Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LÃNG THANH: CÒN LẠI MỘT ĐOÁ HOA THƠ

Trần Tố Loan
Chủ nhật ngày 19 tháng 7 năm 2009 6:52 PM
  (Đọc tập thơ HOA - NXB Thanh niên, 2003) 

I.VÀI NÉT TIỂU SỬ:

Lãng Thanh là bút danh của Lê Quốc Tuấn (1977-2002), quê ở Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ. Lãng Thanh là một tài năng về thi, thư, hoạ. Anh đã tốt nghiệp Học viện Quan hệ quốc tế  và Đại học Ngoại thương, giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung và Hán cổ. Lãng Thanh đã đọc nguyên bản và dịch một số bài thơ nước ngoài. Sau khi ra trường năm 2001, Lãng Thanh về công tác tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Vĩnh Phúc. Ngày 20-7-2002, Lãng Thanh và cha của anh bị giết một cách oan nghiệt tại nhà riêng bởi người bà con nghiện ma tuý.
Khi còn sống, Lãng Thanh đã có ý định xuất bản thơ của mình. Tập thơ Hoa gồm 14 bài, được viết trong 6 năm. Sau khi Lãng Thanh mất, nhóm Chí Tâm và Hội VHNT Việt Trì cùng Nxb Thanh niên đã cho xuất bản tập thơ. Đây là một trong sáu tập thơ được giải B của Hội Nhà văn năm 2004 (không có giải A).

II. ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN:

 Biết viết gì về Lãng Thanh khi anh không còn nữa và thơ của anh còn dở dang… Viết rằng, anh rất thông minh, tài hoa… thơ anh có những sắc nét như dao, có những câu mịn màng như lụa, có những ý khiến ngỡ ngàng, có những ý làm ta lạnh toát (Lời giới thiệu tập thơ Hoa)… Không, tôi không thích làm sống những người đã chết như thế. Tôi đọc thơ anh và cảm thấy thích thú, vậy thôi.
 Tập thơ Hoa gồm có hai phần Thượng, Hạ. Sự phân chia này mang tính tương đối, có thể dấu hiệu duy nhất để phân biệt hai phần này là hai bài Thơ trước tuổi 21 và Hai mốt tuổi. Phần Thượng chỉ gồm 4 bài thơ nhưng đó những bài thơ có nét riêng của Lãng Thanh.
 Nếu giọng điệu là phần hồn cốt, là chủ âm của thơ, là dấu hiệu để nhận ra thiên tài và vạch mặt kẻ mượn thơ tự do để che giấu sự bất tài thì với bốn bài thơ này, tác giả đã chứng tỏ được mình bằng việc xác lập được cái nhịp điệu bên trong ấy. Chúng ta hãy thẩm âm những câu thơ này:

Không bên hàng cây, cây đẹp; không bên bờ suối, suối đẹp.
Không hò hẹn, không bâng khuâng
Không hò hẹn, không bâng khuâng
Không lời khen cho đôi môi
- Là tình yêu của em
(II, Thơ trước tuổi 21)

 Phần Hạ gồm 10 bài thơ là những cảm nhận rất riêng tư của anh từ những tham âm, những va động của đời thường. Từ Hai mốt tuổi, Hồi kịch bất kỳ, Bài ca phương Đông đến Bài ca trái tim, Lãng Thanh luôn duy trì được sự hứng khởi trên đầu bút. Tôi có cảm giác anh làm thơ rất mê say - một niềm say mê của tên tội đồ kính Chúa, một thứ tôn giáo của nhà thơ vậy. Nhất là ở Bài ca Phương Đông, một bài thơ không hề cách tân - “bà đỡ” của các nhà thơ trẻ - một từ luôn bị làm tội làm tình khi người ta không tìm được từ nào khả dĩ hơn.
Thơ Lãng Thanh có sự giằng xé giữa câu chữ, ý tứ, liền kề giữa khẳng định là phủ định. Bằng mẫn cảm ngôn ngữ của mình, anh đã tạo nên những thang bậc, nhưng giá trị mới. Với hai mươi chín chữ cái buồn tẻ anh đã viết ra những điều không buồn tẻ nào, như:

