Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHA TÔI - kỳ 2

Ngô Nhật Đăng
Thứ bẩy ngày 18 tháng 7 năm 2009 5:09 PM
 
7
 
 Ngày còn nhỏ tôi lăn lóc trong căn nhà số 4 Lý nam Đế (Tạp chí Văn nghệ Quân đội- sau năm 1975 chú Thu Bồn đổi thành “Văn đội quân Nghệ” vì lúc này chuyển về Tạp chí có nhiều người Nghệ An)Thuộc từng góc cầu thang,chổ phồng lên của sàn gỗ lim trên tầng 2 gần cửa phòng bác Thanh Tịnh.Tôi biết hết các bác,các chú, có một bài vè kể tên từng người mà lũ trẻ bọn tôi thường nghêu ngao (xin trích 1 đọan) :
 
                                               Cô Hòai xấu ghê
                                               Ngồi lê đôi mách
                                               Con ông Xuân Sách
                                               Cháu bà Xuân Quỳnh
                                               Nghiên cứu phê bình
                                               Là cô Minh Mẫn
                                               Lẩn thà lẩn thẩn
                                               Là chú Thanh Tâm
                                               Cám hấp cám hâm
                                               Là ông Minh Tước
                                               Quên sau quên trước
                                               Là bác Minh Châu
                                               Không đâu vào đâu
                                               Là cô Hồng Điệp
                                               Gan vàng dạ thép
                                                Là chú Thảo Nguyên
                                               Ăn nói huyên thuyên
                                                Chú Phạm Tiến Duật
                                               Lật đà lật đật
                                               Là chú Hà Trì
                                               Hay thở phì phì
                                               Là bác Thanh Tịnh
………………
  Một lần tôi đang nghêu ngao bài vè “Nhất hạt mít nhì khoai lang” thì bác Xuân Thiều băt gặp đúng đoạn có tên bác,bác trừng mắt quát “ Bố mày là thằng ngu còn chú mày là thằng dại”.
 
 Ở dãy nhà cấp 4 phía sau Tạp chí có kê một bàn bóng bàn,buổi chiều và buổi tối là nơi tập trung mọi người nhất là hôm nào có tổ chức thi đấu giữa Tạp chí và Báo Quân đội nhân dân hay Điện ảnh quân đội.Bọn nhóc chúng tôi làm nhiệm vụ reo hò cổ vũ và đi nhặt bóng.Một lần sau trận đấu bác Thanh Tịnh đứng lên kể chuyện(đây là tiết mục thường xuyên của bác) bác nói : “Xuân Thiều à thơ của bộ đội bây giờ chẳng có vần vèo gì cả hôm rồi ở dưới đơn vị gửi lên bài thơ có câu :
Xuân Thiều lững thững dọc đường thôn
                             Bỗng phát hiện ra một cái…….
                                             
 Bác ngừng một chút rồi đọc tiếp : QUẠT 
 Trời ơi nghe bác đọc câu thơ đó bằng giọng Huế,tôi cố ai nhịn được cười.
 
  Sau này khi đọc “chân dung” bác Xuân Thiều tôi đoán bố tôi đã dùng ý câu thơ này của bác Thanh Tịnh để viết.Ở “Nhà số 4” còn có một cây cù nữa là chú Quốc Viễn.Tôi chưa thấy ai có kiểu cười như chú và bác Vũ Cao,nó ấn tượng đến nỗi đến tận bây giờ tôi cho rằng đàn ông phải cười như hai người đó. Cứ buổi trưa sau bữa cơm chú lại gọi bọn nhóc chúng tôi “Lại đây chú hát cô đầu cho mà nghe”.Chú nằm trên chiếc ghế dài vén áo để lộ cái bụng phệ,mồm ư ử : Hồng hồng tuyết tuyết …tay vỗ bụng kêu chát chát tom tom. Chú sợ nhất là đi viếng đám ma,hồi bà ngoại tôi mất chú cũng lên nhưng rủ tôi ra đứng ngoài đường,chú bảo “Ở trong đó nhỡ tao buột miệng cười ông ổng thì bỏ mẹ.Hôm đám tang ông Hoài Thanh (Lúc này bác Vũ Cao và bố tôi đã ra Nhà Xuất bản Hà Nội) Khi đoàn của Nhà Xuất bản vào viếng đột nhiên ông trưởng phòng Hành chính hô to: “Nghiêm,một phút mặc niệm bắt đẩu” rôi ông dõng dạc  “Hôm nay là ngày cụ hai năm mươi…” Đột nhiên một tràng cười không thể lẫn rộ lên.Tôi ngó sang đúng là chú Quốc Viễn.
 
