Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"Thiên thần và ác quỷ " hay lời tạ lỗi một tình yêu

Bùi Thị Sơn:
Thứ bẩy ngày 9 tháng 11 năm 2013 9:01 AM


“THIÊN THẦN VÀ ÁC QUỶ” HAY LỜI TẠ TỘI MỘT TÌNH YÊU?

Tình yêu nam nữ là một trong những tình cảm thiêng liêng, đẹp đẽ nhất mà tạo hóa đã ban tặng loài người. Ở mỗi nơi, mỗi lúc, các cung bậc tình yêu được thể hiện dưới những hình  thức khác nhau nhưng điểm chung nhất từ cổ chí kim, từ đông sang tây: Đó là sự gặp gỡ giữa hai tâm hồn đồng điệu không phân biệt tuổi tác, địa vị sang hèn trong xã hội. Đó là sự rung động của con tim ngập tràn thương mến, khao khát cho và nhận. Tình yêu chân chính không có chỗ cho sự giả dối, cơ hội, lừa lọc lên ngôi.
Bài thơ “ Thiên thần và ác quỷ” của  Trần Sương Mai thì khác. Nhân vật trữ tình xưng tôi tự nhận mình là “ác quỷ” sám hối trước một người con gái ngây thơ, thánh thiện như “thiên thần” đã dâng hiến trọn vẹn tâm hồn và thể xác cho mình.
Mở đầu  bài thơ là điệp ngữ “tôi nợ  em” dược nhắc đi nhắc lại tới ba lần:
“Tôi nợ em
một bài thơ
không bao giờ viết nổi
Tôi nợ em
mùa loa kèn
Khi tháng tư đi rất vội
Tôi nợ em
Bởi lời hứa đầu môi”
Thơ- giống như tình yêu- là kết quả sự rung động mãnh liệt của con tim nhưng người đàn ông  ấy “ không bao giờ viết nổi” cho em “một bài thơ”. “Em” không hiện ra bằng hình hài vóc dáng nhưng đã lấp ló một vẻ đẹp tâm hồn. Trong khi xã  hội nhan nhản những cô gái sống nhớp nhơ thực dụng “giá áo, túi cơm”, coi thơ ca là phù phiếm vô vị thì em chỉ ước ao được người mình yêu tặng một bài thơ minh chứng cho tình yêu anh ấy dành cho mình mà thôi! Em đâu có mơ tiền tài danh vọng ! Tội nghiệp cho em! Tình cảm hời hợt người ta dành cho em đâu đủ thăng hoa để “viết nổi”một bài thơ- dẫu chỉ là một bài thơ xoàng xĩnh, nhạt nhẽo !
Người đàn ông ấy nợ em cả “ mùa loa kèn khi tháng tư đi rất vội” bởi “lời hứa đầu môi”. Có lẽ đó là thời điểm hai cá thể- Thiên thần và Ác quỷ- đã hòa nhập thể xác làm một?
“Khi yêu thương
em đã  trót trao tôi
Em - thiên thần
mơ hạnh phúc lên ngôi
Tôi- ác quỷ
trộn đam mê vào tối”
Hạnh phúc biết bao khi tình yêu thăng hoa lên tột đỉnh, hai người tự nguyện dâng hiến nhau hết thảy! Cũng bất hạnh biết bao khi tình yêu thánh thiện chỉ có từ một phía ! “ Em” - bởi cảm xúc yêu thương ngập tràn không kìm nén nổi nên “ trót trao” cho người ta cái quý giá nhất của đời người con gái. Dẫu đã trở thành “đàn bà” em vẫn là “thiên thần” bởi tình yêu của em vô tư hồn nhiên , thánh thiện lắm! Còn “tôi” thì sao? “Tôi” chỉ là tên  “ác quỷ” đến với em bằng động cơ thấp hèn nhằm thỏa mãn thú vui nhục dục  “… trộn đam mê vào tối”.
Viết về chuyện tế nhị, nhạy cảm  bằng những câu thơ cô đọng, hàm ngôn, giàu hình tượng như thế, tôi cảm phục Trần Sương Mai đã biết tiết chế cảm xúc xót xa, phẫn nộ…làm chủ ngòi bút của mình để không sa vào kể lể, dung tục hóa một bi kịch tình yêu.
Cả tin, dại khờ, nông nổi luôn là điểm yếu của phụ nữ .Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến đã giành  hẳn một tập thơ có tên là “Dại yêu” tập hợp chân dung những người đàn bà “dại yêu”: xưa là Xúy Vân, Mỵ Châu, Thị Mầu, Thúy Kiều, Hồ Xuân Hương…nay là người đàn bà  “lỡ chồng”với đứa con mang họ mẹ, một  nữ sĩ “càng say càng gặp tình vờ”, một người em gái với đời riêng lấy “cái thất tình làm vui”…
