Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NƠI ẤY, HÒN MÊ

Nguyễn Vĩnh
Chủ nhật ngày 19 tháng 7 năm 2009 11:41 AM

Tôi vẫn thường về quê chơi. Quê nội ngay đất Kinh Bắc, vượt qua cây cầu Đuống là coi như tới nhà. Có sáng chủ nhật đã ở quê rồi, bạn bè gọi uống bia trưa, lại vù ra Hà Nội vẫn kịp cuộc tụ tập. Chứ quê bên nhà vợ thì xa tít, ít về. Vì xa, chứ chẳng vì cái gì khác.
 
Tốt nhất là lên đường
 
Quê bà ấy tận chót nam phần tỉnh Thanh. Ngại, vì phải ngồi xe cả buổi. Nhưng về được rồi thì rất thích. Nơi ấy - xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia - xưa chuyên nghề làm muối và nghề cá. Người dân ăn to nói lớn. Khi ra thăm Hà Nội, vào đâu có khi cả ngõ biết nhà đó có khách. Nhưng tính tình hiền khô, nếp quê vẫn đậm. Quê lại có bãi biển ngay sát làng. Mùa hè mà đi được thì trẻ con người lớn đều thích mê. Ngang với bỏ đống đồng tiền mới mua nổi mấy buổi tắm ở Đồ Sơn, Cửa Lò...
Nhưng lần này về quê bà ấy, tôi không chỉ có ý được tắm biển. Mà định bụng phải có bữa ra bằng được Hòn Mê.
Biển-đảo là vấn đề đang nóng sôi. Cái nắng tháng 7 bức bối thế, vẫn không bằng cái nóng biên cương hải đảo dịp này. Vào các trang mạng, con dân nước Việt xót xa căm phẫn xem các tin tức, hình ảnh. Tàu lạ đâm chìm tàu đánh cá của ta ở vịnh Bắc Bộ, rồi bỏ mặc đấy. Còn ai nữa mà lạ với quen! Cáí thói đưa tin, viết bài quá thận trọng của truyền thông Việt về những tin cấp trên gọi là tế nhị nhạy cảm này. Nó giống tin bài về thảo luận bô-xít, về chủ trương kích cầu, về hàng Trung Quốc là kém chất lượng và có hàng còn gây độc hại... Còn nếu viết thì cũng chỉ lấp lửng, ấp a ấp úng. Có bài đưa lên rồi lại gỡ xuống... Thế nào đó không biết, khó mà thông với cách kiệm lời đối với toàn những vấn đề nóng bỏng, quốc kế dân sinh lớn lao như thế. Bởi tất cả những động thái của Trung Quốc diễu bài võ sức mạnh trên Biển Đông lâu nay thì cả thế giới người ta đã và đang bình luận rầm rầm. Về cái anh Việt Nam đang bị kẹt, bị Trung Quốc vây ép bắt nạt. Đất liền thì ra các đòn kinh tế, ngoài khơi thì lấn lướt thuyền bè ta *.
 
Tháng trước, ông láng giềng to đùng này đã chả công nhận tàu họ đâm chìm tàu đánh cá ta là gì. Nhưng lại nói, vì tàu thuyền ta đi vào vùng biển họ đã thông báo cấm. Lạ nhỉ.  Chính là họ đơn phương cấm, chứ bàn bạc gì đâu! Cứ cho đó có vấn đề tranh chấp thì cũng phải bàn bạc thông tin qua lại đã chứ. Ngư dân mình thì quen ngư trường xưa nay bủa lưới, bỗng dưng...
Tệ hơn, Trung Quốc còn bắt tàu thuyền đánh cá của ta nộp phạt. Vô lý hết sức. Cái lý lẽ kẻ mạnh trịch thượng. Nếu hình ảnh dẫn dưới đây là chính xác thì trong trường hợp này chúng ta còn bị sỉ nhục nũa. Ngư dân mình bị bắt lên tàu của họ, bị lính họ bắt ngồi sụp dưới chân. Trông rõ cả những cây dùi cui và mũi súng áp lên đầu ngư phủ của ta. Lênh đênh ngoài biển khơi, bị bắt rồi, thế lực chênh vênh bên một bên mười, tàu thuyền không còn nữa, kẻ bắt người có cần làm đến mức như vậy không. Nhẫn tâm quá.  
Mang theo tâm trạng khó diễn tả hết bằng lời ấy của người công dân Việt, tôi thật nóng lòng trên đường về thăm quê. Muốn ra bằng được ngoài khơi, ra đến đảo... Để nhìn xem, gặp hay không gặp ai ngoài đó cũng được. Miễn là một chuyến đi đảo, hiểu phần nào tình cảnh ngư dân ta, như một cách trút bớt bức bối và lòng căm tức.
 
