Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

DUYÊN NỢ VĂN CHƯƠNG

Bùi Việt Thắng
Thứ ba ngày 24 tháng 5 năm 2016 11:26 AM
(Đọc Giọt nước trong lá sen, chân dung văn học – đàm luận văn chương của Khuất Bình Nguyên, Nxb Hội Nhà văn, 2016)
Cuộc trở về với văn chương của Khuất Bình Nguyên thật ngoạn mục. Sau gần bốn mươi năm trằn trọc, lên bổng xuống trầm, buồn vui với nghề kiểm sát (chót vót tới chức Phó Viện trưởng Viện KSNDTC), đã thấy ông bạc đầu sớm hơn tuổi tác. Có lẽ cái nghề này nó dữ dội, và cả hiểm nguy khôn lường, nên có lúc tự bạch: “Trên đường đời xa xăm đã 40 năm, nhiều lúc trong cuộc mưu sinh, đứng giữa những thử thách to lớn về nhân cách làm người, cuộc tranh đấu khốc liệt giữa cái thiện và cái ác (…). Những lúc biết nhận phần thiệt thòi về mình để được làm người lương thiện”. Nên dễ hiểu thơ là một sự điều hòa, cân bằng tâm thế và phóng chiếu cảm xúc như một cách thuần hóa nỗi đau, giải thoát tinh thần hữu hiệu nhất. Với người khác thì khi đã có cái danh lợi như thế, dễ bằng lòng sống nốt phần đời còn lại trong nhàn nhã. Nhưng như một định mệnh, duyên nợ văn chương đã đưa đường chỉ lối cho ông đến với Nàng Thơ. Ông cầm bút viết thơ như không thể nào khác. Viết như một đam mê không thể cưỡng lại được. Viết như lên đồng. Viết như là sự tuẫn tiết của kẻ tín đồ sùng Đạo Thơ. Tuổi sáu mươi mới lên hương thơ ca. Liên tục ra mắt các tập thơ: Người lữ hành thời gian (2009), Nơi thời gian trở về (2010), Cành tục ngữ hóa đá (2011), Bỏ quên trong rừng thu (2012), Hoa Hoàng Đàn nở muộn (2012). Bốn năm in liền năm tập thơ, không kể hai tập in chung Bảy con đường của số phận (2010) và Mùa thu lứa đôi (2010), thì đó là một con số biết nói. Nó nói về một nội lực thơ. Nó nói về một “trầm tích” thơ. Khuất Bình Nguyên, tôi cứ hình dung, như một khối than nóng rẫy được che ủ bằng tro lạnh. Là người yêu thơ Chế Lan Viên, viết khóa luận về Thơ Chế Lan Viên trước và sau Cách mạng, luận văn tốt nghiệp Những tìm tòi nghệ thuật của thi ca Việt Nam hiện đại thời học đại học, có thể vì thế chăng mà nhà thơ lớn Việt Nam thế kỷ hai mươi họ Chế đã truyền cho Khuất Bình Nguyên cái thơm thảo của thơ ca, cái triết lý nhuần nhuyễn của chất suy tưởng (may mắn cho độc giả là không phải gánh lấy những triết lý vặt), và kinh nghiệm thanh lọc ngôn từ nghiêm cẩn, công phu. Thơ Khuất Bình Nguyên thuộc dòng thơ trí tuệ nhưng không khô cứng mà luôn giữ được sự run bật của cảm xúc, đốt cháy cảm xúc nâng lên thành trí tuệ. Đó là thơ của những người thơ có cái căn cốt văn hóa. Trong cùng trang lứa tôi thấy thơ Khuất Bình Nguyên gần gũi với Hoàng Nhuận Cầm, Vũ Đình Văn (đã hi sinh), Đỗ Minh Tuấn, Lâm Huy Nhuận. Nhưng lúc mới “tục huyền” với Nàng Thơ sau đằng đẵng mấy chục năm tạm gác bút, riêng tôi vẫn thấy cái run rẩy, rụt rè đôi lúc e lệ của Khuất Bình Nguyên, thậm chí như là khép nép để quan sát, học hỏi, tìm nẻo lối riêng vào thơ ca. Đó là một hành xử vừa chân thành cầu thị, nhưng không thể nói là không khôn ngoan. Thơ Khuất Bình Nguyên, riêng tôi nghĩ, nương vào cái gọi là “ thi pháp chân thành”.
