Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ BÁO VŨ ĐẢO: BẠC TÓC ĐÂU BẠC LÒNG

Dương Đức Quảng
Chủ nhật ngày 19 tháng 7 năm 2009 12:29 PM

 

Gần 20 năm tôi mới lại về quê thăm ông, làng Nam Quất, Phú Xuyên, Hà Tây (cũ), để được cùng ông ăn một bữa cơm gia đình. Ông là nhà báo không thật nổi tiếng, tuy đã có trên 50 năm tuổi nghề, nhưng đối với tôi, ông là một người anh, người thủ trưởng gần gũi, tận tuỵ với công việc và luôn luôn sâu nặng tình nghĩa với mọi người...

Ông là Vũ Đảo, nguyên Trưởng Phân xã Thông tấn xã giải phóng (TTXGP) Phân Khu Nam; Phụ trách TTXGP Trung Trung bộ; Phó trưởng ban Trong nước Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), một người tự nhận “Quên hết tuổi già lặng lẽ trôi”. 

Nhiệm vụ bất ngờ và bữa cơm liên hoan thịt chuột 

Tôi biết ông Vũ Đảo từ năm 1966, khi mới chân ướt chân ráo về TTXVN. Hồi ấy, ông đã là phóng viên thuộc hàng cựu trào của cơ quan, từng phát hiện và đưa tin sớm nhất về phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” của công nhân mỏ than Cọc 6 nổi tiếng một thời. Song ấn tượng sâu sắc và những kỷ niệm không thể nào quên của tôi về ông là những năm tháng được công tác dưới quyền ông ở TTXGP Trung Trung bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Năm 1971 tôi được điều động từ Quảng Bình vào làm phóng viên của TTXGP Trung Trung bộ (Khu V cũ), thì ông Vũ Đảo là thủ trưởng trực tiếp của tôi. Trước đó, năm 1968 ông là Trưởng Phân xã TTXG Phân khu Nam (Khánh Hoà, Phú Yên), biệt phái thẳng từ Hà Nội vào Bộ Tư lệnh Phân khu Nam. Sau khi Bộ Tư lệnh Phân khu Nam giải thể, ông cùng một số phóng viên được điều động về TTXGP Khu V, được giao Phụ trách  TTXGP Trung Trung bộ, thuộc Ban Tuyên huấn Khu uỷ V.

Chân ướt chân ráo vừa vào tới chiến trường, tôi được ông Vũ Đảo giao cho một nhiệm vụ bất ngờ, không phải là ra mặt trận để viết tin mà là…đi xắt sắn, một công việc thật khác xa so với chuyên môn của mình. Công việc bất ngờ được giao đúng vào “sở đoản” của mình, vốn là người cầm bút “trói gà không chặt”, song tôi không bao giờ quên được tấm lòng của ông khi ông giao nhiệm vụ “trái khoáy” ấy cho tôi.

Năm đó, khắp chiến trường Khu V đâu đâu cũng lâm vào tình trạng “đói quay đói quắt”, mỗi cán bộ, chiến sỹ ở Ban Tuyên huấn Khu uỷ V mỗi ngày tiêu chuẩn ăn chỉ có nửa lon gạo trộn với sắn khô, còn thức ăn toàn là môn thục, môn róc, lá sắn, rau tàu bay...chấm với nước mắm cái. Còn đang tuổi thanh niên trai tráng, ăn “thủng nồi trôi rế” mà mỗi ngày chỉ có nửa lon gạo trộn sắn khô vào bụng nên lúc nào tôi cũng có cảm giác đói, hoa cả mắt và sút cân trông thấy. Là người đã trải qua những ngày “đói quay đói quắt” triền miên suốt ba năm, kể từ ngày mới vào Phú Khánh năm 1968, ông Vũ Đảo quá hiểu cái đói, cái rét hành hạ con người như thế nào. Vì thế, một hôm, sau khi đi họp giao ban với lãnh đạo Ban Tuyên huấn Khu uỷ về, ông xuống chỗ tôi:

- Sáng nay mình báo cáo với các anh lãnh đạo Ban để Quảng xuống Trạm sản xuất ít ngày, cùng đào sắn với anh em dưới đó. Mình biết từ hôm vào, cậu luôn bị đói mà ở trên này thì chẳng kiếm được cái gì ăn thêm. Cậu xuống đó đào sắn và sắt sắn phơi cho Ban sẽ có sắn tươi ăn, không phải ăn theo tiêu chuẩn cung cấp như trên này, đỡ đói. Khi nào lại sức bọn mình sẽ rút cậu về đi công tác!

