Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

PHỤC ƠI, THANH THẢN VỀ NƠI VĨNH HẰNG

Dương Đức Quảng
Thứ sáu ngày 27 tháng 5 năm 2016 7:23 AM




TNc: Hôm nay, vợ con và gia đình đưa tro cốt Nguyễn Khắc Phục về an táng tại quê nhà tại thị trấn Cát Thành, Trực Ninh, Nam Định. Nhiều văn nhân bạn bè đưa tiễn trong đó anh Dương Đức Quảng bay từ SG ra tiễn Phục. Gần đây có hôm Phục nói với tôi mình "Áo gốm về làng" ông ạ. Và hôm nay Phục về Hương Cát...Trang nhà đưa bài của anh Dương Đức Quảng đưa tiễn Phục.


 

Vẫn biết cái ngày Nguyễn Khấc Phục phải từ biệt gia đình và bạn bè để về nơi vĩnh hằng là không sao tránh khỏi, nhưng tin Phục mất vào hồi 3h40 sáng 20-5-2016 mà Trang Thanh, vợ Phục và nhà thơ, họa sĩ Trần Nhương nhắn cho tôi khi tôi đang ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn làm tôi bàng hoàng, đau xót, lòng trĩu nặng. Từ nay tôi và bạn bè của Phục không còn được ngồi “đấu hót” với Phục, như Phục thường nói mỗi khi nhớ đến bạn bè.

Mới đó mà đã 45 năm làm bạn với Phục với biết bao kỷ niệm buồn vui mà trong giờ phút đau buồn này tôi lại không có mặt bên Phục
.

Năm 1971, từ Quảng Bình tôi đi B, vào Khu V làm phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng tại chiến trường này. Cũng năm đó, Nguyễn Khắc Phục có mặt trong đoàn nhà văn trẻ từ Hà Nội vào đây. Chúng tôi biết nhau từ đó, nhưng phải đến năm 1972 khi tôi và Nguyễn Khắc Phục cùng về công tác tại Đặc Khu ủy Quảng Đà thì chúng tôi mới trở thành bạn thân của nhau. Nhớ lại những ngày đó, trong bài báo “Một chút giật mình. Một chút thảng thốt” để giới thiệu tập thơ “Một chút” của tôi xuất bản năm 2005, Nguyễn Khắc Phục kể lại: “Dương Đức Quảng nhỉnh hơn tôi hai tuổi, nhưng cùng thích đấu hót, đánh cờ tướng, thích tha thẩn xuống Đặc khu Quảng Đà, nơi tuy không còn ác liệt, gian khổ như những năm Mậu Thân – Kỷ Dậu (1968-1969), nhưng cũng đủ dữ dội để anh em, đồng nghiệp của chúng tôi đã phải đổ máu hy sinh. Thế cũng là quá đủ để chúng tôi đánh bạn với nhau!”…

Những ngày ở Quảng Đà ấy chúng tôi gắn bó với nhau, không chỉ như Phục nhớ lại: “Ăn không biết no, ngủ không biết chán, đánh cờ với nhau khi mất quân, bị chiếu bí đòi đi lại, cãi nhau như mổ bò trên đình Hòn Tầu..”, “gặp một em giao liên thành phố xinh như mộng nhưng bàn tay phải chỉ còn bốn ngón sau một trận dính mìn clây-mo, mắt con trai cứ nhớn nhác, tim véo von những lời có cánh…” mà còn là những ngày sống chết có nhau, cùng chịu đựng những trận bom Mỹ rải thảm, nổ ầm ầm trên đầu, hay cùng nhau vượt qua những ổ phục kích của địch trên đường quốc lộ để xuống vùng sâu gặp dân, gặp cơ sở cách mạng khai thác tài liệu viết văn, viết báo. Chính trong những ngày tháng ấy, Nguyễn Khắc Phục đã viết được nhiều bài bút ký, nhiều bài thơ và sau này còn viết cả kịch và tiểu thuyết về vùng đất này được cán bộ, chiến sĩ ở Quảng Đà yêu mến. Hai bài thơ ; “Nhân dân tin yêu” và “Đà Nẵng – Thành phố rốc-két, thành phố tâm hồn du kích” của Nguyễn Khắc Phục được in trong nhiều tuyển tập thơ về Đất Quảng. Còn tôi, cũng trong những ngày tháng ấy đã viết được bài thơ “Gửi dòng sông thân yêu” về dòng sông Thu Bồn, được in trong “Tuyển tập thơ miền Trung thế kỷ XX” cùng thơ của Phục và nhiều tác giả khác. Có lẽ vì thế, khi Đặc Khu ủy Quảng Đà kỷ niệm 50 ngày thành lập, nguyên Bí thư Đặc Khu ủy Trần Thận đã gửi thư mời Nguyễn Khắc Phục và tôi, hai nhà văn, nhà báo không sinh ra trên Đất Quảng nhưng được coi là người con Đất Quảng về dự…

