Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Góc nhìn về tình yêu trong "Cát nơi đảo xa"

Hạnh Phương
Thứ ba ngày 25 tháng 11 năm 2014 8:16 AM

Hạnh Phương

Tôi viết bài này trong những ngày đầu tiên trở thành sinh viên khoa Sử của một trường Đại học lớn nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thực ra, ý định bày tỏ cảm nhận của mình đã đến với tôi ngay từ khi đọc xong cuốn tiểu thuyết CÁT NƠI ĐẢO XA của tác giả Trần Ngọc Dương. Mặc dù dạo đó tôi rất bận, đang dồn hết tâm lực cho cuộc thi vào Đại học.
Ngay từ những ngày đầu học phổ thông Trung học, tôi đã chọn cái chuyên ban “ế ẩm”, chẳng mấy ai mặn mà. Tôi theo học không phải vì mình quá dốt, không đủ lực thi vào các chuyên ban khác. Trong khi lũ bạn ghét Sử, chán Văn, tôi lại công khai bày tỏ thái độ yêu thích của mình. Và đương nhiên, dưới con mắt của một số người, tôi trở thành một kẻ “không bình thường”. Cũng may, tôi được sự ủng hộ của hai vị song thân.
Tôi cũng đã được đọc, được nghe nhiều ý kiến khác nhau về cuốn sách CÁT NƠI ĐẢO XA. Nhưng trong phạm vi bài này, tôi chỉ xin đề cập đến vài điều theo góc nhìn của tôi, một người ở thế hệ 9X.
Thưa các nhà văn đáng kính! Tôi biết gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng và dư luân xã hội chê trách: Thế hệ chúng tôi quay lưng lại với các môn học xã hội. Là người Việt Nam mà không thuộc lịch sử Việt nam...v.v.
Tôi xin các vị hãy mổ xẻ vấn đề trên một cách thật nghiêm túc. Thưa các vị! Tôi cũng được biết, có người tốn rất nhiều công sức, để viết ra những tuyển tập, chuyên đề dày tới hàng nghìn trang sách. Nhưng những tác phẩm ấy phần lớn nằm trong tủ với lớp lớp bụi phủ, hoặc tồn thành đống trong kho. Những người bình thường như lũ học sinh chúng tôi không có điều kiện tiếp cận! Mà có được đọc đi chăng nữa, cũng chẳng biết cuốn sách đề cập đến vấn đề gì? Bởi vì những trang viết đó quá khô khan, ngồn ngộn số liệu, mênh mang ý tưởng... Mấy ai nhớ nổi những vấn đề các vị muốn truyền tải. Xin lỗi các tác giả! Học sinh chúng tôi gọi đây là những cuốn sách viết ra để Thờ!
Chưa bao giờ văn hóa đọc trở nên hỗn độn như hiện nay, giới trẻ đang đứng giữa một mê cung sách, không có định hướng chọn lựa. Ngày còn là học sinh phổ thông, thì sách giáo khoa quá nhiều, thời gian học lại rất ít! Lúc dạy thày chỉ nói theo giáo án được duyệt. Còn tài liệu tham khảo thì mặc cho lũ chúng tôi chọn lựa. Trong khi đó thế hệ trẻ bây giờ, luôn cần những trang sách sinh động, gắn bó với thời cuộc hơn!
Nói riêng về những tác phẩm văn học viết về lịch sử, chúng ta đang thiếu nghiêm trọng các tác phẩm (mỏng thôi) như Lá cờ thêu sáu chữ vàng và những giai thoại đẹp như: Cành đào của vua Quang Trung tặng công chúa Ngọc Hân. Mà người sáng tạo ra các cuốn sách ấy, những giai thoại ấy, không ai khác ngoài các vị nhà văn đáng kính!
Quay lại tác phẩm CÁT NƠI ĐẢO XA, tôi thực sự ngỡ ngàng khi đọc xong cuốn tiểu thuyết này. Chỉ với một sự kiện, một kẽ hở của lịch sử chưa được đề cập tới. Tác giả đã nêu bật được một vấn đề đương đại nóng hổi, được sự quan tâm của toàn nhân loại. Đấy là vấn đề biển đảo và chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị nhà cầm quyền Trung Quốc xâm hại nghiêm trọng.
