Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BẬN

Đàm Quỳnh Ngọc
Chủ nhật ngày 14 tháng 2 năm 2010 7:32 PM
 
Tản văn
 
Ngày còn bé ở thôn quê, tôi đã quen với từ bận rộn đồng nghĩa với việc ngày xuống đồng và mùa thu hoạch đã đến. Đó là những ngày chạy đua với thiên nhiên, sự sống của người nông dân gắn chặt vào không khí bận rộn ấy. Ngày ấy cho dù tuổi còn nhỏ, ngây thơ đến đâu tôi cũng đã hiểu được thành ngữ đầu tắt mặt tối qua bước đi vấp váp, ăn miếng cơm vội vàng của cha mẹ trong đùm lá chuối trên bờ ruộng đầy bùn ngày xuống đồng. Ngày tết nguyên đán đến nơi rồi, bầu trời hoe nắng, không khí ấm lên thích hợp cho việc cấy cày, nhà nhà đổ xuống đồng cố cắm mạ cho xong sào ruộng trước tết. Nhiều năm tôi được chứng kiến xong việc ngoài đồng cũng đã chiều hai chín tết. Sáng ba muơi mẹ bắt đôi gà trống vội vàng lấp vấp đem đi chợ bán lấy tiền mua sắm, tôi lẽo đẽo theo sau. Có năm gà bán được ngay, có năm ngồi đến tận trưa vẫn chưa có người hỏi đến, cuối cùng mẹ đưa gà về, tôi buồn thiu muốn khóc, mẹ còn cười bảo năm nay gia đình ta sẽ làm thịt gà đón giao thừa, việc gì con mếu máo. Chợ tết năm ấy tôi không có quần áo mới, mẹ đi chợ về tay không, chỉ đủ tiền mua đôi mía hoa cho tôi vác trên vai lũn cũn bước theo bạn bè. Tôi buồn vậy, nhưng không hiểu được vì sao mẹ cứ cười trả lời với người khác là ở nhà sắm tết đầy đủ cả rồi, mặc dù tôi biết ở nhà chưa có gì gọi là tết, đến bó hương trầm cũng không. Những năm ấy tôi chưa hiểu được mẹ, còn oán trách. Nhưng rồi theo thời gian tôi cũng được làm mẹ, cũng tươi cười trả lời với bạn bè ở nhà sắm tết đầy đủ rồi không có chi phải lo khi có người ái ngại cho cuộc sống của mình còn nhiều thiếu thốn. Mẹ ơi, bây giờ con mới hiểu được lòng mặc cảm, tự ti của những người nghèo nhưng đầy lòng tự trọng.
  Mẹ về nhà cũng vội vàng ra ra vào vào bận rộn không khí tết với việc gói bánh và muối…dưa, làm thịt gà thì chưa vì dù sao cũng mãi đến giao thừa mới được ăn. Cũng chỉ là miếng thịt gà thôi, tôi ăn trong đêm giao thừa năm ấy, có cái cảm giác thiêng liêng đầm ấm đến rơi nước mắt khiến cứ nhớ mãi, nhớ mãi khôn nguôi khi mỗi năm tết lại về.
Tôi bây giờ được về thành phố, ngày mới nhận việc ở công sở, thấy ai cũng kêu ca bận rộn. Bản chất người nông dân thật thà nên tôi tin và lo lắng. Nhưng rồi với vị trí của mình, tôi tự sắp xếp và nhận ra công việc ở thành phố không đến mức bận rộn như người nông dân lúc vào mùa. Tiếng “bận” ở công sở còn có nhiều ý nghĩa và nên đưa vào ngoặc kép mới đúng với vai trò của nó. Ngoài vì công việc, người ta nói “bận” vì không thích chơi với nhau nữa. Người không muốn đối diện với công việc phải giải quyết mà mình có liên quan cũng phải dùng tiếng “bận”. Tôi cũng đã từng ngồi ở quán cà phê với một người có chức vụ trong xã hội, chứng kiến họ có bạn gái đã hẹn hò nên gọi báo về cơ quan và gia đình “bận lắm”. Người ta đã làm mất lòng tin nhau, không tôn trọng, không thương nhau, coi thường nhau .
Không, xin thề, tôi chỉ dùng từ “bận” đúng với ý nghĩa của nó như những người dân quê vào mùa thu hoạch.
      11-2009
 
Đàm Quỳnh Ngọc--Hội văn học Nghệ thuật Nghệ an –76 Nguyễn thị Minh Khai – Vinh . ĐT 0978 805 835