Sau gần một tháng được đi “bồi dưỡng” bằng cách đào sắn và sấy sắn khô ấy, sức khoẻ của tôi khá lên, tôi được ông Vũ Đảo gọi về chuẩn bị đi thường trú tại chiến trường Quảng Đà.

Cũng như tôi, cuối năm 1971 nhiều anh chị em phóng viên khác của TTXGP Trung Trung bộ đều ra trận. Đêm hôm trước ngày tôi đi Quảng Đà, anh Hồ Ca, phóng viên ảnh đi Bình Định, hai anh em chúng tôi mắc võng cùng ngủ chung trong căn lán của TTXGP Trung Trung bộ với ông Vũ Đảo. Mùa mưa, trời cuối đông rất rét, ông Vũ Đảo đốt một đống lửa khá to giữa lán. Ba anh em chúng tôi nằm võng kể cho nhau nhiều chuyện trước ngày chia tay để rồi mỗi người một ngả ra trận, không biết có còn gặp lại nhau hay không? Gần về sáng, có lẽ do trời lạnh, thấy có đống lửa ấm, một chú chuột từ ngoài rừng chui qua vách nứa vào lán chúng tôi. Ông Vũ Đảo nhổm dậy, nhẹ nhàng rời khỏi võng, cầm một chiếc dép cao su rồi bất ngờ đập chết con chuột! Ông gọi anh Hồ Ca và tôi dậy:

- Tớ có mấy lon gạo nương mới đổi được của đồng bào dân tộc, nay lại có con chuột này, thế là có được bữa “liên hoan” tiễn các cậu rồi!

Ngày ấy, được ăn gạo không đã là liên hoan, nay còn thêm thịt chuột thì còn gì bằng! Thế là ba anh em chúng tôi thức qua đêm, mổ chuột, nấu một hăng-gô cơm, không độn chút sắn nào, liên hoan vui vẻ. Sáng hôm sau tôi đi Quảng Đà. Xuống tới Quảng Đà tôi nhận được thư của ông Vũ Đảo báo tin anh Hồ Ca đã hy sinh ngày 26-4-1972 khi đi với một đơn vị bộ đội phục kích đánh xe quân sự địch tại đường 19, từ Bình Định lên Gia Lai để chụp ảnh. Tôi không ngờ bữa cơm “liên hoan” ấy lại là bữa cơm chia tay cuối cùng của chúng tôi với anh Hồ Ca, để rồi cho đến hôm nay, sau 37 năm anh mất chúng tôi còn vẫn còn ngậm ngùi khi biết giờ này hài cốt anh vẫn còn nằm đâu đó, gia đình, cơ quan và bạn bè vẫn chưa tìm được! 

“Xin lỗi mợ, có gì không phải mợ bỏ quá cho!” 

Từ ngày gặp ông Vũ Đảo lần đầu tiên năm 1966, rồi lại được làm “lính” của ông trong mấy năm chiến tranh, đến bây giờ, hơn 40 năm rồi, lúc nào tôi cũng thấy ông là một người chân thành, giản dị, lạc quan, vui tính, có thể mở lòng với mọi người. Suốt từng ấy năm, tôi chưa bao giờ thấy ông đẩy đưa, ngọt nhạt xã giao để cốt lấy lòng người khác, mà lúc nào cũng thẳng thắn, chân thành, cởi mở, như có người từng nhận xét là ông “thật như đếm”. Chả thế mà chuyện riêng của vợ chồng ông, ông đã từng “vô tư” kể với tôi cách đây hàng chục năm, bây giờ nhắc lại trước mặt bà, ông vẫn cười sảng khoái, “vô tư” như trước!

Ông Vũ Đảo, tên thật là Nguyễn Văn Đảo, sinh năm 1929, năm nay tròn 80 tuổi. Năm 1942, mới 13 tuổi, cái tuổi còn đang đi học, cậu bé Vũ Đảo đã có vợ! Năm đó, trước khi đi làm ăn xa, bố gọi cậu Vũ Đảo hỏi:

- Bố sắp xa nhà lâu ngày, bố mẹ chỉ sinh được mình con, nay bố muốn con lấy vợ để vợ con đỡ đần mẹ việc gia đình, đồng áng và lo cho con tiếp tục đi học.

Thời đó “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, nghe lời cha mẹ, cậu lấy vợ hơn  mình tới 4 tuổi!