 Hôm sau cô Minh Tâm(cô là con dâu ông Hoài Thanh và là biên tập viên của Nhà Xuất bản Hà Nội) kể: “Bà chị dâu hỏi cô cơ quan nào đấy? cô chối bay chối biến,em cũng không biết”.Còn bố tôi thì bảo ông trưởng phòng :Từ nay tôi cấm anh không được thay mặt cơ quan đi viếng đám ma.Tôi mà có tài thế nào cũng đưa ông này làm một nhân vật tiểu thuyết.Một lần đi làm về tôi thấy bố đang quát tháo ông ta rất dữ,ít khi thấy ông giận như vậy.Khi ông trưởng phòng ra về,vẫn chưa hết giận bố chỉ cái phong bì vứt trên bàn và bảo tôi “con mở ra mà xem”,tôi mở phong bì và đọc :
 
Kính thưa anh !
 Sáng nay vào hồi 9h20 phút có một người đến hỏi anh tôi nói anh đi vắng.Vậy kính báo việc này để anh biết.
                                                                  Hà Nội ngày….
Dưới chữ ký bay bướm là dấu mộc đỏ chói với dòng chữ rất đẹp :
“Trưởng phòng hành chính”.
 
 Khi bố tôi vào Nam ông ta là người hăng hái nhất trong việc viết đơn kiện bố.
  Tôi rất hay lê la hóng chuyện giữa bố tôi và  các nhà văn mà các ông thì để ý làm gì thằng nhóc con hỉ mũi chưa sạch.Và thế là tôi cứ lặng lẽ quan sát từng người,có hai người để lại ấn tượng cho tôi nhất là bác Thanh Tịnh và bác Nguyễn Khải.
 
 Chú Vương Trí Nhàn viết: ở VNQĐ Xuân Sách là người hiểu Nguyễn Khải đến chân tơ kẽ tóc.Còn bác Khải thì nói đại ý: “Sở dĩ tôi và ông Sách chơi được với nhau lâu và có vẻ thân thiết là vì chúng tôi biết giữ một khỏang cách” . Khi bố tôi in Chân dung nhà văn bác còn viết “Không ngờ Xuân Sách khôn ngoan mà về già lại có những toan tính lẩm cẩm cho in những đoạn thơ “diễu” một thời thành tác phẩm văn học chủ chốt của đời mình. Và bác còn thấy “xấu hổ quá,xấu hổ cho mình,cho bạn bè và cho cả giới”.
 
 Hồi đó tôi thấy bác Khải và bố tôi thân nhau thật,khi chỉ có hai người họ tòan gọi nhau là “mày,tao”.Một buổi tối tôi chứng kiến,bác Khải bước vào phòng bố tôi nói gì đó tôi không để ý,chợt tôi thấy bố nói : Không hiểu sao tao thấy mệt quá mày ạ,mồ hôi cứ vã ra.Rồi ông nói to : Bỏ mẹ,từ sáng đến giờ chưa ăn gì.Bác Khải gắt : Bỏ đấy,tao còn tiền đây cầm lấy mà đi ăn phở. Ông móc các túi rồi ngẩn người, còn mỗi...một đồng, ông thở dài rồi buông một câu : “Khốn nạn,hai thằng nhà văn”(lúc này phở ngon Hà Nội đã lên giá 1,5 đồng một bát).Có một lần bố tôi lên Bắc Giang thăm mấy mẹ con,hôm đó rất đông người đến,các bác sĩ chỗ bệnh viện của mẹ tôi,một số thày giáo dạy văn ở trường cấp 3 huyện, mẹ tôi bận rộn nấu nướng với nét mặt sung sướng.Mọi người ngồi từ sáng đến tối chỉ nghe bố tôi nói về vở kịch Cách mạng của bác Khải.Lúc này bố tôi mới hòan thành “chân dung”Nguyễn Khải sau bao lần viết đi viết lại mà không ưng ý.Tôi còn nhớ mấy câu ông đã viết về bác Khải rồi lại bỏ đi :
 
Anh đi anh lại về ngay
Hòa Vang chính ở ngòai này đó em
Hay:
Em đừng tính quẩn lo quanh
Họ chiến đấu chứ phải anh đâu mà
 Lúc này tôi đã lớn,nên có nhiều chuyện bố cũng nói với tôi.Tôi đọc câu kết:
 
“Muốn làm cách mạng nhưng lại…nhát”
 
 rồi nhìn bố, ông thở dài : Bố mong là mình viết sai.
 
