Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRONG HỘI TRƯỜNG NÓI KHÁ, NGOÀI CẦU THANG NÓI KHÁC

Bùi Hoàng Tám
Thứ hai ngày 2 tháng 11 năm 2015 8:45 AM



(Dân trí) - Tinh thần đoàn kết bắt đầu bằng sự chân thành. “Trong hội trường nói khác, ngoài cầu thang nói khác” không thể có tinh thần đoàn kết. “Bằng mặt không bằng lòng” không thể có tinh thần đoàn kết. Nể nang, né tránh, dĩ hòa vi quý, sợ mất lòng cũng không thể có tinh thần đoàn kết.

>> Trong hội nghị biểu quyết nhất trí cao, ra ngoài thì nói ngược lại...

 (Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Nói sai sự thật, thậm chí ăn không nói có, vu oan giá họa, bốc lửa bỏ tay người là những điều đã, đang và sẽ diễn ra trong đời sống xã hội của bất cứ thời đại nào.

Thế nhưng trong các cuộc họp giữa những người đồng chí với nhau, hiện tượng bằng mặt mà không bằng lòng, nói một đằng, làm một nẻo, trong hội trường nói khác, ra cầu thang nói khác… hiện nay có lẽ cũng không phải là hiếm.

Phải chăng chính vì thế, tại Đại hội hội lần thứ XVI Đảng bộ Thành phố Hà Nội, ông Trần Trọng Dực - Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội trong phần trình bày tham luận của Ủy ban Kiểm tra góp phần xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã nói:

“Tuy nhiên, hiện nay bệnh thành tích, sợ khuyết điểm đang diễn ra phổ biến. Công tác đấu tranh tự phê bình và phê bình trong một số cấp ủy và tổ chức Đảng chưa thật sự thẳng thắn. Tình trạng nể nang, né tránh, dĩ hòa vi quý, sợ mất lòng vẫn còn diễn ra dẫn đến bằng mặt mà không bằng lòng”.

Theo ông Dực, điều đó được thể hiện qua việc trong hội nghị thì biểu quyết nhất trí cao, nhưng ra ngoài thì nói ngược lại, đang làm xói mòn lòng tin đối với Đảng.

Những điều ông Dực nói rất nên lắng nghe bởi vị Công dân ưu tú Thủ đô 2015 này khá nổi tiếng bởi sự thẳng thắn và cương trực. Ông cũng chính là người đã nói về hiện tượng “công chức 100 triệu” ở Hà Nội cách đây mấy năm.

Song, những lý do ông Dực dẫn ra ở đây như “nể nang, né tránh, dĩ hòa vi quý, sợ mất lòng” có vẻ như chưa đủ.

Đành rằng có chuyện nể nang vốn là “thuộc tính” của con người Việt Nam. Chả thế, trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam không thiếu những câu như “Vuốt mặt, nể mũi”, thậm chí “Đánh người ở, trông mặt chủ nhà”…

Hiện tượng né tránh, mũ ni che tai, chủ nghĩa makeno (mặc kệ nó) cũng đang khá phổ biến. Rồi tính “Dĩ hòa vi quý”, “Một điều nhịn là chín điều lành” hay “Ngậm miệng ăn tiền” cũng không xa lạ trong đời sống hiện đại.

Thế nhưng hiện tượng “trong hội nghị thì biểu quyết nhất trí cao, nhưng ra ngoài thì nói ngược lại” liệu có phải chỉ là nể nang, né tránh, sợ mất lòng hay còn ẩn chứa những điều gì khác?

Có hay không sự mất đoàn kết, có hay không sự thiếu chân thành, có hay không sự mất dân chủ và có hay không cái mà Nhà thơ Phạm Thị Xuân Khải đã viết trong bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác” cách đây ba thập kỉ: “Đồng chí không bằng đồng tiền… Cùng chí hướng sao bầy mưu chia rẽ?”?

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đoàn kết đại đoàn kết, thành công đại thành công”. Sức mạnh của một tổ chức chính là sức mạnh của “Trên dưới một lòng phụ tử - Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Sức mạnh của một dân tộc chính là tinh thần đoàn kết, người người như một kết thành một khối vững chắc.

Trong khi đó, một trongh những sự nghiệp to lớn nhất của Đảng chính là xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Thế nhưng nếu là đồng chí với nhau mà không đoàn kết, sao nói chuyện đoàn kết toàn dân? Trong khi đó, đúng như lời ông Dực nói, sự thiếu đoàn kết chính là một trong những nguyên nhân cơ bản “làm xói mòn lòng tin đối với Đảng”.

Và muốn thế, nên chăng trước mắt hãy chấm dứt tình trạng trong hội nghị nói khác, ra cầu thang nói khác, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám