Một thời sinh viên
( Viết tặng Đào Văn Hà)
Thời sinh viên có hai thứ tôi hay đi mượn: Tiền và xe đạp. Lão Hạc có một chiếc xe cũ mèm, hiệu gì không thấy, vì sơn đã bong hết. Ngày nào cũng có kẻ tha xe lão ra khỏi trường. Muốn có xe đi vào chiều thứ bảy, phải đăng kí trước với lão vào thứ 2, thứ 3.
Xe lão không chuông, không phanh, chính xác là có phanh, nhưng phanh không dùng được. Hai miếng cao su ở má phanh sau mòn vẹt, gá hờ vào càng phanh vành xe sau. Chỗ đông người, thả hai chân dép xuống mặt đường mà hãm. Dễ, vì hắn đã hạ yên sát xuống gióng ngang xe. Phanh trước chỉ còn mỗi tay phanh ở ghi đông, lõng thõng lúc nào cũng như sắp rụng. Còn mấy cái nan hoa đứt, lão bẻ queo, giắt vào giữa đám nan hoa còn lành lặn.
Xe lão xấu như thế nên chủ yếu mấy lão cựu bộ đội vừa tuềnh toàng, vừa cũ hỏi mượn. Xe này đèo mấy em gái trường Nhạc hoạ, trường Ngoại ngữ không đành, không bõ mất điểm.
Tôi mượn xe lão đạp về Hà Nội. Vừa thoáng thấy người yêu ở cổng ký túc xá, tôi thả dốc Thọ Lão chạy xuống. Đường dốc, hẫng chân, dép không bám được mặt đường. Tôi hoảng hồn nhảy ra khỏi xe. Chiếc xe lao sầm vào vỉa hè, bánh xe sau quay tít thò lò, tiếng cá trong líp xe kêu tanh tách, tanh tách như giễu cợt. Tý nữa thì lao vào bà già. Hú viá.
Đi một mình đã khổ, đèo người yêu khổ thêm mấy lần. Bơm căng lên là bánh xe có chửa ngay, nổ lốp. Non hơi thì đạp nặng, bánh xe dẹo qua dẹo lại. Vẫn phải làm ra vẻ bình thường, vừa đi vừa trò chuyện, còn cố ra chiều dí dỏm với người yêu nữa. Nhưng cái đoạn vừa đèo người yêu lên dốc bằng cái xe này vừa huýt sáo, thằng cha nào làm được, tôi chết liền. Lo thon thót. Nổ lốp là chết. Tiền đâu mà mua lốp mới, làm gì có lốp mới mà mua.
Hà Nội những năm ấy cái gì cũng phân phối theo tiêu chuẩn tem phiếu. Từ cái áo may ô ba lỗ, cái khăn mặt, gói thuốc lào, cái săm, cái lốp, vài viên bi xe đạp. Một lần, đọc trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, thấy ông Nhà văn Thanh Tịnh, nhân bốc thăm chia chác món gì đó ở cơ quan, bật ngay ra một vế đối:
“ Cái gì cũng phân, mà phân thì như cứt”. Phải nói, đó là vế đối độc, rất bi hài về xã hội tem phiếu. Không hiểu, cho đến bây giờ, có cao thủ văn chương nào đối được chưa.
Cũng thời kỳ này, Hà Nội đã sản sinh ra Vua Lốp Nguyễn Văn Chẩn. Ông là cha đẻ của công nghệ đắp lốp xe đạp cũ. Sau này, nhìn những lốp xe cũ ngổn ngang ở các bãi rác Sài Gòn, tôi lại nhớ đến ông. Ông Chẩn đã thành tỷ phú nhờ đắp lại lốp xe. Ông cũng mang vạ vì đắp lốp xe, tán gia bại sản, vào tù ra tội, hai mươi mấy năm sau còn theo kiện, đòi lại tài sản đã bị tịch biên.
… Hôm ấy trời mưa, tôi đạp xe chở một thằng bạn. Khi hắn đã ngồi lên phiá sau, tôi gò lưng đạp để lấy trớn. Soạc! Mắt cá bàn chân phải toé máu, đau không chịu nổi. Chiếc dép Thái Lan bung mấu quai gài, lật úp lên mu bàn chân. Trời, cái bàn đạp chỉ còn trơ cái lõi sắt nhọn hoắt mà tôi quên khuấy. Lúc ấy, tôi thầm vái giời sao cho lão Hạc cũng bị một cú như thế, để lão nhớ mà thay cái bàn đạp cho tử tế chứ. Lão Hạc ơi là lão Hạc.
