàn Formosa vẫn tiếp tục hoạt động, thì chỉ 4 năm nữa (năm 2020) số công nhân ở đây sẽ tăng lên 10 vạn người.
Công ty Formosa của người Đài Loan. Vùng lãnh thổ này do Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc quản lý. Vậy tại sao công ty Formosa không thuê nhà thầu người Đài Loan, mà lại thuê nhà thầu ở lục địa do Chính phủ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa lãnh đạo? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải điểm lại quá khứ một chút:
Năm 1945, nước Nhật đầu hàng Đồng minh rút quân về nước. Thế chiến II kết thúc, thì cuộc nội chiến giữa Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc và Giải phóng quân của Đảng cộng sản Trung Quốc lại tái diễn. Bốn năm sau, thất bại trong cuộc “nồi da nấu thịt” đó, Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc phải bỏ lục địa chạy sang Đài Bắc, quần đảo Đài Loan. Giải phóng quân Trung Quốc không có khả năng vượt qua eo biển Đài Loan. Chiến tranh tự nhiên kết thúc.
Cả hai bên cùng dựng xây, kiến thiết, nhưng kinh tế của Đài Loan phát triển nhanh hơn ở lục địa. Và giá nhân công ở Đài Loan cũng cao hơn ở lục địa. Là một tổ chức kinh doanh thì lợi nhuận là mục tiêu cao nhất. Cho nên 8 nhà thầu ở lục địa trúng thầu và hàng vạn người Trung Quốc được nhận vào làm cũng là điều dễ hiểu. Nhưng ở đây lại nẩy sinh ra một câu hỏi rất đáng ngờ là số người khổng lồ đó đi vào nước ta bằng con đường nào? Ta không thuê họ. Vậy Bộ Ngoại giao ta có cấp hộ chiếu nhập cảnh cho họ không, hay họ nhập cảnh “chui”?...
Rồi lại một vấn đề nữa cũng hết sức quan trọng đã và đang đặt ra càng ngày càng bức xúc. Đó là chuyện trong số 492.500 người này có bao nhiêu nam, bao nhiêu nữ? Và có bao nhiêu người chưa có vợ chưa có chồng? Họ có đựơc yêu đương và lập gia đình giữa người Trung Quốc với nhau không? Hay Thanh niên Trung Quốc có được phép lấy các cô gái Hà Tĩnh của Việt Nam không? Chắc là có. Vì luật pháp của ta đã cho phép hàng vạn phụ nữ Việt Nam đi làm dâu ở Hàn Quốc, ở Đài Loan, Thái Lan, Malaysia và Singapore đó thôi.
Dân số nước ta, vào nửa đầu thế kỷ trước có khoảng 20 triệu người, mà ta thường gọi một cách hết sức thân thương là “20 triệu đồng bào”. Nhưng trận đói lịch sử năm 1945 đã chết mất hơn hai triệu, chỉ còn hơn 17 triệu người. Rồi trong ba bốn cuộc chiến tranh liên tiếp xẩy ra, từ chống Pháp đến chống Mỹ, chống Nguỵ, chống Pôn Pốt và chống bành trướng Tầu. Con số thống kê tuy không được công bố, nhưng nhiều người phỏng đoán phải hy sinh đến bốn năm triệu người. Nhưng dân số tăng theo cấp số nhân, 70 năm sau ta đã có gần 100 triệu người.
Ở dòng trên kia tôi đã dùng danh xưng “bành trướng Tầu”. Vậy xin được mở ngoặc để thưa cùng bạn đọc về cái âm tiết “Tầu” đó như sau:
Dân ta thường gọi người Hoa kiều là người “Tầu”, hay “chú Khách”. Chú Khách bán lạc rang nóng dòn. Chú Khách bán tầu phù phá. Chú là em. Khách là khách thể, là người ngoài, để phân biệt với chủ thể (chủ nhà). Ở thành phố Hải Phòng, thời trước cách mạng tháng Tám, dẫy phố người Hoa kiều cư trú được gọi là phố Hàng Cháo. Chắc là do phố có nhiều cửa hàng bán cháo mà thành tên gọi. Rồi sau, để cho lịch sự thanh nhã hơn nên đổi tên là Phố Khách. Sau cách mạng tháng Tám, có lẽ vì cái tình: “Bên ni biên giới là mình/ Bên tê biên giới cũng tình quê hương” (Tố Hữu). Cho nên Hải Phòng đã đổi Phố Khách thành phố Trung Quốc. Nhưng rồi ngày xẩy ra chiến tranh biên giới phia Bắc, lại đổi thành phố Lý Thường Kiệt.
