Trang chủ » Tản văn

BẢN THÔNG ĐIỆP ĐÁ

Vũ Quốc Túy
Thứ sáu ngày 24 tháng 9 năm 2010 9:34 PM

Tản văn

                                                     
      Anh bạn hỏi : Có biết vì sao các tấm bia lại được đặt trên lưng con rùa  không ? Tôi tịt mít. Câu hỏi đường đột, không có sự chuẩn bị, lại hổng kiến thức, trách chi được. Quan sát và suy ngẫm  ít quá, coi đấy là điều bình thường chẳng có gì đáng phải để ý. Mới nứt mắt ra đã thấy tấm bia đặt trên lưng con rùa rồi, nên cho là chuyện bình thường, như cái cây thì phải có gốc rễ, cái bàn cái ghế thì phải có chân… vậy thôi! Bây giờ ngộ ra chẳng phải ngẫu nhiên mà người xưa chọn con rùa làm vật đội bia. Tại sao không là con trâu, con ngựa, con voi, con rồng… hay con gì khác mà cứ phải là con rùa? Anh bạn tôi thú nhận  cũng chưa hiểu được gì, cứ đặt ra câu hỏi rồi lạm bàn cho vui. Bù khú mà! Ông thấy không, con rùa là một trong bốn con vật “tứ linh” Long, Li, Quy, Phụng được thờ trên chùa. Vậy mà dân gian lại có câu  “Thương thay thân phận con rùa/ Trên đình đội hạc, dưới chùa đội bia”. Ở đâu rùa cũng phải chịu kiếp bị đè đầu cưỡi cổ. Ấy nhưng rùa được đội bia cũng vinh hạnh lắm chứ. Phải là những bậc anh tài công lao, đức độ cao siêu lắm  mới được khắc vào bia đá để người đời mãi mãi tôn thờ, ghi nhớ. Cứ xem ở Văn Miếu Quốc Tử Giám kia, bia đá được đặt trên lưng những con rùa thì ý nghĩa lại càng sáng tỏ. Hãy tạm  gạt yếu tố thần giáo sang một bên, thử suy ngẫm  khía cạnh “đời” một chút. Đã thi đỗ tiến sỹ, về làng thì gọi là vinh quy bái tổ, mang vinh quang về quê nhà thưa với tổ tiên ông bà cha mẹ để tỏ lòng biết ơn công lao dưỡng dục của các bậc sinh thành, nuôi dạy. Vinh hoa  đặt trên lưng rùa, tức khi anh đã lên đến đỉnh vinh quang rồi thì dễ sinh  tự mãn dẫn đến trì trệ, chậm tiến. Đỗ tiến sỹ, nghĩa rằng được ân tứ vua ban, được bổ làm  quan. Cưỡi trên lưng rùa đồng nghĩa với việc anh phải điều khiển, thúc đẩy, lèo lái cái chậm chạp, lạc hậu. Nếu ngồi không vững, rất có thể bị chú rùa yếm thế kia lật nhào. Anh phải luôn suy nghĩ, làm thế nào đây? Bia đá là tác phẩm nghệ thuật, di sản văn hoá vật thể, bức thông điệp bằng đá truyền lại đời sau.
 “Ông toàn suy diễn! ”. Bị tôi chọc, ông bạn càng nói hăng. “  Bây giờ, nếu các tiến sỹ tân thời được khắc tên vào bia đá đặt trên lưng rùa thì chẳng biết để đâu thờ cho hết. Đặt ở Văn Miếu không được, chẳng ai cho phép ngồi lẫn với các cụ, mà ở chỗ khác cũng là lãng phí quỹ đất, chẳng mang lại lợi ích gì thiết thực, khéo không nhiều tấm bia sau này phải mang búa mà phang đi ấy chứ. Chắc chả vị tiến sỹ thật nào có kiến thức, nhân cách, biết trọng danh dự mà lại thích  thế, vào cái thời mà tiến sỹ chắc chắn nhiều hơn thời cụ Nguyễn Khuyến.“Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ/ Cái giá khoa danh ấy mới hời”   Danh giá của tiến sỹ là ở những thành tựu khoa học, sự cống hiến của họ cho xã hội chứ đâu phải ở cái mảnh bằng hay bia đá. Cứ để đời sau vinh danh, chắc chắn đúng.”. Nghe đến đây, tôi bỗng thở dài buột miêng
-  Chúng ta đang sống ở thời kỳ hỗn loạn các giá trị. Mọi danh hiệu rất có thể rồi cũng sẽ bị biến thành  thứ trang sức rẻ tiền và lỗi thời .                                        
 V Q T