Năm 1974, tôi và Nguyễn Khắc Phục lại cùng nhau xuống Quảng Đà. Lần này chúng tôi về công tác tại Ban đấu tranh chính trị của thành phố Đà Nẵng đóng dưới vùng sâu huyện Duy Xuyên, để gặp gỡ một số trí thức, học sinh, sinh viên là cơ sở cách mạng từ nội thành ra. Ngoài Nguyễn Khắc Phục và tôi còn có cả nhà thơ Phan Duy Nhân, một thủ lĩnh của phong trào đấu tranh chính trị của học sinh, sinh viên, và phật tử thành phố Đà Nẵng, một tù nhân chính trị ở Côn Đảo vừa được chính quyền Sài Gòn trao trả cho Mặt trân Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng từ Khu ủy V xuống, Chúng tôi gặp Nguyễn Đức Hùng, một học sinh tú tài của trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng, là cơ sở hoạt động cách mạng bị lộ được rút ra vùng giải phóng.

Chính vì thế, tháng 7-2015, khi Nguyễn Đức Hùng từ Đà Nẵng ra Hà Nội tìm tôi và Nguyễn Khắc Phục để đề nghị chúng tôi viết bài cho tập sách "Phan Duy Nhân – Thơ & Đời” sắp xuất bản, như một món quà chứa đựng tình cảm của bạn bè thân hữu tặng anh Phan Duy Nhân, tức Nguyễn Chính, nguyên Quyền Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, sau ba lần mổ tim lại bị xuất huyết não, bệnh rất nặng, phải nằm một chỗ. Không ngờ khi ấy Nguyễn Khắc Phục đã nhận lời viết bài nhưng lại bị đau, phải vào Viện Quân y 103 ở Hà Đông, không viết được. Tôi và Hùng vào thăm, bàng hoàng biết Phục bị ung thư phổi!

Từ đó đến nay, Nguyễn Khắc Phục đã trải qua không biết bao nhiêu lần xạ trị, kiên cường và lạc quan chống lại căn bệnh hiểm nghèo này để giành lấy sự sống. Các y, bác sĩ cùng gia đình, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp…hết lòng thương yêu, chăm sóc, chữa chạy cho Phục, động viên, thăm hỏi, giúp sức và cầu mong cho Phục mạnh khỏe, dù ai cũng biết ngày ra đi của Phục mỗi lúc một gần. Còn Phục, biết mình bị bệnh hiểm nghèo nhưng lúc nào cũng lạc quan, chuẩn bị trước cho việc ra đi của mình.

Mỗi lần tôi cùng vợ hay cùng con trai Đà Trang làm ở báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh vào thăm, tôi đều thấy bệnh tình của Phục biến chuyển mỗi lúc một khác. Lúc thì Phục quá mệt, không ngồi dậy được. Lúc thì Phục tỉnh táo, ngồi hàng tiếng nói chuyện với tôi, kể với tôi về dự định in toàn bộ các tác phẩm đã viết để lại cho người thân, bạn bè và người đọc, dưới tiêu đề “NPK gửi lại”…Tôi có cảm giác cuộc sống của Phục giờ đây như ngọn đèn dầu, bùng lên đấy, nhưng vẫn là lắt lay trước gió.

Hôm cuốn sách “Phan Duy Nhân – Thơ & Đời” được xuất bản, Nguyễn Đức Hùng từ Đà Nẵng ra Hà Nội cùng tôi tổ chức buổi gặp gỡ các bạn nhà văn, nhà báo tại Tòa soạn báo Đại Đoàn Kết, để giới thiệu cuốn sách này, tôi và Hùng lại vào thăm và báo tin để Phục biết. Phục nói nhất định sẽ ra dự và có vài lời về Phan Duy Nhân vì đã không viết được bài cho cuốn sách này. Nhưng rồi Phục không ra được vì đúng lúc đó lại phải nằm một chỗ để truyền hóa chất.

Tết vừa rồi, tôi cùng mẹ và hai em gái của anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm vào thăm Phục, Phục khỏe mạnh, tươi tắn khoe mình chưa thể “đi” được vì còn nhiều việc dang dở đòi Phục ở lại. Phục nói, bác sĩ bảo bệnh của Phục khó có thể kéo dài quá 6 tháng, nhưng nay đã được 8 tháng rồi, như thế là đã có lãi 2 tháng. Phục ký tặng mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm cuốn tiểu thuyết Hỗn Độn mà Phục mới hoàn thành bản thảo và xuất bản trong thời gian nằm viện, rồi quay sang hỏi tôi đã đọc xong quyển sách này và có thấy “hỗn độn” không? Phục bảo hy vọng sẽ làm kịp N.K.P gửi lại trước khi Phục ra đi.

