Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

2 BÀI THƠ VỚI 3 LỜI BÌNH

Đường Văn-Hoàng Dân
Thứ bẩy ngày 11 tháng 4 năm 2015 7:19 PM


TIÊN DUNG
Vương Trọng


Mảnh vải cuối cùng rời thân thể,

Nghe mơn man, ve vuốt thịt da mình.

Tiếng chim đồng khác chim vườn thượng uyển,

Gió bãi sông khác ngọn gió cung đình.

Chiếc gáo dừa úp trên nồi đất,

Cái vuông tròn, chẳng ai thấy được đâu!

Nàng căng ngực, vươn người, búi tóc,

Nghe xốn xang như được tắm lần đầu.

Gáo thứ nhất: nước vòng quanh vồng ngực,

Gáo thứ hai: nước ve vuốt eo thon;

Giữa thiên nhiên, giản dị sao hạnh phúc,

Khi thân ta thấm nước mát tự nguồn.

Gáo thứ tư, gáo thứ năm giội xuống,

Cát bãi sông dậy sắc hồng tươi!

Gáo thứ mười: hiện thân chàng Đồng Tử,

Biết nói sao, ngoài việc tạ ơn Trời!

Chàng từ cây, từ nước sinh ra,

Hay tự bãi bồi phù sa kết lại?

Thầm nghĩ vậy, nhưng nàng không hề hỏi,

Khi chàng trai đối diện: trụi trần.

Chàng khác xa quan nội giám cung đình,

Chàng trẻ trung và chàng sung sức;

Chàng là mùa xuân, em hằng khao khát,

Thịt da này, thịt da ấy cần nhau…

Câu chuyện tình truyền lại muôn sau,

Bãi Tự Nhiên vẫn màu mây thuở trước,

Ai cung cấm về đây tắm mát,

Tin một lần, may mắn gặp Tiên Dung.

1991. VT

LỜI BÌNH 1:

CUỘC GẶP GỠ THẦN KỲ

BÃI TỰ NHIÊN

HOÀNG DÂN

Có lẽ câu thơ hay nhất bài là: “Thịt da này, thịt da ấy cần nhau…”?

Tình yêu lứa đôi là gì nếu không phải là khát vọng dâng hiến tuyệt đối trong một niềm khoái cảm tột đỉnh? Đó là khoảnh khắc giao hòa âm dương kì diệu mà tạo hóa ban tặng cho con người. Sự giao hòa này là một quá trình vận động của cả phần hồn lẫn phần xác. Phần hồn là tinh thần thanh cao, phần xác là bản năng nhục cảm. Đỉnh cao của tình yêu là tình dục, tình dục là kết quả của tình yêu, là phần thưởng cho tình yêu. Nếu chỉ có “tinh thần suông” thì tình yêu sẽ chết yểu, nhưng nếu chỉ có “tình dục thuần túy” thì chỉ là súc vật. Cái lằn ranh giữa tình yêu của con người với bản năng đực cái của súc vật là cực kì mong manh; mong manh tới mức không thể xác định một cách tường minh, cơ học.

Về cái lằn ranh “không tưởng” này, nhà thơ Việt Phương cũng viết thật hay:Hôn nhau cái hôn có con người ma quỉ với thần tiên (Bỗng)

Còn nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh thì có cách nói dường như “độc bản”: Trong mê tình chỉ là tình/Tỉnh ra mới biết trong tình có dâm/ Trong mê dâm chỉ là dâm/Tỉnh ra mới biết trong dâm có tình

Trở lại câu thơ Vương Trọng: “Thịt da này, thịt da ấy cần nhau…”. Đây là cuộc tìm kiếm của một tình yêu định mệnh (hoặc tiền định), cho nên khoảnh khắc bùng nổ ở Bãi Tự Nhiên là một hành vi tự nhiên nhi nhiên!

Cuộc tìm kiếm của nàng Tiên Dung là một hành trình thử thách lòng kiên nhẫn: “Gáo thứ mười: hiện thân chàng Đồng Tử”

Vì thế, niềm hạnh phúc mà nàng được hưởng cũng vô cùng ngọt ngào, cảm động: “Biết nói sao, ngoài việc tạ ơn Trời!”. Dường như niềm hạnh phúc quá lớn, quá bất ngờ đã khiến nàng không thể thốt nên lời, nhưng thực ra nàng lại đã nói tất cả: “tạ ơn Trời”. Trời cho thịt da của nàng được giao hòa với thịt da của chàng có vẻ như ngẫu nhiên, nhưng đó là một ngấu nhiên tất yếu:

Chàng từ cây, từ nước sinh ra,

Hay tự bãi bồi phù sa kết lại?

Thầm nghĩ vậy, nhưng nàng không hề hỏi,

Khi chàng trai đối diện: trụi trần.

Cái hình hài “trụi trần” của chàng mới chính là cái hình hài của tình yêu đích thực, là cái hình hài của nhục dục thăng hoa thành khoái cảm thẩm mĩ trong tình yêu… Không có khoái cảm này, thử hỏi, người ta sống để làm gì? Nếu có ai đó vẫn sống thì chắc chắn đó là một kẻ khuyết tật về tâm hồn. Trời sinh như vậy mà không làm như vậy tức là trái tự nhiên. Qui luật của tự nhiên lại chính là ĐẠO (Lão Tử). Vậy chối bỏ ĐẠO thì chỉ còn là… quái thai mà thôi!

Thế nên, câu thơ “Thịt da này, thịt da ấy cần nhau…” thoạt nghe có vẻ đơn giản như một câu nói thường ngày, nhưng khi nằm trong trường cảm xúc của bài thơ thì nó bỗng vụt sáng để trở thành một câu thơ ám ảnh. Ám ảnh bởi nó nói đúng bản chất của “thịt da” nói riêng, tình yêu nói chung. Trong sự “trụi trần” này có cả “con” và “người”, có cả ham muốn nhục dục và khát vọng tận hiến, có cả thực và mơ, có cả tầm thường và cao cả, có cả cái khả ái và cái ghê tởm… Tóm lại, đây là bộ mặt đích thực của tình yêu, bởi trong tình yêu có tình dục, tình dục là kết quả của tình yêu, không có tình dục thì tình yêu sẽ chết yểu; nhưng nếu chỉ có tình dục thì đó là hành vi thú vật. Có thể nói, hoan lạc trong một cuộc tình tận hiến không chỉ là hoan lạc, nó còn là sự thăng hoa của những xúc cảm tiềm tàng từng bị nén chặt, bị ức chế bởi những lí do khách quan hoặc chủ quan nào đó. Những xúc cảm lứa đôi được giải phóng sẽ tạo nên một nguồn năng lượng kì diệu giúp cho lòng ham sống, ham yêu, ham hành động hướng thiện của con người có sự phát triển đột biến, khó lường.

Và do đó, muôn đời “thịt da” vẫn “cần nhau”! Còn nói toạc móng heo một cách dân dã như ca dao, thì:

Bờ sông lại lở xuống sông,

Đàn bà ngủ với đàn ông, thiệt gì?

Thạch Bàn. Trung tuần tháng 3 – 2015. HD

LỜI BÌNH 2

TỰ SƯỚNG & SƯỚNG!

ĐƯỜNG VĂN

Trong cảm nhận của tôi, nét riêng hấp dẫn người đọc hôm nay ở bài thơ Tiên Dung (viết năm 1991) vịnh truyện cổ tích Chử Đồng Tử: là những cảm giác tự sướng và sướng của nhân vật tự sự - trữ tình - nàng công chúa Hùng Tiên Dung mỵ nương, được nhà thơ nhập vai, thể hiện một cách giản dị, chân thực và khá hiện đại. Nhân vật chính trong bài thơ do tác giả chủ động lựa chọn không phải là chàng trai đánh cá cực nghèo đến mức phải tự giấu mình dưới cát, vì không còn cách nào khác, để tránh né sự việc quá bất ngờ, mà lại là cô gái lá ngọc cành vàng, tình cờ quây màn, tắm giữa bãi sông. Sự lựa chọn này cốt để phân giải những cảm giác diệu kỳ hơn cả mơ ước thần tiên mà cô gái được sông nước, thiên nhiên và chàng trai lạ do Trời ban tặng. Còn nhân vật Chử Đồng Tử ở đây, cũng là 1 dụng ý, đóng vai trò như 1 tác nhân kích thích phụ nhưng vô cùng cần thiết và hy hữu. Tác giả chỉ tả sơ hình dáng bên ngoài qua cái nhìn đầy ngỡ ngàng, xấu hổ rồi chuyển nhanh thành ngưỡng mộ, khao khát hồn nhiên của cô con gái út vua Hùng mà thôi!

