Nhà nghiên cứu Trần Đình Thu và nhà văn Nguyễn Một có cuộc trò chuyện chung quanh vụ việc bài thơ “Trăng nghẹn” bị đề nghị xem lại.
Nguyễn Một: Ông nghĩ thế nào khi nhiều người phản ứng việc bài “Trăng nghẹn” bị xem xét lại?
Trần Đình Thu: Lẽ ra tôi và ông phải có cuộc trò chuyện một cách hệ thống, nhưng thôi ta cắt ngang vụ “Trăng nghẹn” để nói trước cũng được.
Trước hết, tôi cho rằng, Hội văn nghệ Cần Thơ phải làm như thế thì mới đúng với chức năng và nhiệm vụ của họ. Tức là phát công văn đề nghị ban tổ chức xem xét lại việc trao giải.
Các hội như Hội nhà văn Việt Nam, Hội văn nghệ các địa phương không có chức năng định hướng phát triển văn học Việt Nam. Họ chỉ có chức năng định hướng tuyên truyền cổ động cho các chính sách của nhà nước mà thôi. Nên họ cần ngăn cản việc trao các giải thưởng không phù hợp với nhiệm vụ nhà nước giao phó cho họ.
Nguyễn Một: Tại sao các cơ quan này không thể định hướng phát triển văn học Việt Nam?
Trần Đình Thu: Hai nhiệm vụ định hướng tuyên truyền cổ động cho các chính sách của nhà nước và định hướng phát triển văn học rất hay mâu thuẫn nhau, không thể cùng một cơ quan đảm nhiệm được. Tôi lấy thí dụ, chủ trương của nhà nước là khai thác bô xít ở Tây Nguyên. Vì thế báo Văn Nghệ cử anh Lã Thanh Tùng đi viết một bài bút ký để ủng hộ chủ trương này. Đấy là báo Văn Nghệ thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền cổ động cho chủ trương nhà nước, do cơ quan chủ quản là Hội nhà văn Việt Nam giao cho. Bây giờ tôi lấy thí dụ, có một anh nhà thơ hoặc nhà văn nào đó lên Tây Nguyên, phát hiện ra một hội chứng gì đấy trong đời sống của những người dân tộc thiểu số khi di cư khỏi những khoảnh rừng cha ông họ đã sinh sống tự ngàn đời nay. Khi đó, dù không có ý thức chống lại chủ trương nhà nước nhưng tác phẩm của anh ấy sẽ vẽ lên một bức tranh không thuận lợi cho chủ trương khai thác bô xít Tây Nguyên của nhà nước. Thế thì Hội nhà văn Việt Nam không thể ủng hộ những tác phẩm kiểu này được. Từ đây xảy ra xung khắc trong nhiệm vụ. Cho nên chỉ là một nhiệm vụ thôi.
Nguyễn Một: Vậy thì cơ quan nào sẽ định hướng phát triển văn học Việt Nam?
Trần Đình Thu: Thật ra, nói định hướng thì nó cũng không đúng hẳn. Vì văn học phát triển bởi tự thân nó chứ có cơ quan nhà nước nào định hướng gì đâu. Nhưng mà có vai trò mở đầu, vai trò tiên phong. Tôi lấy thí dụ phong trào thơ Mới ở Việt Nam vào giai đoạn 1932 – 1939. Nào có cơ quan nhà nước nào hồi đó định hướng hay lãnh đạo? Nó được khơi mào bởi một số nhà văn hóa tiên phong như Phan Khôi, Nguyễn Thị Manh Manh… rồi nó được tiếp sức bởi các nhà thơ như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận… Đó là phương diện con người. Còn phương diện tổ chức thì có một số tờ báo như Phụ nữ tân văn, Phong hóa, Ngày nay…ủng hộ.
Cho nên không có chuyện cơ quan nhà nước định hướng phát triển văn học đâu.
Nguyễn Một: Ông đánh giá gì về các giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam cũng như của các hội văn học nghệ thuật địa phương.
Trần Đình Thu: Đời xưa người ta có nói “Ăn cơm Chúa múa tối ngày”. Các hội nói trên hoạt động từ ngân sách nhà nước cấp, nên nhiệm vụ chủ yếu là phải tuyên tuyền cổ động cho các chủ trương của nhà nước. Hội trung ương thì tuyên truyền cho chính phủ, bộ ngành, hội địa phương thì tuyên truyền cho ủy ban tỉnh, thành phố.
Các giải thưởng cũng nhằm phục vụ cho việc đó. Nó chỉ là các giải trao cho tác phẩm tuyên truyền cổ động. Chúng ta thường hay than vãn về các giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam nhanh chóng chìm nghỉm này nọ nhưng chúng ta quên rằng, Hội nhà văn Việt Nam không phải sinh ra để trao các giải thưởng văn học mà để trao các giải tuyên truyền cổ động. Chỉ thỉnh thoảng có một vài vị lãnh đạo hội tâm huyết đến nền văn học nước nhà thì “lén” trao giải “ngoài luồng”. Ví dụ như nhà văn Nguyễn Khải vào năm 1991 “lén” trao giải cho tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”.
Giải thưởng vừa qua liên quan đến bài thơ Trăng nghẹn cũng thế. Nhà thơ Phạm Sĩ Sáu cũng “lén” trao giải thôi, nhưng ngay lập tức bị “bắt giò”. Chứ giải thơ tuyên truyền cổ động thì làm sao mà trao cho bài ấy được! Phải là một bài nào đấy ca ngợi cuộc sống ở vùng sông nước trong thời kỳ đổi mới.
Nguyễn Một: Nói vậy thì cơ quan đơn vị nào sẽ trao các giải thưởng cho văn học đúng nghĩa?
Trần Đình Thu: Sẽ là các tổ chức không liên quan đến nhà nước. Nhiều giải văn học lớn trên thế giới cũng không lấy tiền của nhà nước để trao giải. Thí dụ giải Goncourt ở Pháp hay Nobel ở Thụy Điển. Chúng ta cần lập các giải thưởng như thế để trao cho các tác phẩm văn học thực sự đúng nghĩa. Không nên “đòi” nhà nước trao giải.
Nguyễn Một: Ok, ông nói phải.