Tản văn
Trước Tết đọc bài Thắp hương người sống, mồng 4 Tết lại được đọc bài Bố tôi bảo thế của bác Trần Nhương. Thời buổi bây giờ, đó đã là chuyện cũ nhưng ... chưa qua. Khắp trời Nam này, từ miền thôn quê heo hút đến nơi thị thành hoa lệ, từ mạn rẻo cao thâm sơn đến vùng đồng bằng thẳng cánh cò bay, chuyện này chắc chỉ có dăm ba người không biết. Vậy mà khi đọc sao vẫn không hãm lại được một tiếng thở dài.
Tại sao lại nói đó là chuyện cũ ? Có thể có không ít những bạn nhỏ đương tuổi thụ hưởng nền giáo dục hệ trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ đặt câu hỏi như vậy. Nếu nói theo kiểu người Tây: Đó là một câu hỏi hay/thú vị ! – Và, các bạn nhỏ thân mến ạ, hãy tìm đọc thiên phóng sự Một huyện ăn tết của cụ Vũ Trọng Phụng nhé. Theo dòng lịch sử, những chuyện đại loại kiểu này có vẻ như lặp lại theo một quy luật xã hội nào đó. Trong thiên nhiên, ngày nào mà chẳng có sáng trưa chiều tối ...
Đúng là không có gì mới lạ; nếu có thì chỉ là vấn đề tên gọi. Mà thiên hạ cũng hay rách chuyện, cũng sính văn chương lắm cơ; thì cứ nói béng đó là việc đút lót được khoác cái áo quà biếu cho nó dễ hiểu; việc gì lại bảo việc đó là thắp hương cho nó phức tạp. Đấy là chưa kể có thể sảy ra cái sự uy tín của những bậc siêu việt như Trời, Phật, Thánh, Thần có khả năng bị suy giảm, thậm chí về dưới cả “mo” trong con mắt của đám chúng sinh thuần phác rất đáng được trân trọng. Trong dịp tết Canh Dần này (2010), Nhà nước cũng đã có chỉ thị cấm tiệt cái tệ biếu quà mua chuộc có tính chất vụ việc hoặc dài hơi hơn là đầu tư cơ hội. Chỉ thị này rất nghiêm sáng. Nếu có trách thì phải trách mấy ông hay sinh sự nào đó lại đi thắc mắc: Sao lại chỉ cấm biếu mà lại không cấm nhận? Xin thưa với mấy ông xắc mắc rằng các ông đã mắc khuyết điểm là chưa từng nghe một câu ngạn ngữ mới của cánh Châu Âu và Phương Tây: Sếp luôn luôn đúng ! Vả lại, thời nào cũng vậy, thật vô cùng khó chịu bởi luôn có một bộ phận cá biệt ít ỏi trong dân mình là mắc cái tật cứ sểnh ra là lại hài hước, riễu cợt các nhà công quyền.
- Có cách nào trị được bọn này không ?
- Có ...
- Cách gì?
- ...
- Cách gì”
- Thôi, đừng hỏi nữa. Nói ra, chẳng bõ lại bị người ta cười cho là đồ bảo thủ, ngu dại, điên khùng ...
*
Trở lại chuyện thắp hương người sống.
Ở Việt nam ta, thời còn chế độ phong kiến cổ hủ ngự trị, cái thời mà vua chúa là tối thượng, thảo dân không phải động não bao giờ thì ngoài cái việc luôn ghi nhớ ơn huệ của vua chúa và nhất nhất thực hiện các chỉ dụ bằng mồm và bằng chữ của vua chúa thì đầu óc họ không phải làm gì nữa. Nhàn lắm. Vậy mà, hình như, chưa có vị vua nào được dân thắp hương sùng kính ngay từ lúc các dây thần kinh thực vật của các vị ấy vẫn còn làm việc. Thế nhưng, xin hương hồn và hồn của các vị vua chúa xá cho những kẻ hậu sinh, cái chuyện vô lý này lại có thực, sảy ra với một người không phải là vua cũng chẳng phải là chúa, miệng không có nanh dài, tay không tấc sắt ... và vẫn còn được truyền tụng cho đến tận bây giờ. Và, với độ siêu bền của loại hình bia miệng thảo dân, không ai có thể nói trước được sự truyền tụng này còn kéo dài đến bao giờ.
