Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỘT NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI CỔ ĐIỂN

Hà Lê
Thứ ba ngày 21 tháng 7 năm 2009 7:14 AM
 
GS. Phan Cự Đệ.
 
Cha tôi kể với tôi rằng, hồi đang phấn đấu vào Đảng, có người đến dụ ông rằng, nếu ủng hộ người này, bao che cho người nọ, thì sẽ được kết nạp ngay, nhưng thấy đó là điều không đúng, ông đã không làm - con gái GS. Phan Cự Đệ bộc bạch.
 
     Sinh ra trong một gia đình giáo học, giàu truyền thống yêu nước, là chắt nội của Lang trung Bộ Binh Phan Duy Thanh - một người được cụ Tôn Thất Thuyết (linh hồn của phong trào Cần Vương) tin dùng, và là chắt ngoại của cụ Nghè Nguyễn Xuân Ôn, cũng nổi tiếng trong phong trào Cần Vương, Phan Cự Đệ từ nhỏ đã được thừa hưởng cái chí của dòng tộc mình.
Cái làng Quỳnh Đôi quê hương ông nổi tiếng ở nước ta bởi có hàng nghìn ông tú, ông nghè thời xưa cũng như thời nay. Tiếp thu cái chí của ông đồ Nghệ, cái chí vượt nghèo bằng tri thức của người dân vùng đất miền Trung khô cằn, nhiều nắng gió, chàng trai họ Phan sáng đi cày cho nhà chủ, chiều làm gia sư, tối đi học, mà một năm vẫn lên được hai lớp, lại còn dành được tiền gửi về giúp mẹ.
Cũng bằng cái ý chí ấy, ông ra Hà Nội, vừa bán sách, vừa làm gia sư để có tiền sống và học Đại học Sư phạm Văn Hà Nội, rồi trở thành giáo viên của Đại học Tổng hợp Hà Nội ngay từ những năm đầu thành lập.
Chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, Phan Cự Đệ đến những trận địa pháo, truyền cho các chiến sĩ cái tinh thần bất khuất của Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi qua tác phẩm Sống như Anh. Không cầm súng thì ông cầm bút. Những thôi thúc nội tâm của một người sống trong chiến tranh, muốn góp sức mình vào sự nghiệp chung đã giúp GS. Phan Cự Đệ và những nhà văn thế hệ ông có được những tác phẩm đầy ắp hơi thở cuộc sống và thấm đẫm niềm tin vào lý tưởng.
Hơn 800 trang sách của bộ Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại được ông viết suốt những năm trời nơi sơ tán dưới ánh đèn dầu, trong cái rét căm căm của mùa đông miền núi. Ông viết trong niềm canh cánh thương con gái bé thút thít trong mơ vòi bố một bữa cơm có thịt. Sống trong chiến tranh, gian khổ, hoà mình vào xúc cảm của nhà văn, của nhân vật và hoàn cảnh lịch sử, Phan Cự Đệ đã viết lý luận phê bình bằng cả tư duy lô gích, và bằng cả sự mẫn cảm từ trái tim đầy nhiệt huyết của mình.
Viết - với GS. Phan Cự Đệ là một nhu cầu tự thân - được sáng tạo, được thể hiện mình. Say mê đột phá vào những vấn đề mới, những hiện tượng văn học quan trọng và đặt nó vào một cái nhìn khoa học, hệ thống, mang tính chuyên sâu là một điểm mạnh trong tư duy, nghiên cứu của Phan Cự Đệ. 