Quyết định cho một chuyến đi
 
ào tới quê rồi mới biết, ra Hòn Mê hồi này khó hơn xưa. Đơn giản, có những lý do về quốc phòng lúc này đặt ra. Ngoài ấy nghe nói bộ đội mình đang đợt tập huấn. Dù bên nhà vợ tôi họ hàng gần với ông chủ tịch xã - xã Hải Bình chủ quản của Hòn Mê - nhưng với thực tế trên, tôi tự nghĩ không nên làm phiền ai.
Là anh nhà báo thiệt (chứ không phải nhà báo giả, nha), nhưng hưu rồi, đặt cái chuyện thăm đảo quân sự lúc này nó không thích hợp. Có thể địa phương họ nghĩ mình định ra, định viết lách này nọ. Lỡ đâu thành tác phẩm ngoài luồng, lề bên phải bên trái, lại rách việc cho người ta. Bởi đâu có ông tỉnh ông huyện nào trên tỉnh Thanh Hóa giới thiệu tôi xuống xã này thăm thú viết lách tuyên truyền gì đâu (thói đời lâu nay quen vậy, chứ đâu biết rằng, thời internet nay, có vô khối người viết tự nhận “freelance”- hành nghề tự do - họ thích họ cảm thì viết, như sự chia sẻ với nhiều người khác, chứ đâu đợi ai chỉ tay bày vẽ mới đi viết).
Dù biết vậy, sự phức tạp, nên tôi tránh tối đa cái sự khó dễ tế nhị này cho địa phương. Tôi chọn cách ra đảo dân gian. Khi nêu ý này, các anh chị địa phương đồng tình ngay, cả người thân của tôi cũng ưng ý. Nghĩa là chúng tôi sẽ đi ra đảo theo thuyền bè làng chài, như một chuyến đánh cá, một chuyến ngao du khơi khơi...
Chấp nhận cách đi này, miễn đến được đảo là đạt. Không đặt ra bất cứ yêu cầu đòi hỏi leo lên đảo thăm thú xem xét gì hết. Một sự đồng thuận, tôi cùng gia đình thuê hẳn một chiếc thuyền máy. Thuyền có khoang mái che, có bếp núc phòng ăn đâu ra đấy. Vì muốn một chuyến đi suốt ngày, lênh đênh lâu trên biển cả... Điều quan trọng là trong tốp đi phải có vài ba người dân địa phương. Để nếu bất thường chiến sĩ ở đảo ra tiếp xúc, lúc hỏi han trao đổi gì, có sự đảm bảo tin cậy quân dân. Thân nhân bên nhà vợ tôi hưởng ứng ngay. Chuyến đi cả trẻ con người lớn đến gần hai chục người...
Theo lãnh đạo xã, nếu chúng tôi chỉ lên cái bãi cát, chỗ chân dốc hòn đảo, thì “chẳng vấn đề gì”. Ngư dân mình khi thuyền máy có chuyện trục trặc, hoặc cạn nước ngọt, hay có người đau mệt quá đều có thể ghé thuyền như thế vào đảo nghỉ. Bộ đội đảo là từ dân mà ra, gốc quê Tĩnh Gia cũng luôn có cả chục cậu trở lên, cái sự giúp đỡ săn sóc ngư dân như thế coi như chuyện quen thuộc thường tình.
 