Còn cái danh xưng “Tầu”, thì Google giải thích đại ý là: Cứ sau mỗi lần bên Trung Quốc xẩy ra chiến tranh loạn lạc, thì bên thua thế nào cũng có một số quan chức đem bầu đoàn thê tử xuông tầu chạy sang nước ta xin tị nạn. Cho nên dân ta gọi họ là người Tầu. Tức là lấy hoàn cảnh chẳng vẻ vang tốt đẹp gì của họ làm tên gọi. Cách này thật thoả đáng, vì nó vừa là cảm thông, vừa là định giá. Người Tầu trong con mắt dân ta đã thấp đi một bậc.
Cả cái tên “Phố Khách” và danh xưng “chú Khách” cũng vậy. Dân ta có câu ca dao: “Khôn ngoan ở đất nhà bay/ Quần hồng áo cánh đến đây cũng hèn”. Tức là có ý kỳ thị. Chú là em. Đã là dân ngụ cư thì phải chịu phận là em là kém chứ sao.
Xin được trở lại chuyện ở khu công nghiệp Formosa:
Khu công nghiệp này khởi công xây dựng từ năm 2008, đến nay mới là 8 năm. Số công nhân hiện đang lao động ở đây là 5 vạn người. Theo bài báo: “Chết trong cơn lốc tiền” cho biết: Sau vụ cá chết, nếu công ty Formosa vẫn tiếp tục hoạt động thì chỉ 4 năm nữa (năm 2020) số công nhân Trung Quốc ở đây sẽ tăng lên 10 vạn người (trong 12 năm). 70 năm trừ đi 12 năm, còn 58 năm nữa mới hết thời hạn thuê đất.
Như vậy những năm tới đây số công nhân Trung Quốc ở Vũng Áng sẽ tăng lên bao nhiêu vạn, bao nhiêu triệu người? Và trong số ấy sẽ có bao nhiêu kiều dân non trẻ là người Trung Hoa thuần chủng và bao nhiêu người lai dòng máu Việt Nam đã được sinh ra? Và tỉnh Hà Tĩnh sẽ phải lập thêm một huyện Kỳ Anh, hai huyện hay ba huyện Kỳ Anh nữa để cho số ngoại kiều bất đắc dĩ đó cư ngụ? Và cái việc không thể đừng được ấy, liệu có phải là một dư chấn của trận động đất do Formosa gây ra không?
*
* *
Năm 2002, bọn chúng tôi đi tham quan thị xã biên giới Móng Cái. Nghe nói thủ tục đi sang thành phố Đông Hưng, Trung Quốc cũng dễ dàng. Chúng tôi đến Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, ở ngay bên cạnh đầu cầu Bắc Luân. Cây cầu nhỏ bé và cũ kỹ này bắc qua con sông Ca Long. Bên kia là Đông Hưng, bên này là Móng Cái. Đường biên giới hai nước Việt – Trung nằm ở giữa cầu. Bọn tôi vào Đồn công an cửa khẩu trình giấy tờ và xin phép sang bên Đông Hưng chơi. Cán bộ thường trực cho biết:
- Ở bên kia, hôm nay họ không nhận khách sang tham quan đâu các bác ạ.
- Thế chúng tôi muốn lên cầu chơi một lát có được không?
- Dạ được ạ! Mời các bác, các anh chị lên, nhưng không được bước qua cái vạch ở giữa cầu đâu, dù chỉ một bước, nếu họ biết họ cũng phê bình đấy.
À ra là thế! Ra chính cái quy định chặt chẽ đó là biểu hiện chủ quyền của mỗi quốc gia.
