Hôm Chủ Nhật, 9/11/2014, tôi có một chuyến "ăn theo" mấy cô em, chú em xuống nhà đôi vợ chồng Facebook Hải Âu & Huấn Nguyệt Nguyên, thành phố Hưng Yên chơi sau đó là đi thăm một vài địa chỉ văn hóa của một vùng quê nổi tiếng: “Thứ nhất Kinh Kỳ thứ nhì Phố Hiến” xưa.
Đầu tiên, được hai nhà giáo Nguyệt Huấn & Quốc Dũng dẫn vô thăm chùa Chuông (Kim chung tự) tọa lạc trên khu phố Nhân Dục, phường Hiến Nam. Một ngôi chùa tĩnh lặng, sân chùa, vườn chùa vẫn giữ được những nét cổ kính trang nghiêm chứa chan hồn Việt bởi nó chưa bị pha tạp văn hóa ngoại lai là mấy. Hai cây nhãn cổ thụ đứng sau hai bên cổng chùa (tam quan) lô nhô, sần sùi những cục bướu mốc thếch màu thời gian mính chứng cho sự cổ thụ của mình. Cây cầu đá xanh bằng, không lan can, tay vịn bắc qua cái hồ chữ nhật với hai cây hương đá cao, đứng hai bên như đón chào du khách tham quan. Mái chùa lợp ngói âm dương ba 300 năm rồi vẫn phẳng lì dàn đêu ra hai đầu mái với những đầu đao cong vút hình rồng đang cất mình phun mưa về bốn phía chứng tỏ sự uy linh của trời đất làm mưa tưới cho muôn cánh đồng xung quanh.
Đào cò cũng là một cảnh quan đẹp, tuy lúc chúng tôi đền không một bóng có đậu nhưng theo những ngưởi dân ở quanh đó cho biết chừng 4 đến 5 giờ chiều cò đi kiếm ăn về đậu trắng nhưng cây cao cây thấp trên đảo tạo cho phong cảnh nơi đấy những buổi hoàng hôn sinh động. Không chờ được đến chiều nhưng trong đầu chúng tôi đều tưởng tượng ra “hòn” đảo kia chiều nay sẽ trắng cò bay, cò đậu… vui!
12h, được vợ chồng chủ FB Huấn Nguyệt & Hải Âu “tặng” đoàn một bữa ăn trưa.
Lúc ở nhà ra đi thầm nghĩ: hôm nay đến Phố Hiến sẽ được ăn một bữa cơm rau muống chấm tương Bần thú vị. Hóa ra lại là một bữa… “tương Bần rau muống hóa thành gà Mạnh Hoạch, cả xôi và miến” để vừa ngồi ăn vừa ngắm mưa, vừa chuyện trò, đọc thơ, chụp ảnh và cùng nhau cười thoải mái… vui cho đến hơn 14h mới lên xe đi thăm cây nhãn tổ gần 400 tuổi tọa lạc giữa sân chùa Hiến, phố Hiến Hạ.
“Chùa Hiến Hạ còn có tên gọi “Thiên Ứng” là niên hiệu của vua Trần Thái Tông (1232 – 1250). Tương truyền chùa được khởi dựng vào cuối thời Lý, đầu thời Trần. Trải qua nhiều lần tu sửa, ngôi chùa vẫn giữ được những nét kiến trúc nghệ thuật thời Lê đan xen Nguyễn. Chùa Hiến được xây ở hướng Nam, là hướng "bát nhã", trí tuệ của nhà Phật, có bố cục kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc”, gồm tiền đường, thiêu hương, thượng điện và ba mặt là hành lang. Giữa thượng điện là tượng Quan Âm Nam Hải ở thế ngồi, có tám đôi tay, bố trí đăng đối. Đầu tượng đội mũ chạm hoa cúc, sen, phù dung. Phía trước là tượng tứ vị bồ tát ngồi trên tòa sen, khuôn mặt đầy đặn, trang nghiêm. Các pho tượng này đều có niên đại thế kỷ 19…”. “Bên cạnh chùa Hiến là đình Hiến, hay còn gọi là đình Hoa Dương, đình tôn thờ vị thành hoàng làng Mậu Dương là quan thái giám họ Du thời nhà Tống. Ông là người từng phục vụ nhiều năm trong triều đình nhà Tống, có công trong việc khởi sự việc phụng thờ bà Dương Phi (Đền Mẫu, Quang Trung, thành phố Hưng Yên). Đặc biệt, ông đã có công lao hướng dẫn nhân dân trong làng làm nghề buôn bán, canh nông, trồng trọt, đánh cá, nhân dân nhờ vậy mà sống ấm no, hạnh phúc.