Em
miền đất giản đơn chỉ có ba màu
màu trắng của da
 màu đỏ của môi
  và màu đen của tóc
Em
đôi mắt của em là bài ca thứ nhất
Thân hình em là những bài ca
Đến với em
 nước mắt nở hoa
  cười trổ nụ.
     (VI, Thơ trước tuổi 21) 

 Thơ Lãng Thanh có những nghịch lí đáng suy ngẫm. Lẽ dĩ nhiên, con người - thứ sinh vật dễ buồn hơn vui, dễ bất hạnh hơn hạnh phúc rất sợ cô đơn, sợ trống vắng thì trong thơ anh, ta bắt gặp một con người lạ lùng:

 Sống bây giờ em sống thiếu cô đơn
 Nghĩa là thiếu bóng tối, thiếu lặng im, thiếu không gian lạnh lẽo.
 Mặt trời đã mọc lên thì lặn xuống!
 Em mang nợ người yêu hèn nhát
Một nụ hôn nồng ấm
Thiết tha…
(VI, Thơ trước tuổi 21)

 Phải chăng đó là những dự cảm về sự vô nghĩa lí của cuộc sống đơn điệu, một chiều mà con người hiện đại đang dần dần là nô lệ của nó? Điệp khúc Sống bây giờ em sống thiếu cô đơn như dằn vặt, xoáy sâu vào tâm khảm người đọc. Với anh, cô đơn nhỏ nhoi là hạnh phúc bởi nếu không biết buồn thì sao có niềm vui trọn vẹn, chưa từng khổ đau sao hiểu được giá trị đích thực của hạnh phúc? Hơn hai mươi tuổi, người ta chưa đủ lớn để trải nghiệm, để dấn thân, song với Lãng Thanh, anh như đã đi đến tột cùng hạnh phúc, tột cùng đau khổ, căng hồn mình để cảm nhận. 

 Em mang nợ tháng ngày cô đơn
 Phút giây được là mình, không gian thuộc về mình, nguồn gốc.
 Đam mê và sáng tạo
 Bông hoa quỳnh về đêm
 Sống bây giờ em sống thiếu cô đơn
 Đôi môi sinh ra chỉ để đưa những hạt cơm vào hàm răng và lưỡi.
 Sao lại thành nụ hôn?
Em mang nợ đôi bò tơ mắt ướt
Cho em tin rằng
Tình yêu không phải chỉ của riêng loài người có được.
                                           (VI,Thơ trước tuổi 21)

Điều gì hấp dẫn tôi đến với thơ Lãng Thanh khi giữa anh và tôi rất xa lạ? Một cách tình cờ, tôi biết thơ anh và ý nghĩ đầu tiên là thử xem nó thế nào? Thực sự, tôi đã bị lôi cuốn đến mức không thể cưỡng lại. Qua khỏi cơn mê, óc phán xét, tính tò mò trỗi dậy. Con đường tiền nhân đã đi từ cảm tính đến lí tính đã giúp tôi ngộ ra nhiều điều. Sức hấp dẫn lớn nhất là cái kiểu “lập luận” phản giá trị trong thơ anh. Hoa làm bẩn chỗ ngồi của người hành khất và cô Tấm dịu hiền lại là yêu tinh:
Mấy người hành khất đang ngồi nhặt hoa

Rủa những cánh hoa rơi làm bẩn lên chỗ ngồi của họ
Trăng đầu làng nghênh nghếch đàn trâu lá đa
- Tấm ơi! Chị mò cua tay mọc đầy hoa, chị là yêu tinh.
(Ghi chép nhỏ)

