Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYẾN LỮ HÀNH HÀ KHẨU - CÔN MINH

Vân Long
Thứ hai ngày 20 tháng 7 năm 2009 5:07 AM

          
Chuyến thứ nhất thăm Trung Quốc, tôi chọn tuyến Bắc Kinh- Thượng Hải- Hàng Châu- Tô Châu với ý thức: Nếu chỉ được tiếp xúc một lần với Trung Quốc, tôi sẽ được mắt thấy chân đi những địa danh nổi tiếng trong văn học, để những cái tên quen thuộc khỏi quá xa xôi khi mình chưa đến.  Lần này Hà Khẩu - Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam) thì gần gũi với địa dư và lịch sử hiện đại hơn:
Cái gạch nối dài nhất trên mặt đất, phải chăng là tuyến đường xe lửa Hải Phòng- Vân Nam (1903 – 1910), mà thực dân Pháp khoe là một kỳ công kỹ thuật: “Đây là một trong những đường xe lửa ngọan mục nhất và hiểm trở nhất châu Á. Nó qua những quang cảnh đa dạng, khi thì đi sâu vào rừng nhiệt đới bao la, khi thì trèo những ngọn núi cheo leo, khi thì uốn khúc ở đáy vực thẳm (Sách hướng dẫn du lịch Madrolle, 1932, Paris). Có điều sách không nói đến là Công ty xe lửa Vân Nam đã làm chết tới 5 vạn”cu li” Việt Nam và Trung Quốc. Cũng là một thứ Vạn Lý trường thành thu nhỏ của thời hiện đại Nhất tướng công thành vạn cốt khô. Âu cũng là cái giá phải trả cho một công trình! Vấn đề là ai trả? … 
Con đường sắt này, đoạn từ Hà Khẩu đến Côn Minh dài 465 km vẫn còn hoạt động, nay chỉ chở hàng! Con đường ô tô từ biên giới, con sông Nậm Thi (đầu nguồn sông Hồng) và con đường xe lửa cứ chạy song song với nhau hàng trăm kilômét…
Môi trường địa lý cũng khá giống nhau, phải chăng kiến tạo địa chất đã  tạo hàng nghìn hòn đảo ở Vịnh Hạ Long, cũng đã tạo ra “rừng đá” Thạch Lâm, một vịnh Hạ Long trên cạn?  Rồi khí hậu Á nhiệt đới  gần như ở Việt Nam, những dân tộc thiểu số hai bên có những mối quan hệ khăng khít tự lâu đời.
Chúng tôi đi khoảng trăm cây số đầu, xe đi giữa hai bờ cây nhiệt đới, y hệt như bên Lao Cai những cọ, tre, chuối…rừng đã có phần xơ xác. Sau đó xuất hiện dần những loại cây ôn đới thông, táo lê hướng dần lên độ cao (Côn Minh 1900 mét so với mặt biển). Xe qua Trại gấu nổi tiếng, chuyên sản xuất mật gấu thì tới Bình Biên nơi người Mông sinh sống (ở độ cao 2.300 mét), dừng lại ăn trưa. Bản hướng dẫn du lịch của Công ty VietAsia đã báo trước: ở vùng cao do điều kiện áp suất, cơm dễ bị sống, nên mang  theo mì hoặc bánh khô, nên vừa thấy món ngô luộc bầy sẵn, chúng tôi đã xà vào ăn thử. Trời ơi! Ngô non và ngọt thế này cần gì phải ăn cơm, nếu cơm còn sượng! Nhưng thực ra cơm vẫn chín, gạo trắng và ngon! Ông giám đốc Công ty VietAsia Phùng Thanh Lịch có nhã ý đi cùng đoàn vừa tỏ lòng hiếu khách, vừa thêm một lần khảo sát thực địa, bổ sung những gì còn thiếu sót. Chúng tôi trêu ông về sự thông báo quá thật thà, có thể làm cho khách khó tính quan ngại…