Ra khơi xa, ra đảo
 
Mờ sáng hôm ấy, khi con thuyền chúng tôi vượt sóng, hướng mũi chính đông, lòng hồi hộp lạ. Trước mặt là mặt trời đỏ rực chói lòa. Hình dáng đảo Hòn Mê hiên ngang hùng dũng trên mặt biển xanh màu ngọc bích. Cảm giác lâng lâng tự hào. Thiêng liêng thay cương thổ cương vực quốc gia mà ông cha mình bền chí bền gan giữ truyền. Nó vươn đến các con sóng xanh của biển cả chân trời ngoài kia.
Trên hải đồ, quãng cách giữa bến thuyền trên cửa Lạch Bạng, Hải Bình vơis Hòn Mê chỉ hơn 10 hải lý. Thế nhưng nếu lái tàu không phải là người dày dạn kinh nghiệm, thông thuộc luồng lạch, biết rõ những dải đá ngầm, thì không dễ đưa tàu đến đích an toàn được.
Hơn 2 giờ ngồi trước mùi tàu, ngắm từng con sóng, nhìn ra Hòn Mê rồi nhìn sang những hòn Bung, hòn Vát xa gần, tôi mới hiểu, tại sao huyện Tĩnh Gia trước kia lại được gọi với cái tên là Ngọc Sơn. Câu khen tiếng Hán Việt nằm lòng của mấy bậc lão niên “Ngọc Sơn trung tú vạn niên cơ” (Ngọc Sơn thu gộp lại cảnh đẹp có gốc nguồn vạn năm) là chí lý với vùng biển này. Có thể gọi đó là Cụm đảo Mê, được phân bố trên diện tích khoảng chục cây số vuông mặt biển, là một trong mấy thắng cảnh hùng vĩ nhất cả nước ta. Ở đây có đủ các yếu tố biển, sông, núi, nước (hải-giang-sơn-thuỷ). Cụm đảo Mê còn mang tên chữ là “Thập Bát Mã Sơn”. Khi trời yên biển lặng, nhìn đủ 18 hòn núi lớn bé của cụm đảo Mê, hình dáng toàn cục không khác “một đàn ngựa lớn như yên bình gặm cỏ giữa một mầu xanh biếc thảo nguyên” (chính là nước biển xanh ngắt).
Sau gần 3 giờ chạy thuyền máy ngắm cảnh mây trời, khi chúng tôi sắp tiếp cận đảo, đã thấy lính gác đảo nâng ống nhòm hải quân hướng ra. Cứ cho bộ đội mình có cảnh giác hết cỡ cũng hiểu rằng, “chẳng có gì mà ngại”. Lố nhố đám chúng tôi là mấy ông bà già, chưa ngưỡng ấy thì cũng đã luống tuổi. Bọn trẻ đông hơn, đánh rặt may ô quần xoóc. Lại thêm vài đứa con nít. Nên thủ tục cặp bờ sau đó cũng chẳng khó khăn trở ngại gì. Thậm chí khi chuyển từ thuyền lớn sang chiếc đò con kéo theo để lên bờ cát thì một chiến sĩ trẻ măng đã tiến xuống bờ cát vẫy vào. Cái số hên, ăn mày gặp chiếu manh. Sau này hỏi ra mới biết, ông cháu chủ tịch xã của chúng tôi đã có thông tin ra đảo. Đại thể báo về một chuyến đi thuần túy ngao du, ở mức độ như vậy... như vậy thôi, sẽ không phiền ai...   
Không chỉ tiếp xúc với mấy cậu lính đó. Vào ngồi yên bình mát mẻ bên dãy nhà xây để canh đảo, dưới mấy gốc bàng to lá xanh thẫm, một trung úy tươi tắn bước xuống tiếp chuyện. Qua mấy cú điện thoại qua lại, giữa anh và ông chủ tịch xã, rồi với ban chỉ huy đảo, anh báo tin lát nữa đảo trưởng sẽ xuống. Bất ngờ chưa.
Câu chuyện là thế này. Tình cờ thuyền chúng tôi gặp lúc con tàu Cảnh sát biển Việt Nam (Vietnam Marine Police) đi ngang đảo, đang bỏ neo ngoài kia cách vài ba hải lý. Đảo nhờ ngay con thuyền máy chúng tôi chạy qua đón một số sĩ quan chiến sĩ vào đảo, tranh thủ làm bữa “giao lưu” trưa nay. Như vậy đỡ cho đảo phải điều lính mang ca-nô đi đón. Thế là đồng chí trưởng đảo, Đại úy Lê Bá Bằng, được một công đôi ba việc. Trưởng đảo đánh xe xuống đón đoàn Cảnh sát, nhân đó gặp tốp du khách người Hải Bình chúng tôi. Coi như cơ hội lý tưởng của công tác dân vận, mà mất gì của bọ.
 
