Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHIẾU VĂN ĐẤT MƯỜNG

Phạm Ngọc Chiểu
Thứ ba ngày 24 tháng 5 năm 2016 8:14 AM







 

Ôi, mừng quá, vậy là việc của ông ấy đã xong! Tôi thầm reo. Bên tai vẫn còn nghe tiếng báo tin vui: A lô, tôi đây. Ban Chấp hành họp rồi. Bạn ông đã được duyệt kết nạp với phiếu cao – sáu trên sáu. Chúc mừng! Bây giờ thông báo vui ấy đã thành giấy trắng mực đen. Tôi mở vội báo Văn Nghệ số 13, mắt dõi theo danh sách Hội viên Thơ mới. Một…hai…ba… bốn…. Đây rồi, bạn tôi - Thanh Ứng! Tôi thở phào, đặt tờ báo xuống bàn, bâng khuâng nhìn ra cửa sổ bàn viết. Ô, không phải ban công cửa sổ tầng 2 tòa nhà đối diện tôi vẫn thấy hàng ngày, mà trước mắt tôi là những năm tháng Văn Chương đã xa - đầu những năm 70 của thế kỷ trước trên vùng đất cửa ngõ Tây Bắc Tổ Quốc.

Bắt đầu từ mùa lũ sông Đà năm 1972. Bước vào mùa mưa, tôi cùng một đại đội Thanh niên xung phong chống Mỹ về dựng lán trại bên bờ phải sông Đà thuộc thị xã Hòa Bình, nhận nhiệm vụ mở đường công cụ từ mố đò sang phố Đúng, men theo chân đồi Ông Tượng vào đến bản Tháu, để các xe khoan khảo sát vào đặt mũi khoan thăm dò địa chất tìm chỗ xây con đập của nhà máy thủy điện Hòa Bình. Một sáng chủ nhật, bước chân khai phá thị xã miền rừng đưa tôi vào gặp các anh trong phòng Sáng tác - Xuất bản Ty Văn Hóa Hòa Bình. Trưởng phòng Trương Kỷ, phó phòng Bùi Thiện và Biên tập viên chính Nguyễn Công Trứ vui vẻ tiếp khách không mời mà đến. Thật may, nghe tôi xưng tên, các anh đều “À!”. Thì ra các anh đều đã đọc ký sự “Trận địa quê hương” và truyện ngắn “Vụ lúa xuân” trong các ấn phẩm của Ty Văn hóa Nam Hà gửi lên trao đổi. Nhờ vậy, các anh “triệu tập miệng” tôi về dự Hội nghị sáng tác Văn học Hòa Bình khai mạc hai ngày sau đó.