Ăn trưa xong là lên đường. Sau trăm cây số đầu, cây cối hai bên tươi xanh hẳn lên, những vườn lựu đang tụ qủa. Những trái lựu  đã lấp ló màu ửng đỏ, vàng tươi, xé rách tờ giấy bảo vệ bọc ngoài…Lựu ở đây nổi tiếng ngon, hạt cứng, tiêu hoá tốt.  Xe qua Mông Tự, bao năm mình chơi đào Mông Tự, bây giờ mới được đặt chân lên quê hương của chúng. Nhưng bây giờ đang mùa quả, những quả đào mỏ quạ đang được yêu chuộng ở Hà Nội mấy năm nay có phải là giống đào Mông Tự? Thành phố Mông Tự  là thủ phủ của dân tộc Di, dân tộc đông nhất ở Vân Nam (hơn 6 triệu người). Lịch Thái Dương của họ được chạm khắc ngay trên cổng chào ở quảng trường để giới thiệu nền văn hoá cổ. Chúng tôi gặp ở đây một nhân vật dã sử trong bộ truyện Tam Quốc diễn nghĩa, chương Khổng Minh thất cầm Mạnh Hoạch. Phải thấy Mạnh Hoạch chiến đấu rất kiên trì bảo vệ vùng đất của dân tộc mình thế nào mới khiến Khổng Minh (biết không thể thắng được bằng vũ lực, có thắng chỉ là tạm thời) phải lập mưu bắt rồi thả, rồi lại bắt đến 7 lần, chỉ mong Mạnh Hoạch tâm phục, không chống lại Hán triều. Từ Côn Minh đến Mông Tự đều là đất của dân tộc Di sinh sống. Trong vùng đất đó có A Lư cổ động, được mệnh danh là Đệ nhất kỳ quan của Vân Nam. Có 18 hang động chính, thực ra là một động dài đến 780 mét liền nhau, cao và rộng như động Hương Tích nhà mình nối dài ra. Được biết đây là vùng sinh sống nguyên thủy của bộ tộc Di. 
Khi tham quan Kim Điện - Thái Hoà Cung, hướng dẫn viên Lương Mỹ Linh nhắc đến một viên tướng nữa cúa Vân Nam mà chúng tôi rất nhớ tên khi đọc sử triều Minh: Ngô Tam Quế, tướng trấn thủ vùng quan ải. Khi vua Sùng Trinh nhà Minh bị quân khởi lọan của Lý Tự Thành o ép, Ngô Tam Quế đã mở cửa ải cho quân Mãn Thanh vào tiếp cứu. Nhưng khi dẹp xong quân của Lý Tự Thành thì nhà Minh cũng mất. Ngô Tam Quế được nhà Thanh phong Bình Tây vương, dân chúng còn gọi Vân Nam vương vì được cai quản cả vùng Vân Nam bây giờ, Họ Ngô chọn Côn Minh làm thủ phủ. Nguyên do: Ngô Tam Quế có người thiếp yêu là Trần Viên Viên. Khi xẩy ra chiến sự, biết tin người thiếp yêu bị kẻ  địch bắt, ông đã chỉ huy cả vạn quân quay về giải cứu cho người đẹp. Sau Trần Viên Viên quy y, họ Ngô đã cho xây Kim Điện, đào cả một hồ rộng  giữa một rừng thông rất u tĩnh này để cho nàng tham thiền nhập định.  Trong Kim Điện có phòng trưng bầy tượng Ngô Tam  Quế bằng đồng, nặng 250 tấn, thanh đại đao nặng 12 kg để thấy thần lực của Ngô tướng, chuông đồng nặng 14 tấn, đều bằng đồng. Vân Nam có mỏ đồng, họ Ngô được cả hai triều Minh và Thanh đặc cách cho khai mỏ thu lợi trên lãnh địa mình.        