Cũng như nhiều trí thức trưởng thành nhờ cách mạng, Phan Cự Đệ trung thành với lý tưởng và hết lòng bảo vệ đường lối văn nghệ của Đảng. Ông bảo vệ, vì ông tin tưởng thực sự vào tính hướng thiện của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng, một số người trong giới đôi khi cho rằng thầy cứng nhắc, thậm chí bảo thủ - TS. Phạm Quang Long đã viết về người thầy cũ của mình - Tôi không cho là như vậy… Ở thầy có niềm tin chân thành, pha chút ngây thơ, có ý thức bảo vệ những tín điều thầy cho là đúng… Thầy ơi, đời biết thế nào là trọn vẹn, nhất là khi công việc thầy làm lại phụ thuộc rất nhiều vào chuyện cái quan định luận, vào sự yêu ghét của người đời. Khi còn sống, thầy đã ít quan tâm đến điều đó mà chỉ hành động theo những xác tín của mình. Và, tuy thầy đã đi xa nhưng thầy vẫn sống trong cuộc đời, trong tình cảm của nhiều người. Thế là thoả nguyện rồi, Thầy.
Không phải là đảng viên nhưng vẫn một lòng bảo vệ Đảng, đã có người chê GS. Phan Cự Đệ là bảo hoàng hơn vua. Nhưng người có tâm thì cho rằng Phan Cự Đệ là một người cộng sản chân chính ngoài Đảng,- GS.VS Hồ Sĩ Vịnh viết về người bạn của mình - Không phải anh không đủ phẩm chất và nhiệt tình vào Đảng, trái lại anh phấn đấu hết mình vì khoa học, vì sự nghiệp đào tạo, nhưng sự nghiệt ngã của lịch sử để lại, sự ấu trĩ của một bộ phận tổ chức đối với trí thức… khiến anh bị thiệt thòi… Anh Hà Xuân Trường, lúc đương chức Trưởng Ban Văn hoá - Văn nghệ Trung ương có mấy lần hỏi tôi Anh Đệ mà chưa đảng viên à? Anh Vịnh biết vì sao con người có tri thức rộng, chân thành bảo vệ đường lối văn nghệ của Đảng lại đứng ngoài tổ chức.
PGS.TS Phạm Thành Hưng đã từng chứng kiến cảnh những đảng viên Cộng sản Tiệp Khắc lén lút vứt thẻ Đảng, những đám học trò Czech thắp nến cầu siêu cho những đống sách kinh điển giữa các quảng trường Tiệp Khắc, anh cảm thấy rất may là những quả bom ba càng tư tưởng ở ta không bao giờ phải nổ. Khi đọc được một số lời chê bai thầy mình bảo thủ sau khi thầy đã mất, Phạm Thành Hưng nhớ lời thầy bộc bạch năm xưa: Thế hệ mình phải trải qua cuộc vật lộn về quan điểm quá mệt mỏi và phức tạp, anh thấy thương thầy và thấy tội nghiệp cho cả những kẻ ghét thầy. Lịch sử nước nào cũng có những khúc vòng, đỏng đảnh. Cả trong chiến trận và trong khoa học vẫn cần những cảm tử quân… Thầy Đệ của chúng tôi vẫn đang phải tiếp tục hy sinh cho lịch sử.
Nhưng cũng chính Phạm Thành Hưng, trở về nước trong thời điểm Tiệp Khắc và các nước Đông Âu bị khủng hoảng về chính trị, vẫn nhớ lời thầy Đệ nhắc nhở: Mọi thứ đều phải thận trọng. Dân gian ta có câu rất thông thái đấy: Ăn cây nào rào cây đấy, chẳng cơ hội chút nào. Anh không bảo vệ vườn nhà mình, không giữ gìn cho anh em, họ hàng làng xóm mình, đất nước mình, thì bảo vệ ai?.