Đúng hẹn, tôi có mặt ở phòng hội nghị. Ôi cha, đông vui quá. Toàn những gương mặt sáng sủa và ăn diện, chỉ riêng tôi vẫn y phục Thanh niên xung phong màu cỏ úa. Tôi lần lượt được bắt tay làm quen những cây bút thơ - văn chủ chốt của tỉnh Hòa Bình: Đào Khang Hải, Quách Ngọc Thiên, Nguyễn Hoàng Sơn, Lê Thanh Xuân, Đinh Đăng Lượng, Thanh Ứng, Hà Trung Nghĩa, Nguyễn Khắc Bình, Bùi Việt Tiến…. Nắm bàn tay thư sinh của người trai Hà Nội họ Đào, chàng trai phố Nguyễn Siêu sớm xung phong lên Hòa Bình, tôi ngẩn ra nhìn anh, thầm hỏi: Tác giả bài thơ “Lên Thung Rếch” khỏe khoắn và lạ đây ư? “Chúng tôi dậy cùng mặt trời/ Cuốc ngược trên vai/ dao dài/ cơm vắt/ Gậy tre, nón lá lên nương/ Lên Thung, lên Thung, lên Thung Rếch/Vách đá tai mèo, dốc cao ngất/ Lưng người đi trước đẫm mồ hôi/ Tiếng cười phía sau vẫn không tắt...”. Và tôi nắm bàn tay Thanh Ứng - thầy giáo trẻ dạy môn Văn trường Sư phạm bên kia sông Đà, tác giả bài thơ “Phố Đúng” đang được bạn đọc và người viết rất yêu thích: “Phố chúng tôi/ Có những nhà mái nứa/ Đứng bên nhau như người bạn tâm tình/ Có những hàng nhãn xanh/ Che mát trò chơi tuổi nhỏ/...Ông tổ trưởng dân phố/ Có bộ râu rậm đen/ Không mấy khi được cạo/ Đến từng nhà gõ tay vào những hầm kèo....” . Còn đây là những cây bút thơ Lê Thanh Xuân, Nguyễn Khắc Kình, Nguyễn Hoàng Sơn có tên in trang trọng trên các ấn phẩm Văn nghệ Hòa Bình. Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Sơn nghe nói quê gốc ngoại thành Hà Nội, người nhỏ mắt đen, cái đầu lúc nào cũng nghênh nghênh như để nghe hết chuyện đời, đang được anh em cầm bút và người yêu thơ xuýt xoa về hai bài thơ nối tiếp nhau từ tay anh bay ra với thiên hạ : “Đi trong đêm thị xã” và “Bưu điện ngã ba Chăm”. Cả hai bài không chỉ in trên Văn nghệ Hòa Bình mà còn in báo Văn Nghệ và phát rang rang trên Tiếng Thơ của Đài Tiếng Nói Việt Nam. Hơn thế, nó còn đem lại cho Nguyễn Hoàng Sơn giải Khuyến khích của tờ báo Văn chương danh giá của Hội Nhà văn Việt Nam và góp phần quan trọng đưa anh rời làng Văn nghệ Hòa Bình về công tác tại báo Tiền Phong của Trung ương Đoàn. Sát cánh cùng Nguyễn Hoàng Sơn là kỹ sư thủy lợi Nguyễn Khắc Kình. Thơ anh, lúc ký tên đầy đủ họ và tên anh là tác giả, lại nhiều khi anh ký bút danh ghép tên cả vợ con: Phạm Nguyên Lý. Chính bút danh này anh ký dưới chùm thơ viết về người Dao và bài viết về đồng bào Hơ Mông trên núi Hang Kia - Pà Cò, đã được in dự thi trang trọng trên báo Văn Nghệ. Chùm thơ đọc lên, nếu không được gặp anh, tôi đinh ninh anh cùng mạch nguồn thơ và có họ hàng sao đó với ông Bàn Tài Đoàn. Sau Sơn và Kình, tôi bắt tay làm quen Lê Thanh Xuân. Cây bút trẻ này lặn lội từ Thanh Hóa ra làm nghề gõ đầu trẻ tỉnh Hòa Bình, người cao ráo thanh thoát, điển trai, mặc đẹp, thơ viết trẻ trung, sắc sảo như con người anh. Tôi nhớ mãi bài thơ anh viết về Mẹ và Con, có một câu mang tính triết lý ngược hẳn với lối nghĩ và viết thông thường: “ Có con mới có mẹ”.