Nếu nói văn hóa là những điều còn lại, sau khi quên đi những cái ta đã biết. Thì tôi nhớ được rất nhiều những vấn đề tác giả Trần Ngọc Dương đã đề cập tới. Những cảm xúc tràn đầy trong tác phẩm đã lan truyền sang tôi, khiến tôi có thể cảm nhận được những tia máu nóng hổi đang chảy trong cơ thể của từng nhân vật trong cuốn tiểu thuyết và để rồi được chia sẻ những run rảy, ngây ngất cùng họ.
Đã đành, chúng ta có những nhận thức khác nhau, cái nhìn cũng chẳng ai giống ai. Chính vì thế khi các tác giả sáng tạo ra các tác phẩm văn học cũng đa dạng hơn. Cảm nhận của độc giả khi đọc xong một tác phẩm cũng hoàn toàn khác nhau. Có bài phê bình nói: “Trần Ngọc Dương đã dùng những ngôn từ hiện đại để viết CÁT NƠI ĐẢO XA.” Song tôi cho rằng: Sách viết cho những người ở thế kỷ 21 đọc, phải dùng ngôn từ của họ đang sử dụng! Đấy là quan điểm của riêng tôi. Chúng tôi rất muốn có được các cuốn sách mà khi đọc, không phải kèm theo những quyển từ điển dày cộp, để tra xem tác giả định viết cái gì? Mà từ điển bây giờ, còn có nhiều điều phải xem lại về độ chuẩn xác???
Ở đây, tôi xin phép không nhắc lại những vấn đề các tác giả khác đã viết, trong những bài phê bình đã đăng tải. Mà chỉ dám có đôi lời luận bàn đến chủ đề về tình yêu - Cái thứ tình cảm cao đẹp nhất, trong sáng nhất, tinh khiết nhất trong quan hệ của con người - trong cuốn tiểu thuyết CÁT NƠI ĐẢO XA! Một vấn đề mà tôi chưa thấy các bài phê bình, điểm sách đã được in trên các báo, trên các trang mạng đề cập tới (Như Báo Dân Trí, Trần Nhương.com, Văn Hải Phòng, Tôn vinh văn hóa đọc, Tạp chí Hội hữu nghị Việt Đức...v.v)
Trong tiểu thuyết CÁT NƠI ĐẢO XA có nhiều mối tình đã được đề cập tới như:
- Chuyện Tình Hoa Biển - Một giai thoại nói về tình yêu có nhuốm mầu thần thoại. Đây là mối tình mà các thế lực hắc ám không thể thắng nổi sức mạnh tình yêu của đôi trai gái. Mặc dù đôi trai gái này không được sống bên nhau ở nơi trần thế. Nhưng khi chết, họ vẫn quấn quýt bên nhau! “...Những ngón tay, ngón chân của chàng trai đã biến thành các rễ cây cắm chặt vào trong lòng đất mẹ. Còn những sợi tơ mành bồng bềnh bám quanh thân cây kia chính là mái tóc của người con gái...” Họ đã tự nguyện trở thành loài cây, làm nên những khu rừng ngập mặn chắn sóng, bảo vệ sự bình yên của đất liền. Rồi cũng chính họ - loài cây sống trong bùn lầy - đã để lại cho người đời “...Hoa của tình yêu! Trái của hạnh phúc!” Và người trong cuộc như Kiến Bình vương Lý Long Tường khi nghe xong giai thoại về loài cây của những khu rừng ngập mặn, cũng phải thốt lên: “Những sợi tơ mành - tình yêu vương vấn - cái chết cũng không chia lìa được lứa đôi...”
Thời gian gần đây, câu chuyện tình này đã được tận dụng khai thác trong lĩnh vực du lịch. Được các hướng dẫn viên dịch thuật ra một số tiếng nước ngoài, giấy thiệu với bạn bè quốc tế.
- Còn nói về tình yêu của các hai đức vương triều Lý.
Vị tổ phụ của Lý Vân Sơn vì yêu say đắm một nữ nô - con gái của một tù binh Chiêm Thành - mà từ bỏ tước vị được kế thừa, để trở thành một thường dân trên thương cảng Vân Đồn! Phải chăng tình yêu của hai người đã được định đoạt tại nơi thiên mệnh? Mà những kẻ trong cuộc không thể chối từ và cũng chẳng muốn chối từ!