Năm 1985, nguyên Thiếu tướng Công an Phạm Văn Thạch gặp thầy cũ - GS Phan Cự Đệ ở Matxcơva. Lúc này ở Liên Xô đã nổi lên không khí đổi mới, với việc phê phán thời kỳ bao cấp. Đến cả việc sản xuất ra chiếc chậu nặng chục kg nhôm cũng bị cho là sự lãng phí tài nguyên. Nhiều người phấn khởi, đón nhận nó như luồng gió mới. Trong buổi gặp chúng tôi, khi đề cập đến chuyện này, thầy nói: Chỉ thấy phê phán, truất bỏ mà không thấy mở lối ra. Đổi mới thế này thì nguy quá, không hiểu cái ông Liên Xô này sẽ đi đến đâu. Tôi thấy lo lắm… Vào thời điểm năm 1985, điều tâm sự của thầy thể hiện sự nhìn nhận sâu sắc, càng hiểu rõ hơn tình cảm của thầy đối với cách mạng, đối với đời sống chính trị của thế giới và đất nước.
Cha tôi không phải không có những nỗi niềm. Ông là người ghét sự cơ hội, chạy chọt. Ông kể với tôi rằng, hồi đang phấn đấu vào Đảng, có người đến dụ ông rằng, nếu ủng hộ người này, bao che cho người nọ, thì sẽ được kết nạp ngay, nhưng thấy đó là điều không đúng, ông đã không làm. Cha tôi không hối tiếc, mặc dù ông đã thiệt thòi nhiều vì cách sống thẳng thắn đó. Có những lúc ông rất buồn vì một số chuyện tiêu cực trong xã hội, nhưng lúc nào ông cũng khuyên con cái phải vững tin vào điều thiện, phải tìm thấy niềm vui trong công việc, phải tự đổi mới, hoàn thiện mình trong bối cảnh hội nhập. Dù đã sử dụng được cả tiếng Pháp, Nga, Anh, cho đến cuối đời, ông vẫn đều đặn học thêm từ tiếng Anh mỗi ngày... Ông ra đi, tôi mất một Người Bạn lớn, một chỗ dựa tinh thần quí báu. Với chúng tôi, ông luôn là một tấm gương tự vượt mình - con gái GS. Phan Cự Đệ bộc bạch khi cung cấp tư liệu cho tôi viết bài.
Đổi mới là sự tự vượt mình…
Năm 1982, khi Mỹ chưa bỏ cấm vận, GS Phan Cự Đệ và GS Hà Minh Đức nằm trong số những nhà khoa học Việt Nam đầu tiên sang Mỹ. Các ông được mời dự hội thảo về văn học Việt Nam giữa hai thế chiến 1918 - 1945. Cả hai chưa phải đảng viên, không có quyền chức nên việc đi Mỹ là chuyện xa vời - Giáo sư Hà Minh Đức nhớ lại - Anh Xuân Diệu căn dặn: Phải kín đáo, lên tàu bay khỏi biên giới rồi mới thoát. Anh Huy Cận bảo thân tình: Cẩn thận, họ giật các anh rách áo ở sau lưng. Hết khó khăn này đến khó khăn khác… Chừng nửa tháng sau thì mọi việc cũng xong xuôi. Buổi gặp đồng chí Lê Đức Thọ để lại cho tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp. Đồng chí Lê Đức Thọ căn dặn là các anh sang Mỹ họp, phải đem quan điểm khoa học của mình đưa ra để thuyết phục họ. Chính phủ Mỹ nhiều người có ý thức về chân lý sẽ ủng hộ ta và ý kiến của họ có lợi cho ta.

