Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NỒI CHÁO ẾCH ĐÓN GIAO THỪA NĂM ẤY

Dương Đức Quảng
Thứ bẩy ngày 13 tháng 2 năm 2010 5:00 PM
Dương Đức Quảng

Trong đời mỗi người, chắc ai cũng có một vài kỷ niệm đáng nhớ trong ngày Tết. Đối với tôi, một kỷ niệm không bao giờ quên trong ngày Tết xảy ra cách đây đã 37 năm. Đó là đêm giao thừa Tết Quý Sửu năm 1973 tại chiến trường Quảng Đà, không có “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, chỉ có nồi cháo ếch đón xuân mà không thể nào quên
Nhà báo Dương Đức Quảng trên chiến trường Quảng Đà (ảnh chụp năm 1972 tại căn cứ Trà My)

Ngày 23/1/1973 Mỹ chấp nhận ký hiệp định Paris không điều kiện. Cố vấn Lê Đức Thọ và Kissinger tiến hành ký tắt hiệp định. Ngày 27/1 Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và 4 nghị định thư liên quan được ký chính thức. Nhân dân hai miền Nam Bắc tràn đầy hy vọng về viễn cảnh chấm dứt chiến tranh và về tương lai thống nhất nước nhà. Những ngày ấy, tôi là Tổ trưởng Tổ phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) tại tỉnh Quảng Đà (nay là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng). Anh em chúng tôi ai cũng hy vọng và tin tưởng Tết Quý Sửu năm 1973 sắp đến sẽ là cái Tết hòa bình đầu tiên sau khi có Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Theo những điều khoản quy định trong Hiệp định và các nghị định thư thì vùng lãnh thổ do Mặt trận Dân tộc Giải phóng (MTDTGP) miền Nam Việt Nam và vùng lãnh thổ do chính quyền Sài Gòn kiểm soát đều cắm cờ phân chia ranh giới để tránh tranh chấp và đụng độ. Ngay sau ngày 23/1, từ căn cứ của Ban Tuyên huấn tỉnh ủy Quảng Đà đóng trên núi Hòn Tàu, mấy anh em phóng viên chúng tôi chia nhau tỏa xuống đồng bằng, bám theo các đơn vị quân giải phóng và nhân dân đi “cắm cờ giữ đất”, khẳng định vùng lãnh thổ do MTDTGP kiểm soát.
Ai cũng biết, Quảng Đà là chiến trường vô cùng ác liệt, vùng giải phóng luôn bị địch bắn phá, càn quét, trà sát, cày ủi, nhiều xã có hàng nghìn người hy sinh. Đây cũng là nơi nhiều anh chị em nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ…hy sinh, trong đó có những người rất nổi tiếng, như nhà văn Dương Thị Xuân Quý, nhà văn Chu Cẩm Phong, các nhà báo Nguyễn Trọng Định, Trần Văn Anh, Nguyễn Đình Cước, Nguyễn Văn Tùng, Đinh Dệ, nhạc sĩ Văn Cận, nữ diễn viên múa Phương Thảo… Tổ phóng viên TTXGP Quảng Đà chúng cũng đã có mấy đồng chí hy sinh, riêng trận ném bom B.52 của Mỹ trong đêm 21 rạng 22/5/1972 vào căn cứ Hòn Tàu, hai đồng nghiệp của tôi cùng với ba đồng chí khác đã hy sinh trong căn hầm đá đặt điện đài của TTXGP, đến nay vẫn chưa đưa được hài cốt của các đồng chí về! Có thể nói, mỗi tấc đất ở vùng giải phóng Quảng Đà đều thấm máu của các liệt sĩ và của người dân nơi đây.
Tôi không bám theo các đơn vị quân giải phóng và nhân dân “cắm cờ giữ đất” mà theo một Tổ công tác vào sát vùng ven thành phố Đà Nẵng để lấy tài liệu viết tin bài về niềm vui của nhân dân đô thị trước thắng lợi của ta buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải ký Hiệp định Paris không điều kiện. Những ngày đó, tôi gặp khá nhiều cơ sở là nhân sĩ trí thức từ Đà Nẵng ra, được nghe biết bao chuyện cảm động về tình cảm của người dân thành phố đối với Bác Hồ và MTDTGP. Tôi cũng gặp một vài sĩ quan quân đội Sài Gòn và một số công chức chính quyền Đà Nẵng có cảm tình với cách mạng, biết thêm nhiều thông tin về âm mưu và hành động phá hoại Hiệp định Paris của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Ngay sau ngày Hiệp định được ký tắt, pháo đủ các loại của quân đội Sài Gòn từ Bồ Bồ, Vĩnh Điện, Ái Nghĩa và nhiều căn cứ khác dồn dập nã đạn vào vùng giải phóng, nhất là vào những nơi có cắm cờ của Mặt trận. Bốn tiểu đoàn quân chủ lực và quân địa phương của Thiệu, trong đó có Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 57, Sư đoàn 3 và Tiểu đoàn 79 quân biệt động được tung vào chiến dịch lấn chiếm các xã vùng giải phóng Xuyên Hoà, Xuyên Phú, Xuyên Khương, Xuyên Lộc, Xuyên Thanh thuộc phía Tây huyện Duy Xuyên. Binh lính của Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 cùng thiết đoàn số 11 quân đội Sài Gòn liên tục càn quét, đánh phá các xã Lộc Phước, Lộc Tân, Lộc Ninh, Lộc Quý thuộc vùng B huyện Đại Lộc, là vùng do chính quyền cách mạng kiểm soát từ cuối năm 1964. Binh lính Sài Gòn còn càn quét, đánh phá dữ dội các xã dọc sông Thu Bồn, huyện Điện Bàn, sục sạo từng nhà dân nơi chúng tôi đang bám trụ sát vùng ven Đà Nẵng. Trong thành phố, chính quyền Thiệu tăng cường khủng bố, bắt bớ các cơ sở cách mạng, sục vào từng nhà nghi có may cờ giải phóng…