Quãng đường hàng chục cây số, tôi phải làm xiếc với cái xe. Lực đạp xe phải dồn sang chân trái, chân phải chỉ đặt hờ vào cái lõi sắt mà thôi. Cót két, cót két, roạc…tuột xích, lại roạc…lại tuột xích. Cái xích hắn đã phải lộn trái ra rồi, nhưng răng đĩa nhọn hoăn hoắt, lúc nào cũng chỉ lăm le nhai gấu quần, trông phát gớm.
Ít lâu sau, khi đã ra trường, hắn bảo:
- Ơ anh, khác rồi anh, bố em sáng kiến cực kỳ. Ông đã đánh quặp cái đầu sắt nhọn ấy lại rồi. Vô tư, vô tư rồi anh. Khớ…khớ…
Thằng Khôi còn bị cái xe lão Hạc cho một phát đau điếng để đời. Ấy là bữa hắn bảo tôi:
- Bà chị gái tao cho cưới con ngoài phố Ngã tư Vọng. Tao mượn xe lão Hạc. Mày cho tao mượn cái áo, cái dây lưng để tao diện cái.
Phải nói, đây là cái áo đẹp nhất thời sinh viên của tôi. Năm 1979, vô Sài Gòn thăm gia đình, anh trai tôi sắm cho. Áo màu xanh nhạt, cổ đứng, ve cổ nhọn, hơi thắt eo, xẻ tà kiểu đít vịt, nói chung rất môđen. Khổ, tôi không có cái quần nào hợp với nó, thành ra chỉ để dành, thỉnh thoảng lấy ra ngắm nghiá chơi.
Lão Khôi đạp xe đi. Dọc đường, tinh thần lão đem tập trung tất vào cái cùi pêđan nên đứa mả mẹ nào rình sau lão, cắt dây chun buộc gói quần áo sau xe. Mất toi.
Thế mà lão chẳng nói chuyện bồi thường gì sất, kể xong chuyện mất cắp cười hì hì xí xoá. Tôi còn “thù” lão đến tận giờ.
Bẵng đi một thời gian dài, tôi vào Sài Gòn nhận việc. Một hôm bất ngờ nhận được thư lão Hạc.
“ Anh à, em vẫn khoẻ, công việc ở xí nghiệp Bưu điện Mai Hương bình thường. Em chưa có mảnh tình rách nào vắt vai cả…À, năm rồi em dành dụm, đã mua được cặp phanh Tiệp đấy..”.
Tôi kể chuyện cái phanh Tiệp trong thư của lão Hạc với con gái . Nó bảo:
- Bố nói chuyện hài hước, chú Hạc viết hài hước, con không tin đâu. Chú Hạc kỹ sư, dành dụm một năm mới mua được cặp phanh xe đạp là sao? Bôi bác chế độ quá à, hì…hì…
Ừ đúng rồi, làm sao con gái tôi lại có thể hình dung ra được thời sinh viên của bố thế nào. Cái thời mà những kiều nữ Hà Nội tạo dáng trên những chiếc xe đạp Mifa, Diamand hoặc Favourit của Đức của Tiệp, mê hoặc bao nhiêu chàng trai nhà quê như bố nó. Thời mà chiếc xe đạp còn phải đeo biển số như ô tô, xe máy bây giờ.
Nhiều khi ngồi lẩn thẩn một mình ở Sài Gòn, nhớ lão Hạc, tôi lại hình dung ra chiếc xe đạp của lão. Nhớ đến từng chi tiết, cứ như thể nó đang dựng ngay trong góc nhà tôi vậy. Nhưng còn cái biển số, lão gắn ở chỗ nào trên xe, thì tôi lại không nhớ.
Có ông nhạc sĩ khá nổi tiếng viết trên một tờ báo mạng, than phiền về việc các nhạc sĩ Việt Nam xưa nay sử dụng ca từ trong các ca khúc rất dễ dãi, ẩu tả, thô thiển, phản cảm. Đại thể, ông nói rằng chẳng có cái gì các vị không đưa vào bài hát. Nào là “ Nước đủ, phân gio nhiều…” nào là “đàn lợn béo, nồi cám lợn…”.Thậm chí các đoạn thơ kinh dị, các câu khẩu lệnh “ Không cho chúng nó thoát”, phổ nhạc tất tần tật.
Ông này lạ, hay thắc mắc vớ vẩn. Đặt vòng cho chị em người ta còn phổ nhạc được, hà cớ gì? Nhưng, chưa ăn thua. Sinh viên trường tôi, các câu rủa xả bươi móc rác tai còn phổ nhạc được ấy chứ!