Hồn cốt tự sự và trữ tình của bài thơ xoay quanh sự việc tắm ngẫu hứng của nàng công chúa tính tình phóng khoáng, yêu tự do trên bãi sông Hồng, giữa ban ngày ban mặt; cũng là một phần lõi của cốt truyện cổ tích Chử Đồng Tử. Một trong những đặc điểm riêng của bút pháp thơ Vương Trọng trong bài Tiên Dung là:

Vừa tả từ bên ngoài sự vật, vừa tả từ bên trong tâm hồn nhân vật trữ tình với hai góc nhìn cơ hồ xen kẽ nhau, nương theo từng công đoạn của cuộc tắm vô cùng thi vị.

Mảnh vải cuối cùng rời thân thể,

Nghe mơn man, ve vuốt thịt da mình.

Tiếng chim đồng khác chim vườn thượng uyển,

Gió bãi sông khác ngọn gió cung đình.

Câu 1 là 1 câu trần thuật chậm rãi từng động tác khoan thai mà dứt khoát: cởi bỏ mảnh nội y cuối cùng của cô công chúa đang thì.

Câu 2 đã chuyển sang tả cảm giác đầu tiên của toàn bộ cơ thể Tiên Dung, khi không còn vướng vít với áo, váy ngoài, trong, vướng víu, bức bối, khó chịu, để làn da trứng gà bóc được hoàn toàn tiếp xúc với nắng, với gió, với bầu trời, cánh bãi khoáng đạt, mênh mang rời rợi… Đó là cảm giác do những cái mơn man, ve vuốt của thiên nhiên hào phóng mang lại.

Cảm giác gì và như thế nào? Không rõ, mà chỉ được kín đáo gợi ra bằng biện pháp so sánh gián tiếp sự khác của âm thanh tiếng chim nơi đồng bãi bên sông và tiếng chim quý trong vườn thượng uyển ở kinh đô Phong Châu, giữa ngọn gió nơi đây ràn rạt lướt qua bãi ngô biêng biếc và ngọn gió cung đình thổi qua những lầu son gác tía. Tiếng chim đã lạ, đã khác; ngọn gió càng lạ, càng khác hơn. Nhưng lạ, khác ra sao? Không phải tác giả không tả nổi mà chính vì nhân vật trữ tình lúc ấy không lý giải nổi! Chỉ mơ hồ cảm thấy rất lạ, rất khác. Thế thôi! Nhưng chính vì thế mà lần đầu tiên, nàng thức nhận cảm giác sung sướng vô bờ, khoan khoái, miên man trong cái khoái cảm lần đầu tiên được khỏa thân giữa trời cao đất rộng. Cảm giác tự sướng không thể nói nên lời, bằng lời!

Chiếc gáo dừa úp trên nồi đất,

Cái “vuông tròn”, chẳng ai thấy được đâu!

Nàng căng ngực, vươn người, búi tóc,

Nghe xốn xang như được tắm lần đầu.

Câu thơ đầu khổ 2 đơn thuần tả hai cái đồ dùng phục vụ cho việc tẩm hoa của Tiên Dung. Nó chỉ giúp cho người đọc hình dung một phần đời sống sinh hoạt đơn giản của bậc công nương quyền quý thời Văn Lang xa xưa.

Câu 2 tả cái vuông tròn (mỹ từ kín đáo chỉ cái AH, CM của cô gái thanh tân) trong cái nhìn xuống ngắm nghía, tự thưởng thức vừa e thẹn vừa ngầm tự hào về sắc đẹp và tuổi trẻ của mình.

Cụm từ chẳng ai thấy được đâu diễn tả thật hệt ý nghĩ ngây thơ, nhí nhảnh của cô gái trong trắng Tiên Dung.

Câu 3 lại tách ra tả 3 động tác mạnh và gọn gàng nối nhau: căng ngực, vươn người, búi tóc mà mỗi động tác đều thể hiện sắc đep, sức trẻ, một phần tính cách mạnh mẽ của người con gái đang chuẩn bị tắm.