Vân Nam khí hậu khô ẩm rất thuận lợi trồng cây thuốc lá, nên có tới 3 doanh nghiệp lớn nổi tiếng làm thuốc lá, với mức lương công nhân tới 6.000 tệ/tháng. Bao thuốc lá thơm đắt nhất tới 200 tệ/bao, (hơn 500.000 đồng VN).
thuốc lá thành cây kinh tế hàng đầu của Vân Nam.  Dược liệu quý thì đứng đầu là đông trùng hạ thảo, là đặc sản xuất khẩu được giá. Khí hậu Côn Minh mát lành như Đà Lạt, còn được gọi là Xuân Thành (thị thành của mùa xuân) đã nuôi dưỡng phát triển các giống hoa, trong đó có địa lan. Ai ngờ các giống Địa lan ở đây lại được kể đến như một cây kinh tế! Hướng dẫn viên Lương Mỹ Linh bảo  “Chúng em xây được nhà là nhờ trồng địa lan, bởi giá cả của nó là …vô biên. Tùy người chơi hoa, đã ham thích thì đắt mấy họ cũng mua” Tôi được biết chồng Mỹ Linh làm cán bộ thư viện, nhưng chỉ thích chăm sóc cây cảnh  (có thể hái ra tiền). Nhà có ô tô riêng, 6 triệu dân ở Côn Minh có 1 triệu ô tô con. 
Thành phố Côn Minh có tư thế thủ đô của một nước đã bước vào hiện đại hoá từ lâu. Tôi thấy một công nhân vệ sinh lúi húi gẩy một cọng rác giắt vào kẽ gạch bên đường, họ chăm sóc đường phố như căn nhà riêng của mình! Đường phố phong quang hơn Bắc Kinh vì ít ô tô hơn và không có nạn tắc đường. Xe máy chạy điện thì nhiều hơn nhưng chạy êm ru. Cảnh sát giao thông rất ít gặp, họ có camera gắn khắp nơi để kiểm soát những người phạm luật…   
Mấy anh chị em trong nhóm bạn bia văn nghệ xứ Đoài có mặt gần đủ trong chuyến đi này, chỉ tiếc anh hai Phan Kế An không có mặt, chúng tôi không dám mời ông cùng đi vì nghi ngại hai cái ống stent gài ở động mạch vành của ông chưa đủ bảo đảm  trong nỗi vất vả đường trường. Nhưng thế cũng đủ cho một đêm thơ - rượu ở Côn Minh. Giọng ngâm xứ Đoài Lưu Nga như nức nở, như đẫm nước mắt: “Em mới thành Sơn chạy giặc về …”gợi nhớ Quang Dũng hồi trẻ  ông cũng lãng đãng Vân Nam, Quảng Châu…đâu đó. Tôi lại nhớ chuyến Bắc hành lần trước của mình, nghỉ ở khách sạn ven sông Tiền Đường, gặp mấy cô gái mời chào gượng gạo, không khỏi chạnh lòng nhớ nàng Kiều của cụ Nguyễn Du mà tức cảnh: Mây trôi nổi, váy áo còn vương vất / Sóng Tiền Đường, đã ai vớt Kiều đâu!/ Lệ nhân thế dẫu trời Nam dặm Bắc/ Vẫn chảy dài trang sách niềm đau! (Tình cờ trước khi lên tàu Lao Cai để Bắc hành lần 2, tôi lại mua được tập san Kiến Thức ngày nay in đúng bài đó của chuyến đi trước).
Quả thật! Cảnh vật và thân phận con người ở hai bên biên giới giống nhau lắm! Lệ nhân thế trời Nam dặm Bắc đều mặn như nhau! Như số phận máu 5 vạn dân phu Việt Nam Trung Quốc chết khi làm đường xe hoả Hải Phòng-Vân Nam ngày xưa đều đỏ như nhau…Khác chăng là lòng tham không đáy của một số kẻ cứ muốn quấy đục biển Đông, khiến người dân chài nghèo của ta cũng phải mất lưới chìm thuyền, đổ máu trong cuộc mưu sinh!