Tại cuộc hội ngộ này, có hai điều đặc biệt thú vị đối với tôi. Thứ nhất, lần đầu tiên tôi được bắt tay ba cây bút đích danh dân tộc Mường. Đó là Quách Ngọc Thiên, Hà Trung Nghĩa và Đinh Đăng Lượng. Cả ba người trai Mường này đều ăn vận sang trọng và toát ra cái chất trí thức. Nghe các anh xưng danh tôi thầm tự bảo: “Hèn nào!”. Anh Quách Ngọc Thiên đang là Kế toán trưởng một nhà máy hàng đầu của tỉnh. Hà Trung Nghĩa là bác sĩ khoa Ngoại bệnh viện tỉnh Hòa Bình. Chàng trai Mường đất Phú Thọ làm rể đất Mường Thịnh Lang, vợ là bác sĩ khoa Nội, còn anh đang nổi tiếng là tay dao mổ uy tín nhất nhì xứ sở này. Đinh Đăng Lượng trông to khỏe , rắn rỏi hơn hai bạn, là kỹ sư ngành Giấy tốt nghiệp đại học Bách Khoa Hà Nội, đang làm kỹ thuật tại nhà máy giấy thuộc Bộ Công Nghiệp nhẹ nhưng đặt ngay tại xóm Đồng Sông quê anh, có thơ in đều đều trên báo Đảng của tỉnh và các tập san Văn nghệ ngành Văn hóa. Đọc thơ và ngắm con người các anh, tôi nghĩ: Rồi ba chàng Ngự Lâm đất Mường Hòa Bình này sẽ làm nên chuyện đây!

Ngay sau hội nghị sáng tác ấy, tôi được anh Kỷ, anh Trứ thử tài. Hai anh bảo: Ty sắp ra tập sáng tác về Thủy lợi, giao cho chú viết một cái Tùy bút có tầm bao quát chủ đề cuốn sách, in đầu Mục lục, làm được không? Được hả? Nhớ làm cho tốt. Coi như bài sát hạch đấy. Tôi “ Vâng!”, chẳng biết các hành “sát hạch” cái gì. Anh Trứ gọi riêng ra góc hè, bảo nhỏ tôi. Tôi mừng quýnh. Ra là vậy. Chắc anh đã đọc nhiều sáng tác của tôi in ở Nam Hà, Thơ có, Văn có, thấy được, nên có ý định xin tôi về làm biên tập của phòng. Tôi lại có thêm cái mác “Thanh niên xung phong chống Mỹ”, nếu tôi viết tốt cái Tùy bút, việc đó chắc ổn.

Tôi đã cố viết cho được cái Tùy bút sát hạch ấy. “Màu xanh mùa xuân”, một bài thơ văn xuôi in trang đầu tập thơ mang tên “Màu xanh ánh nước”, được anh Kỷ, anh Trứ gật đầu mỉm cười, các bạn viết bảo “Được!”, có anh cao hứng phán gọn: “Khá!”. Thế là, sáng ngày 01 tháng 10 năm 1975, tôi chính thức buông tay chòong, tay búa của công trường mở đường, về ngồi vào ghế biên tập Văn học phòng Sáng tác - Xuất bản Ty Văn hóa tỉnh Hòa Bình. Và 6 tháng sau, vào ngày 01 tháng 3 năm 1976, tôi theo dòng cán bộ các ngành tỉnh Hòa Bình xuôi đường số 6 về thị xã Hà Đông, ngồi vào ghế “Biên tập văn xuôi” tạp chí “Núi Tản sông Đà” của tỉnh lớn Hà Sơn Bình, thành đồng nghiệp của các anh Phượng Vũ, Vân Long, Bế Kiến Quốc, Đặng Văn Tu, Ngô Lai Vu, và nhà sưu tầm Văn học dân gian Bùi Thiện. Mấy năm sau, phòng Sáng tác Thơ – Văn - Nhạc - Họa của chúng tôi được bổ sung thêm các anh Quách Ngọc Thiên, Phan Quế, Nguyễn Tấn Việt, Nguyễn Hữu Thức. Cái tập thể đông đảo cây bút được bạn viết, bạn đọc cả trong và ngoài tỉnh biết tên ấy đã đảm đương việc xuất bản đều đặn hàng tháng tạp chí Núi Tản sông Đà, sau đổi thành Sáng tác Hà Sơn Bình. Điều rất đáng nói là trong các số tạp chí Thơ – Văn - Nhạc - Họa rất được bạn đọc yêu thích đó, những tên tuổi sáng tác sáng giá nhất vẫn có tên những người tôi gặp lần đầu tại hội nghị sáng tác Văn học Hòa Bình tổ chức vào mùa mưa năm 1972.