Câu 4 lại nhập hòa vào trái tim của thiếu nữ để nghe cho được cái xốn xang của cơ thể và tâm hồn như được tắm lần đầu. Tại sao lại được tắm lần đầu? Ấy chính là vì với Tiên Dung, đây là lần đầu tiên trong đời, nàng được tắm trong một không gian thoáng đãng, bát ngát và tự do như thế này. Không cần buồng the quây trướng hồng, chẳng cần thang lan tẩm hoa (Truyện Kiều)… Chỉ cần 1 chiếc gáo dừa, 1, 2 cái nồi đất đựng đầy nước phù sa sông Cái, bãi cát Tự Nhiên và mấy vuông màn nhẹ thoáng … là đủ làm cơ thể sạch sẽ, thơm tho, tuyệt vời, đủ xốn xang cả đầu tóc, thịt da,… tự sướng không bút nào tả xiết!

Đến đây, cảm giác sướng khoái so với khổ trên đã tăng thêm 1 bậc. Từ mơn man, ve vuốt bên ngoài đã chuyển vào thành cái xôn xao lay động, náo nức bên trong.

Khổ thơ thứ 3 và 2 câu đầu khổ thứ 4 đặc tả từng động tác dùng gáo dừa múc nước từ nồi đất, dội lên từng bộ phận cơ thể, từ trên xuống dưới. Dội đến đâu, nước chảy tới đâu, sướng lipbaga, lịm người tới đó. Tác giả cố ý dềnh dàng đếm từng gáo nước bằng thủ pháp tưởng tượng nhập vai: gáo thứ nhất, gáo thứ hai, ba, tư… Như cảm thấy đôi cánh tay trần thon thả, nõn nường, trắng ngần, đôi bàn tay óng ả với mười ngón búp măng trắng hồng, múc, dội, cọ, kỳ, xoa, xát, vỗ, đập… đôi chân dài nuột nà, bộ ngực chũm cau ngầu bọt bồ hòn phập phồng, cặp mắt phượng lim dim vì chói nắng…Tưởng như nghe tiếng nước dội, tiếng xuýt xoa, hít hà, tiếng thở dài khoan khoái, khi được đón từng gáo nước mát lạnh vòng quanh vồng ngực, ve vuốt eo thon

Tuy nhiên 2 câu: Giữa thiên nhiên…tự nguồn tả cảm xúc, cảm giác có phần chung chung, hơi bị trừu tượng và khuôn sáo.

Đến 2 câu đầu khổ 4 lại hơi bị khó hiểu. Tại sao đến gáo thứ 4, thứ 5 dội xuống thì cát sông lại dậy sắc hồng tươi? Cát vốn hút nước rất mạnh. Nước không thể đọng vũng, soi bóng làn da trắng hồng và hình dáng người tắm như cái gương trời! Vậy thì cát dậy sắc hồng tươi vì cái gì? Hay là ánh nắng trời soi chiếu trên mặt cát? Câu thơ vô lý và khó hiểu (tối nghĩa)?!

Câu thứ 3: Gáo thứ mười, hiện thân chàng Đồng Tử, kể động tác và sự việc khô khan vì chưa nói được khoảnh khắc bất ngờ, đột ngột kỳ lạ ấy. Phải tới câu tiếp sau mới tả được cái cảm xúc khó tả đến ngây ngất không biết nói gì, làm gì ngoài việc lạy tạ trời đất đã ban cho cuộc gặp gỡ kỳ diệu bậc nhất trên thế gian này.

Chàng từ cây, từ nước sinh ra,…/Chàng trẻ trung và chàng sung sức;

Tôi cảm nhận 2 khổ thơ thứ 5 và 6 hơi vụng và mang màu sắc hiện đại hóa trong diễn tả nội dung ý nghĩ thầm kín của Tiên Dung, khi cô lặng người, ngắm chàng trai lạ cũng trần trụi như mình nằm co ro, tênh hênh trên cát. Nhưng tới 2 câu:

Chàng là mùa xuân, em hằng khao khát,/ Thịt da này, thịt da ấy cần nhau!

thì sự vụng về và hiện đại hóa ấy đã được thay thế bằng cảm giác nhục thể chân thành và tất yếu, thầm kín và mãnh liệt, có dịp được bộc lộ công khai, trọn vẹn trong thoáng chốc. Tôi không cho rằng câu: Thịt da này, thịt da ấy cần nhau là câu thơ hay nhất trong bài như cảm nhận của Hoàng Dân mà chỉ thấy đó là câu thơ rất thật thà, bộc trực, thể hiện một tâm hồn thiếu nữ trẻ trung, căng tràn sức sống và khao khát tình yêu, thỏa mãn tình dục… mà thôi!

