Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGHĨ VỀ SỰ ĐỒNG THUẬN, AI ĂN THÌ LĂN VÀO BẾP

Nhà văn Nguyễn Quang Thân
Thứ bẩy ngày 25 tháng 7 năm 2009 8:55 AM

 

 Nhà văn Nguyễn Quang Thân

Đồng thuận của xã hội về một vấn đề quan trọng nào đó không đòi hỏi sự nhất trí 100 phần trăm của mọi thành viên, mọi tầng lớp. Nhưng đồng thuận nào cũng phải quanh hạt nhân CHÂN LÝ – SỰ THẬT. Nếu chân lý được nhận nhầm, xã hội phải gánh chịu hậu quả và phải sửa sai. Đồng thuận trên cơ sở chân lý là điều kiện không thể thiếu để một quốc gia, một dân tộc phát triển bền vững.

Lịch sử dân tộc đã hơn một lần cho ta kinh nghiệm hào hùng về sự đồng thuận. Hội nghị Diên Hồng đời Trần là biểu hiện đồng thuận của toàn dân, nhờ vậy mà chúng ta đã ba lần đánh đuổi được đội quân xâm lược hùng hậu nhất thế giới thời đó. Cách mạng tháng Tám là sự đồng thuận không tỳ vết khi “toàn dân đứng đều lên một ngày” dành nền độc lập sau tám mươi năm nô lệ. Trong ký ức không thể tàn phai của rất nhiều người đang sống hôm nay, cuộc cách mạng đẹp đẽ đó đã kết dân tộc thành một khối nam châm với sức quyến rũ thần kỳ. Thời đó, từ cô điếm đến ông vua đều chào đón độc lập tự do với niềm vui như nhau là rủ bỏ được cuộc đời nô lệ, làm công dân một nước độc lập.

Đồng thuận không thể ra mệnh lệnh, tạo áp lực hay lừa mị để được người ta nghe theo. Mà tất cả phải cùng lúc nhận ra trong khoảng khắc CHÂN LÝ để đồng thuận. Mà ai cũng biết chân lý chỉ hiện ra khi có nhiều nguồn ánh sáng của hiểu biết soi vào, phải có trao đổi, lắng nghe lẫn nhau. Ví dụ, một dự án lớn có tầm quốc gia, nghĩa là chuyện đại sự thì phải đồng thuận mới nên làm. Vì không phải làm cho hôm nay mà cho cả con cháu mai sau. Lợi ích của tập đoàn, của nhóm hay cá nhân ( trong và ngoài nước), của Nhà nước ( thu thuế) đã đành. Nhưng phải cân bằng với lợi ích của người dân, của cộng đồng dân cư tại chỗ cũng như toàn dân tộc. Có những lợi ích tính được bằng tiễn lãi, tiền thuế. Nhưng có những lợi ích hay thiệt hại không thể tính được bằng tiền và các con số cụ thể. Như an ninh quốc gia, như môi trường, như cái hồn thiêng sống núi, như địa linh nhân kiệt. Ai có thể đặt lên bàn cân một bên là những giá trị tinh thần thiêng liêng ấy và bên kia là tiền lời nếu không là nhân dân?

Đồng thuận không có nghĩa là một bên cố thuyết phục hay ép buộc bên kia. Mà cả hai đều lắng nghe với sự tôn trọng chân lý để đi đến nói CÓ hoặc có thể là nói KHÔNG với một vấn đề.

Khi chúng ta nói “dân bàn” thì không có nghĩa chỉ có “bàn vào” mà dân vẫn có thể “bàn ra”. Người đưa ra chủ trương nhiều khi phải cám ơn là đã có người “bàn ra” hay phát hiện được chân lý mà trước đây người ta cứ tưởng là không phải. Dựng tượng cho nhà cải cách Kim Ngọc là biểu hiện của lòng biết ơn với những người phản biện, thậm chí nhiều khi ý kiến phản biện của họ có thể không phải là chân lý. Có thể chỉ có một nhà khoa học thành công trong số 100 nhà khoa học tìm tòi. Nhưng 99 người sai lầm ấy đã có công lọai bỏ được 99 ngã ba cho người duy nhất đúng tìm được con đường thẳng đến chân lý.

Muốn ăn phải lăn vào bếp”. Câu nói khá liều lĩnh ấy là của ông Kiển, chủ tập đoàn TKV. Không biết ông ấy có ý nói ai muốn ăn? Và ăn gì? Có lẽ không ai muốn ăn trên sự hoang tàn của một miền đất nước, không ai muốn chấm mút vào cuộc bán chác non sông để “ăn” (đoạn in nghiêng này không in trên TTVH) . Câu ấy chỉ đúng khi tất cả cùng lăn vào bếp để được cùng ăn, cùng được sống hạnh phúc, trường tồn với “sơn hà thiên cổ điện kim âu”, một cuộc sống bền vững cho muôn đời con cháu mai sau. Đó là mục tiêu cao cả của mọi sự đồng thuận

( Nguồn: Blog Nguyễn Quang Thân và mẹ)