***
- Này, tôi nói cho các chú biết, sinh viên gì mà mặt trơ trán bóng, láo lếu. Cái hàng rào của người ta chắc như thế, nay nhổ một cọc, mai nhổ một cọc. Bây giờ các chú ra xem, có còn ra hàng rào nữa không. Tôi sẽ lên Ban Giám hiệu kiện các chú, xem các chú còn phá phách ngược ngạo được mãi không?
- Đây đâu phải cái chợ, cái nhà bỏ hoang, hở? Đứa nào muốn làm gì thì làm à, giời ơi là giời. Sinh viên mà không coi ai ra cái gì hết. Đứa nào muốn nhổ cọc, ra đây mà nhổ, bà đứng đây cho mà nhổ. Giỏi thì sang phá nhà bà đi xem nàaa..o…o!
Ai mà sa sả thế nhỉ?
À, mấy bà hàng xóm bên Công ty Công trình Bưu điện ấy mà. Chuyện hàng ngày, nhức đầu.
Khu tập thể Công ty Công trình Bưu điện kế bên mấy dãy ký túc xá trường Đại học Bưu điện của tôi. Ngăn cách bên này bên kia là một hàng rào gỗ và luồng, chằng kẽm gai.
Của đáng tội, sinh viên có nắm mì sợi, củ khoai, mớ rau, muốn xì xụp, lấy gì đun? Thanh đỡ giát giường năm cái tháo hai rồi, rút tranh mái nhà hoài rồi, không rút cọc gỗ của mấy bà mà đun, chả lẽ đành ăn sống ăn sít hết à?
- Còn phải để cho người ta học chứ? Chửi vừa thôi!
- Ấm bụng mới học được chứ. Học mới quan trọng chứ. Mấy thanh củi quan trọng gì?
- Ở đây toàn người tốt, rào làm gì? Rào thế là xúc phạm người tốt, mất đoàn kết? Không tốt mà được gọi là sinh viên chắc? Khớ… khớ…khớ…
- Chửi dai như dẻ rách. Vợ tao ở quê mất con gà cả cân rưỡi, chửi có mười lăm phút xong. Mất có mấy thanh củi, chửi quá, chửi quá lắm! Hi…hi… hi…
- Tai người ta để nghe giảng bài, đâu phải cái phễu để mấy bà rót chửi vào tồng tộc thế, hử?
Ấy là khi bà nọ chửi thoả mãn, chửi xong xuôi gọn ghẽ, vào nhà rồi, thì mấy lão lớp 74H ngồi nói qua nói lại với nhau như thế cho bõ tức thôi.
***
Mấy hôm sau, hàng rào được tu bổ, nâng cấp. Cọc đóng sâu hơn, cọc nào cũng nhoe nhoét hắc ín, hình như có cả mùi hoăng hoăng, cả kẽm gai mới, nhọn hoắt.
Mấy ông 74 H nhóm họp, bàn kế hoạch hành động. Nội dung họp đánh giá:
- Tình hình nói chung rất chi là thuận lợi cho phiá ta, củi mà có hắc ín cứ là cháy bùng, cháy vèo vèo! Tốt.
- Mùi hoăng hoăng không ăn thua. Mùa đông, đầu nhà chúng ta chả khai nồng nặc, nhức mũi đâu có sao? Đúng không?
- Vấn đề tiếp theo là việc chửi. Mẹ khỉ, cùng trong ngành với nhau, chẳng gắn bó nhau như khố với… được thì thôi, đằng này toàn chửi cạn tàu ráo máng. Rút kinh nghiệm, lần này họ chửi, ta phải “nâng cấp” sự chửi ra, để nguyên xi mấy thày cô nghe được phiền chết. Nghiã là họ chửi, ta chơi nhạc, phổ nhạc, hả? Chơi khí thế bừng bừng vào. Thằng này ghi ta. Thằng này chập cheng, lấy nắp nồi nhôm vỗ thật lực vào đít nồi cho tao. Thằng này gõ thià, thằng này trống bỏi, thêm vỗ tay, huýt sáo nữa…
- Còn thằng này to mồm, lĩnh xướng, rõ chưa? Nghiã là bà ấy chửi câu nào, mày phải nhắc lại rõ to, y sì, đếm 1,2 đến 3, tất cả hô theo. Sau đó, nhạc cụ tấu lên, hoà lên, tất cả rõ chưa?
Mấy tuần sau, cọc gỗ mất vài cái, toàn cái nhô cao, nhiều hắc ín nhất, có mùi nhất. Im lặng. Cuối tháng sau nữa thì hàng rào xộc xệch, nghiêng ngả, lèo tèo.
***
Sáng chủ nhật, mấy ông đang nhóm bếp thì đột nhiên nghe xoe xoé. A, chửi, anh em đâu?
- Bọn mặt dày, mặt thớt chúng bay, nhổ rào của bà!
- Một, hai, ba. Bọn mặt dày, mặt thớt chúng bay, nhổ rào của bà! Bọn mặt dày, mặt thớt chúng bay nhổ rào của bà!
Choeng…choeng…choeng…Tùng…tùng…tùng…phừng…phừng! Ố la la. Bốp.. bốp… bốp…
- Đồ mất dạy!
- Một, hai, ba. Đồ mất dạy! Đồ mất dạy! Tùng tùng tùng, choeng choeng choeng! Ố la…la…la, phừng phừng phừng…cắc cắc cắc…
- Bà mà bắt được, bà phang gãy chân, tiên sư chúng mày!
- Một, hai, ba, Bà mà bắt được, bà phang gãy chân, tiên sư chúng mày! Bà mà bắt được, bà phang gãy chân, tiên sư chúng mày! Ố… la… la, cắc cắc cắc, phừng phừng phừng. Choeng! Choeng! Choeng! Tùng…tùng..tùng…
Thật là một “ bữa tiệc âm thanh” tưng bừng, lớp lang, phổ, hoà âm, phối khí nhịp nhàng. Làm gì mà có chuẩn bị trước cũng hay ráo. Người chửi không lại, mệt quá. Cuộc chửi kết thúc. Chả ai, kể luôn Chí Phèo, sao có thể chửi nhau với một bức vách hàng mấy tiếng đồng hồ được.
***
Tôi đem chuyện này kể với một thằng em phiên dịch tiếng Nga. Nó bảo:
Ối anh ơi, cái món âm nhạc, phổ nhạc, Việt Nam mình nhất thế giới. Không tính Đặng Thái Sơn nhé. Để so sánh với thế giới cho sòng phẳng, mình cất lão ấy đi, chỉ tính mặt bằng dân trí âm nhạc thôi. Em đây này, em cũng phổ nhạc chửi đấy. Dễ. Tiếng Việt mình có dấu, giàu âm tiết, nên véo von, cãi nhau nghe cứ như hát. Thế đấy, cho nên dân mình thích cãi nhau, nhiều người nghiện món cãi, thấy chỗ nào cãi cọ, nhảy vào cãi góp, chẳng cần công sá. Chửi là con đẻ của cãi. Cãi thua, sùng lên là chửi.
Nó kể tiếp.
Lần ấy, em đi công tác về vùng quê với một nữ đồng chí Liên Xô. Qua một cánh đồng khoai lang, giữa trưa nắng chang chang, thấy hai bà chít khăn mỏ quạ, nhảy thếch lên, nhảy thếch xuống. Hai bà cứ vỗ vào phiá dưới rốn, rồi tát hai bàn tay vào nhau bôm bốp, rồi xiả ngược sang mặt đối phương. Nghe họ chửi biết chắc bà nọ bới trộm khoai bà kia thôi. Đồng chí Liên Xô thấy lạ bèn hỏi( Tất nhiên bằng tiếng Liên Xô)
- Người ta đang làm gì thế? Hát hả?
- Đúng, đúng. Người ta lao động mệt quá, đang giải lao, đang hát, đang múa cho vui ấy mà.
Phải cho đồng chí mình tin, rồi phục lăn, em giải thích:
Người ta vỗ vỗ nhiều thế, là vỗ trống cơm tưởng tượng ấy mà. Bài Trống cơm đấy. Tình bằng có cái trống cơm, khen ai khéo vỗ…vỗ…vỗ. Sòn…sòn…rê… mí …mí… la..la..lá..lá...Bài này rất nổi tiếng. Các đoàn nghệ thuật nước khác đến Việt Nam biểu diễn thường hát bài này. Nước Liên Xô của đồng chí cũng rứa. Đồng chí này có vẻ chưa hiểu. Bực mình, em vừa ngó hai bà, vừa bắt chước động tác cho khớp, vừa múa, vừa hát oang oang.
Đồng chí khoái lắm. Chả thế mà trước khi đi, đồng chí vẫy vẫy tay chào hai bà rối rít, rồi xổ một tràng:
- Khơ- ra- sô, Khơ- ra- sô!( Hay,tốt, tốt)
- Đa- xi- đa- nhè. Đa- xi- đa nhè!(Tạm biệt, tạm biệt)
Trời ơi, cái thằng phiên dịch này mà là thành viên của nhóm mấy ông lớp 74H, thì phải biết! Sao xứ mình lắm người tài thế!