Rõ ràng cảm giác tự sướng 1 chủ thể đến đây đã biến thành sung sướng của hạnh phúc có đối tác lý tưởng mà cụ thể, hiện hữu mà như mơ. Cảm giác ào ạt, trào dâng và sẵn sàng dâng hiến, phối kết, giao hoan, rồi sẽ tình nguyện trao thân gửi phận… gắn bó suốt đời giữa hai cá thể người ngẫu nhĩ (tình cờ) gặp nhau, như một tất yếu không thể khác. Đó là đỉnh điểm khoái lạc tình yêu, đỉnh Vu Sơn hạnh phúc trần thế của CON NGƯỜI mọi thời và mọi nơi trên trái đất.

Thật ra, cực tả cảm giác tự sướng và sướng đến như thế, bài thơ đã có thể kết thúc khá trọn vẹn, mỹ mãn mà vẫn còn gây cảm giác thèm thuồng cho người đọc. Bởi vậy, khổ cuối, theo ý tôi, cũng không nói được gì thêm ngoài chức năng khép lại bài thơ vịnh nhân vật cổ tích truyền kỳ có hậu bằng sự liên tưởng xưa nay, nhập hòa thực - mơ về câu chuyện tình yêu và hạnh phúc của những chàng Đồng Tử và những nàng Tiên Dung trên cánh bãi phù sa Tự Nhiên sông Hồng thuộc làng Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia lâm, Hà Nội, thời @.

Cuối cùng, vượt ra ngoài chủ định của cả người kể chuyện dân gian xưa và nhà thơ hiện đại họ Vương, câu chuyện cổ tích huyền thoại về một trong Tứ thánh bất tử cũng như bài thơ vịnh nàng công chúa quyết tâm gá nghĩa với chàng trai đánh cá bên sông Hồng, là cảm giác tự sướng và sướng khoái vô biên do sự tắm rửa mang lại – Khoái tắm. */.

* Đọc thêm bài tản văn Khoái sau Tứ khoái (Lê Dụ) trong phần I, sách Khúc khích trong chăn (Hoàng Dân chủ biên, 2014 – 2016)

Đêm 11 – 4 – 2015. ĐV

THỊ MẦU

VƯƠNG TRỌNG

Yếm đỏ buông lơi, núng nính cửa chùa,

Mắt lá liễu liếc đứt lời niệm Phật;

Bóng nắng tưởng táo chua ai rắc,

Lá khô dày, nhắc chiếu trải ổ rơm…

Chân bước đi, lưng đã muốn nằm,

Áo đang mặc, tay bao lần muốn cởi;

Thầy Tiểu ơi! Niết Bàn xa vời vợi,

Hạnh phúc thật gần, hạnh phúc ở em đây!

Từng tìm trong cõi tục, chẳng gặp Thầy,

Thì lần đến cửa thiền, không thể khác!

Má nóng bừng, đôi môi cháy khát,

- Vứt dùi, mõ đi, nắm cổ tay em!

- Đứng lên nào! Gác Mô Phật một bên,

Lời kinh kệ sánh với em sao được?

Em đang ngã và em đang chết,

Cứ tránh hoài, em biết vịn vào đâu?!

Sân chùa quay, tán đại nghiêng chao,

Chới với bàn tay, chới với lời liều lĩnh,

Nếu chú tiểu chẳng là Thị Kính,

Người đời sau sao hiểu được Thị Mầu?!

1995. VT

LỜI BÌNH 3:

NGƯỜI ĐỜI SAU

SAO HIỂU ĐƯỢC THỊ MẦU?!

ĐƯỜNG VĂN

Xưa nay, từng đã có không ít người làm thơ vịnh một trong những nhân vật đào lệch, đào lẳng nổi tiếng nhất trong vở chèo cổ dân gian Quan Âm Thị Kính: Thị Mầu trong cảnh Mầu ghẹo Tiểu Kính Tâm trên chùa. Tôi cho rằng bài vịnh Thị Mầu của Vương Trọng là bài thơ hay, có duyên; để lại ấn tượng trong cảm xúc người đọc vì nhà thơ xác định được đúng hướng tiếp cận và có những suy nghĩ, bình luận (cố nhiên, bằng hình ảnh thơ, khá mới mẻ và sâu sắc).