Cho nên khi nhà văn Hoàng Quốc Hải vừa giơ máy ảnh lên chưa kịp chụp, thì ngay lập tức công ty Formosa đã xông ra đập tay vào cửa xe quát: “Không được chụp ảnh”. Thế lúc ấy sao nhà văn không quát lại rằng: “Đây là đất nước tôi, tôi có quyền”. Nhưng rõ ràng điều đó đã không xẩy ra. Vì ông hiểu chỉ ở bên ngoài bức tường rào cao vút kia mới là đất đai của huyện Kỳ Anh, của tỉnh Hà Tĩnh, của nước Việt Nam. Còn ở bên trong hàng rào là đất đai, là vương quốc của công ty Formosa. Cả 2.025. 37ha diện tích mặt đất và 1.293.35ha diện tích mặt biển, với cảng nước sâu Sơn Dương, tầu có trọng tải 300.000 tấn cập bến dễ dàng cũng là của họ. Ông chẳng có quyền gì.
Ở Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, người và hàng hoá xuất nhập qua đây đều phải xuất trình giấy tờ. Và tất nhiên hàng hoá thì phải nộp thuế cho Hải quan. Còn Hải cảng Sơn Dương là một xí nghiệp của công ty Formosa. Nhưng Cửa khẩu quốc tế Sơn Dương, chủ quyền có còn là của nước chủ nhà không? Và chính quyền ta có đặt Đồn công an biên phòng và cơ quan Hải quan ở đây không? Hay hải cảng của Formosa, thì mọi quyền lợi đều là của họ?
Ta cứ hay vòng vo quanh co chữ nghĩa. Để cứu một số nhà Ngân hàng có quá nhiều nợ xấu khó đòi khỏi bị phá sản, Nhà nước liền thành lập ngay một công ty mua nợ xấu với cái giá là không đồng. Dân ta có câu thành ngữ: “Tiền trao cháo múc”. Tức là phải nhận tiền rồi mới múc cháo. Hay đã múc cháo rồi thì nhất thiêt phải được nhận tiền. Đã gọi là “mua” mà lại chỉ mua bằng mồm chứ không bằng tiền, hay nói cho đúng là chẳng bằng cái gì cả thì… thánh thật! Có lẽ Viện ngôn ngữ học Việt Nam nên mở một cuộc điều tra, xem Nhà kinh tế học nào đã có công phát minh ra cái thuật ngữ ấy? Ơ…ơ mà không! Phải gọi là xảo ngữ thì mới đúng, để thưởng cho ông hay bà ấy cái Huân chương “NAM TÀO BẮC ĐẨU BỘI TINH” hạng nhất. Vì từ thượng cổ đến bây giờ, người Việt Nam ta chưa bao giờ có cái phát minh nào vĩ đại như vậy!
Muốn vòng vo gì thì vòng, nhưng tiền của người ta mình đã tiêu rồi, đât đã giao cho người ta sử dụng rồi, thì cho thuê hay bán cũng có khác gì nhau đâu. Tôi cho là bán, chứ cho thuê gì mà những 70 năm, cả người cho thuê và người được thuê cũng đều chết cả rồi mà Bản hợp đồng vẫn còn thời hiệu!
Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã tỏ ra nghi ngờ 8 Nhà thầu và hàng vạn người Trung Quốc kéo sang làm việc hối hả ngày đêm…Nhưng còn một điều nữa cũng rất đáng ngờ: Đó là việc nhà máy gang thép Formosa chưa hoàn thiện, mới chạy thử. Vậy, tại sao lại thải ra được hàng nghìn tấn chất thải cứng, chất thải mềm, vừa xả ra biển, vừa chôn giấu ở vườn (đã bị phát hiện) và còn tồn đọng ở trong kho chưa có cách nào sử lý?
Hay đó là chất thải từ bên Hoa lục, mà 8 Nhà thầu Trung Quốc đã thầu luôn cả cái việc đổ rá thuê, cho nên họ đưa vào Vũng Áng và thải ra môi trường?...