Và những liên tưởng bất ngờ, độc đáo:
Ánh mắt trải một niềm thương da diết đến mức bầu trời có thể mọc lông tơ tơ mênh mông một tấm da người
                    (Hàng cơm chay)
Hay những cảm xúc thật nóng hổi, chân thực:
Em đến bàng hoàng như cơn sốt
Bỗng môi tôi bất lực
Nụ hôn ơi ngươi  khoá cả linh hồn
(IV, Thơ trước tuổi 21)
Lãng Thanh hay đưa triết lí vào thơ của mình khiến thơ anh có vẻ “già” trước tuổi. Song đó là kiểu triết lí đầy chất thơ:
Máu - là các quy luật, chân lí hay tình yêu
Nối giữa con người với đá, nối đá với bầu trời
dòng sông và nước mắt.
                             (Hàng cơm chay)
Nhưng cái vẻ cụ non ấy không duy trì được lâu khi ta bắt gặp những liên tưởng bất ngờ và ngộ nghĩnh như Trăng đầu làng ghênh ghếch đàn trâu lá đa (Ghi chép nhỏ). Còn nhớ một hai năm trước, giới phê bình văn học đã tỏ ra khá dị ứng với cái kiểu tập làm người lớn của Vi Thùy Linh, cô bé - người lớn này luôn tỏ ra thông minh, từng trải và bạo dạn trong thơ, song kỳ thực đó chỉ là sự gồng mình không đáng có. Người yêu thơ cảm thấy khó chịu trước những câu thơ lạ lẫm nhưng khoa trương và trống rỗng như:
Mẹ viết truyện cổ tích cho con khi đang trên dàn lửa hiến tế những ham muốn được gần cha.
Khi đôi môi cha chưa mọc trên mẹ, mẹ vẫn ước có con vào mùa cha gặp mẹ.
Chỉ có cha và con là thiêng liêng; kiến tạo cuộc đời mẹ.
(Những mặt trời đang phôi thai - Linh 2).
Trong tập thơ Hoa tôi đặc biệt chú ý đến bài thơ Bài ca phương Đông. Bài thơ mang những từ cũ như tinh chiên, lầu son, thiếp, nàng, chiến tướng… nhưng đó không phải là thứ “xác ướp” khô khan bởi có những dòng thơ như:
 Không thể tin trái tim người không mọc ở giữa ngực
 Lại chẳng hề chia: có đất, có trời.
 Những thứ gọi là sông bởi chưa từng chảy.
 Chữ cái bao giờ cũng thích đứng lẻ loi.
 
  (Bài ca phương Đông)
Mọi sự so sánh đều thiếu công bằng và mang tính chủ quan nhưng không hiểu tại sao khi đọc thơ Lãng Thanh, tôi lại hay nhớ đến R.Tagore và Hàn Mặc Tử. Nói chung, tôi nghi ngờ mọi sự võ đoán. Thời gian là người trọng tài khôn ngoan nhất. Như một người thợ cày thửa cánh đồng hoang, tôi không dám chắc mảnh đất cày xới có màu mỡ hay không nhưng tôi luôn nghĩ về anh như một nhà thơ của tương lai. Và những điều tôi viết ra ở đây là một nén tâm hương dâng lên người đã khuất. Anh không còn sống để có thể nhìn “đứa con” của mình trưởng thành như thế nào nhưng tôi tin nó sẽ cứng cáp và luôn được mọi người yêu mến bởi anh đã phôi thai nó từ Tâm hồn nên nó sẽ lên bằng Tầm nhìn và đọng lại ở Tấm lòng độc giả. Ba chữ T viết hoa ấy chính là phẩm chất đích thực của thơ ca muôn đời.
 Trong vốn từ của mình, tôi rất ghét từ “giá như” bởi bạn biết đấy nó luôn giả dối, là cái cớ để người ta che dấu sự bất lực của mình. Song với Lãng Thanh tôi muốn nói rằng, giá như anh còn sống để gia công thêm một chút nữa để câu thơ của anh đôi chỗ bớt đi về thô mộc thì tốt biết bao nhưng có lẽ phải đợi đến kiếp sau vậy. 
   Hà Nội, 30-8-2003.
 Bài viết đã đăng trên trên Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ số 104, tháng 10 năm 2003.    
Nguồn:
http://vn.myblog.yahoo.com/toloannl/