Có những ý kiến dài miệng chê bai Thị Mầu lẳng lơ, đĩ thõa, lên chùa xấn xổ, sỗ sàng cợt ghẹo cả sư. Bị tiểu Kính Tâm từ chối quyết liệt, Mầu thất vọng ê chề, đành về nhà dan díu với gã trai cày - thằng ở. Hoang thai (tại sao lại hoang, khi cả làng biết rõ nó là sản phẩm của Nô?!) Thật nực cười và cố ý! Còn Thị Kính giả trai đi tu thì khổ ơi là khổ, oan ơi là oan, thương ơi là thương, xót sao mà xót!... Nhưng đó là cách cảm hiểu về những chuyện, những nhân vật với cảm xúc cũ mèm, từ lâu đã thành khuôn sáo cho 1 lối cảm luận, phân tích, bình phê hời hợt, giản đơn, thậm chí mang nặng tư tưởng thành kiến giai cấp. (Thị Mầu là con gái Phú ông – nhà giàu ở nông thôn, thuộc thành phần bóc lột, chỉ dưới địa chủ!)

Ngược lại, cũng có những ý kiến hoàn toàn đồng tình, ca ngợi cô Thị Mầu – con gái Phú ông liều lĩnh nổi loạn, do bản năng dục tình tuổi trẻ chi phối dẫn đến sự làm liều, bất chấp hậu quả, trơ trẽn, trắng trợn, dám thách thức tất cả, chỉ để được thỏa cái ấy chuyện ấy! Nương theo triết lý dân gian cùng hành vi gái quê:

- Lẳng lơ cũng chẳng hao mòn/Chính chuyên cũng để sơn son mà thờ!

- Ba cô đội gạo lên chùa/Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư. (Ca dao)

Thị Mầu có lẽ là cô yếm thắm đa tình, táo tợn ấy chăng?! Xét cho cùng, Thị Mầu hạnh phúc hay Thị Kính hạnh phúc?

Thị Kính được tiếng hiền thục, chăm ngoan, thủy chung nhất mực, lại xinh đẹp, dịu dàng. Vậy mà trong 1 thời gian ngắn 2 lần chịu án oan: án cầm dao giết chồng và án hoang thai. Ấy là chưa kể tội giả trai vào chùa đi tu, lừa sư, lừa Phật và tự mắc cái vạ vịt, phải chòn chõn nuôi đứa trẻ sơ sinh mà mẹ đẻ của nó cố tình bỏ rơi trước sân chùa để đổ diệt tiếng dâm ác cho chàng Tiểu giả quá vụng về ứng xử. Cuối cùng, sao bao thử thách trầm luân, oan trái, Thị Kính tu nên chính quả, thành Bồ Tát Quan Thế Âm nghìn mắt nghìn tay, thần thông quảng đại, ngồi tòa sen Niết Bàn ở Lạc Già Sơn, đời đời chuyên chú cứu nhân độ thế. Nhưng rút cục vẫn là người đàn bà có chồng mà chẳng có con, bị chồng đổ riệt tiếng oan mà không thể thanh minh. Chuyện thành Phật Vô lượng là ước mơ khát vọng ở hiền gặp lành trong tâm thức dân gian và theo Phật thoại tuyên truyền cho giáo lý Phật giáo mà thôi! Nói cách khác: Thị Kính suốt đời không có hạnh phúc. Cuối đời chỉ đạt hạnh phúc trong giấc mơ tôn giáo hão huyền!

Còn con gái Phú ông tên là Mầu Thị, tư tình ngoại ý, đến có hoang thai (lời rao làng của vợ mõ Mới - mẹ Đốp)… bị đem ra ngả vạ giữa chốn đình trung. Mầu cũng chỉ bị làng phạt theo lệ làng. Xong chuyện, vẫn sống yên ổn trong nhà bố mẹ giàu có. Rồi chắc sẽ được gả bán cho một gã đàn ông nào đó và sống tiếp cuộc đời người vợ, người mẹ, người bà… cho đến mãn chiều xế bóng nơi thôn ổ êm đềm.

Xem chèo Quan Âm Thị Kính, người ta cười và thích Thị Mầu, thương và phục Thị Kính. Vì sao vậy? Bởi vì Thị Mầu là thực. Thị Kính là mơ. Thị Mầu là Đời. Thị Kính là Đạo. Thực - mơ cùng tồn tại trong đời sống tâm hồn, tâm linh, hàm chứa nỗi niềm khát vọng hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình của người nông dân nghèo Việt Nam xưa… Ở đây có cái duyên và cái phận. Đạo, đời cũng phải tùy duyên, tùy phận như Thiền sư Trúc Lâm Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã viết: Cư trần, lạc đạo phải tùy duyên.