Có nét gì đó gần gũi giữa bậc thầy văn chương Chế Lan Viên và người học trò thơ nhỏ Khuất Bình Nguyên khi ông vừa viết thơ và vừa viết phê bình thơ. Tập chân dung văn học và đàm luận văn chương Giọt nước trong lá sen của Khuất Bình Nguyên, trong cảm nhận của riêng tôi, là sự hòa âm giữa tư duy hình tượng và tư duy phê bình thơ. Tập sách gồm 25 bài (có 16 bài chân dung thơ, theo tôi, là đặc sắc hơn). Vừa làm thơ vừa phê bình thơ, sau Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông, như là những bậc tiên chỉ, thì lớp hậu sinh không nhiều, có Vũ Quần Phương, Mã Giang Lân, Trần Mạnh Hảo, Vũ Bình Lục, Nguyễn Trọng Tạo, Khuất Bình Nguyên, Đỗ Minh Tuấn. Nhưng đọc các vị này một cách kĩ lưỡng tôi thấy Khuất Bình Nguyên vẫn có cách mở lối của mình vào phê bình thơ. Đó là cách đi vào trung tâm thơ ca qua những giá trị tinh túy, kết tinh, được sàng lọc nghiêm khắc qua thời gian (nói như thi sỹ Xuân Diệu, thời gian “vặt lông” các giá trị). Hãy xem Khuất Bình Nguyên tiếp cận thơ của những thi sỹ nào trong nền thơ ca Việt hiện đại? Đó là Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Quang Dũng, Phùng Cung, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Việt Phương, Trần Vàng Sao, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Hoa, Nguyễn Quang Thiều. Xem cái tỷ lệ 4/16 giữa các nhà thơ trước và sau năm 1945 sẽ thấy Khuất Bình Nguyên nỗ lực sống với văn chương cùng thời trong địa hạt thơ ca. Cái hay, cái tinh tế của sự thẩm thơ, bình thơ, và cao hơn là phác vẽ những chân dung thơ ca hiện đại, nghiêng về đương đại, ở Khuất Bình Nguyên là có cái lý và cả cái tình của nó. Không thấy anh thiên vị một ai dẫu cho đối tượng được viết có vị thế xã hội hay chỉ là người bình thường, đôi khi khúc khủy gập ghềnh, thậm chí oan khuất như Trần Vàng Sao. Ở đây là sự công tâm, công bằng trong khoa học. Cao hơn là tình yêu thơ ca đích thực. Ở đây là bản lĩnh của người viết. Ở đây là đức tin vào chân lý của nghệ thuật có thể cao hơn chân lý đời sống. Phát lộ ra cái sở trường và sở đoản của Khuất Bình Nguyên khi tiếp cận các hiện tượng thơ cá thể thường tinh tế và sâu sắc hơn khi bàn luận về một thế hệ, đội ngũ hay vấn đề chung của thơ ca như trường hợp Khúc tâm tình của một thời đạn lửa (trong bài này ông khảo về lớp nhà thơ chống Mỹ như Lê Anh Xuân, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Mỹ, Vũ Đình Văn - 4 nhà thơ liệt sỹ trong một đội hình trùng điệp từ Nguyễn Khoa Điềm, Dương Hương Ly, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Trọng Tạo, Anh Ngọc, Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ,…). Hãy nói theo cách của bạn - cái slogan của tập đoàn viễn thông Viettel lại gợi mở trong tôi khi đọc và nhận ra cái sở trường của Khuất Bình Nguyên trong thẩm thơ, bình thơ.
Khuất Bình Nguyên quan tâm đến khía cạnh nào trong những chân dung thơ mà ông tạo dựng? Tôi nghĩ đây là vấn đề then chốt để xác nhận đóng góp của một cây bút phê bình thơ. Tôi thấy tác giả tri nhận và cảm thụ văn chương từ phương diện văn hóa. Văn hóa là một đại lộ. Vì nếu tách văn chương ra khỏi cái cuống rốn văn hóa thì đôi khi ta sẽ thấy văn chương cũng không có ý nghĩa gì thật sâu lắng, bền chặt và quan thiết đối với đời sống tinh thần của con người vì sự sống của nó sẽ ẻo lả, nhợt nhạt. Nhưng cái căn cốt, cội rễ của văn hóa Việt là ở đâu, từ đâu ra? Dĩ nhiên không phải là ngoại nhập dẫu bị ảnh hưởng cả hàng nghìn năm văn hóa Hán, cũng không chỉ nương nhờ ngọn gió từ trời Tây, dẫu cho cuối cùng thì dân tộc cũng phải hội nhập với xu thế toàn cầu hóa trong một thế giới phẳng. Đã có ý kiến đúng đắn cho rằng hiện đại hóa văn chương thời hiện đại chính là đi hết “cái dân tộc” để phát huy tinh hoa truyền thống. Cái vốn liếng của cha ông như là một “văn sản” mà chúng ta chưa khai thác hết. Bởi vì nếu nói đến tính hiện đại thì Nguyễn Du cách đây hơn hai trăm năm còn hiện đại hơn bất cứ thi sỹ nào thời nay.
Ba ví dụ cho thấy Khuất Bình Nguyên quan tâm đến mối quan hệ giữa văn hóa và văn chương khi tiếp cận từng trường hợp thơ cụ thể. Với Nguyễn Bính, ông nhận ra: “Nguyễn Bính còn giữ lại cho chúng ta cái phông văn hóa rộng rãi đầy bản sắc của làng quê Việt nửa đầu thế kỷ 20. Những cảnh những người bây giờ đã mai một huống hồ gì là cho đến ngày sau”. Có lẽ vì thế mà tác giả đã nâng niu ca dao như là “bánh chưng xanh” của thi ca Việt Nam, là thể thơ “đặc sản” Việt Nam. Nguyễn Bính là một thi sỹ đã có cái công lao không nhỏ khi “Góp mặt vào làng Thơ mới trước hết ở việc sử dụng thể thơ 6.8, bánh chưng của thơ truyền thống Việt Nam (…). Cũng trên nền tảng văn hóa dân gian làng quê Việt Nam, Nguyễn Bính đã chuyển hóa thành công lối nói lặp chữ, điệp ngữ của dân ca tạo nên những cảm xúc thẩm mỹ đặc sắc riêng có của thơ ông”.
