Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HỌA SĨ PHAN KẾ AN TỪ THÀY THUỐC NGHIỆP DƯ

Vân Long
Chủ nhật ngày 19 tháng 7 năm 2009 8:17 PM
 Trong kháng chiến chống Pháp, họa sĩ Phan Kế An công tác ở tòa soạn báo Sự Thật, trông nom mỹ thuật cho tờ báo và chuyên vẽ tranh biếm họa, tranh đả kích địch, nên ông có bút danh Phan Kích. Ông còn một nghề phụ nữa: làm thày thuốc nghiệp dư, cũng được cán bộ các cơ quan đóng chung quanh ATK tín nhiệm. Chả là hồi học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, các sinh viên đều phải học cơ thể học, vào nhà xác nghiên cứu trên tử thi và học những điều về giải phẫu cơ thể dưới sự hướng dẫn của bác sĩ người Pháp Huard và bác sĩ Đỗ Xuân Hợp.
 Nhiều sinh viên khác thì ghê sợ, riêng Phan Kế An lại bị môn này hấp dẫn. Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp nhận thấy thế, đã tận tình hướng dẫn ông nhiều kiến thức về y học, có thể giải quyết những bệnh thông thường.Vì vậy, hồi đầu kháng chiến, trong chiến khu Việt Bắc chưa có y xá, trong cơ quan có ai đau bụng, cảm sốt đều nhờ họa sĩ…thay bác sĩ vậy! May mà họa sĩ không “vẽ” thêm ra bệnh! Như thế còn hơn là chờ đi mời bác sĩ Lê Văn Chánh tận bên kia Đèo Re, đi ngựa mất hàng ngày đường. Chữa bệnh nghiệp dư, nhưng ông lại có lương tâm thày thuốc chuyên nghiệp. Có câu chuyện thật đáng nhớ về lĩnh vực này:
 Một hôm, đồng chí Trường Chinh (thủ truởng cơ quan báo Sự Thật) cho mời Phan Kế An đến, đồng chí đưa An đọc một lá thư. Đó là thư của vợ anh Phạm Văn Khoa (sau là đạo diễn Điện ảnh). Đại ý chị nhờ đồng chí Trường Chinh  cử bác sĩ đến, con chị đang lâm trọng bệnh. Oái oăm thay! Câu cuối thư lại ghi chú: Xin mời cho bác sĩ Lê Văn Chánh, đừng cử anh Phan Kế An! Đọc lá thư kể bệnh, Phan Kế An biết bệnh cháu bé cần có thày thuốc ngay, nếu chờ mời được bác sĩ Chánh đến thì sẽ không kịp! Khả năng duy nhất chỉ là Phan Kế An đến chữa bệnh cho cháu.
Đồng chí Trường Chinh thấy ngay tình huống tế nhị: nếu chỉ lệnh cho Phan Kế An đi mà An không biết lời ghi chú này, ông sẽ bị động trước thái độ gia đình bệnh nhân. Đi hay không, đồng chí để tự Phan Kế An quyết định tình thế khó xử này. Phan Kế An trước tính mạng ngàn cân treo sợi tóc của cháu bé, đã gạt bỏ tự ái, nhận lời đến chữa bệnh cho cháu. Đồng chí Trường Chinh mỉm cười, nhẹ nhàng: “Anh nghĩ thế là phải!” Và lần ấy, ông đã cứu cháu bé khỏi cơn sốt rét ác tính!                                                           
                 
