Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LŨNG NÚI ẤY… ĐÃ SINH RA MỘT NHÀ VĂN

Phạm Quang Trung
Chủ nhật ngày 14 tháng 2 năm 2010 2:10 PM

 Tôi cứ ao ước một ngày nào đó sẽ có dịp đặt chân lên đất Cô Sầu, Trùng Khánh, Cao Bằng - nơi sinh ra nhà văn dân tộc Tày Cao Duy Sơn. Nhưng phải là vào tháng ba, khi rét buốt và mưa phùn không ngớt phả khí lạnh vào sườn núi Keng Sly cao ngất! Để tôi kịp nhận ra đá, rất nhiều đá, chìm trong giá buốt và mờ đục đi bởi mây mù bao phủ. Còn để được nghe giọng nói trầm đục mà nồng ấm của Cao Duy Sơn cất lên trấn an tôi: “Đừng sợ, xin đừng sợ cái lặng lẽ của rừng núi… Và, hãy đưa mắt nhìn về phía bản Cô Sầu kia - nơi dồi dào sự sống bền lâu, nơi chất chứa bao trầm tích lịch sử, và chính là nơi tôi đã được sinh ra”…
 Đất thì rộng, người thì đông. Nhưng cuộc đời của mỗi người cầm bút thường chỉ có điều kiện gắn bó máu thịt với một vùng quê, với một cộng đồng người. Đối với Cao Duy Sơn hẳn nhiên đó phải là mảnh đất và con người miền núi, nhất là lũng Cô Sầu thân thuộc quê anh. Rất nhiều truyện ngắn mang tên anh trực tiếp liên quan đến cảnh và người nơi ấy. Tôi nhớ là khi rơi vào tình cảnh thật ngang trái, trớ trêu - người chồng mình có lòng với kẻ khác, me của nhân vật San trong truyện ngắn Hoa mộc vương đã nói bằng “giọng trôi buồn như mây thu” rằng: “Em chẳng thể ngăn anh, bao giờ đường cây chắn lối, cầu sông đứt dây, thuyền mảng chìm đáy nước, anh hãy trở về đất Cô Sầu nghèo khó này, cửa nhà chỉ khép hờ, cầu thang đủ bảy bậc đón anh”. Lòng người đàn bà miền núi bao giờ mà chẳng bao dung như suối ngàn như thế!… Rồi truyện Mưa phố. Pẩu vì giận vợ một cách vố lối, trong suốt năm ngày liền “lăn lóc hết các ngõ ngách phố phường Cô Sầu” ăn chơi, tiêu sài cho bằng sạch hơn ba triệu bạc gồm tiền bán hai con lợn trên bảy chục ký cùng toàn bộ số tiền dành dụm nhiều năm trời. Đến nỗi cuối cùng trên người anh ta chỉ còn độc một chiếc quần lót theo đúng nghĩa đen của nó. Để rồi khi kịp tỉnh ngộ, trước cơn giông “mây đen mọng nước đùn kín một góc trời”, trong “luồng gió bạt ngược tóc”, giữa đất Cô Sầu, Pẩu ôm chặt đứa con gái bước như chạy về phía bệnh viện miệng nói thầm: “Con ơi! Rồi con khỏi bệnh ngay thôi!”. Tuy nhiên, ám ảnh hơn cả có lẽ là tình cảnh Khuề trong truyện Âm vang vong hồn. Lũng núi này buộc phải chứng kiến nỗi đau không gì sánh nổi của một con người khi “tên lão đã thành một danh từ rất riêng của dân phố Cô Sầu”. Ai mang bộ đồ bẩn thỉu suốt cả tuần không thay, thì người ta bảo: “Quần áo lên mùi Khuề”. Hay hút quá nhiều thuốc, uống quá nhiều rượu thì liền bị rủa: “Ô thằng này Khuề rồi!”… Đấy là chưa nói tới những truyện ngắn khác, xa hay gần, đều ít nhiều can hệ tới biệt danh Cô Sầu kia. Câu chuyện diễn ra trong Thằng Hoán xoay quanh số phận của nhân vật chính ở bản Tà Phàn, nơi Làn Dì – cô vợ hờ của Hoán, có lúc đã phải ra tận phố Cô Sầu đón thợ dưới xuôi về làm ngôi nhà mới, tưởng hứa hẹn hạnh phúc ấm êm, nào ngờ lại là cội rễ của tất cả những nỗi bất hạnh kế theo… Rồi truyện Song sinh nữa. Hai anh em sinh đôi Du và Sìu, mỗi người mỗi tính mỗi nết, đưa tới những số phận hoàn toàn khác nhau. Và, họ ra đời ở bản Niểng cách chợ huyện Cô Sầu đâu chỉ mất hai giờ cuốc bộ… Mọi buồn vui, sướng khổ của kiếp người ở cõi đời chừng như đều dồn tụ cả vào chính nơi ấy với những con người mang những số phận ấy. 