Trong một lần tuần du tại Vân Đồn, vị vương tử trẻ không khỏi sững sờ khi tham dự đêm lễ hội đã thấy cảnh: Bóng hình một thiếu nữ uốn lượn trong ánh lửa bập bùng. Người vũ nữ đang thả mình vào điệu múa, cặp mắt đen láy liếc nhanh về phía người mới đến. Chỉ cần nhìn vào đôi mắt ấy, chàng trai đã choáng ngợp. Và rồi “...mối tình của họ đã trở thành huyền thoại, làm gương cho nhiều cuộc tình của những con người sinh sống trên cùng một mảnh đất. Những con người không phân chia đẳng cấp, sang hèn, giàu nghèo. Thời gian trôi qua. Một thế hệ mới hình thành ở Vân Đồn. Họ đã coi đây là quê hương gốc rễ của mình...”
Cũng có người cho rằng, tình yêu của Lý Long Tường với Lý Vân Hoa mang sắc mầu nhục dục. Vì nó xảy ra vào lúc hai người bị nhốt trong hang động, và khi họ vô tình uống phải loại rượu chỉ giành cho các cặp vợ chồng vào đêm tân hôn. Mà một khi đã uống phải loại rượu đó, họ cũng không sao thoát khỏi qui luật của tạo hóa! Đành phải bó tay chấm com, sống theo bản năng. Nhưng theo tôi, tình yêu của họ cũng đẹp lắm! Nó đẹp, vì thuận theo tự nhiên!
Lúc Lý Long Tường nghe thấy những âm thanh thánh thót vang lên trong hang động. chàng đã ngẩn ngơ khi thấy cô ngư phủ Vân Hoa cầm dùi vung tay chạm vào vách đá trong ánh lửa bập bùng. Cô gái lướt đi, nhảy lại với đôi tay uyển chuyển, toàn thân uốn lượn lắc lư. Bóng người thấp thoáng bay lượn trong động. Những âm thanh khi trầm, khi bổng, lúc khoan, lúc nhặt ngân nga, lúc lên cao chơi vơi tới bầu trời xanh thẳm, khi chìm lắng xuống tận đáy biển sâu. Còn vị vương tử đắm mình trong những âm thanh kỳ diệu. Như người bị thôi miên, vương tử tiến tới thử chơi cây đàn đá “...Thấy Lý Long Tường luống cuống, không theo kịp nhịp điệu, Vân Hoa vội cầm tay, hướng dẫn cách vung dùi, gõ vào từng vị trí trong vách đá, lúc nặng, khi nhẹ. Hai người tiến thoái, bay nhảy trên những phiến đá, lúc cách xa, khi quyện vào làm một. Họ nói chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ riêng biệt. Họ tạm quên đi thực tại của bản thân, chỉ còn những âm thanh từ thuở hồng hoang lần lượt bay lên. Không gian xung quanh họ tràn ngập lời của đất trời thì thầm tâm sự, tiếng chuyển mình của càn khôn, đôi lúc lại như nghe thấy tiếng của con tim ai đang đập nhè nhẹ...Hồi lâu, hai người thấm mệt, tay trong tay ngồi bên nhau, dựa lưng vào nhau mà nghỉ. Bầu không khí tĩnh mịch bao trùm cả động, họ chỉ còn nghe thấy tiếng của con tim đang thổn thức trong lồng ngực...Sáng hôm sau lúc tỉnh dậy, hai người luống cuống khi thấy nằm quấn chặt lại với nhau trên chiếc sập đá. Họ e thẹn không dám nhìn vào mắt nhau, nhưng cả hai đều nhớ rõ những gì đã xảy ra trong đêm qua...”
Trong chế độ phong kiến, người dân thường có nhiều vợ là một chuyện bình thường. Huống hồ việc Kiến Bình Vương Lý Long Tường say mê một người con gái và hẹn ước sẽ đón cô về dinh là một việc tất nhiên. Triều Lý sụp đổ, hai người không đến được với nhau. Khi sống lập nghiệp ở xứ Cao Ly, Lý Long Tường vẫn không sao quên được cô ngư phủ Vân Hoa. Còn ở thương cảng Vân Đồn vào lúc chiều buông, mọi người thường nhìn thấy cảnh: Một người đàn bà đứng im như pho tượng ở nơi đầu mom, nhìn về nơi cửa biển. Người cho rằng: “Người đàn bà này đứng đợi chồng đi khơi chưa trở lại!”
