Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Vài suy nghĩ về truyện ngắn ĐƯỜNG CHÂN TRỜI CỦA VŨ THỊ HẠNH

Đoàn Nhất Trí
Thứ bẩy ngày 25 tháng 7 năm 2009 7:31 AM

       Tôi từng là giáo viên giảng dậy môn văn ở trường Sư phạm. Khi soạn một bài văn hay bài thơ, bất kỳ một giáo viên nào cũng không được bỏ qua một trong các khâu quan trọng được đặt lên hàng đầu của giáo án, đó là tìm chủ đề tư tưởng của bài văn hay bài thơ đó. Sau rồi mới đến đại ý, bố cục...Trong quá trình soạn giảng, chúng tôi cũng thấy có không ít tác phẩm văn hoặc thơ rất khó xác định được tư tưởng chủ đề của nó. Tìm chủ đề tư tưởng cho một tác phẩm văn học được đưa vào giảng dậy trong nhà trường của chúng ta dĩ nhiên là để xem tác phẩm ấy muốn đề cao, ngợi ca cái gì hay phê phán, đả phá cái gì. Cũng dĩ nhiên là đối với những tác phẩm đã được chọ đưa vào sách giáo khoa để giảng dậy trong nhà trường của chúng ta thì dù có ngợi ca hay phê phán gì đi chăng nữa thì cũng đều rất đúng với đường lối giáo dục của Đảng và nhà nước ta đã đề ra.
       Cũng áp dụng một cách suy nghĩ như thế, tôi thấy không khó để tìm ra chủ đề tư tưởng của truyện ngắn Đường chân trời do Vũ Thị Hạnh viết. Chủ đề tư tưởng của truyện ngắn này nó nằm “chềnh ềnh” ngay ở đoạn cuối của tác phẩm.
       Vậy thì truyện ngắn này ngợi ca cái gì? Đầu tiên và trước hết, nó ngợi ca một chủ chương rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong việc ký kết một dự án khai thác khoáng sản với nhà nước Trung Quốc. Với dự án này, nó đem lại một nguồn lợi kinh tế to lớn cho đất nước. Nó giải quyết công ăn việc làm, đem lại một đời sống ấm no hạnh phúc cho hàng vạn người dân vùng dân tộc Tây Nguyên. Nó thắt chặt thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước trên cơ sở 16 chữ vàng... Đối với hai cuộc đời khổ đau, tăm tối là Miên và Sơn, thì chủ chương này của Đảng và Nhà nước lại giống như một tia sáng, một đốm lửa đã bắt đầu le lói ở cuối đường hầm làm cho hai con người này tràn trề hy vọng vào một ngày nào đấy, trên cơ sở hai nước đoàn kết , hữu hảo mà họ, vợ được gặp lại chồng, cha, được gặp con, cả nhà đoàn tụ. “Tiếng cô phát thanh viên sang sảng: Bộ trưởng bộ kinh tế vừa kí kết dự án đầu tư giữa hai nước Trung - Việt, nhằm phát triển kinh tế, đôi bên đều có lợi, cùng tiến lên mục đích hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, hướng tới tương lại”. Phải khẳng định rằng chính nhờ đã nhìn được (thực ra là nghe được) cái “đốm lửa” từ bản tin này mà hai mẹ con Miên hy vọng, chờ đợi và tin tưởng vào tương lai tươi sáng đối với cuộc đời của họ. Họ chờ đợi, tin tưởng và khao khát đến cháy bỏng: “Miên chờ đợi. Sơn khát cháy. Dường như không gian ngừng thở, lắng nghe một bước chân vô định. Mắt Miên và Sơn nau náu vào