Bé Natalie Xuân Lane trong nhà bếp một nhà hàng ở Việt Nam.
Phở
Món ăn khoái khẩu nhất của tôi là Phở, một thứ “súp” với những sợi bánh bột gạo đặc biệt của Việt Nam. Phở tiêu biểu cho Văn hóa Việt Nam độc đáo và đã trở nên món ăn phổ biến trên toàn thế giới. Khi tôi đi du lịch cùng với gia đình, chúng tôi có thể tìm ra món Phở tại nhiều thành phố lớn như Paris, London, Sydney…và tại Hồng Kông cũng có rất nhiều tiệm Phở. Nền văn hóa ẩm thực Việt Nam rất mạnh mẽ và món Phở đã giúp liên kết mọi người dân ở các quốc gia khác nhau cũng như tạo nguồn cảm hứng cho họ tìm hiểu nhiều hơn về Việt Nam.
Khá nhiều người phát âm chữ Phở là “Pơ” hoặc “phâu” nhưng cách phát âm đúng nhất phải giống như “Phở”. Chỉ có hai loại Phở là Phở Gà và Phở Bò. Không biết vì đâu thịt heo hoặc các món thịt khác không bao giờ được dùng để nấu Phở. Những sợi bánh phở trắng phau, mềm mại và trơn láng, bên trên được rải những lát hành tây và các thứ rau thơm như rau mùi, húng quế, hành lá và giá đậu xanh. Các thứ rau trên phải thật tươi. Thịt gà được thái thành những miếng nhỏ trong khi thịt bò thì được cắt thành từng miếng lớn và mỏng. Nước phở (nước lèo) là một thành phần quan trọng nhất của món ăn này. Nước lèo khi chế vào tô phở phải thật sôi. Màu sắc của nước lèo trong và hương vị của nó thơm mùi thịt được ninh nhừ trong nồi qua một thời gian dài. Tôi nghe nói rằng thực sự ra, thì rất nhiều xương, không phải thịt, được ninh thật lâu qua đêm để làm nên nước Phở. Người ta thường nấu nước lèo với hàng loạt gia vị hấp dẫn như hoa hồi, quế, gừng… Vị ngọt đậm của nước xương ninh hòa lẫn các thứ gia vị kể trên đã tạo nên thứ nước phở thật ngon mà chẳng cần dùng tới bột ngọt. Chẳng có gì là ngạc nhiên khi ta thấy Phở thật ngon và có lợi cho sức khỏe.
Món Phở được sáng chế ra ở miền Bắc Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ thứ 20. Ngày xưa đó, Phở được gánh đi bán bằng những chiếc đòn gánh tre dài cả mét, trên hai đầu đòn gánh là những sợi thừng treo hai thùng hàng to. Một thùng thì đựng bánh phở, thùng còn lại đặt nồi nước lèo.
Ngày nay nhiều nhà hàng ăn có bán món Phở thế nhưng ở Việt Nam các tiệm Phở chỉ bán Phở mà không bán thêm món ăn gì khác. Bạn có thể ăn Phở điểm tâm buổi sáng , ăn trưa hoặc ăn tối. Đó thực sự là một món ăn linh hoạt.
Tôi nghĩ người nước ngoài thích Phở bởi nó là món ăn tổng hợp của nước lèo, thịt chín, các thứ gia vị và bánh phở. Nó không cay, rất dễ ăn và bổ dưỡng bởi lẽ nó chứa rất ít chất dầu hoặc chất béo. Chỉ nhìn tô phở đã thấy nó rất gọi mời : màu nâu và hồng của thịt, màu trắng của bánh phở, màu xanh của rau thơm làm cho món ăn này thật hấp dẫn. Khi tô phở được đặt trước mặt bạn, mùi thơm của gia vị và hương vị ngọt ngào của thịt chín…dường như đã làm bạn thèm thuồng muốn ăn ngay lập tức.