Cuộc sáp nhập hai tỉnh dẫn đến cuộc họp mặt chung vui đội ngũ tác giả hai vùng miền. Không ai nói ra nhưng rõ ràng hình thành một cuộc ngầm ra quân để tỏ rõ “ta đây”. “Anh cả thơ” xứ Đoài và cũng là của cả quê lúa quê lụa - nhà thơ Thế Mạc - xuất chiêu bài thơ “Trung du” với hai câu thơ mê mẩn lòng người “Ôi con chim sơn ca/ Cái sợi dây nối trời và đất”, thì từ đất Mường xuống, Đào tiên sinh đáp bằng bài thơ “Người thương binh trên nông trường cam” vừa ăn giải của Bộ Thương Binh - Xã Hội. Họa sĩ - Thi sĩ Ngô Lai Vu đẩy cặp kính cận, e hèm đọc “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em” có câu thơ tuyệt hay: “Tiếng mưa như tiếng tằm ăn!”, thì tác giả Bùi Việt Tiến có ngay bài “Giấc ngủ người thợ khoan khảo sát” với câu thơ lục bát cũng hay chẳng kém: “Chập chờn bao giấc tỉnh – say/ Bâng khuâng mình vuốt bàn tay của minh!”. Dưới này lần lượt đứng lên những Mạnh Hưởng, Nguyên Hương, Nghiêm Phú Mạnh thì trên kia có Đinh Đăng Lượng, Nguyễn Hoàng Sơn, Quách Ngọc Thiên, Nguyễn Khắc Kình. Tiếc là Lê Thanh Xuân đã vô Nam làm phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai. May có sự hiện diện của cây bút thơ mới Nguyễn Hữu Thông, nhất là cây bút thơ Nguyễn Thị Mai từ Đại học Sư phạm Hà Nội lên dạy trường Sư phạm Chăm – Mát, Hòa Bình. Giữa bao nhiêu thơ nặng về câu chữ, triết lý, thơ Nguyễn Thị Mai đằm thắm ngọt ngào hơi hướng thơ cổ điển. Kiểu như: “Em xuôi xóm Giếng, xóm Trà/ Em về xóm Ké, em qua xóm Vầy/ Nhận nâng chén rượu trên tay/ Dặn mình: chớ ngả nghiêng say đổ sàn…”. Và như: “Dứa thơm chẳng có anh mời/ Ngỡ hương gieo tự phương trời nơi anh/ Cầm lên tay trái thơm lành/ Nghe dịu dịu ngọt không đành bổ ra…”. Thơ thì vậy, còn văn xuôi? Hòa Bình có Hà Trung Nghĩa, sau bổ sung thêm cụm tác giả thủy điện sông Đà: Trần Chinh Vũ, Tạ Duy Anh, Vũ Hữu Sự, thêm cây bút Nguyễn Bá Cự. Cây bút Trần Chinh Vũ ra sách “Đường vào trận”. Nhóm Tạ Duy Anh, Vũ Hữu Sự, Nguyễn Lương Ngọc vào học khóa 4 Đại học viết văn Nguyễn Du (Khóa 3 có cây bút Thơ Dương Kiều Minh cùng vào học với Quách Ngọc Thiên). Tạ Duy Anh nổi lên với truyện “Xưa kia chị đẹp nhất làng” và “Bước qua lời nguyền”. Vũ Hữu Sự trình làng tiểu thuyết “Cành ban rỏ máu” khiến cho đĩa cân Văn Chương xem chừng nghiêng hẳn về phía Hòa Bình.