 Thế nhưng, có thể nói là chưa ở đâu và chưa khi nào Cao Duy Sơn lại đưa ra nhiều dụng ý dụng tâm gắn đời mình, văn mình với đất Cô Sầu như trong truyện ngắn có tên là Tượng trắng. Ở một phương diện nào đó, rõ ràng nhà văn có ý lý giải lai lịch miền quê của mình gắn với việc giải thích cái tên rất là đặc thù kia. Sao gọi là Cô Sầu? Thì ra, theo chuyện kể của Cao Duy Sơn, gốc tích của nó bắt nguồn từ một chuyện tình dang dở thấm đẫm nước mắt. Ngày ấy..., cái bản Cô Sầu vẫn chưa có tên, dưới những tán lá dày đặc nơi chân đèo chỉ có gia đình một người đàn ông sống trong cảnh gà trống nuôi con. Con ông là một cô gái xinh đẹp, càng lớn càng xinh đẹp. “Tóc cô mỗi ngày một dài và dầy lên trong vành khăn quấn đầu. Môi đỏ như bi chuối rừng, mắt đẹp như mắt con chim hục phầy. Da trắng mịn như nõn chuối. Cô gái đẹp đến nỗi thú rừng cũng phải ngơ ngác không nỡ nhảy ra chặn đường quấy rầy”. Con càng đẹp, người cha càng buồn rầu ưu tư khi nghĩ tới hạnh phúc của con gái. Một ngày nọ, như một định mệnh, cô bỗng gặp một chàng trai nổi bật lên trong một đám người hủi, rách rưới, lở loét, cùi cụt từ xa đến xin cha cô chỗ nương thân. Điều khiến cô gái ngạc nhiên là sau bộ quần áo rách rưới lộ ra “một cơ thể cường tráng, da dẻ căng đỏ”, không hề có một vết tróc lở nào trên người cả. Cha cô gái dễ dàng chấp thuận với lý lẽ thật nhân ái trong cái vẻ tự nhiên đầy thuyết phục: “Mọi thứ trên đời này đều do trời sinh ra cả, chẳng ai có quyền giữ cho riêng mình”. Từ đó, “giống như một bức tranh sống động và điêu tàn, những con bệnh quấn quýt bên nhau, che chở nhau nồng nhiệt và thân ái như anh em cùng sinh ra từ một mẹ hủi vĩ đại”. Để trả ơn cha con cô gái, làng hủi đã cử chàng trai – người lành lặn duy nhất trong số họ đem quà sang biếu. Và tình yêu của họ nảy nở dần từ đó… Tuy nhiên, mối tình ấy không được người cha cô gái chấp thuận. Thái độ của ông là dứt khoát: “Nhưng con ơi! Người mà con đem lòng yêu thương không nằm trong sự chờ đợi của ta, ta sẽ vì con mà làm hết sức mình đây”. Thế là người cha quyết làm mọi cách để ngăn cản mối tình giữa hai người. Ông dứt khoát đem con gái ra đi, như chạy trốn khỏi những kỷ niệm buồn vui không dễ gì quên được. Trong mơ, cô gái hình dung ra cuộc chia ly đầy khổ đau và tủi hận. Rồi khi đã về già, cha và chồng đã qua đời, con cháu đã trưởng thành, bà đã quyết định trở lại chốn xưa. Giữa bao kỷ niệm xốn xang, trên trời cao bỗng vang lên tiếng con chim đơn lẻ “nhắc chiều đã sắp tàn lụi” tựa như bà đã “già nua và mệt mọi quá rồi”. Khi bà mất, con cháu ai cũng thương tiếc. “Rồi sau tất cả kéo nhau về đây lập nên cái bản Cô Sầu bây giờ”. Tại khu nghĩa địa, ngôi mộ của bà cao nhất, nổi lên giữa bao ngôi mộ khác…