chiếc đài. Chậm rãi uống từng lời, từng tin”. Riêng Sơn, tuy là người tật nguyền, nhưng cũng đã định hướng ngay được mình sẽ làm gì: “Con học chữ, sẽ gửi lòng con vào trang giấy. Con tin cha cũng đang mong mỏi và sẽ về”. Trong hai mẹ con, ta khó có thể cân đong đo đếm xem ai là người hy vọng, tin tưởng vào tương lai nhiều hơn ai. Miên thì: “...lịm đi hạnh phúc”. Sơn thì: “Ánh mắt Sơn khẩn khoản reo mừng. Lóng lánh trong mắt Sơn chứa ngàn vạn tia sáng kỳ diệu”. Niềm tin ấy không chỉ có trong tâm tưởng của hai mẹ con mà nó đã hiện lên bằng hình ảnh và bám riết trong đầu mỗi người. Với Miên: “Bóng gã như ảo ảnh xa xa gần gần...”. Với Sơn thì mơ đến: “Bài học đầu tiên âm vang trong tuyết trắng.”. Đến đây, tôi nghĩ rằng người đọc không được một lúc xa rời cái sợi chỉ đỏ xuyên suốt của chủ chương ký kết dự án kinh tế của Đảng và nhà nước là: “nhằm phát triển kinh tế, đôi bên đều có lợi. Cùng tiến lên mục đích hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” mà tác giả đã nêu ở trên như một mạnh đề mà mọi miêu tả về tâm trạng, sắc thái, hay hành động của hai mẹ con Miên chỉ là để chứng minh cho mạnh đề đó. Chính vì thế mà ta có thể tin rằng trong đêm khuya, cả hai mẹ con Miên cùng đang “ngừng thở” để “lắng nghe một bước chân vô định”. Đấy chính là bước chân chồng về mà cô vợ mong mỏi, bước chân cha về mà đứa con mong mỏi. Và cũng chính vì nhờ có chủ chương đúng đắn trong việc ký dự án kinh tế lớn trên kia mà hai nhà nước ta và Trung Quốc ngày càng phát triển hơn nữa trong mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, lâu dài mà do đó, tương lai, dù có hạn chế về thể chất, Sơn nhất định sẽ được du học ở nước ngoài. “Bài học đầu tiên âm vang trong tuyết trắng” Có lẽ chỉ ở cái nơi có tuyết trắng ấy , Sơn mới được học hành tử tế thành người.  Ở đâu xa xôi không nói chứ ở một đất nước cận kề mà bố nó lại từng là người Việt gốc Hoa thì làm gì mơ ước chẳng thực hiện được. Đã và đang có nhiều học sinh và sinh viên ta sang du học bên đó rồi sao!
       Ở đây ta phải khẳng định rằng niềm tin của Miên và Sơn là có thật. Nó hiện thực và hiện hữu, ngoài ý muốn chủ quan của hai mẹ con cũng như mọi người. Nhà thơ lớn Tố Hữu trong bài “Cô gái Sông Hương” còn tự nói ra về niềm tin sẽ đổi thay trong cuộc đời của cô gái giang hồ trên dòng Hương Giang: Ngày mai trong giá trắng ngần, cô thôi sống kiếp đầy thân giang hồ. Ngày mai bao lớp đời nhơ, sẽ tan như đám mây mờ đêm nay.” chứ ở truyện ngắn này, tác giả Vũ Thị Hạnh không hề tự phát ngôn. Niềm tin mà mẹ con Miên có được là từ một thực tế đã được đảm bảo bằng chữ kí của những người có thẩm quyền và có trách nhiệm và cô phát thanh viên chỉ là người thông báo mà thôi. Nó không mơ hồ như niềm tin của các cô gái giang hồ trên dòng Sông hương.