 Nguyễn Khải là người cực kỳ thông minh và tỉnh táo, điều này không cần phải bàn cãi.Tôi hay được gặp ông nhưng vẫn khó thấy gần gũi như với bác Thanh Tịnh.Kỷ niệm tôi nhớ mãi là một lần gặp ông ngòai phố, tôi chào ông nhưng ông không trả lời chỉ liếc nhìn rồi đi thẳng.Tôi cũng quên ngay nếu như mấy hôm sau bố tôi không nói : Bác Khải bảo bố nói với con “Đừng giận chú,hôm trước chú không trả lời Đăng là vì nhìn Đăng thì chú lại nhớ tới thằng Huỳnh,không cầm nổi nước mắt”(Huỳnh là con trai lớn của ông bằng tuổi tôi,bị chết đuối ở sông Hồng năm 1973, ông còn giữ lại cả cốc nước chanh mà Huỳnh uống dở suốt bao nhiêu năm).Thú thật lúc ấy tôi chẳng thấy cảm động gì cả.Sao ông không nói với tôi mà lại nói với bố?Hơn nữa với Huỳnh ngòai những trò nghịch ngợm hồi còn bé tí như cởi truồng nhảy vào tắm trong bể nước ăn to đùng của Tạp chí(sợ nhất là bị bác Chính Hữu bắt được,uống no nước ngay) hay trèo tường sang nhà số 2 ăn trộm nhãn,lớn lên mỗi thằng một ngả có chơi với nhau nữa đâu.Hôm được tin bố tôi báo Huỳnh chết tôi lao lên xe đạp chạy như điên suốt buổi tối,cũng chỉ vì câu nói của bố : “Ngoan như thằng Huỳnh thì chết,còn…”.Sau này đọc Đi tìm cái tôi đã mất của bác Khải và Giải mã chân dung của bố “Đóng thêm khung cho những bức tranh chân dung” như bố tôi nói, tôi càng hiểu bác hơn. Tiếc thật, tính tóan kỹ lưỡng từng việc nhỏ nên khi tính việc lớn lại thường nhầm. Ôi,tiếc thật. “Một tài năng lỡ tàu”.
 
   Bác Thanh Tịnh khai trong “lý lịch cá nhân” :
Trải qua mấy chục năm trường
Ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân
 
 Một ông tiên nhân hậu ôm nỗi buồn man mác suốt cuộc đời như xứ Huế quê ông.Có lần ông nói “Tiếng hò Huế quê bác nó dài như…. một tiếng thở dài”
 
 Lần in cuốn“ Đi từ giữa một mùa sen” ông tặng tôi với dòng chữ “ Rất thân yêu tặng cháu Nhật Đăng” hình như ngòai những tác phẩm ông viết trước cách mạng đó là tập thơ duy nhất của ông được in thành sách khi còn sống.Kỷ niệm về ông thì thật nhiều nhưng có lẽ để một dịp nào đó tôi sẽ kể.Một buổi tối em gái tôi gọi điện “Anh ơi bác Thanh Tịnh mất rồi”.Tôi bàng hòang, mới cách đó ít ngày tôi còn nhìn thấy ông,hôm đó tôi đang ngồi ở quán nước chè vỉa hè góc đường Hòe Nhai thì nhìn thấy ông đi dọc phố về phía bờ sông,có lẽ ông từ nhà người em kết nghĩa ở ngõ Yên Ninh đi ra.Tôi chỉ ngồi im nhìn ông, dáng người cao lớn,mái tóc dài trắng xóa như cước, đôi giày da cao cổ quá cỡ không bao giờ buộc dây…ông lặng lẽ đi,liêu xiêu trong ánh nắng quái chiều hôm và làn gió từ sông Hồng thổi lại.
 