Xin cuộc đời đừng lên án những kẻ đang yêu. Vì cái giới hạn của những kẻ đang yêu mong manh lắm! Giống như hai giọt sương mai, cùng đậu trên một chiếc lá sen tơ. Chỉ cần một sự lay động nhỏ, một làn gió thoảng qua, cũng đủ nó chập lại làm một.
- Còn tình yêu của Lý Sơn và Chi Sa ta lại thấy:
Thoạt đầu họ đến với nhau bằng tình người trong cơn hoạn nạn. Trong khi Lý Sơn luôn luôn sống trong cảnh e dè, che dấu thân phận thì Chi Sa lại hồn nhiên bày tỏ. Đây là mối tình đầu của hai người. Họ yêu mà không biết vì cái gì và cũng chẳng hiểu tại sao mình lại làm như vậy? Họ lo lắng cho nhau, con tim nhói đau khi thấy người mình thương nhớ gặp chuyện không may
Lúc thấy những giọt nước mắt của Lý Sơn rơi xuống khuôn mặt mình, Chi Sa đã cuống lên, vội ghì chặt khuôn mặt của chàng trai vào lồng ngực của mình. Phải chăng, cô làm như vậy là mong những giọt nước mắt của chàng trai ngừng chảy? Hay Chi Sa muốn giấu đi những cảm xúc đang trào dâng trong lòng?
Cũng có người nêu câu hỏi: “Hồi ấy phụ nữ làm sao dám làm những việc như vậy?” Sao tác giả để cho: “...Chi Sa chồm dậy, không cho Lý Sơn nói hết câu. Cô đã khóa chặt đôi môi Lý Sơn bằng một nụ hôn...”
Theo tôi, chàng trai cho dù có thông minh đến đâu, cũng không bao giờ đủ lý lẽ trong các cuộc tranh luận với cô gái mình yêu. Trong mỗi cuộc tình, sẽ chẳng có ai đặt câu hỏi: Tại sao chúng mình lo lắng, sống chết vì nhau? Tại sao chúng mình lại yêu nhau? Bởi con người ta một khi đã biết mình yêu nhau vì cái gì, thì đấy không phải là tình yêu nữa!
“...Thượng đế có thể biết được hết bí mật của đại dương, nhưng sẽ không bao giờ hiểu nổi trái tim của con người!” Mặc dù thượng đế đã cho con người trái tim để biết yêu thương, căm giận. Thì những kẻ phàm tục như chúng ta, làm sao biết được mình yêu nhau vì cái gì?
Tác giải Trần Ngọc Dương đã chọn giai đoạn chuyển giao giữa triều đại nhà Lý sang triều đại các vua Trần, làm khởi nguồn cho không gian của cuốn tiểu thuyết CÁT NƠI ĐẢO XA. Quá trình hình thành và hoàn thiện nên một đất nước Việt Nam thống nhất phát triển và hiện đại như hôm nay, dân tộc ta đã đổ biết bao xương máu, mồ hôi công sức để tôn tạo giữ gìn. Trong các cuộc kháng chiến đánh tan nhiều cuộc xâm lăng của ngoại bang, bảo vệ từng tấc đất của tổ quốc. Các thế hệ người Việt luôn dũng cảm kiên cường trong chiến đấu và cũng rất thủy chung son sắt khi yêu. Những mối tình trong tác phẩm CÁT NƠI ĐẢO XA được khắc họa sắc sảo, tình yêu của họ cũng được nâng lên hòa quyện vào với tinh thần của thời đại, mang đậm sắc thái cốt cách con người Việt.
Cuốn tiểu thuyết lịch sử CÁT NƠI ĐẢO XA không khô như thoạt đầu tôi lầm tưởng. Tôi đã đọc liền một mạch bằng xong cuốn tiểu thuyết đó. Và tôi đã suy nghĩ mong rằng, rồi đây sẽ được đọc nhiều tác phẩm lịch sử được phóng tác theo hướng này.

Tháng 6 năm 2014