Đình Hiến được xây dựng vào cuối thế kỷ 13, mang đậm phong cách nghệ thuật hậu Lê với kiểu kiến trúc chữ đinh, gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung. Lễ hội hàng năm được tổ chức vào ngày 10 tháng 3 âm lịch để nhân dân và du khách thập phương đến vãn cảnh chùa và đình Hiến thể hiện tín ngưỡng tâm linh...”(theo trang Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch).
Mấy khi được đứng trước cây nhãn tổ nên mọi người hăng hái đội mưa tiến vào sân chùa. Rồi máy ảnh, điện thoại, ipad nhoay nhoáy vòng quanh cây nhãn người nào người ấy túi bụi chụp, quáy clip quên cả mưa rơi ướt đầu, ướt tóc.
Điểm tham quan tiếp đến là đền Thánh Mẫu. Khi bước xuống xe đã nghe trong đến vọng ra tiếng hát chầu văn ngọt ngào trầm bổng; tiếng trống, tiếng đàn như gọi như vẫy, hút mọi người vào đền quên luôn cả việc ngắm cảnh như lệ thường khi thăm những nơi khác.
Đúng là trong đền đang có một cuộc lên đồng mà dân gian còn gọi hầu bóng.
Hút theo tiếng đàn hát, đi qua cổng, qua sân, băng qua tiền điện, ngó vào hậu điện. Trong đó đang xún xít người xem, người chờ xin lộc Mẫu. Trên một cái bề khá to một đồng cô béo mập vận bộ đồ hầu màu chàm, đầu đội chiếc khăn hầu, cũng màu chàm tết hình rẻ quạt, các nếp gấp đước gắn nhưng chiếc dải, tua xanh, đỏ, tím, vàng lóng lánh. Mỗi khe ngón tay “cô” kẹp chặt một ngọn nến, vị chi hai bàn tay là sáu ngọn nến đang cháy. “Cô” thanh thách hết chồm lên rồi lui lại, quang sáng phải múa, ngoảnh sang trái múa, miệng lúc hú, lúc la: hú ú…! Hây ây… nghe như tiếng vượn thời tiền sử vọng về. Rồi “cô” đưa sáu cây nến đang cháy cho hai người phụ đồng bên cạnh cắm lên ban thờ trước mặt cũng đang đèn nến khói hương nghi ngút. Bỗng “cô” chỉ vào một đĩa tiền giấy một nghìn đồng ý bảo đưa cho cố. Người phụ đồng nhanh nhảu bê đĩa tiền đưa dâng. “Cô” bưng đĩa tiền chao đi chao lại rất khéo léo nên chẳng đồng tiến nào rơi. “Điệu “ múa tiền hình như đã được các vị thánh thần ứng lộc, thế là “cô” bốc tung cao từng nắm lên tận mái ngói bay lả tả về phía con nhang để tử cho họ bắt, họ nhặt, họ vồ lộc thánh để chia nhau.
Tiện đây cũng xin sơ qua một chút về văn hóa đống bóng ở Việt Nam.
Theo như trang mạng Vikipedia thì: “Lên đồng hay còn gọi là hầu đồng, hầu bóng, đồng bóng là một nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng dân gian (dòng Saman giáo) của nhiều dân tộc, trong đó có tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Về bản chất, đây là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các tín đồ Saman giáo (ông đồng, bà đồng). Người ta tin rằng các vị thần linh có thể nhập hồn vào thân xác các ông đồng, bà đồng nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các con nhang, đệ tử. Khi thần linh nhập đồng thì lúc đó các ông đồng, bà đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần nhập vào họ…”
Thôi thì việc tín ngưỡng là quyền tự do của mỗi người không dám bàn gì ráo. Chỉ có điều băn khoăn rằng: hai điểm văn hóa nổi tiếng ở phố Hiến hiện nay được hàng triệu người coi là chốn linh thiếng - đền Mẫu và đình Hoa Dương?