 
8
 
  Bố tôi có phải là người nổi tiếng không ?có lần tôi hỏi ông đại khái như vậy,ông nghếch mặt lên nheo mắt cười “Thằng này coi thường bố”rồi ông kể:
 
-Có một ông người Nhật đến Vũng Tàu thăm bố,ông ta nói đã từng dạy học ở Hà Nội 3 năm,tự coi mình là người hiểu khá rõ Việt Nam.Ông ta kể :Một lần khi dự một Hội nghị quốc tế ông ta gặp một người bạn cũng từng ở Việt Nam,người đó hỏi :Ông đã gặp Xuân Sách chưa?/Chưa./Vậy là coi như ông chưa tới Việt Nam.Nên hôm nay tôi đến tìm ông.
 
 Khi còn nhỏ tôi hay bị giới thiệu “Đây là con nhà văn Xuân Sách,Đội du kích thiếu niên Đình Bảng”thời  gian gần đây thì là “con ông Việt Nam trên đường chúng ta đi”.Khi bài hát này ra đời tôi được bố đưa đến nhà hàng Phú Gia cùng bác Huy Du,lần đầu tiên trong đời tôi được ăn món “cá bỏ lò”và uống rượu vang Pháp.
 
Tôi còn nhớ bữa ăn đó hết có 2 đồng,khi về bố nói “Nhuận bút được 20 đồng,bố được chia phần nhiều hơn nên bố khao”.Một lần mấy tên đàn em mời tôi đi Karaoke,có lẽ muốn “nịnh” tôi nên chúng nó chọn bài đầu tiên là Đường chúng ta đi,cô tiếp viên hỏi : Chắc các anh là con nuôi ông Xuân Sách ? Cô giải thích : Có mấy anh hay vào đây,lần nào chọn bài này cũng tranh nhau hát và bảo để tao hát bài của bố nuôi tao.Tôi cười :
 
- Lần sau chúng nó đến,em cứ bảo không được hát bài này nữa,vì đã có anh là con nuôi của ông Huy Du hát rồi.
 
 Lần bác Huy Du lên Tivi nhận giải thưởng và nói về bài hát này,tôi có gọi điện cho bố,ông trả lời : Bố có biết,bác Huy Du cũng gọi cho bố,bác nói: “Sách ơi, xin lỗi mày tao hèn”
 Bố cũng kể :
 
 - Một lần bố đi Karaoke cô bé tiếp viên chọn bài Đường chúng ta đi,bố phảy tay “không hát bài này”cô ta chọn tiếp bài Cùng anh tiến quân trên đường dài,bố hơi ngạc nhiên,thì cô ta nói tiếp “anh tưởng em không biết anh là ai à?anh đưa bàn tay đây”khi bố xòe tay ra cô ấy viết vào lòng bàn tay bố hai chữ “XS”.Bố vội vàng đứng dậy chắp tay : “Lạy em, anh định trốn vợ thử đi hư một lần trong đời mà không được”
 
 Hôm tôi lên cửa hàng phục vụ tang lễ ở phố Phùng Hưng để chuẩn bị lo cho bố,khi nghe tên ông cô chủ nói “Em có nghe tên cụ,anh yên tâm cứ về đi em sẽ cho chở đầy đủ mọi thứ xuống Nhà tang lễ, thứ nào dùng không hết thì trả lại sau”cô nói thêm : cho phép chúng em làm hoa trang trí trên quan tài của cụ và đây là tấm lòng của bọn em kính viếng cụ.Mấy ngày sau tang lễ, vợ chồng tôi lên thanh toán,cỗ quan tài giá 8 triệu đồng mà cô chỉ tính 3 triệu.Ông anh vợ tôi cũng kể : Khi anh lên Hàng Mắm làm bia cho ông,ông chủ cửa hàng nói “Ông này là người của quần chúng,bao giờ “sang cát” tôi xin làm cho ông một tấm bia thật đẹp”.
 
 Hôm vừa rồi ngồi uống café với anh Nguyễn Hòa trong Sài Gòn,anh bảo :
 
- Bố em là người mà cả chính đạo,tà đạo,lục lâm giang hồ thảo khấu(tất nhiên tôi hiểu anh chỉ nói tới giới văn chương) đều tâm phục khẩu phục.Không biết em có học được bố chút nào không.
 