Đầu tháng 4-2016 tôi có việc gia đình nên phải vào thành phố Hồ Chí Minh một thời gian, mang theo nỗi lo không biết khi trở lại Hà Nội có còn được gặp Phục nữa không. Tôi đến thăm anh Phan Duy Nhân vẫn bị bệnh nặng phải nằm một chỗ. Gặp tôi anh Nhân hỏi ngay về bệnh tình của Phục. Anh dặn tôi khi ra Hà Nội thế nào cũng phải vào thăm Phục chuyển lời của anh chúc Phục mau khỏe và thông cảm với anh vì anh không thể ra thăm Phục được. Tôi gọi điện ra cho Trang Thanh, vợ Phục để chuyển lời hỏi thăm của anh Phan Duy Nhân tới Phục và hỏi xem tình hình sức khỏe của Phục thế nào. liệu Phục có còn chờ tôi ra không? Thanh nói anh Phục vẫn tỉnh táo, bác sĩ dự đoán vài tháng nữa vẫn không sao, anh ra vẫn kịp. Cách đây nửa tháng tôi lại gọi điện cho Thanh, Thanh nói anh Phục bắt đầu yếu dần, không đi lại được nhưng vẫn rất tỉnh táo, có bữa còn đánh được hai ván cờ với bệnh nhân cùng phòng. Hôm nhà thơ, họa sĩ Trần Nhương thay mặt một số anh em thân hữu của Phục, trong đó có tôi, lập Quỹ hỗ trợ Nguyễn Khắc Phục và đưa tin trên mạng trannhuong.com, tôi gọi điện cho Thanh, Thanh bảo anh Phục rất vui, nói đây có lẽ là quỹ tài trọ oách nhất quả đất!

Nào ngờ, tối qua, 19-5-2016, Nguyễn Đức Hùng ra Hà Nội, vào thăm Nguyễn Khắc Phục rồi gọi điện cho tôi báo tin: “Anh Phục đã yếu lắm rồi, chắc không qua nổi! Em vào thăm, giới thiệu tên, hình như anh Phục vẫn nhận ra nên khe khẽ nắm tay em, mắt hơi chớp chớp nhưng không còn tự thở được nữa rồi!...”

Sáng sớm hôm nay, Trang Thanh, vợ Phục và nhà thơ, họa sĩ Trần Nhương nhắn tin cho tôi Nguyễn Khắc Phục đã về cõi vĩnh hằng. Buổi trưa 20-5, một số bạn bè thân hữu của Nguyễn Khắc Phục tại thành phố Hồ Chí Minh gặp nhau, chia buồn trước tin Nguyễn Khắc Phục đi xa. Nhà văn Triệu Phong mặc áo đen để tang Nguyễn Khắc Phục, bùi ngùi kể lại những kỷ niệm không quên với người anh, người bạn văn chương mà Triệu Phong vô cùng yêu mến.

Nguyễn Khắc Phục ra đi để lại một kho tàng văn chương đồ sộ, gồm 13 cuốn tiểu thuyết, 12 kịch bản phim truyện, 70 kịch bản sân khấu, mấy chục kịch bản cho các lễ hội, trong đó có kịch bản Khai mạc và Bế mạc Lễ hội 1000 năm Thăng Long, hàng chục bài thơ, trường ca và cả hàng chục bức tranh Phục vẽ “hú họa” như lời tự nhận, nhưng rất lạ, rất ấn tượng, được nhiều họa sĩ thành danh ghi nhận. Hầu hết các tác phẩm của Phục đều đã được xuất bản, được dựng thành phim, được đưa lên sân khấu. Nhiều tác phẩm của Phục gây tiếng vang lớn như Học phí trả bằng máu, Thăng Long kí, Ngôi đền, Bay qua cõi chết…Mấy ai có được một sự nghiệp như thế!

Nhớ tới Nguyễn Khắc Phục là nhớ tới tấm lòng, tình yêu và tâm huyết của Phục không chỉ dành cho gia đình, bạn bè, người thân mà còn qua từng trang viết Phục để lại cho cuộc đời này.

Năm 2007, sau khi tiễn đưa nhà thơ Phạm Tiến Duật bị bệnh ung thư đi xa, Phục đọc cho tôi nghe hai câu thơ thật buồn:

Giỗ chạp quá, lòng ta thành oản chuối

Gõ phím nào hương khói cũng vờn quanh

Hôm nay, gõ bàn phím để viết những dòng này tiễn đưa Phục lòng tôi cũng thành oản chuối và hương khói cũng đang vờn quanh tôi!

Phục ơi, hãy thanh thản về nơi vĩnh hằng!

Tp, Hồ Chí Minh đêm 20-5-2016

D.Đ.Q

Chú thích ảnh;

Vợ chồng nhà văn Nguyễn Khắc Phục và bố con nhà báo Dương Đức Quảng

(Ảnh chụp tại Viện Quân y 103)