Đội ngũ cộng tác viên thì vậy, còn đội ngũ biên tập của phòng Thơ – Văn - Nhạc - Họa? Anh Bùi Thiện, đồng tác giả của bộ sử thi đồ sộ “Đẻ đất đẻ nước” và những truyện thơ dân gian Mường “Nàng Ờm - chàng Bồng Hương”, “Vườn hoa núi Cối”…. có chiếu ngồi riêng và rất được vì nể. Còn tôi, so với anh Phượng Vũ lĩnh giải Ba truyện ngắn “Người nữ trưởng ga” cuộc thi của báo Văn Nghệ vào những năm 60, rồi Bế Kiến Quốc giải Nhì bài thơ “Những dòng sông” cũng của báo Văn Nghệ, và anh Vân Long đã có hẳn tập thơ “Tia nắng” do Nhà xuất bản Văn học ấn hành, thì rõ là tôi ở thế yếu. Đã tự biết vậy, mà một hôm, anh Phượng Vũ cười hỏi tôi: Chiểu đã đọc những gì rồi?, và anh đặt bịch xuống trước tôi một gói vuông vức như cục gạch, bảo: Làm Văn học, phải đọc những thứ này! Mở cái gói được bọc cẩn thận bằng giấy xi măng ra xem, mới hay đó là “Tội ác và trừng phạt” của Đô-stôi-ep-sky. Những ngày sau đó, anh liên tiếp cử tôi đi viết Ký cho tập chí, Hiểu ý anh và cũng muốn tỏ sức minh, tôi cần mẫn đạp xe Favorit mua lại của anh rể đi các huyện, thị trong tỉnh. Cần mẫn đi và cặm cụi viết. Hàng loạt Bút ký của tôi in trên Núi Tản, sông Đà, Sáng tác Hà Sơn Bình, đọc trên buổi phát thanh văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam, và in trên báo Văn Nghệ. Những “Thăm lại chiến khu Tu lý”, “Thành phố gà”, “Để nơi này vĩnh viễn thành vựa lúa”, “Người và đất đầu nguồn”, “Cây lúa và cây chông Liên Bạt”, “Thức với rừng đêm”, “Vùng đất của những truyền thuyết”, vân vân và vân vân. Nghĩa là nhiều nhiều lắm những bài Ký tôi viết những năm 70, 80 ấy. Đã có lần tôi thử dồn làm tập Ký “Người và đất đầu nguồn” đưa biên tập viên Đắc Trung của Nhà xuất bản Thanh niên, mới chỉ tập hợp một phần nhỏ những Ký tôi đã viết, đã in, anh Đắc Trung tròn mắt: Sao định làm sách dày thế?