                      …đến nhà thơ trẻ
                                   
 Họa sĩ Phan Kế An nổi danh từ bức họa Nhớ một chiều Tây      Bắc khi ông mới ngoài tuổi 30: Giải nhất tại Triển lãm Mỹ thuật toàn         quốc - 1955). Tác phẩm này của ông có thể coi là tác phẩm kinh điển  của Mỹ thuật đương đại Việt Nam.
 Làm hội họa nhưng ông lại đặc biệt thích “chơi” với các bạn nhà văn, nhà thơ. Nhờ đó, ông có nhiều ký họa về các bạn văn như chân dung Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông, Trần Lê Văn, Quang Dũng, Nguyễn Huy Tưởng, Thế Lữ, Anh Thơ…mỗi bức thể hiện một cá tính sinh động. Các bạn văn cũng tặng lại những chân dung thơ khá đúng với ông. Nhà viết kịch Hoài Việt viết: Mừng ông lên lão 80/ Nhựa xuân chưa cạn, cây đời vẫn xanh/ Khi vui múa cọ tung hoành/ Lúc buồn rượu uống be sành coi khinh. Họa sĩ kiêm nhà thơ Phác Văn nêu bật tính cách ông khi rượu vào, gặp người tri kỷ, thì…trời cũng nhỏ: Vài ly cồn đã nhắp/ Thôi thì này công danh! Thôi thì này tiền bạc! Chỉ còn đôi mắt xanh! Nhà thơ Đoàn Việt Bắc có một bài thơ dài, có mấy câu đáng nhớ: Chiều rắc vàng, khảm bạc vào cây… Trời như cầm được ở lòng tay…Ông thả chiều vào tranh…Câu cuối cùng sau thành tên ca khúc phổ thơ của nhạc sĩ Vũ Thanh cũng lung linh không kém!...Còn tôi, lạm dụng sự thân tình, bạn nhậu của ông lâu năm thì tếu táo hơn: Tuổi 80 rồi vẫn chẳng An! / Đi như ngựa vía, rượu bia tràn / Vẽ vời chưa chán còn thơ  thẩn/ Văng tục mù trời Phan …Bất An .
 Cũng nhờ ghi lại việc tập làm thơ của họ Phan mà tôi nhớ được ngày ông bắt đầu loay hoay vật nhau với vần điệu, câu chữ: từ năm 2002, năm ông tròn tuổi 80. Nhóm CLB bia chúng tôi vẫn gọi ông là…nhà thơ trẻ. Hôm nay, nhà thơ trẻ trình làng một bài thơ tứ tuyệt làm cả hội sững sờ, một bài thơ tự họa !          
                                                     Vô đề
                                   Thôi thế cũng qua một kiếp người
                           Thời gian ngang dọc đủ mà chơi
                           Có không, không có phù vân cả
                           Nhát cọ đưa nhanh gửi lại đời!          ( 5/2009)
         Với những người chưa biết tình trạng sức khoẻ và tuổi tác của          ông, có thể coi bài thơ như người nói gở, như bài thơ tuyệt mệnh. 
 Ông vừa qua kỷ niệm sinh nhật lần thứ 86 (20/3/1923), trong tình trạng  đã phải gài 2 ống stent vào động mạch vành, và đang đau dây thần kinh số 5 (ở vùng hàm mặt), có nghĩa ăn hay uống đều đau, đến nay thì nói cũng đau. Vậy mà ông vẫn ra quán bia với chúng tôi, mỗi tuần một lần vào ngày cố định. Lần cuối gần đây nhất, xen giữa hai lần trị bệnh, ông ra bàn bia với chúng tôi chỉ để tham khảo về bài thơ trên xem cần sửa thêm gì?..
Phải nói trong lĩnh vực này ông lao động nghệ thuật cũng thật nghiêm túc như ở Hội họa vậy! Đây là bản thảo ông sửa đến N…lần. Sau hôm đó là ông nằm bệnh viện về sợi dây thần kinh vùng hàm mặt khốn khổ kia!  Ta thử ghé thăm đôi chút bếp núc thơ của nhà họa, mà ông quyết không trở thành nhà thi họa (theo nghĩa tai họa) như ai…
Câu 1: Ở tình trạng sức khoẻ và tuổi tác như vậy, nếu ông “tổng kết cuộc đời” chắc cũng không ai nỡ trách ông, chả gì ông cũng đã sắp tiếp cận tuổi 90, chưa kể ông vốn bình tĩnh trước cái chết, còn chủ động tính trước cái chết không đau đớn kéo dài!
Hôm nay, điều ông băn khoăn cân nhắc chỉ là: sao chữ nghĩa cứ định phản ông, không cho ông nói đúng với tâm thế ông về cuộc đời, về cái chết! Lúc đầu, ông viết: Thôi thế là xong một kiếp người!   Câu than này hàm ý tiếc hận, thở dài buông xuôi, gần như không có trách nhiệm gì với quãng thời gian  vừa qua đi ấy! Sau ông chỉnh lại Thôi thế cũng qua một kiếp người  thỏa đáng hơn, chỉ là chấp nhận một lẽ tự nhiên không ai cưỡng  được! Lại được hai từ cũng qua hàm ý dù có gian nan nhưng rồi cũng vượt qua.
Câu 2: Thời gian ngang dọc đủ mà chơi, chúng tôi đều khen câu này rất Phan Kế An! Đúng với cá tính thích chơi của ông: rượu và bạn và săn bắn…Bây giờ thì chỉ còn lại bạn thôi, mỗi tuần ông có mặt ở 3 nhóm bạn theo định kỳ…Rượu luôn phải hạn chế theo lệnh bác sĩ và …vợ. Đôi lúc thèm thuốc qúa, phải gài tạm vài điếu, ngụy trang trong hộp thuốc bệnh đem theo người…Vậy có chết cũng không có gì đáng tiếc, chưa kể thời gian của ông, mọi người thường cho là thời gian chỉ chẩy dọc theo dòng ngày tháng, với Phan Kế An còn có thời gian ngang…Thời gian ngang dọc đủ mà chơi!
Thật đúng với bản tính nghịch ngợm, ngông đùa từ trẻ của ông, thời gian được nhân thêm ấy càng…đủ để mà chơi !
Câu 3: Có không, không có, phù vân cả!  Lẽ sắc không của nhà Phật và quan niệm đời là phù vân, hầu như người Á Đông nào cũng nghĩ như vậy khi đi đến ga cuối của cuộc đời, huống chi ông xuất thân từ một gia đình nho giáo!
Câu 4: Câu 3 càng thông tục phổ quát bao nhiêu, câu 4 càng phải khu biệt bấy nhiêu. Câu 3 nhẹ tênh phiêu lãng, câu 4 phải trì đọng lại, viết
về cái lý do sống của ông trên đời này mà thế nhân cứ quen gọi là sự nghiệp, để chỉnh lại trạng thái an nhàn, an nhiên như một kẻ vô tích sự của ba câu trên:
                             Nhát cọ đưa nhanh gửi lại đời
 
Phan Kế An cũng như nhiều văn nhân nghệ sĩ khác, họ thường nói đời là một cuộc chơi, trang văn, bức họa của họ là cuộc chơi. Nhưng văn ấy, họa ấy cô đọng biết bao tâm huyết vì đời, như Tản Đà, như Nguyễn Tuân …cũng nổi tiếng về văn chương, nổi tiếng vì …chơi!       
                                               (nguồn: Văn Nghệ Công an 5/7/2009)