Tiếp cận Hữu Thỉnh như một đại biểu của thế hệ trải qua lửa đỏ và nước lạnh của chiến tranh với tâm thế “làm thơ ghi lấy cuộc đời mình”, Khuất Bình Nguyên lại có cách định tính khác khi nhìn ra cái chất “nặng tình đời” của thơ được viết bởi một người lính trận mạc đích thực. Nghệ thuật sinh ra là để chống lại sự lãng quên. Hữu Thỉnh không màu mè khi viết một cách chân thành: “Nếu thi ca là lịch sử được viết bằng số phận của con người thì nhà thơ xứng đáng là người chiến sỹ tiên phong chống lại sự lãng quên. Thi ca là trí nhớ của lịch sử”. Những câu thơ nhớ được lâu của Hữu Thỉnh không ai có thể ghen tị được: “Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy/Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc”, hoặc: “Một mình một mâm cơm/Ngồi bên nào cũng lệch”. Văn hóa của thơ ca chính là ứng xử của thi sỹ với số phận con người. Và quan trọng nhất là biết nhìn ra mình giữa nhân quần, khi tự nhận thấy: “Tôi ấy mà, một gốc rạ bơ vơ”. Ai đó nói cô đơn như là mặt trái của tình yêu là chí lí, ít nhất trong trường hợp Hữu Thỉnh. Và nữa, Hữu Thỉnh là một thi sỹ biết cách “thương lượng với thời gian”. Thơ ông chứa đầy một thời để sống, thời để yêu. Hữu Thỉnh là một trong số các thi sỹ đương đại biết cách gia tăng hàm lượng văn hóa của thơ ca.
Tiếp cận Nguyễn Quang Thiều như một đại biểu của đổi mới thơ thời hậu chiến tác giả nhận ra phẩm tính văn hóa của một người được cái diễm phúc của số phận đặt vào giữa một thung thổ văn hóa rất mới mẻ so với thế hệ mình – văn hóa Mỹ La tinh với cái chất mê đắm của sự sống, cái cuồng nhiệt của cảm xúc, cái phá cách của kỹ thuật, cái tận hiến tận hưởng của cá thể giữa đồng loại, cái táo bạo bất ngờ của những phát kiến, nghĩa là: “Ông đã được tận hưởng nền văn hóa châu Mỹ La tinh đầy bản sắc hứng khởi. Nhất là nền văn hóa ấy lại được đốt lên bởi những xúc cảm cuồng nhiệt của một cuộc cách mạng với những lãnh tụ râu dài và đôi mắt đa tình đặc sắc”. Một đặc điểm trong ứng xử (được coi như là một phạm trù trong phạm trù vĩ mô văn hóa) của hế hệ Nguyễn Quang Thiều là với quá khứ thì ngưỡng vọng và chiêm bái, nhưng rất có thể không theo cái cách “người đi sau giẫm lên dấu chân người đi trước theo lối đi rừng” như cách Trần Đăng đã miêu tả tuyệt vời chính xác trong thiên bút ký nổi tiếng viết liền ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945 Một lần tới thủ đô. Khuất Bình Nguyên, tôi nghĩ, chính xác và tinh tế khi viết: “ Cuộc sống đánh vào thơ muôn vàn lớp sóng và Thiều đã cùng thế hệ mình không ngần ngại ngã vào lớp sóng ấy. Dù chưa biết cái gì xẩy ra ở phía trước”.
Đọc Giọt nước trong lá sen của Khuất Bình Nguyên, riêng tôi, có được cái nhã thú như đọc một thiên sáng tác thơ trong những chân dung thơ. Có nhiều người nói, nếu với tấm bằng tiến sỹ luật học và cương vị xã hội như thế thì cuộc đời Khuất Bình Nguyên có thể rẽ sang một nẻo khác, sẽ thành danh ở chốn quan trường. Nhưng dường như duyên nợ văn chương đã là tiếng gọi của tiềm thức, đã kéo ông về với một cái “nghiệp” đầy những gian truân, khổ ải. Là đồng môn Văn khoa Tổng hợp với tác giả từ cuối những năm sáu mươi của thế kỷ trước, tôi thấy ông đã kiên trì chí hướng, nuôi dưỡng khát vọng văn chương để đi tới cái đích được sống là mình và với những gì mình mong muốn. Giọt nước trong lá sen gợi cho tôi và văn giới nghĩ tới một phong cách phê bình thơ đặc sắc mang dấu ấn Khuất Bình Nguyên luôn tạo hứng thú thẩm mỹ và kích thích đối thoại văn hóa./.
Hà Nội, tháng Tư năm 2016
B.V.T
(Bài đăng trên báo Văn nghệ, số 18+19, năm 2016)