Hòn Mê là đây
 
Câu chuyện theo đó bùng nổ như bắp rang sau mấy màn chào hỏi. Đám an ninh cảnh sát biển ầm ầm khí thế. Họ vừa cưỡi trên con tàu chạy nhanh nhất trong số tàu biển của ta, vượt từ cửa biển Vinh đất Nghệ An ra đây. Mê đảo Mê, vào chào hỏi nhau, vậy thôi.
Bởi ai mê, chẳng biết Hòn Mê tiếng tăm nổi như cồn thời chống chiến tranh phá hoại. Bom đạn máy bay Mỹ không kịp ném trong đất liền thì nó trút cho hết xuống hòn đảo rộng gần 500 hec-ta này. Đúng là cái túi bom thời đó. Vị trí địa lý thuận lợi về tầm chiến lược quân sự rất quan trọng đối với Quân khu 4, Thanh Hoá và Bắc miền Trung, nên đảo Mê là một trong những trọng điểm bị máy bay Mỹ tấn công đợt đầu tiên. Quãng giữa năm 1965, Mỹ đánh đảo Mê hơn ba chục trận cả ném bom và pháo kích từ tàu chiến, muốn huỷ diệt hòn đảo này. Mấy anh trên đảo kể rằng, ngày 11/8/1965, bộ đội đảo Mê đã bắn hạ chiếc máy bay F105 đầu tiên. Suốt từ đó đến cuối 1972, Hòn Mê được mệnh danh là “chiến hạm nổi”. Sổ vàng ghi đảo Mê đã chiến đấu gần 2.000 trận lớn nhỏ, bắn rơi 33 máy bay, bắn chìm và cháy 18 tàu chiến Mỹ.
Phát huy truyền thống anh hùng, trong những năm gần đây - theo câu chuyện ngồi chơi trên bờ đảo hôm đó - thì chiến sĩ cùng cán bộ trên đảo nay vẫn một lòng đoàn kết yêu đảo, yêu đơn vị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn vùng biển, vùng trời của Tổ quốc.
Các anh không quên nói về những ngày mùa khô nước ngọt dự trữ cạn kiệt. Cơm cá không thiếu, giữa mênh mông trời biển mà khát thiếu nước! Thôi thì chậu thùng, rồi sáng kiến ba-lô lót ni-lông cõng nước từ những khe ngách nước rỉ ra nằm cheo leo trên núi cao. Nghe thấy lòng rưng rưng. Cảm thấy thêm lòng kính trọng cán bộ chiến sĩ trấn giữ đảo nơi đây.

Chỉ có tiếc là không được vào tận nơi những cánh rừng nguyên sinh phong phú đa dạng các hệ thực vật, động vật. Còn ngư trường quanh cụm đảo Mê dồi dào hải sản quý hiếm thì chúng tôi tha hồ xem thuyền cá đang khai thác.
Trước đám khách bậc tuổi cha chú, mấy chiến sĩ chẳng phải e lệ gì, rì rầm cất tiếng hát  “...Đây hòn Mê hiên ngang đứng giữa biển trời/ Hải đảo rộn vang lời ca anh bộ đội coi đảo là nhà biển cả là quê hương/ Tay súng tay chèo giữ vững biển trời...” . Lời ca mộc mạc, rất thực tế vậy lan tỏa dưới những tán bàng mập khỏe và chuỗi cây lá xanh ngắt cạnh đó trên Hòn Mê...
Được biết, trong tương lai không xa, khu kinh tế trọng điểm của Bắc miền Trung - Khu đô thị biển Nghi Sơn - sẽ được xây dựng với quy mô to lớn. Khi đó cụm đảo Mê sẽ nằm trong tua du lịch Sầm Sơn - Lạch Bạng - Đảo Mê - Nghi Sơn. Hôm trước tôi có dịp đi qua khu đất đang san nền của Dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn, thấy thật bộn bề, vì công suất chế biến của nó lên tới 7 triệu tấn/năm. Vốn liếng đâu khoảng 2 tỉ rưỡi USD, thuộc diện công trình quốc gia trọng điểm. Như vậy vị thế, tiềm lực kinh tế và tầm quan trọng của Đảo Mê sẽ được nhân lên gấp nhiều lần.
Được vậy là niềm vui chung. Nhưng với tôi, mục đích quan trọng nhất của công cuộc xây dựng đất nước này phải đạt tới, là làm sao cho bờ cõi biên cương được giữ vững bền mãi mãi, “Giang sơn một thuở vững âu vàng”. Giữ cho vững như đảo Hòn Mê kiên cường bất khuất, nuôi mãi khát vọng sống hiên ngang oanh liệt ngoài dặm xa khơi kia... 
NV
----------
* Theo nhiều hãng  tin nước ngoài, thời gian vừa qua, Trung Quốc đã được tăng cường đáng kể và hiện diện càng lúc càng nhiều lực lượng hải quân ở vùng Biển Đông, nơi hai bên (Việt Nam và Trung Quốc) tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tầu tuần tra của Trung Quốc đã chận bắt tàu đánh cá của Việt Nam ngay trong những khu vực mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của mình, tức là khoảng 80% diện tích vùng Biển Đông.
Bài và ảnh của Nguyễn Vĩnh gửi cho trannhuong.com