Có vợ, cậu Vũ Đảo được cha mẹ dặn từ nay vợ chồng phải gọi nhau là “cậu mợ”, như cách gọi thông thường của những gia đình có chút ít “máu mặt” thời đó. “Cậu” tiếp tục đi học, nhiều bữa mưa to gió lớn, “mợ” mang ô đi đón “cậu” ở trường huyện, cách nhà tới 2 cây số, cứ như là chị đi đón em!

Ở cái tuổi “vắt mũi chưa sạch”, cậu Vũ Đảo biết gì chuyện chồng vợ, vì thế phải đến hơn 4 năm sau, ở cái tuổi “17 bẻ gẫy sừng trâu” ấy, chàng thanh niên Vũ Đảo mới thật sự trở thành người đàn ông. Đêm ấy anh sang với vợ, khẽ lay vợ tỉnh giấc rồi thì thào: “Xin lỗi mợ, có gì không phải mợ bỏ quá cho!”

Một năm sau, vợ chồng ông Vũ Đảo đón cô con gái đầu lòng ra đời, đặt tên con là Nhường, có lẽ chẳng phải là kỷ niệm chuyện bà “nhường” ông đêm ấy, mà là chuyện vợ chồng phải biết thương yêu, nhường nhịn nhau để sống với nhau suốt cả cuộc đời, không chỉ có niềm vui mà cả những nỗi đau số phận không phải ai cũng có thể sẻ chia. 

          Bạc tóc đâu bạc lòng 

Về quê thăm ông Vũ Đảo lần này, tôi được cùng ông, bà và hai người con đều đã quá tuổi “tri thiên mệnh” ( trên 50 tuổi, tuổi biết mệnh trời) ăn một bữa cơm gia đình, không phải là “bữa cơm liên hoan với thịt chuột” năm nào mà là một bữa cơm có thịt vịt và rau xanh vườn nhà.

Nhìn ông trò chuyện vui vẻ trong bữa ăn, tôi chạnh nghĩ, lúc nào ông cũng vui vẻ, xởi lởi như thế thì những mất mát, thiệt thòi trong cuộc đời ông dấu vào đâu?

Tôi biết, ông Vũ Đảo có nhiều thiệt thòi so với nhiều đồng chí, đồng nghiệp. 21 tuổi đã là Chánh Văn phòng huyện uỷ, hoạt động bí mật trong vùng địch hậu, bị địch khui hầm, hai đồng chí hy sinh, nhưng ông và một đồng chí khác may mắn thoát chết. Ông cũng đã từng là Trưởng phòng Thông tin của huyện, rồi là Chính trị viên phó Đại đội xe thồ, vận tải vũ khi, lương thực phục vụ chiến dịch giải phóng Tây Bắc năm 1953-1954, sang cả Lào phục vụ quân tình nguyện Việt Nam giải phóng Sầm Nưa. Suốt mấy chục năm làm báo, từng là cán bộ lãnh đạo cấp vụ, song tự mình xin nghỉ quản lý để làm chuyên viên, lúc nào ông cũng miệt mài, tận tuỵ với công việc, việc gì giao cũng làm, không so đo tính toán. Trong công việc và cuộc sống tránh sao được người này, người khác đối xử với ông không được vẹn tình, nhưng đối với họ, lúc nào ông cũng chân tình, vui vẻ.

Về hưu từ thời mới đổi mới, lương còn ba cọc ba đồng, tích cóp, dành dụm chẳng được bao nhiêu. Bây giờ, trong lúc người này, người khác có cả trăm ngàn, cả triệu đô-la, thì ông vẫn chỉ có… 43 đồng đô-la, 40 đồng là cháu ngoại mừng thượng thọ ông bà, 3 đồng còn lại là của hai người bạn tặng ông, đồng 1USD kỷ niệm và đồng 2 USD để lấy may mắn! Chả thế mà khi đã về hưu ông còn ký hợp đồng đọc mo-rat cho một tờ báo suốt 15 năm để có 500.000 đồng mỗi tháng thêm vào lương hưu lo cho cuộc sống của bốn người hiện nay.