Những ngày đầu Hiệp định có hiệu lực, mặc dù bị quân đội Sài Gòn liên tục lấn chiếm, đánh phá, các lực lượng của MTDTGP vẫn nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định, không dùng vũ lực mà chỉ đấu tranh bằng phương pháp hoà bình để giữ đất. Song trước sự đánh phá dữ dội, một số vùng giải phóng bị mất vào tay quân đội Sài Gòn. Trước tình thế đó, để bảo toàn lực lượng, chúng tôi được lệnh rút lui, trở lại căn cứ. Ngày 1 tháng 2 năm 1973, mấy anh em chúng tôi quay về núi Hòn Tàu. Hôm đó là ngày 29-12 âm lịch, chỉ còn một ngày nữa là bước sang năm Quý Sửu.
Trở lại căn cứ Hòn Tàu, chúng tôi buồn vui lẫn lộn. Cứ nghĩ sau Hiệp định Paris là có hoà bình nên khi kéo xuống đồng bằng ai cũng nghĩ chẳng còn quay trở lại, lòng cứ mơ về thành phố. Vì thế Tết Quý Sửu đến bộ phận hậu cần của Ban Tuyên huấn Quảng Đà không trở tay kịp, bánh chưng, bánh tét không có, đừng nói gì đến thịt lợn, thịt gà đón xuân như mọi năm. Mấy anh em phóng viên TTXGP chúng tôi cùng các anh chị em ở báo Giải phóng Quảng Đà chia nhau vài ống mì chay, mấy cái bánh thuẩn (một loại bánh bằng bột gạo, giống bánh khảo), vàì cái kẹo mang từ đồng bằng lên, nhâm nhi chút cà phê bà con cơ sở Đà Nẵng gửi tặng, đón xuân.
Lưng bát mì chay, vài chiếc bánh, chiếc kẹo và chút cà phê pha loãng bằng túi vải không đủ sức làm chúng tôi quên cái đói, cái rét giữa rừng sâu đêm 30 Tết. Tôi chợt nhớ gần chỗ chúng tôi ở có một con suối nhỏ, có rất nhiều ếch núi, con to nhất cũng chỉ bằng con nhái ở đồng bằng, nên nảy ra “sáng kiến” rủ mấy anh em soi đèn pin đi bắt ếch về nấu cháo, “liên hoan” đón giao thừa.
Cháo chín, hơi bốc nghi ngút.  Mấy anh em chúng tôi quây quần bên đống lửa trong căn lán, theo kiểu nhà hầm, giữa rừng sâu, vừa sì sụp húp cháo vừa mở đài bán dẫn nghe chương trình đón xuân của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đêm 30 Tết Quý Sửu ấy, lẫn trong tiếng đại bác của quân đội Sài Gòn liên tục bắn vào núi Hòn Tàu, giọng chị Trần Thị Tuyết ngâm bài thơ Máu và hoa của Tố Hữu thao thiết đi vào lòng người, khiến tôi bâng khuâng, nhớ nhà, nhớ Hà Nội da diết. Nhưng thật lạ, trong đêm giao thừa, giữa thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ, năm mới, ở nơi xa xôi này, vẫn còn tiếng đì đùng của đạn đại bác quân đội Sài Gòn bắn lên Hòn Tàu mà sao lại có câu thơ “Đã tắt hôm nay lửa chiến trường” trong bài thơ Máu và hoa ấy? Có lẽ nhà thơ không biết rằng mặc dù Hiệp định Paris đã có hiệu lực nhưng ngay trong đêm 30 Tết này đâu đã ngừng tiếng súng? Chúng tôi tự hỏi: Chả lẽ niềm hy vọng về hoà bình không còn nữa? Chả nhẽ ngày về thành phố vẫn còn xa?...
Bữa cháo ếch đón giao thừa kết thúc, mọi người ai về hầm nấy. Tôi mắc võng nằm mà không sao ngủ được. Sáng mai, 1 Tết lại đúng vào ngày 3-2, kỷ niệm 43 năm ngày thành lập Đảng. Tôi bật dậy, châm chiếc đèn dầu làm bằng vỏ quả bom bi, ngọn lửa chỉ bằng hạt đậu, mở cuốn sổ tay viết những dòng đầu tiên của bài báo: “Quảng Đà những ngày giáp Tết”, ghi lại không khí đón cái Tết đầu tiên sau Hiệp định hoà bình Paris của người dân Quảng Đà, cái Tết chưa phải “Đã tắt hôm nay lửa chiến trường” như trong bài thơ chúng tôi vừa được nghe qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi cũng ghi lại lời một vị giáo sư trung học ở Đà Nẵng đã nói với tôi:
-Ông Thiệu không thể chống lại hoà bình. Ổng càng phá hoại Hiệp định Paris thì càng mất lòng dân. Tôi tin chiến tranh sẽ chấm dứt, đất nước sẽ có hoà bình và thống nhất, như lời Di chúc của Cụ Hồ.
            Tết Canh Dần 2010 này, tôi nhớ lại Tết Quý Sửu 37 năm trước, nhớ nồi cháo ếch đón giao thừa năm xưa và bài báo của tôi viết trong đêm giao thừa ấy. Đó là một kỷ niệm không bao giờ quên trong đời làm báo của tôi./.    
Bài đã đăng trên báo Nhà báo & Công luận, số Xuân Canh Dần 2010