Song, ở một phương diện khác, sâu hơn, Cao Duy Sơn chừng như muốn phát ngôn quan niệm nghệ thuật của bản thân bằng hình tượng lấp lánh ý nghĩa, nếu đi sâu tìm hiểu thì không thể nói là không đặc sắc và không giàu sức thuyết phục. Tôi để ý tới những mỏm đá lô nhô nhiều hình dạng lạ kỳ, quái dị nổi lên giữa vạt đồi thấp ở phía chân núi Keng Sly xa xa. Thời gian phủ lên chúng những lớp rêu mốc thếch với nhiều dáng vẻ khác nhau, lô nhô khắp vùng đồi hoang vắng. Cái thì “hình một ông già rụng tai”, cái thì “giống một bà già ngoẹo cổ lộ một bên mặt vẹt hoác”. Lại có cái “mang trên bộ mặt tróc lở, hai lỗ mũi mòn mủn sát mắt”. Thật thảm thương! Thế nhưng: “Giữa những hòn thạch nhân tật nguyền, đen đúa và cổ sĩ đó, nổi bật một mô đá trắng toát…, nhìn kỹ thì ra hình thù người con gái trong tư thế ngồi hơi ngả ra đằng sau. Trên khuôn mặt lành lặn, hai vết hõm mờ dưới vầng trán thanh thoát trông như đôi mắt đượm vẻ mơ màng, thoáng một chút buồn nhè nhẹ”. Tôi đặc biệt ghi nhớ hình ảnh liên tưởng sau: “Vào những ngày có nắng, từ đỉnh Keng Sly nhìn xuống, bức tượng trông như một con chim trắng sắp bay lên bầu trời cao xanh…”. Hình ảnh rất ảo mà cũng rất thực!
Ai là tác giả của những công trình nghệ thuật kỳ vĩ như do trời sắp đặt vậy? Chính là chàng trai nọ. Một lần, trước vẻ đẹp quyến rũ của cô gái, không kìm giữ nổi lòng mình, chàng thốt lên: “Em đẹp lắm, cô gái ạ!” . Sự thú nhận được chàng trai nói nhanh những lời cuối, trong tâm trạng thật lạ, như là người có lỗi, không, hơn thế, như là người có tội – “cái tội của kẻ bị người đời khinh rẻ xua đuổi như loài thú hôi thối, dám buông lời tán dương một cô gái xinh đẹp”. Có gì thật vô lý, thậm chí thậm vô lối ở đây. Nhưng cuộc sống thường diễn ra như vậy. Từ đó chàng trai tự nhủ là sẽ không bao giờ gặp lại cô gái nữa. Chàng chỉ biết sớm chiều vùi đầu vào công việc riêng của mình là với chiếc đục sắc và đôi bàn tay rắn khỏe chạm khắc nên những hình người trong làng hủi mỗi khi họ qua đời từ chính những phiến đá tự nhiên nằm rải rác trên đồi. Chàng làm công việc đó một cách say mê, thầm lặng và tự nguyện với mục đích rất rõ: muốn trả ơn “những con người bất hạnh nhưng có tấm lòng lành hơn khí trời, đã nhặt được chàng, một đứa trẻ bị bỏ rơi bên mé đường lầm bụi, mà nuôi chàng lớn bằng tất cả tình thương của những số phận đau khổ”; và còn bởi một lẽ khác, da diết không kém, là “những muốn lòng mình khuây khỏa khi bóng cô gái hiện lên trong nỗi nhớ”, nghĩa là từ chính những ký ức không thể nguôi quên…