 Tôi có học được chút gì từ bố không?Tôi cứ băn khoăn về câu hỏi của anh Nguyễn Hòa.Ngày còn bé tôi hay được ông đưa đi theo các buổi nói chuyện thơ ở các đơn vị bộ đội,các buổi liên hoan thịt chó khi có chú bác nhà văn  nào đó được đi nước ngòai,các buổi “trà dư tửu hậu”bàn chuyện văn chương các buổi này được cô Nguyễn Thị Như Trang nhận xét “thứ văn chương salon”.Tôi tự nhận thấy mình chả có chút năng khiếu văn chương nào,có lẽ bố tôi cũng nhận thấy như vậy dù khi nào ngồi riêng hai bố con ông tòan nói chuyện văn chương,kể cho tôi nghe ông đang viết gì.Có lẽ tôi học được ông cái nguyên tắc sống.Tôi rất thích câu nói của người Trung Hoa “Đầu gối của người đàn ông làm bằng vàng,chỉ quỳ trước trời đất và cha mẹ”
 
Khi bố tôi còn đang nằm ở bệnh viện Thống Nhất-Sài Gòn hội VHNT Bà Rịa-Vũng Tàu lên thăm có mang theo một cuốn Tạp chí của Tập đoàn Dầu khí trong đó có bài kể về những kỷ niệm vui về bố tôi như : không bao giờ đi giày,không biết sử dụng điện thọai di động,quên đường về nhà,sợ cảnh sát giao thông vv… tôi đọc mà thấy ngạc nhiên,nói như người Nam bộ là “má ruột còn hổng nhận ra”.Ngày xưa khi bác San vợ bác Xuân Thiều là nhân viên bán hàng của Bách hóa Tổng hợp Hà Nội,ai từng sống ở Hà Nội những năm đó đều biết hàng năm khi sắp đến ngày 2-9 Bách hóa Tổng hợp đều có bán những mặt hàng mà ngày thường không có.Lần nào mà có giày “Da bò đế kếp” bác San đều nhắn cho bố tôi và tôi là người ra cửa hàng để nhận.Anh Trần Đức Tiến còn viết đại ý : “Xuân Sách là người không biết sợ gì vậy mà mỗi lần gặp cảnh sát giao thông là ông luống cuống mất hết cả bình tĩnh”.Có lẽ nắng gió Vũng Tàu đã “cải tạo” ông thành một người khác chăng? Ngày tôi mới đi bộ đội một lần được “tranh thủ” về Hà Nội mua bột màu để lên vẽ cho phòng Truyền thống của Trung đòan, khi trở lại đơn vị tôi được bố chở đi bằng xe máy.Đến thị xã Bắc Ninh hai bố con vào nghỉ chân ở một hàng giải khát thì một anh công an đến kiểm tra giấy tờ,sau khi xem đủ các lọai giấy như : Đăng ký xe,Bằng lái,Sổ xăng…anh chỉ cái balô của tôi hất hàm :
 
- Mở ra.
Tôi mở ra,anh nhìn và gắt :
- Sao mua nhiều hương thế này
 
- Vì bà con chỗ tôi đóng quân rất thích thắp hương của Hà Nội nên tôi mua lên để biếu họ
 Anh thò tay vào balô cầm lên một hộp sắt rất đẹp (Đấy là cái hộp đựng sâm Triều Tiên bố tôi được phát hồi đi B,sâm ông biếu bà ngoại tôi còn vỏ hộp giữ lại để đựng chè) ngắm nghía rồi hỏi :
- Cái gì đây
- Dạ chè
- Chè mà phải để kỹ thế này à?
 
 Tôi nghe thấy bố khịt khịt mũi (dấu hiệu khi ông sắp nổi giận),tôi nén cười quay mặt ra chỗ khác.Quả nhiên bố tôi quát to :
- ở trường chúng nó dạy dỗ mày ra đường nói chuyện với nhân dân như thế hả?
Rồi ông nói thêm :
- Tao đã đi nhiều nước mà chưa thấy ở đâu cảnh sát mất dạy như mày.
 Những người xung quanh tò mò theo dõi từ đầu có vẻ thích thú lắm,một anh công an khác đeo quân hàm Trung úy từ phía bên kia đường vội chạy sang nói với bố tôi :
- Bác thông cảm,cậu này mới ra trường nên còn chưa có kinh nghiệm.
 