 
       Thế, truyện ngắn này phê phán cái gì? Tôi chẳng cần cầm đèn chạy trước ô tô, bạn đọc cũng biết nó phê phán thói thờ ơ, vô cảm của con người trước nỗi đau và cuộc sống cùng cực về thể xác và tâm hồn trước đồng loại. Ở đây là sự vô cảm, thói thờ ơ, lãnh đạn của mọi người xung quanh đối với mẹ con Miên. Là hành động độc ác, ích kỉ của bọn trẻ con cùng lớp, cùng trường trong hành động lật xe làm Sơn ngã lăn ra đường, cùng những câu chửi tục tĩu, mạt sát, xúc phạm của bọn chúng. Và nếu ta vận động trí não hơn một chút nữa, sẽ hỏi vì sao mới đây thôi mà cái tâm hồn trong trắng như tờ giấy của bọn trẻ đã bị bôi bẩn và nhiễm thói độc ác? Không thể tự chúng. Vậy ai đã làm việc này. Nhà trường? Gia đình? Xã hội? Đã là cái ác, là cái xấu, phải được nêu lên để triệt tiêu nó cho xã hội trong sạch. Chỉ ở vấn đề này, còn bao nhiêu thông điệp nữa, mà tác giả muốn gửi đến chúng ta. Nào là tại sao trong cùng một xã hội lại có rất nhiều người giầu tới mức tiền không biết tiêu gì cho hết lại có người miếng cơm cũng không có mà ăn. Có người mua máy bay phản lực, mua ô tô sang trọng, mua du thuyền, xây vi la, nhà lầu tiền tỷ lại cũng có người quanh năm đầu tắt mặt tối, ngày cố lắm cũng chỉ kiếm được vài nghìn? Làm thế nào để con người của ta tích tụ đủ lòng nhân ái đặng đủ để thương yêu nhau, để đoàn kết và để giữ gìn non sông gấm vóc...
        Không thể tùy tiện định ra chủ đề tư tưởng. Chỉ có thể tìm ra nó đúng một khi ta bám sát những “tín hiệu” do nó để lại trên con đường phát triển của nguồn mạch câu truyện.
       Thế thì từ những điều phân tích trên đây chúng ta đã nhận ra tư tưởng chủ đề của truyện ngắn “Đường chân trời” Nếu phải nhận xét đánh giá, tôi cho là: Đúng và tốt! Thật đáng buồn cho ai đó vì động cơ hay mục đích thâm hiểm gì đã tung hỏa mù, mưu toan bóp méo sự thật và tuyên truyền rằng truyện ngắn này sai thế nọ, xấu thế kia! Không thể lợi dụng tính đa nghĩa, ẩn dụ của văn chương mà người ta có thể muốn nói thế nào thì nói. Tử tế với nhau thì nói tốt. Muốn hại nhau thì nói xấu là không được. Cũng không nên cho rằng trong trường hợp của truyện ngắn “Đường chân trời” này vì quá dễ tìm ra chủ đề tư tưởng của nó nên bảo nó là loại văn học minh họa, rẻ tiền. Ngược lại theo tôi, truyện ngắn này ở vào loại khá hay bởi câu truyện chỉ đề cập đến một vấn đề là cuộc đời nghèo khó, đau khổ đến cùng cực về tâm hồn và thể xác của hai nhân vật tưởng như không bao giờ có lối thoát thế nhưng nhờ có những chủ chương đúng đắn của nhà nước mà họ sẽ được đổi đời, sẽ ấm no, hạnh phúc. Những vết thương về tâm hồn sẽ dần được chữa lành. Con đường đi lên ấy là đúng đắn, là lẽ phải. Kết cấu câu truyện chặt chẽ. Các tình tiết của truyện đan xen, dồn nén. Văn phong sắc sảo, trực diện, đa nghĩa. Tác giả đã làm được việc cùng lúc gửi đến người đọc nhiều thông điệp có tính chất cấp bách đòi hỏi họ không thể không suy nghĩ. Đã là con người, ai cũng như ai, phải có tình thương và lòng nhân ái. Cận kề dưới làn da ai cũng có máu đỏ và xương thịt cha mẹ san sẻ cho, vì thế nó thiêng liêng lắm. Không ai sinh ra đã là kẻ cướp, là tên trộm. Càng không ai muốn trở thành trộm, cướp để phải vào tù. Hãy nhớ và dậy cho thế hệ trẻ rằng người Việt, người Tầu “thâm” hay người Tây “mũi lõ, mắt xanh” cũng đều là người cả. Tất cả mọi con người đều phải được tôn trọng, phải được ấm no, tự do hạnh phúc.
       Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, tôi chưa thể nói hết những suy nghĩ của mình nhưng cũng mong được góp một tiếng nói trung thực về truyện ngắn này trước bạn đọc.

                                             Hà Nội, những ngày hè oi bức 2009