Bài bút ký còn cho biết: “Sau khi xẩy ra vụ cá chết hàng loạt ở ven biển bốn tỉnh miền Trung, Chu Xuân Phàm phụ trách đối ngoại của công ty Formosa phát ngôn trước báo chí và lãnh đạo địa phương, với vẻ mặt giận dữ, thái độ ngông ngạo, y lớn tiếng quát hỏi: “Muốn cá hay muốn thép? Chọn tôm cá hay chọn thép? Muốn cả hai thì đến Thủ tướng cũng không làm được”.
Có lẽ Chu Xuân Phàm không tự biết mình là ai? Cho nên ta phải bảo cho y biết rằng y chỉ là một gã lái buôn. Ta mở cửa thị trường cho y và đồng bọn vào làm ăn sinh sống. Lợi nhuận thuộc về cả hai bên sòng phẳng. Trong vụ đầu tư này, có thể có tên X tên Y nào đó của Việt Nam nhận quà cáp biếu xén đút lót của bọn họ. Chứ nhân dân ta thì chẳng ngửa tay cầu xin họ bất cứ điều gì. Và họ cũng không mở túi làm từ thiện cho nhân dân ta một xu một hào nào.
Vậy Chu Xuân Phàm lấy tư cách gì mà dám nói năng với nhân dân ta xấc xược như vậy, trong khi y và đồng bọn đã vi phạm luật pháp, huỷ hoại môi trường của ta? Phải chăng y ỷ thế có 10 tỷ USD đầu tư để lớn tiếng quát: “Muồn cá hay muốn thép?”. Nói như y chẳng hoá ra thế giới này cứ ở đâu có nhà máy thép thì ở đó cá và các loài sinh vật biển đều phải tuyệt chủng cả hay sao?
10 tỷ USD tuy là số tiền không nhỏ, nhưng chủ quyền, luật pháp và danh dự của quốc gia dân tộc thì không có tiền bạc hay bất cứ thứ gì có thể so sánh được. Cho nên, để giữ nghiêm phép nước, và để tránh không có Formosa thứ hai, là một người dân tôi xin trân trọng đề nghị Nhà nước truy tố công ty Formosa và các viên chức người Việt nào có liên quan đến thảm hoạ môi trường ở ven biển 4 tỉnh miền Trung ra trước vành móng ngựa để xét xử.
*
* *
Đoạn kết:
Đọc bài “ m mưu độc chiếm biển Đông, từ tham vọng đến cuồng vọng của Trung Quốc” của nhà văn Hoàng Quốc Hải đăng trên mạng Trần Nhương.com (16/7/2016) vừa qua, tôi nhặt được mấy dòng thông tin như sau:
1- “Hoàn cầu thời báo” thuộc tờ Nhân dân nhật báo của Đảng cộng sản Trung Quốc từng có bài viết đe doạ Việt Nam: “Sát Việt khấu vi Nam Sa chi chiến tế kỳ” (Giết giặc Việt để làm lễ tế cờ trong trận chiến Nam Sa). Sau đó bài báo này được đưa lên trang mạng của Trùng Quốc.
2- Báo mạng quân sự malahina.com tháng 1/2011 đăng thư của một cựu binh sau cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, 17/2/1979, trích một đoạn: “Mục đích của cuộc chiến tranh này là tàn phá huỷ hoai quốc lực của Việt Nam chứ không phải là chiếm lĩnh lãnh thổ nên hai ngày đánh nhau bộ đội của ta đã chấp hành mệnh lệnh bán chính thức là không bắt tù binh không để lại cho Việt Nam một lá cây ngọn cỏ…”.
Tự thân lời thú nhận này đã nói lên tất cả!...
Vậy, trong tương lai liệu có một đêm bất ngờ nào đó, tên Hán gian Chu Xuân Phàm sẽ mở cửa Hải cảng Sơn Dương đón Hạm đội Nam Hải của quân xâm lược Tầu tiến vào giữa khúc ruột miền Trung yêu quý của chúng ta không?./.
TP Uông Bí, ngày 23/8/2016
Tạ Hữu Đỉnh