Đâu phải như người ta nói, ở hiền là gặp lành, ở tuổi 80 ông Vũ Đảo vẫn canh cánh nỗi niềm là làm sao để  vợ và hai con đang cùng sống với ông thêm vui và bớt khổ. Ngoài một người con trai thứ và hai người con gái có gia đình riêng, cuộc sống tuy không khá giả gì cho cam nhưng cũng tạm ổn, còn người con gái đầu và con trai lớn hiện ở cùng ông bà đều gặp bất hạnh. Cô con gái đầu tên Nhường, nay đã ngoài 60 vẫn độc thân. Còn cậu con trai lớn, khi sinh ông bà đặt tên là Phúc, muốn cho phúc phận của con sau này được may mắn, trọn vẹn, nhưng thật buồn là từ nhỏ cậu đã bị bệnh thiểu năng tuần hoàn não, 50 tuổi rồi, người mập mạp, ăn được, ngủ được nhưng lại ngơ ngơ, không biết gì! Rồi còn bà, năm nay đã quá tuổi 84, sức khỏe yếu một phần, nhưng phần đáng buồn hơn là bà đã bị lẫn, cứ nhớ nhớ quên quên, nhiều khi quên cả tên các con. Ngồi nói chuyện với khách bà chỉ toàn kể chuyện năm 1950 Tây về đốt nhà, đốt mất bồ thóc của gia đình. Có hôm ăn rồi mà bà vẫn kêu đói, hỏi chồng, hỏi con sao lại chưa cho bà ăn!

Lấy bà khi cả hai còn rất ít tuổi, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, không có tình yêu trước hôn nhân, nhưng suốt mấy chục năm, lúc nào ông vẫn như bát nước đầy. Trong những năm ở chiến trường, đối diện với cái chết từng ngày, từng giờ, nghĩ về bà, ngày 29-9-1969 ông ghi nhật ký: “Còn em, người vợ hiền của anh, gần ba mươi năm trời chúng ta đã ở gần nhau được mấy năm? 21 năm nay anh thoát ly gia đình đi kháng chiến, đánh Pháp rồi lại đánh Mỹ. Một mình em phải góp sức cáng đáng mọi công việc gia đình, đầu tắt mặt tối, quanh năm ngày tháng cần cù, nhẫn nại làm việc, nuôi con...Ngày nay mọi việc ở nhà anh đều trông cậy vào em. Điều an ủi nhất với anh là vợ chồng ta từ khi lấy nhau đến nay chưa hề xảy ra to tiếng hay đối xử tàn tệ với nhau, mặc dù hồi còn nhỏ đôi khi ta có “dỗi” nhau. Em hãy cố gắng chịu đựng, tương lai đây chúng ta sẽ mãi mãi bên nhau”.

40 sau những dòng nhật ký ấy, bây giờ, giữa bữa cơm, ông gắp thêm cho bà miếng thịt vịt, giục bà ăn, rồi quay sang nói với tôi:

- Mấy năm trước bà nhà mình còn khoẻ, sáng nào hai vợ chồng cũng dậy sớm đi bộ quanh làng tập thể dục. Một năm trở lại đây bà ấy yếu quá, không đi như trước được nữa. Mình bảo bà ấy là cố giữ gìn sức khoẻ, đừng chết trước mình: “Bà mà chết trước tôi thì tôi buồn lắm, cô đơn lắm!”.

Nhìn mái đầu bạc trắng của ông già 80 tuổi chăm vợ, tôi chợt nghĩ: Đầu ông bạc trắng thế kia nhưng lòng ông đâu có bạc! Tôi nhớ lại những dòng nhật ký ông viết về bà và về phóng viên ảnh TTXGP Đỗ Văn Nhân, người đồng nghiệp cùng vào TTXGP Tây Nam với ông mà ông rất yêu mến, mất ngày 8-3-1969 tại miền núi Phú Yên, cách đây 40 năm: “Ôi, con người ở trong cuộc chiến đấu ác liệt biết sống chết lúc nào. Lúc sống chẳng thương nhau, đến khi chết, lúc đó có hối cũng chẳng kịp nữa. Cho nên, tất cả những cái nhỏ nhặt trong khi sống bên nhau cần phải tha thứ, phải thương nhau, đó là điểm mấu chốt nhất”.

Suốt đời ông Vũ Đảo đã sống như thế, quên đi những phiền muộn, đau khổ, trải tấm lòng thương yêu với mọi người. Chả thế mà Xuân Kỷ Sửu 2009 vừa rồi, sau lễ thượng thọ 80 tuổi, trong bài thơ “Cảm xúc” ông đã có thể ung dung, tự tại nói về cuộc đời mình:

“Nhớ lại tháng năm thời trai trẻ
Quên hết tuổi già lặng lẽ trôi” 

Bài đã đăng trên An Ninh Thế giới cuối tháng. Bản đầy đủ gửi TNc.

Hà Nội, 16-7-2009

  

Ảnh: Nhà báo Vũ Đảo (phải) và tác giả (chụp năm 1973 tại chiến trường)