Cùng với Ký, sau mỗi chuyến đi, đêm đêm tôi gõ máy chữ đánh những truyện ngắn gửi Văn Nghệ và Văn nghệ quân đội. “Ông ấy là giám đốc”, rồi “Phú”, rồi “Trên đỉnh đèo A hôm ấy”, và “Chiều hè oi ả”, “Người cùng xóm”, “Đằng sau một chữ ký của tôi”… là những truyện ngắn tôi lần lần gửi đến bạn đọc Hà Sơn Bình, bạn đọc báo Văn Nghệ, Văn nghệ quân đội và bạn nghe đọc truyện đêm khuya của Đài tiếng nói Việt Nam. Từ ý nghĩ viết để khẳng định vị thế người biên tập, tôi hào hứng say mê sáng tác, quyết biến cái chí lấy nghiệp Văn Chương làm lối thoát của cuộc đời minh, mà tôi tự vạch ra từ mùa hè 1963 - mốc thời gian cay đắng hất tôi từ người được cử theo học Vật lý nguyên tử của trường đại học Lô mô nô xốp - Mas cơ va thành người phải quay về quê làm ruộng, “do thành phần xuất thân không tốt”- thành hiện thực. Ba năm theo học khóa 2 Đại học viết văn Nguyễn Du và nhiều năm sau đó tôi càng biết khỏe. Kết quả là ba tập truyện ngắn, một tập truyện vừa và 10 cuốn tiểu thuyết của tôi đến tay bạn đọc. Và, tháng 6 năm 1990 tôi thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Cùng thời gian đó, anh Quách Ngọc Thiên cũng bước những bước dài trên đường Văn Chương. Anh về làm phó trưởng phòng Thơ – Văn - Nhạc - Họa, rồi theo học khóa 3 trường Nguyễn Du, nổi đình nổi đám với chùm thơ “Nàng gió nương”, “Với thuyền độc mộc sông Đà” và “Hoa san hô về Mường”. Tiếc thay, tài năng bắt đầu hiển lộ thì anh bị bạo bệnh rồi mất. Trong một lần tâm sự mới đây, nhắc về Quách Ngọc Thiên, nhà thơ Hữu Thỉnh vẫn bâng khuâng tiếc xót: “Quách Ngọc Thiên …tiếc quá, chúng ta mất một nhà thơ Mường đích thực, hàng đầu...”. Nhớ ngày hay tin anh về Mường Trời, tôi lặng ngắm tấm hình anh và viết một mạch xong bài “Đôi mắt anh đau đáu nhìn ra” đưa anh Hữu Thỉnh, lúc đó đang bận họp Quốc hội, nhưng anh đã ký in nhanh trên tờ báo Văn Nghệ để tiễn biệt cây bút thơ Mường tài hoa phận bạc. May mà thơ Mường hiện đại Hòa Bình còn có Đinh Đặng Lượng. Sau ngày hợp tỉnh Đinh Đặng Lượng nổi trội lên trong làng thơ Hà Sơn Bình bằng chùm thơ “Lần đầu về biển” ,“ Làng công nhân” và “Hội cồng mùa xuân”. Chùm thơ này khiến Bế Kiến Quốc nắc nỏm khen mãi, và Lượng được chọn là một trong ba tác giả đầu tiên của tỉnh tập hợp bản thảo để in sách. Còn Hà Trung Nghĩa thì đúng là một sự lạ. Gia nhập đội ngũ tác giả tỉnh mới, anh bỏ hẳn thơ, chuyển sang viết Văn xuôi với sự kiên trì hiếm thấy. Là bác sỹ bận bịu suốt với các ca mổ, nhưng hầu như xẩm tối thứ 7 nào tôi đi xe tháng từ Hà Đông về đến nhà đã thấy anh chìa cho đọc một truyện ngắn mới viết. Đến khi được gọi vào bộ đội, làm bệnh xá trưởng một trung đoàn đóng quân trên biên giới Hà Giang, anh vẫn viết đều, và truyện “Miền quê yêu dấu” được tạp chí Văn nghệ quân đội trao giải Ba, sau đó tập truyện ngắn “Hoàng hôn” của anh được Hội Nhà văn trao giải B văn học viết về Dân tộc và miền núi. Đến đây, Hà Trung Nghĩa bắt tay viết tiểu thuyết và anh in liên tiếp các cuốn “Lửa trong rừng sa mu” ,“Gió bụi nhân gian”, “Bão từ hai phía”. Cũng lạ nữa, là Thanh Ứng, với bài thơ “Tháng ba đến lớp” anh nhận giải Nhất cùng hai nhà thơ Trần Đăng Khoa và Vũ Đình Minh trong cuộc thi sáng tác Văn học về Thầy giáo và nhà trường do Bộ Giáo dục và Hội Nhà văn đồng tổ chức. Mấy năm sau anh lại được trao giải Nhất cuộc thi thơ của báo Người giáo viên nhân dân. Khi tỉnh Hà Tây tái lập, anh hai lần được trao giải thưởng Văn học chính thức của tỉnh. Nhưng người lĩnh nhiều giải thơ nhất, là cây bút Nguyễn Thị Mai. Từ giải Nhì thơ Hà Sơn Bình đến giải B, rồi giải A của Ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, cùng cả chục giải thơ của các ngành, các địa phương trao cho chị. Cũng cần nói thêm: sau ngày tái lập tỉnh Hòa Bình, đội ngũ tác giả Thơ - Văn của đất Mường có thêm nhiều tên tuổi : Lò Cao Nhum, Nguyễn Tấn Việt, Trần Quốc Dũng, Ngô Quang Hưng, Lê Va, Triệu Văn Đồi, Bùi Tuyết Mai, Bùi Minh Chức, Hoàng Nghĩa,.... Nguyễn Tấn Việt - cây bút thơ đầu bảng của tỉnh đoạt giải A cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ. Lò Cao Nhum nổi lên là cây bút thơ vừa hiện đại vừa giữ được nét riêng của thơ truyền thống dân tộc Thái. Bùi Tuyết Mai, qua sáng tác cho thấy cô đúng là nhà thơ Mường giàu tri thức và thật vững nghề.