Nhà thơ Tố Hữu, GS Phan Cự Đệ (người đứng thứ 2 từ phải sang) cùng các nhà văn tại Đại hội nhà văn Việt Nam.

Chuyến đi này đã thôi thúc GS Phan Cự Đệ thành lập Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Quốc tế (1990) và Câu lạc bộ Giao lưu Kinh tế Văn hóa Quốc tế (1995) với mong muốn mở một cánh cửa để giới thiệu văn hóa, văn học Việt Nam với quốc tế và ngược lại.
Trong cuộc trao đổi với nhà báo Hồng Thanh Quang, GS. Phan Cự Đệ đã tâm sự rằng: Anh không thể có phương Đông mà lại quên phương Tây và anh càng không thể bỏ qua truyền thống dân tộc. Ba yếu tố đó nó kết với nhau thì mới có thể hội nhập thành công.
Trăn trở với suy nghĩ ấy, Trung tâm của ông đã tổ chức được 10 cuộc hội thảo quốc tế mà không lấy của Nhà nước một xu nào… Chúng tôi cũng từng tổ chức một cuộc hội thảo về văn học Việt Nam ở Đan Mạch, 12 nước tham dự, còn mình là Chủ tịch Hội thảo nhưng không cần bỏ ra xu nào!. GS Phan Cự Đệ là vậy, rất lạc quan và hãnh diện vì những gì ông cho là đúng, là có lợi cho đất nước. CLB do ông làm Chủ tịch đã tổ chức được gần 200 cuộc giao lưu về văn hóa, chính trị, kinh tế, ngoại giao, mà diễn giả là các đại sứ, các bộ trưởng, thứ trưởng, các  nhà kinh tế, các nhà văn hoá… Thực sự, CLB đã đem lại lượng thông tin lớn, giúp tạo dựng những mối quan hệ song phương, đa phương, mà ngoại giao nhân dân, ngoại giao văn hóa đã góp phần đắc lực, nhất là trong giai đoạn đầu của công cuộc Đổi mới.
TS Ngô Tất Tố, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nga trân trọng gọi GS Phan Cự Đệ là sứ giả của ngoại giao nhân dân. Ngài Constantin Lupeanu, Chủ tịch Hội Hữu nghị Rumani - Việt Nam, cựu Đại sứ Rumani tại Việt Nam, trong bài viết của mình, đã tỏ lòng kính trọng đến vị Giáo sư quá cố: Ông là một học giả lớn thật khó gặp trong thời đại ngày nay, không chỉ trong đất nước mình mà còn trên toàn thế giới, luôn sẵn sàng giảng dạy cho thế hệ trẻ và trao đổi với công chúng về văn học và văn hóa Việt Nam, bao gồm cả văn hóa Đông Nam Á… Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây, đó là: GS Phan Cự Đệ là một sự tổng hợp hiếm có giữa một học giả hết sức uyên bác với một nhà hoạt động thực tiễn luôn hết lòng phụng sự cho đất nước của ông.
Tìm hiểu kỹ, tôi biết cả Trung tâm lẫn Câu lạc bộ của GS Đệ tự hoạt động, kiểu như tổ chức phi chính phủ. Vậy họ lấy đâu ra tiền để hoạt động, chắc là được nước ngoài tài trợ nhiều lắm. Tò mò, tôi đến gặp Đỗ Thu Giang, cô trợ lý của GS Đệ từ ngày CLB mới thành lập.
Ban đầu thì có dăm bảy vị đại sứ đóng góp lệ phí hội viên CLB. Thỉnh thoảng có một vài đơn vị tham gia nói chuyện hỗ trợ 200-300 USD, chi phí đủ cho buổi nói chuyện của họ, vì buổi sinh hoạt nào cũng có ăn trưa. Hai năm đầu thì CLB có tiền trả lương cho Ban Điều hành, bác Đệ Chủ tịch thì được 500.000 đồng/ tháng. Về sau thì cực lắm, người ta không muốn góp lệ phí hội viên nữa. Nhiều lần soạn thư mời kèm lời kêu gọi hỗ trợ chi phí cho từng buổi sinh hoạt, hai bác cháu và Ban Điều hành cứ cân nhắc mãi: làm sao để được việc, mà phải đúng nguyên tắc ngoại giao, không thể để họ coi thường mình được. Xin hỗ trợ 300 USD thì có khi được 100 - 200 USD, thiếu thì bác Đệ lại lấy tiền dạy học cho Trường Đại học KHXH&NV, tiền in sách, tiền giải thưởng… để bù vào. Thiếu nữa thì vay bác gái, sau rồi bác Đệ ngại, lại vay hai người con. Lương của trợ lý như em, về sau bác bỏ tiền túi ra trả. Làm với bác lương không cao, nhưng bác thương nhân viên lắm, cha em mất sớm, em coi bác như người cha vậy- Nói đến đây, Giang khóc, làm tôi cũng mủi lòng - Ở hiền gặp lành, đời người có bốn chữ Sinh- Lão- Bệnh -Tử, thì bác Đệ chỉ phải gặp chữ Sinh và Tử thôi. Lúc nào bác cũng yêu đời, cứ được việc là bác vui lắm, dù phải bỏ tiền nhà ra cũng được. Chẳng thấy lúc nào bác Đệ nghỉ ngơi, hết dạy học, viết sách, rồi lo cho CLB. Bận thế mà còn làm thơ, viết nhạc...

 

Hà Lê

Nguon theo cand.