Người ấy như thế nào?
Cụ xuất thân thảo dân, tài cao học rộng, văn chương ngông khoáng, dân dã như nhiên, âm luật tinh thông, xênh sang đàn ngọt, phong lưu lãng đãng, mải mê ca trù và là người đặt ra lối hát nói khiến những người phải lòng ca trù vẫn không ngừng hâm mộ cho đến tận ngày nay. Suốt đời, cụ sống, làm việc và vui chơi với nhân sinh quan:
Chữ vô cầu là chữ thiên nhiên
Đem bẩm trời, trời cũng phải khuyên.
Cụ là người ngay từ thời trẻ tuổi đã luôn tự thôi thúc, canh cánh bởi hai chữ công danh. Là người Việt, ít người không biết hai câu thơ này của cụ:
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông.
Cụ là người háo danh ư?
Đương nhiên, với một nhân sinh quan thiên nhiên vô cầu như vậy, cụ không bao giờ tạo danh cho mình bằng công nghệ thắp hương, kể cả với thần thánh. Đối với cụ, danh là tài năng được sử dụng và thành tựu vào những việc ích nước, lợi dân. Cái danh của cụ được tạo kết bởi mồ hôi, máu và trí tuệ. Người xưa gọi đó là chính danh, chân danh vậy.
Cụ là con dao pha của dân nước. Về quân sự được tôn xưng là Nho tướng, đánh đông dẹp bắc, luôn lấy hòa hiếu hòa hợp làm dụng lẽ việc binh. Về giáo dục, do bẩm tính thiên nhiên vô cầu, cụ đã từng giữ Quốc tử giám tu nghiệp và chủ khảo trường thi Hà Nội. Về dân sinh kinh tế, cụ là người coi việc khẩn hoang tại Nam Định, Ninh Bình; trong vòng một năm, đã lập được hai huyện Tiền Hải, Kim Sơn và hai tổng Hoành Thu, Minh Nhất. Cụ để lại rất nhiều văn thơ cho hậu thế. Và, trong văn thơ cũng như cuộc sống, dù phải chịu đựng những sự hiểm nguy, thăng trầm hiếm thấy, điều khiến cụ nổi bật trong bầu trời “Những vì sao đất nước” vẫn là tinh thần tự do, ngông khoáng, hào khoát, ngay thẳng và nhân ái.
Năm Tự Đức thứ năm (1852), khi đã quá “gớm chết thay” cho cái “thế thái nhân tình” cụ đã xin về trí sỹ. Người Tiền Hải và Kim Sơn nhớ ơn khẩn hoang, tạo dựng sinh kế và cuộc sống no đủ, ổn định cho dân, mới cùng nhau đóng góp, lập ngôi sinh từ thờ cụ và phái người về làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh rước cụ ra dự lễ khánh thành. Cuộc đón rước được tổ chức linh đình. Trong Sinh từ, nghi lễ diễn ra hết sức oai nghi và long trọng: Cụ được rước lên ghế và dân chúng đã thắp hương thành kính vái cụ.
Đấy là chuyện thắp hương vái người sống ngày xưa. Người được hưởng cái lễ đức tình phi thường ấy là cụ Nguyễn Công Trứ.
Trên con phố Nguyễn Công Trứ ở Hà Nội ngày nay có nhà máy rượu Hà Nội. Không hiểu đó có phải là cái duyên gì không. Và nếu trụ sở Câu lạc bộ Ca Trù cũng đặt trên con phố này thì chắc hẳn sẽ là điều vô cùng thú vị.
Mỗi khi nghĩ về cụ, trong đầu tôi bao giờ cũng hiện về một ông lão quê mùa, hơi gầy, hồn hậu, hóm hỉnh; đôi bàn tay nhỏ nhắn, bên cầm roi, bên lỏng sợi dây mũi bò, đang lắc lư “Điền viên dạo chiếc xe bò cái, sẵn tấm mo bưng ... miệng thế gian” mà ngất ngưởng, khẽ ngân nga rằng:
Trời đất cho ta một cái tài,
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.
Dở duyên với rượu khôn từ chén,
Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời.
Cờ sẵn bàn son, xe ngựa đó,
Đàn còn phím trúc, tính tình đây.
Ai say, ai tỉnh, ai thua được,
Ta mặc ta mà ai mặc ai.
NLT - 18/02/2010