Nhìn lại đội ngũ tác giả Văn học Hòa Bình suốt mấy chục năm, có dạo tôi cứ tiêng tiếc Bùi Việt Tiến và Lê Thanh Xuân. Tiến về quê Nam Định rồi vắng hẳn trên Văn đàn. Lê Thanh Xuân vắng liền mấy năm, sau khi vào lập nghiệp ở đất phương Nam. May sao, năm 1998, tôi được đọc chùm thơ dự thi của Lê Thanh Xuân trên báo Văn Nghệ, và cuộc thi Thơ xuyên hai thế kỷ ấy đã trao giải Ba cho anh. Từ đó đến nay, Lê Thanh Xuân đã in 15 tập thơ và mới đây anh bước đầu làm tuyển tập thơ mình với 170 bài chọn lọc, được dư luận đánh giá cao. Tính ra, Lê Thanh Xuân đã in đến 28 chùm Thơ ba bài trên tờ báo chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện nay Nhà thơ Lê Thanh Xuân hiện là Ủy viên BCH Hội văn nghệ tỉnh Đồng Nai, trực tiếp làm Trưởng ban Văn học của Hội. Vui về Lê Thanh Xuân, đã có lần tôi mở đọc sách kỷ yếu “Nhà văn Việt Nam hiện đại”, rồi đối chiếu với tấm ảnh chụp kỷ niệm đội ngũ tác giả chủ chốt của đất Mường Hòa Bình trước ngày hợp tỉnh Hà Sơn Bình tháng 3 năm 1976. Thì, tính đến tháng 4 năm 2016 vừa rồi nhà thơ Thanh Ứng được kết nạp, đã có 6 người được vào Hội Nhà văn Việt Nam. Nếu kể thêm hai tác giả Quách Ngọc Thiên và Đào Khang Khải rất xứng đáng là những Hội viên Thơ, nhưng vì lý do đặc biệt, anh Quách Ngọc Thiên không may mất sớm, còn anh Đào Khang Hải, dù nay đã sắp 80 tuổi vẫn viết đều viết hay, luôn có thơ in trên báo Văn Nghệ được bạn viết và bạn đọc khen lắm, hiềm nỗi chẳng có tiền để in tập thơ thứ hai cho đủ điều kiện vào Hội Nhà văn như Điều lệ Hội quy định, buồn vậy!-Vâng, nếu có thể kể thêm hai người Hội viên chưa có thẻ chính danh này, thì Chiếu Văn đất Mường Hòa Bình thuở khởi đầu Văn chương hiện đại đã có đến 8 trên 10 tác giả trong ảnh có tên trên Văn đàn Việt Nam .Đó là các nhà văn nhà thơ (xếp theo năm vào Hội): Phạm Ngọc Chiểu, Nguyễn Hoàng Sơn, Hà Trung Nghĩa, Lê Thanh Xuân, Đinh Đăng Lượng, Thanh Ứng, và… Quách Ngọc Thiên, Đào Khang Hải!

Hà Nội 29 tháng tư năm 2016

PNC

PHẠM NGỌC CHIỂU