Trở lại bài thơ Thị Mầu của Vương Trọng. Tôi cho rằng cái nút của bài thơ này thể hiện ở 2 câu cuối:

Nếu chú tiểu chẳng là Thị Kính,/Người đời sau sao hiểu được Thị Mầu?

Chọn cấu trúc giả định, giả thiết – kết luận theo công thức ngôn ngữ (nếu A thì B) và phủ định – nghi vấn (chẳng A – sao B?) để nêu và bình luận 1 nghịch lý – sự thật trong thực tế và trong nghệ thuật. Vô lý trở thành có lý. Khó hiểu trở nên dễ hiểu. Đó là cái thìa khóa để người xem, người đọc mở ra, tìm hiểu đúng bản chất nhân vật Thị Mầu và hiện tượng Thị Mầu, vấn đề Thị Mầu trong cuộc sống đời thường.

Bây giờ ta thử kiểm nghiệm bằng cách đặt một giả định ngược lại: Nếu chú Tiểu là 1 chàng Văn Kính (?!) (nam giới) thực sự thì người đương thời và đời sau tất sẽ chẳng hiểu nổi Thị Mầu!? Nghĩa là có thể một Tiểu đàn ông thứ thiệt nào đó sẽ rất có thể xiêu lòng và sa ngã trước sự tấn công dồn dập, bão táp của ả gái dở đi rình của chua Thị Mầu. Chàng nếu không bị biến thành con nhái (theo truyện dân gian Sự tích con nhái) thì cũng sẽ bị đuổi ra khỏi chùa, cấm lai vãng cửa Phật môn, bắt hoàn tục, về đi cày, trong sự nhục nhã ê chề của cha mẹ, họ hàng, làng xóm. Thị Kính nhất định phải là gái giả trai thì mới có cơ hội và lý do chính đáng xảy ra hoạt cảnh bi hài kia.

Trước hết, để Thị Kính hiểu và đồng cảm, xót xa, thương cho khát vọng, tình cảm của người bạn cùng giới đặt lầm chỗ cũng như thương cho chính thân phận mình, khát vọng hạnh phúc của bản thân mình buộc phải từ bỏ mãi mãi để nương mình nơi cõi Phật cốt minh oan cho cái án giết chồng thì lại có nguy cơ ụp vào cái oán hủ hóa dâm bôn – giới luật đầu tiên bị Phật đạo cấm ngặt. Mặt khác, nếu chú tiểu có là 1 gã đàn ông khỏe mạnh và đa tình khác, ắt Mầu không phải thất vọng trở về, tìm đến thằng ở nhà mình mà gian díu, thông dâm. Phải là Tiểu Kính Tâm đẹp trai ngời ngời mà lòng dạ thẳng băng, trơ trơ như gỗ đá, mới có dịp để Mầu hăm hở trổ hết tài năng quyến rũ: bằng ánh mắt đong đưa, lúng liếng sắc như dao, lời nói ngọt ngào, sóng sánh như mật, nụ cười môi thắm, răng trắng ngọc ngà mời mọc, 5 ngón tay búp măng nõn nà xòe, phẩy quạt, áp sát như muốn quạt cả làn hương gái tân hừng hực, đánh thức con đực khỏe mạnh; trong điệu dân vũ nhịp nàng, dồn dập, váy áo bay tung, dải thắt lưng xanh phấp phới, quấn quyện ngay trên đầu chú tiểu trẻ đang ngồi gõ mõ, niệm kinh, chịu trận như hóa đá… Tóm lại, nàng Mầu trổ hết công năng, tài sức của 1 con cái đang thì, đang mùa động dục để mồi chài con đực cùng vào cuộc giao hoan. Kính Tâm càng ngồi đều đều, liên hồi gõ mõ, niệm Nam mô Adiđà Phật, vẻ mặt càng cố tỏ ra bất động, lạnh lùng, vô cảm bao nhiêu thì cơn sóng tình, sóng dục của Thị Mầu càng ào ạt, bùng lên dữ dội bấy nhiêu. Mầu càng biến hoá chiêu thức tấn công, quyết lòng chinh phục thầy tiểu đẹp trai, xuân sắc… Và nghệ thuật ca vũ chèo cũng thăng hoa ở đó.