Tôi để ý tới lời từ khước của chàng trai khi cô gái khẩn khoản yêu cầu chàng bỏ lại những người hủi kia để cùng cô đi tới một nơi có cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều: “Em hãy nghe ta nói đây, ta chưa thể từ bỏ thế giới khổ đau này để ra đi với em được. Chúng sinh và những linh hồn vật vã ở cái làng này, ta biết họ cần có ta bên cạnh để lòng họ được an ủi…”. Chàng nói trong khi nhìn cô gái bằng “một đôi mắt rực cháy” ánh lên những tia “dữ dội” mà nàng chưa từng bao giờ được chứng kiến. Tuy vậy, tự thẳm sâu của lòng mình, chàng trai mang lòng tin “vào những điều thần linh đã mách bảo”, rằng chắc chắn cô gái sẽ trở về, chắc chắn họ sẽ lại được gặp nhau… Chính niềm tin không gì lay chuyển ấy cùng hình ảnh như luôn trẻ đẹp mãi của nàng đã thôi thúc chàng trai bắt tay tạc khắc bức tượng về nàng. Hình ảnh nàng hiện dần lên mỗi ngày từ “đôi bàn tay gần như… chỉ biết nghe theo mệnh lệnh của trái tim nhức nhối yêu thương với một cảm xúc sáng tạo không bao giờ nguội lạnh”. Khi đã hoàn tất, hàng ngày, cứ mỗi lần ngắm nghía bức tượng trắng, chàng lại thấy trong mình dâng lên một cảm xúc thật khác lạ, “một cảm xúc không thỏa mãn”, bởi lẽ, chàng luôn mang ý nghĩ “nàng đẹp, nàng đẹp lắm, sắc đẹp của nàng hơn ta tưởng nhiều. Bức tượng kia chỉ là bản sao chép vụng về”. Chàng cúi đầu tuyệt vọng khi nhận ra vẻ đẹp toàn bích nơi nàng, trong sự thú nhận mình chỉ là một kẻ bất tài, vì chỉ thể hiện nổi cái vẻ hời hợt bên ngoài của nàng thôi. Thế rồi chàng ra đi như một kẻ “duy nhất không để lại tượng mồ của chính mình trong nghĩa địa”- Cao Duy Sơn đã nghĩ và viết vậy.
Có điều, thành quả sáng tạo của người nghệ sỹ trong quan niệm của Cao Duy Sơn lại không hoàn toàn như vậy. Tôi nhớ tới tâm trạng của cô gái trẻ đẹp xưa giờ đã thành một bà già yếu đuối lúc lê bước trở về chốn cũ. “Xa xa nàng bỗng nhìn thấy một màu trắng lấp lóa như vẫy gọi nàng đến gần”. Khi tới gần, “trước mắt nàng là một bức tượng thiếu nữ hiển hiện như một con chim trắng với đôi mắt mơ màng thoáng ngơ ngác buồn”. Nàng như chợt nhận ra bóng hình thân thiết ngày nào. Bao kỷ niệm thiêng liêng bỗng đột nhiên sống dậy. “Nàng rùng mình ngước lên bức tượng thiếu nữ, bỗng chạm phải ánh mắt trên đó đang nhìn mình riễu cợt” như muốn nói với nàng: “Chính ta mới là kẻ đáng được hưởng tình yêu của chàng. Bởi tình yêu của chàng đã làm cho ta bất tử. Còn nàng, sắc đẹp và tình yêu của nàng đã lụi tàn trong quá khứ. Ta buồn cho nàng thay”. Tôi không thể không chú ý tới chi tiết sau đó: “Nàng cởi chiếc khăn trên đầu, mái tóc bạc xổ tung như một lời thú nhận cay đắng…”. Sự thật như được hoàn nguyên dưới ánh sáng chói ngời của lý tưởng.
