Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHÚC XUÂN QUA TRANH TẾT DÂN GIAN

Ngô Minh Thuyên
Thứ sáu ngày 12 tháng 2 năm 2010 5:49 PM

Cứ mỗi độ xuân về tết đến, cùng với “thịt mỡ, dưa, hành câu đối đỏ/ Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh”, người Việt nam ta không ai quên mua vài bức tranh treo tết. Tranh tết không chỉ đáp ứng nhu cầu trang trí thẩm mỹ, mà còn là thông điệp chúc xuân mang đậm nét nhân văn sâu sắc của ông cha xưa.
  Tranh tết dân gian được sản xuất ở nhiều nơi, với nhiều phong cách thể hiện và phương pháp in ấn khác nhau, nhưng nổi tiến hơn cả là các làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), phường tranh Hàng Trống (Hà Nội), Làng tranh Kim Hoàng (Hà Đông), Làng tranh Nam Hoàng (Nghệ An), tranh thờ Làng Sình (Huế)…Mỗi vùng đất đều có một sắc thái văn hóa riêng trong phong cách thể hiện và kỷ thuật in ấn nhưng tựu trung nhằm chuyển tải thông điệp của mùa xuân, hướng con người đến khát vọng Chân – Thiện – Mỹ. Hình thức thể hiện tranh dân gian đều bằng bột màu chế từ nguyên liệu thiên nhiên trên giấy gió bồi quét điệp, với đường nét khái quát, chi tiết tinh lọc “sống hơn giống, gợi hơn tả” cốt sao truyền được cảm xúc thẩm mỹ đến người chơi tranh. Phổ biến nhất trong mọi gia đình từ Bác chí Nam trong những ngày tết là bộ tranh Phúc – Lộc – Thọ, ba nhân vật tượng trưng cho ba điều ước cháy bõng bao đời nay của con người là hạnh phúc, sung túc và trường thọ. Những gia đình gắn với nghề thương gia buôn bán thì ngày đầu năm mới có thêm bộ tranh hai bức “Tiến tài, Tiến lộc” để cầu mong làm ăn phát đạt, tiền của dồi dào kinh doanh “một vốn bốn lời”. Những gia đình trí thức nho nhã hướng đến những vẽ đẹp thanh cao thì chọn những bộ tranh “Nhị Bình”(chim công múa, cá chép trong trăng), hay “Tứ bình”(Mai – Lan – Cúc – Trúc)…
   Còn với nhà nông một nắng, hai sương quanh năm vất vã ruộng đồng thì còn ước muốn nào hơn mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, no ấm yên vui,  thường chọn những bức tranh mộc mạc cảnh sắc điền viên gần gũi như: Chợ quê, gặt mùa, chăn trâu thổi sáo, kéo co, đánh vật, lợn gà sung mãn…
   Dù được thể hiện dưới góc độ nào, tranh tết dân gian đều thể hiện rất rỏ ước nguyện vươn tới chân- thiện- mỹ, chuyển tải những lời chúc tốt đẹp nhất đến với mọi người, mọi nhà trong ngày đầu năm mới. Mỗi bức tranh tết là một ẩn ngữ chúc xuân mà người nghệ sỹ dân gian muốn gữi gắm đến mọi nhà như là thông điệp của mùa xuân. Như bức “Hứng dừa” là ẩn ngữ của lời chúc cho lứa đôi hạnh phúc. “…Này trái dừa cao em trèo anh đỡ/ Vạt váy ô hay dám hứng trời/Khuôn ngực để trần mùa xuân mà lị…”(Vũ Quần Phương). Hay như bức “Đám cưới Chuột”là thể hiện sức sống mãnh liệt của hạnh phúc lứa đôi, trước cái xấu, cái ác rình rập, nhưng giữa mùa xuân thì sức sống ấy càng được nhân lên gấp bội phần. “…Chuột thổi kèn tàu, chuột làm chú rể/ Cô dâu ngồi kiệu thẹn thò ghê/ Có cả chú mèo nhưng chẳng sợ/ khi mùa xuân đã ở bốn bề…”(Vũ Quần Phương).
   Có thể nhận ra trong tranh tết dân gian từ xưa đến nay, tất cả cái ác, cái xấu trong đời sống đều được người nghẹ sỹ dân gian biến thành tiếng cười hóm hĩnh, mang tính chất xây dựng rất nhân bản phù hợp với không khí ngày xuân, ngày tết. Đây là nét nhân văn đặc sắc của tranh tết dân gian mà không phải loại hình nghệ thuật nào cũng thể hiện được “Nét bút dám cười ngay nơi muốn khóc/Trang giấy thô nhấp nhánh hồn…”. Một trong những thủ pháp độc đáo của tranh tết dân gian là nhân cách hóa hình ảnh của các con vật để chuyển tải ý tưởng của con người một cách rất nghiêm túc mà người chơi tranh không bao giờ thấy gượng ép. Từ những vật linh thiêng như long, ly, qui, phung…trong tranh thờ, đến những con vật tầm thường hàng ngày như lợn, gà, cóc tía, chuột, mèo, cá…đều được khai thác triệt để tài tình, làm nên một thế giới đặc sắc của tâm linh tình cảm đem đến cho mọi người sự phấn chấn yêu đời trong ngày đầu năm mới. Cái ác, cái xấu, sự khổ đau hình như không có mặt trong tranh tết dân gian, cuộc sống con người, cảnh sắc như được thăng hoa trong mùa xuân.
  Con trâu không còn phải cày bừa lấm lem bùn đất mà thong dong gặm cỏ với chú mục đồng thổi sáo trên lưng. Con chuột không còn là con vật xấu xí nơi hang cùng hẻm tối, mà xênh xang võng lọng vinh qui…Đây là những thông điệp chúc xuân mang đậm triết lý nhân văn mà ông cha ta đã ký thác gữi gắm qua tranh tết dân gian. Có lẽ chính vì vậy, mà bao đời nay tranh tết luôn đồng hành cùng mùa xuân, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu khi xuân về tết đến.
  Ngày nay, cùng với sự da dạng phong phú của nhiều loại hình nghệ thuật và kỷ thuật in ấn công nghiệp, các làng tranh tết dân gian của nước ta đã mai một dần, thậm chí nhiều làng tranh chỉ còn sống trên hào quang quá khứ của mình. Nhưng không vì thế mà tranh tết dân gian mất đi sức hấp dẫn đối với người chơi tranh mỗi độ xuân về. Rất nhiều cách thể hiện tranh dân gian đang được các nghệ nhân thử nghiệm như đưa tranh dân gian lên gốm sứ, sơn mài, lên mành tre, trúc…đang mỡ ra một hướng đi mới cho tranh tết dân gian. Nhưng riêng tôi ký ức tuổi thơ với những bức tranh tết dân gian thơm mùi mực tàu, giấy dó của thôi thúc ám ảnh khôn nguôi. Biết thế nên anh bạn đồng nghiệp của tôi ở Hà Nội năm nài cũng gữi tặng vài bức tranh thay cho lời chúc tết, đồng thời như nhắn nhủ với tôi, tranh tết dân gian vẫn mãi đồng hành cùng mùa xuân. Vâng, trong náo nức mùa xuân đang đến gần, trong tôi lại ngân lên câu thơ của nhà thơ “Bên kia sông Đuống”- Hoàng Cầm “…Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp…”.
Ngô Minh Thuyên
(Khánh Mỹ - Thị trấn Phong Điền – TT-Huế)