 Hai bố con không nói gì lặng lẽ lên xe đi tiếp,ông im lặng suốt chặng đường,khi dừng xe để hút thuốc ông chỉ tay ra cánh đồng trước mặt nói :
 - Con nhìn kìa,lúa chín đẹp thế kia mà không có một người nông dân nào đi gặt,con biết vì sao không?
 - Dạ biết,đi gặt cả ngày “công điểm”chỉ được 3 lạng thóc.
 Ông thở dài :
 
- Khi người nông dân không còn quý hạt thóc là nguy rồi con ạ.
Chiếc xe máy của bố tôi cũng có một “kỷ niệm”,có lần nó bị mất cắp dù để tận gầm cầu thang “Nhà số 4”.Sau một thời gian có anh công an đến nhà báo cho bố tôi là đã tìm lại được và mời ông đến nhận,anh nói thêm :
 
-Xin bác “bồi dưỡng”một chút cho mấy anh em hình sự đã vất vả đêm hôm đi tìm xe cho bác.
Ông trả lời :
-Một là các anh bán cái xe đó đi lấy tiền chia nhau,hai là trả lại tôi,đó là nguyên tắc sống của tôi,anh thông cảm.
Dĩ nhiên là chiếc xe được trả lại nhưng nó sinh ra đủ thứ bệnh không chữa được bố tôi đành bán đi để mua một cái xe đạp,ông nói “Thế là mèo lại hòan mèo”.
 
9
 
Có một người bạn “vong niên” nói với tôi :
- Bố cháu là người giáo dục con cái theo kiểu “tự nhiên chủ nghĩa”cứ lao xuống dòng sông đời mà vùng vẫy đi,lúc nào thấy nguy hiểm sẽ ném cho một cái phao.
 Bác ấy nói hơi quá,bố tôi rất chú ý đến anh em chúng tôi,nhưng không bao giờ áp  đặt một khuôn mẫu cứng nhắc,không bao giờ quát mắng.Khi tôi chuẩn bị vào lớp 10 (tương đương lớp 12 bây giờ).Ông nói với tôi:
 
 - Năm nay con phải tập trung vào việc học,vì phải thức khuya nên bố cho con được hút thuốc lá,cho tiền tiêu vặt vì thỉnh thỏang bạn bè mời mình thì mình phải mời lại.Nhưng có một việc tuyệt đối cấm là dính vào chuyện yêu đương.
 Không hiểu sao tôi lại dính vào chuyện bị tuyệt đối cấm,một hôm ông bảo tôi : Ăn cơm xong bố muốn nói chuyện với con.Tôi run lắm vì biết mình “phạm tội”gì rồi.Buổi tối khi hai bố con ngồi với nhau ông hỏi :
- Con biết bố muốn nói chuyện với con vì việc gì không ?
Tôi im lặng,ông nói tiếp với giọng dịu dàng hơn:
 
 -Yêu đương ở tuổi con là sớm,nhưng bố mẹ cũng thấy rất mừng, như vậy là con đã trưởng thành,hai đứa đừng làm gì để cho bố mẹ phải xấu hổ là được.Bảo nó cứ đến nhà chơi,bố cũng coi nó như con.
 Trời ơi,tôi sướng như là được lên thiên đường.Khi tôi bị mẹ mách bố tội vì ngang bướng mà không được vào Đoàn,ông hỏi rõ nguyên do rồi cũng không nói gì.Hồi đó có quy định một số trường Đại học phải là Đòan viên mới được dự thi.Chuyện tôi không được vào Đòan cũng thật “lãng xẹt”.Hôm đó trong buổi học “cảm tình”Đòan thầy giáo dạy Địa lý kiêm Bí thư Đòan trường khi nói về việc có tài mà không có đức liền lấy tôi ra làm ví dụ.
 
Chuyện yêu đương của tôi đã nổi tiếng toàn trường,thày giáo dạy Sử của chúng tôi nhà ở phố Hàng Đào (gia đình thày chính là hiệu vải ích Phong mà nhà văn Nguyễn Đình Thi lấy làm nguyên mẫu trong tiểu thuyết Vỡ bờ) trong một lần lên lớp sau khi gọi cả hai đứa chúng tôi kiểm tra bài thày nói:  “Hôm qua họp Ban giám hiệu có nêu trường hợp của hai anh chị,nhưng học như thế này thì tôi ủng hộ chuyện yêu đương cả hai tay”.
 