Thì ra, muôn đời nay, sức sáng tạo của người nghệ sỹ chân chính bao giờ cũng mang theo nhiều ý nghĩa. Chính vì vậy mà tài năng của họ luôn được sự thừa nhận rộng rãi của công chúng mà dấu hiệu có khi được bộc lộ ngay ở những bước đi chập chững ban đầu. Trong tác phẩm, tôi nhớ tới những món quà của chàng trai nhằm đáp trả ơn sâu nghĩa nặng của cha con cô gái, khi là đôi gà lôi béo, khi là làn quả rừng thơm ngon, nhưng nhiều nhất và đặc biệt nhất là những đồ trang sức xinh xắn do chính bàn tay chàng trai làm ra riêng tặng cô gái. Đó là những chuỗi hạt làm bằng xương thú, những chiếc vòng đeo tay bằng đá xanh vân trắng trạm trổ khéo léo và tinh xảo. Cô gái hỏi: “Vì sao anh biết làm những thứ này?”. Chàng trai trả lời giàu ý tứ: “Tay tôi làm theo những lời chỉ bảo của làng”, rồi giải thích rõ hơn: “Kẻ chết có người sống cũng có. Họ mang theo cuộc đời phiêu bạt đủ mọi nghề từ khắp nơi… Tôi chỉ là kẻ tát nước xuôi nương, không đáng học trò của họ”. Nên nhớ, trong suy nghĩ của cô gái khi ấy lại khác hẳn: “Cha em nói rằng nhìn những vật này, biết mai sau người làm ra chúng sẽ làm nên việc lớn”. Và đúng thế,  những việc làm của chàng trai sau này mang lại những hiệu quả mới lớn lao làm sao!
Câu chuyện trong Tượng trắng phủ một màu cổ tích huyền ảo trôi đến từ xa xăm. Lại được tác giả khéo léo đặt trong lời kể của bà nội, khi nỗi lòng trắc ẩn khiến bà tìm đến thuốc lá quấn sừng bò, đưa lên miệng rít nhẹ, rồi lặng lẽ nhả ra một làn khói trắng mỏng buông qua tóc, “lặng lẽ trườn qua đôi mắt nhạt đục, tựa những làn sương chiều trôi nhẹ qua thung lũng vắng buồn”. Bà thường bắt đầu: “Chuyện của núi rừng cũ kỹ lắm, rồi tin hay không tùy cái tai của mỗi đứa”. Riêng tôi, nếu được trực tiếp nghe bà kể thì tôi sẽ tin, luôn luôn tin. Vì tôi biết đó là câu chuyện cổ tích thấm đẫm tinh thần hiện đại… Vậy nên, đọc văn Cao Duy Sơn, tôi cứ hay liên tưởng tới loài hoa mộc hương trong truyện ngắn cùng tên của anh. Đó là một loài hoa sang cả, cánh màu hồng tựa sen mà không phải sen, hương thơm tựa linh hương nhưng không phải linh hương. Nó không nhiều nụ nhiều bông như mận hay đào, nhưng vẫn khéo khoe những cánh lá xòe ra trông như những bàn tay trẻ hứng gió bốn phương bay về. Và, tất cả đều vươn ra từ thân cây vỏ dầy cứng, bằng nửa vòng tay ôm, cao tầm đầu người lớn, trông trầm mặc như tiên ông trong truyện cổ. Ôi! Hoa mộc hương. Mới nghe qua cứ tưởng đó là một loài hoa thân thảo lá mềm, thường ưa ẩn mình đâu đó giữa chốn hoang dã bạt ngàn cây lá. Không ngờ nó lại rất kén chọn đất đai và khí hậu, thường ưa mọc lên ở đất quen nơi xứ lạnh, và có đặc tính không phải loài hoa nào cũng có là nở chậm mà lâu tàn. Tôi luôn nghĩ, mảnh đất nuôi dưỡng tài năng văn chương, với Cao Duy Sơn, phải là lũng núi Cô Sầu. Một cái tên nhưng đúng ra là một thân phận, chưa hay biết tưởng là xa lạ và u ẩn lắm, nhưng nếu có dịp tìm hiểu kỹ càng, rồi để cho ấn tượng ban đầu kịp lắng lại, thì tôi dám chắc là nhiều người sẽ có thêm bằng cớ để có thể nhớ mãi, nhớ hoài…   
Đà Lạt, Tết Canh Dần
PQT.