Từ hôm đến đó tham quan về, do tính tò mò, kẻ này cứ “khúc mắc” một điều: đến Mấu là nơi thờ Dương Phi người nhà Tống TQ. Mỹ nhân họ Dương đời nhà Tống sao lại thờ ở Việt Nam như một đức thánh Mẫu, ngang tầm với thánh Mẫu Âu Cơ, Liễu Hạnh, Tiên Dung, Ỷ Lan…? Theo truyền thuyết địa phương thì Dương Phi cùng bầu đàn thê tử nhà Tống bị quân Nguyên Mông truy đuối gắt gao nên đã xuống thuyền ra biển lạnh nạn sang nước ta. Lúc lênh đênh trên biển, một là do bão làm đắm thuyền, hai là do một cuộc tự tử tập thể của vua tôi nhà Tông khi chạy loạn. Thi thể Dương Phi trôi ngược dòng sông Hồng dạt vào vùng sông phố Hiến, được người dân ở đây vớt lên chôn cất trên khu đất đền Mẫu hiện nay, Và sau đó viên quan hoạn họ Du nhà Tông cũng lạnh nạn giặc Nguyên lang thang đến đất Hiến ngụ cư, rồi ông ta dạy cho dân làng ở đây cách buôn bán, trông lúa, trồng hoa màu, bắt cá làm vùng đất này trở nên trù phú, người người, nhà no đủ…? Xin nêu một thắc mắc: vậy thì trước khi viên quan hoạn họ Du tới đây ngụ cư, dân chúng vùng này chưa biết buốn bán, trồng lúa và bắt cá sông Hồng ư? Vậy thì họ làm gì để ăn, để đánh giặc thời Đinh thời Lý!? Và cái xác phụ nữ chết trôi người nhà Tống từ biển đông trôi ngược dòng sông Hồng lên mãi vùng đất Hiến này mới dạt vào ư? Nghe cứ như chuyện lạ mãi tân bên Tàu, bên Ấn Độ! Hóa ra người dân chịu thương chịu khó của vùng đất màu mỡ văn Hiến này gần cả nghìn năm nay thờ mẹ Tàu chết trôi(!).
Qua đây mới thấy nước Nam mình thờ thần thờ thánh bát nháo chi khươn nhất thế giới! Trong thực tế thì có ông Phật bà Phật nào sinh ra ở VN đâu? Ngay bà Chúa Ba ở chùa Hương Tích cũng là người TQ? Có phải do người nước Nam mình không sinh ra được thần, thánh có tầm cỡ nên đi rước cha vơ chú mượn về thờ cho có nhiều lễ hội làm chơi,
Theo trang báo điện tử VnExpress ngày 18/2/2014 thì Việt Nam mỗi năm có 8.000 lễ hội. Còn trang ViệtBáovn ngày 18 tháng hai năm 2005 thông kê tỉ mỉ rằng Việt Nam mỗi năm có 8902 lễ hội. Trang này viết rõ từng loại lễ hội: “(TPO) Theo thống kê năm 2004 của Cục Văn hóa Thông tin cơ sở, Bộ Văn hóa Thông tin, cả nước có 8902 lễ hội trong đó có 7005 lễ hội dân gian truyền thống , 1399 lễ hội tôn giáo, 409 lễ hội lịch sử cách mạng và 25 lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam...”.
Mươi năm trở lại đây ở một số nơi thờ tự có hiện tượng mấy bác nhà giàu cung tiến vô đình, chùa, đền, miếu những đôi sư tư tử Tàu trông dữ dằn? Ơ hay, mấy bác ấy không hiều gì về văn hóa thờ cúng của người Việt mình chi cả. Xưa, nay cha ông chúng ta đâu có đặt hai ông kễnh này trước đình, chùa? Đó là linh vật thuộc văn hóa mồ mả của người Tàu. Các nhà giầu TQ họ đặt sư tử để canh mộ hoặc trấn trạch nơi lăng mộ nhà họ. Vậy mà Việt Nam mình lại đem con vật này đặt ở cửa đình, cửa chùa, đền, miếu là sai văn hoá và phong tục Việt…Thiệt đúng là một đất nước nghèo vậy mà thờ cúng lung tung đến là mênh mang. Thờ hết ông đùng bà đà thờ ra anh đánh giậm, thờ bà chết trôi, thờ đôi sọt hót phân, thờ cả bị gậy thằng ăn mày… để mà hội hè chí cháp quanh năm… Hu hu…!
Hoàng Xuân Hoạ