 Thày Bí thư Đòan còn nói thêm :
- Anh đừng cậy mình là con ông nọ,ông kia mà không coi ai ra gì,tôi còn làm Bí thư Đoàn thì anh đừng nghĩ tới chuyện vào Đoàn.
 Tôi đứng lên :
 - Thưa thày nếu thày còn làm Bí thư thì em cũng không bao giờ nghĩ đến chuyện vào Đoàn.
 
  Hồi mới lấy nhau vài năm vợ chồng tôi có chuyện,các em tôi bức xúc lắm,cô em gái bảo : “Anh mà không bỏ bà ấy thì mất anh em”,cậu em rể thì bảo “Em xem Kinh Dịch,anh bỏ vợ thì sự nghiệp sẽ chóng thành công”.Bố tôi lo lắm,ông gọi điện “Nếu căng thẳng quá thì con vào đây xem bóng đá với bố một tháng rồi lại về”Nhưng vài ngày sau ông bay ra Hà Nội,ở nhà tôi đến ngày thứ hai ông nói :
- Bố thấy nó cũng được đấy chứ.
 
- Thì con có nói là cô ấy không được đâu
 Ông cười khì khì :
- Nhiều thằng đàn ông cứ ngộ nhận là “cải tạo” được vợ,ngược lại thì có, học bố đây này “ngoan” đi là vừa.
 Mỗi lần ra Hà Nội,chúng tôi chia ra ông ở nhà mỗi đứa vài ngày, khi ở nhà tôi ông bảo : “Nhà này là “vô kỷ luật”nhất nhưng ở đây là sướng nhất”.
 
 Những ngày bố tôi nằm viện,những việc như cho ông đi vệ sinh hay tắm rửa tòan một tay vợ tôi làm,mỗi tối cô ấy đều xách thùng nước lá thơm nấu ở nhà mang lên bệnh viện để tắm cho ông.Câu cửa miệng là :
- Để con tắm cho “đại ca” nào,con dùng xà phòng “đàn ông đích thực” đấy nhé .
 Thấy tôi cho bố ăn cô ấy gắt :
- Để em,anh cho bố ăn mà chân tay cứ lóng nga lóng ngóng.
 Tôi không nói gì,cô ấy biết đâu rằng mỗi lần cho bố ăn tôi lại nhớ tới câu đối của bác Thanh Tịnh :
 
Bố đút con ăn,con cười bố cười
  Con đút bố ăn,bố khóc con khóc
 
 
Bức xúc về những thông tin sai lạc về bố tôi trên các trang mạng(đến nỗi chú Trần Hòang Bách phải viết một lo¹t entry “Nỗi oan Xuân Sách”trên blog của mình) tôi gửi Du Nam cho anh Nguyễn Hòa chỉ để cải chính vài thông tin.
 
Vậy mà trên “lethieunhon.com” copy lại, kèm theo thông tin “Những năm cuối đời nhà thơ Xuân Sách cặm cụi viết hồi ký”.Gần 300 trang mà anh Nhơn nói đã được đọc có lẽ là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông(năm 2007 ông đã tìm cách để in nhưng chưa được) nhưng đó lại là chuyện khác, chẳng hề liên quan gì đến Chân dung nhà văn.Tôi có gửi một coment cho anh Nhơn nhưng không được post lên.Tôi xin khẳng định bố tôi chưa bao giờ viết hồi ký.Du Nam chỉ là một trong vài cái mà bố tôi gọi là “Những mảnh vụn ký ức”.
 
 Viết về người sinh thành ra mình làm sao tránh được chuyện thiên vị,có một bạn gửi coment cho tôi “Có lẽ anh quá yêu Xuân Sách nên mới nói vậy” cô ấy cßn viết thêm : “Anh Đăng ơi,có phải anh là con của nhà thơ XS không? vì em nghe nói ông có một người con tên Đăng”. 
 
  Tôi lại nhớ lời bố :
 “Có những nỗi oan khuất tày trời cả một đời không giải nổi,mất mát của mình có đáng kể gì con ”.
 Đại hạn 10 năm cuối trong Tử Vi của bố tôi có sao Tuyệt, xin mượn câu phú đóan về vì sao này thay lời kết:
 
 
“Khôn dại nông vùi ba thước đất,là chỗ hết của muôn đời.Nắm xương trắng,nấm cỏ xanh cũng tan thành mây khói có chăng chỉ còn lại chút tiếng thơm nếu ai là một vĩ nhân” 
 
     Hà Nội 11-2008
 
Nguồn:Phongdiep.net