Đêm thơ rượu Côn Minh chuyển từ đề tài nhớ quê, đề tài nhân thế qua thơ tình. Nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp của nhóm: Vân Đình Hùng cũng phải đọc thơ tình, nhân thấy bạn thơ Quốc Toản (Sơn Tây) đang lao đao không vì rượu mà vì cô gái Côn Minh giỏi tiếng Việt cứ nhìn anh đắm đuối khi anh đọc thơ… 
   “Rừng đá” Thạch Lâm quả là hùng vĩ lớn rộng xứng đáng được mệnh danh là Thiên hạ đệ nhất kỳ quan. Khi giới thiệu trên tivi, cứ thấy từng cụm đá xen nhau dầy đặc, nên tôi cứ tưởng vào rừng đá, sẽ không tránh khỏi cảm giác ở nơi khô cằn. Hoá ra không phải! Rừng đá được xen kẽ rất nhiều cây xanh với hoa tuơi nở khắp. Thỉnh thoảng lại điểm xuyết vào cảnh quan những đình tạ mái cong sơn đỏ , nét đặc sắc của Trung Hoa. Còn đá thì thật thiên hình vạn trạng, như một vịnh Hạ Long trên đất liền. Nhìn chung so với vịnh Hạ Long, quần thể đá ở đây thấp hơn, màu đá sáng hơn và dầy đặc hơn đá trên mặt vịnh. Du khách có thể ngồi trên xe chạy điện do các cô gái người dân tộc lái, mỗi xe chở độ mươi người khách. Chỉ buổi sáng hôm đó đã có trên vạn lượt người thăm rừng đá.
 Đến Côn Minh không thể bỏ qua “lá phổi” của thành phố: hồ Điền Trì rộng tới 312 km2 góp phần làm Côn Minh quanh năm dịu mát.
 Sinh thái tự nhiên xanh tươi phong phú bao nhiêu thì buổi “quốc yến” tráng lệ bấy nhiêu. Vân Nam có 52 dân tộc thiểu số thì các nhà tổ chức đêm diễn đã chọn lọc, nâng cao đủ 52 điệu múa, với màu sắc trang phục và nhạc nền dị biệt của mỗi dân tộc, tất nhiên diễn viên phải là những vũ công đẹp và giỏi nhất. Du khách ngồi quanh bàn tròn, vừa ăn, uống rượu vừa thưởng ngoạn buổi “dạ yến cung đình”, gọi thế bởi sân khấu diễn ra hoạt cảnh đức vua ngự triều, sứ thần các “nước” dâng lễ vật và kèm theo là điệu múa của dân tộc mình…                    
 Sau chuyến thăm Vân Nam, đột nhiên tôi tự hỏi: Tỉnh Vân Nam, một vùng đất đai, khí hậu được thiên nhiên ưu đãi, gần 394.000 km2 với 45 triệu dân,  một vùng tập trung đến 52/ 56 dân tộc ở Trung Hoa, có thời là lãnh địa tương đối độc lập (thời Mạnh Hoạch, Ngô Tam Quế…). Diện tích lớn hơn nước Việt Nam ngày nay, có nghĩa là gấp hai ba lần nước Việt Nam nhỏ bé ngày xưa, sao lịch sử không cho trở thành một đất nước riêng ? Hỏi vậy chính là tự hỏi: Sao Việt Nam lại có thể đứng vững bên cạnh một thế lực phong kiến hùng mạnh mà không bị sát nhập, đồng hóa thành một tỉnh của Trung Quốc, sau thời gian đô hộ đến nghìn năm?  Câu hỏi đó không chỉ dành cho các nhà nghiên cứu lịch sử…mà cho cả một nền văn hoá!