Bà ngoại tôi bảo tôi rằng món Phở cũng thật giống như người dân Việt Nam giản dị, hồn nhiên, nồng nhiệt, tuy thế lại rất tế nhị và giàu tính nghệ sĩ. Thưởng thức Phở là một lẽ đương nhiên trong đời sống của đông đảo người dân Việt Nam. Cuộc sống ở Việt Nam so với Hồng Kông ít náo nhiệt hơn và người dân Việt có nhiều thời gian để tụ tập cùng nhau ăn uống. Tôi thường vui sướng vì được cùng ăn tối với toàn thể đại gia đình gồm ông bà, cô ruột, các anh chị em họ, bố mẹ tôi và chị gái tôi. Mỗi khi chúng tôi có tiệc, mọi người trong gia đình và các vị khách thường hay ca hát và chơi nhạc. Chúng tôi rất hiếm khi làm được như vậy ở Hồng Kông vì ít người thân và cũng vì chỗ ở chật chội hơn.
Phở cũng là một cách biểu hiện nghệ thuật. Tôi đã từng nghe nói đến một buổi triễn lãm nghệ thuật có tên gọi là “Tôi yêu Phở” ở Việt Nam và ở Úc. Biểu tượng “Tôi yêu Phở” đã được in lên các áo pull cũng giống như cách người ta in chữ “Tôi yêu Hồng Kông”.
Như mọi người thường nói, ở đâu có người Việt, ở đó phải có Phở. Phở là món ăn mà người Việt trân trọng và gìn giữ ở bất kỳ nơi nào mà họ sinh sống. Tôi nghĩ Phở là một món quà quí giá từ Việt Nam dành cho thế giới và vì vậy mọi người trên thế giới cần phải xem nó như một di sản có giá trị và gìn giữ công thức truyền thống nguyên thủy. Khi có cơ hội đến thăm Việt Nam, bạn đừng quên thưởng thức món ăn đặc biệt này của Việt Nam. /.
Đinh Kỳ Thanh dịch từ nguyên bản tiếng Anh.
• Đôi nét về tác giả “nhí” Natalie Xuân Lane :
Cháu gái Natalie Xuân Lane, 10 tuổi, quốc tịch Anh, hiện là học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Pháp ở Hồng Kông. Trong trường cháu là một học sinh ngoan và học giỏi. Cháu lại rất ham hoạt động, thích bơi lội, thể dục mềm dẻo, chơi khúc côn cầu, chơi đàn dương cầm và múa ballet.
Là con thứ trong một gia đình có cha người Anh và mẹ người Việt đang làm việc tại Hồng Kông, bé và chị gái thường được cha mẹ cho về TP Hồ Chí Minh thăm ông bà ngoại, thăm họ hàng và đã được đi thăm hoặc nghỉ dưỡng tại nhiều nơi trên khắp đất nước Việt Nam. Cháu rất thích ăn Phở và đi đâu, ở bất cứ nước nào cháu cũng đòi cha mẹ tìm cho ra tiệm có bán Phở.
Đầu năm 2010, khoảng 60 trường tiểu học ngoại quốc ở Hồng Kông đã tổ chức cuộc thi viết nhan đề “Những ấn tượng về các nước Đông Nam Á” dành cho các học sinh. Natalie Xuân Lane đã bỏ nhiều công sức để hỏi kỹ cha mẹ về món Phở cũng như truy cập vào Internet để tham khảo các bài viết về món Phở độc đáo của Việt Nam. Cháu cũng đã mất cả nửa ngày để viết nên bài viết này. Bài viết của cháu cũng đã được nhà trường chọn đưa đi dự thi với các bài viết tiêu biểu của các trường khác.
Ngày 23/04/2010, tại Trường Đại học Hồng Kông đã long trọng tổ chức Lễ trao giải cho các tác phẩm đoạt giải. Ngoài 3 giải nhất dành cho các tác phẩm hội họa và âm nhạc, Ban Giám khảo cuộc thi đã công bố 3 giải Nhất dành cho các tác phẩm Văn xuôi. Bài viết về Phở của cháu Natalie đã được trao Giải Nhất cho thể loại Văn tả thực dành cho các tác giả Trẻ ở lứa tuổi 10 – 11. Các tác phẩm đoạt giải cũng đã được in thành một cuốn sách xuất bản rộng rãi ngaytrong dịp này.
Chúng tôi xin dịch lại theo đúng theo nguyên bản bài viết của cháu ngày 07/07/2009. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.