Tôi cho rằng đây là 1 lớp - cảnh đẹp nhất, trữ tình nhất, bay bổng nhất, giàu tính kịch nhất của vở chèo Quan Âm Thị Kính. Rõ ràng, trong hoàn cảnh cụ thể này, nhân vật Thị Mầu, đáng trách thì ít, đáng thương thì nhiều, thậm chí rất đáng đồng cảm, ca ngợi. Ca ngợi sắc đẹp mặn mòi, sắc sảo đã đành, ca ngợi cái tinh thần và bản lĩnh dám sống, dám liều mình lao tới, quyết giành lấy tình yêu, hạnh phúc, khát vọng được hưởng hạnh phúc lứa đôi mãnh liệt và chính đáng của người con gái thanh tân khỏe mạnh, yêu đời. Có điều trớ trêu là nàng lại vô tình nhắm vào 1 đối tượng trái khoáy không thể ngờ: một chú tiểu trên chùa đang dốc lòng tu hành, cố dứt duyên trần (ấy là chưa kể đó lại là 1 người cùng giới với nàng!).

Mấu chốt căn nguyên bi hài kịch nơi cô Thị Mầu là ở đó. Chỗ sâu sắc, mới lạ của tứ thơ trong bài thơ Thị Mầu của Vương Trọng, theo tôi, cũng xuất phát từ đó.

Từ câu đầu, trở xuống 4 khổ rưỡi - 18 câu trên, trong cảm nhận của tôi, chỉ là sự thơ hóa, vần, nhịp hóa một cách khéo léo, hiện đại những lời nói, cử chỉ, hành động và tâm trạng của Thị Mầu trong quá trình lúc thì nhập thân vào nhân vật trữ tình, lúc lại lùi ra luận bình, cảm thán. Có những câu thơ, khổ thơ duyên dáng, gợi cảm ý nhị, giọng tình xao xuyến, diết da, lời tán giai ngọt như mía lùi, sát sàn sạt, khi bày tỏ, lúc gọi mời, lúc lại như thở than, hờn dỗi. Chẳng hạn:

Thầy Tiểu ơi! Niết Bàn xa vời vợi/Hạnh phúc thật gần, hạnh phúc ở em đây!

…Má nóng bừng, đôi môi cháy khát,/- Vứt dùi, mõ đi, nắm cổ tay em!

- Đứng lên nào! Gác “Mô Phật” một bên,/Lời kinh kệ sánh với em sao được?

Em đang “ngã” và em đang “chết”,/Cứ tránh hoài, em biết vịn vào đâu?!

3 động từ, ngã, chết, vịn đều lấp lánh 2 lớp nghĩa cụ thể và đục mờ. Động từ vịn sử dụng thật diệu nghệ vừa thể hiện động tác của bàn tay Thị Mầu rất muốn đặt nhẹ (vịn) lên vai Tiểu Kính vừa bộc lộ tâm trạng tha thiết muốn được yêu, được chở che, nương tựa vào người con trai. Dù mạnh bạo, cứng cỏi đến đâu thì Mầu vẫn là cô con gái mới qua tuổi trăng tròn. Nhưng nhìn chung, chẳng qua vẫn là sự cụ thể hóa, hiện đại hóa một cảnh diễn trên sân khấu, sự dựng lại cảnh vật và tâm trạng nhân vật một cách khéo léo, có nghề, bằng ngôn từ thi ca mà thôi.

Tuy nhiên, 3 câu: Hạnh phúc thật gần, hạnh phúc ở em đây! … Em đang ngã và em đang chết/Cứ tránh hoài, em biết vịn vào đâu! Là những câu thơ khá tài hoa, tinh tế trong biểu hiện tâm lý nhân vật chứ không phải thật sắc sảo hay mới lạ về hình ảnh, ngôn từ biểu đạt.

Đọc Thị Mầu của Vương Trọng, thấy cảm thông, yêu thương hơn cô gái Việt xinh ròn, lẳng tít, táo bạo Thị Mầu, càng chạnh lòng xót xa, khâm phục cô gái hiền xinh, đầy nghị lực và lòng vị tha Thị Kính trong vai giả trai Tiểu Kính Tâm, và dĩ nhiên, càng tự hào hơn về vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính trong niềm quý trọng, thiêng liêng những khát vọng tình yêu, hạnh phúc của con người./.

* Đọc 2 bài thơ vịnh Tiên DungThị Mầu của Vương Trọng ở phần Phụ lục, sách KKTC; tr. ………….)

Chiều mưa xuân 7 – 4 – 2015. ĐV