Nhưng chính sự “dại yêu”ấy mới là thuộc tính của tình yêu đích thực.Nếu so đo tính toán thiệt hơn, liệu đó có còn là tình yêu không? Bởi  em “tin cả lời nói dối”của một kẻ lợi dụng danh nghĩa tình yêu để thỏa mãn “đam mê” trong bóng tối nên sau phút yêu thương “trót trao”, em phải gánh chịu hậu quả “ từng đêm nước mắt trắng tràn môi”. Theo thiển ý của tôi: chỉ cần viết “nước mắt tràn môi” là đủ cho độc giả hình dung nỗi đớn đau, xót xa, dằn vặt, ân hận của người đàn bà ấy rồi. Nếu thay cụm từ “nước mắt tràn môi” bằng cụm từ “nước mắt mặn chát môi” thì giá trị biểu cảm của câu thơ có lẽ nặng hơn chăng? Chỉ vì một phút nông nổi, yếu lòng “ khôn ba năm, dại một giờ” mà nàng phải âm thầm bao đêm nuốt nghẹn dòng nước mắt mặn chát ngược vào tim, đâu dám hé răng tâm sự cùng ai…
Hình ảnh “ bóng em đen trên tường  trắng màu vôi” không mới
(Nhà thơ Bế Kiến Quốc từng viết trong bài thơ “ Hoa huệ”:
“Hoa huệ trắng và bức tường cũng trắng
Sao bóng hoa trên tường lại đen?”) nhưng câu thơ tiếp theo” giấc ngủ quay lưng/nỗi đau trinh tiết” lại là cách nói rất riêng chỉ có ở Trần Sương Mai.  “Em” không phải loại con gái hư hỏng săn tìm thú vui nhục dục trong chốc lát. Chỉ vì quá yêu thương, quá tin tưởng vào người mình yêu mà em không còn giữ được phẩm giá truyền thống của người con gái Á Đông cho đến ngày vu quy.Và cái giá phải trả cho sự “dại yêu” của em là những đêm thức trắng, héo tàn nhan sắc…
Người con gái nào khi yêu không mơ có ngày được chưng diện “váy áo thiên thần” trắng trong tinh khiết khi lên xe hoa về nhà chồng? Nhưng vì trót dại yêu nên “em” đã nhận kết cục bi thảm như thế này đây:
“  Em - người đàn bà
đêm đêm đào huyệt
Liệm ước mơ
trong áo váy thiên thần”
 Hai câu thơ bát cú bị bẻ gãy nhịp, hình tượng thơ độc đáo, táo bạo “ đào huyệt liệm ước mơ” khiến độc giả không khỏi rùng mình rồi lặng đi bởi  xót thương cô gái daị yêu sớm trở thành người đàn bà bị bỏ rơi trong cô đơn giằng xé…Tôi hình dung ra hình ảnh cô gái ấy đêm đêm lăn lộn trong đống “ váy áo thiên thần” để  khóc cho “ ước mơ” đẹp đẽ của mình giờ đã tan thành mây khói…Yêu đắm say đến độ đã sắm sửa đầy đủ “váy áo thiên thần” chuẩn bị cho ngày cưới mà vẫn bị ruồng rẫy, bỏ rơi khi đã chót” trộn đam mê vào tối” cùng một tên “ác quỷ” mới biết mình bị dối lừa, cô đã rơi từ đỉnh cao ước mơ xuống tận cùng tuyệt vọng…
“ Thiên thần và ác quỷ” được viết theo thể thơ tự do  và rất gợi hình, gợi nhạc nên dễ  đi vào lòng người đọc. Cái “ tôi” trữ tình là sự sám hối muộn mằn của một người đàn ông tự nguyền rủa mình là “ác quỷ”- người đàn ông đã từng “nói dối” để thỏa mãn thú tính nhất thời, rồi sẵn sàng bỏ rơi người con gái yêu mình sau khi đã biến nàng thành đàn bà. Thật là ghê tởm !Là cô gái yếu đuối, nhân hậu, vị tha, dẫu bị lừa dối, nàng không tìm cách trả thù  gã Sở Khanh mà chỉ âm thầm vật vã trong đớn đau khắc khoải… So với nỗi  đau tinh thần không gì bù đắp nổi của cô gái dại yêu  kia thì từ dùng  “ ác quỷ” còn quá nhẹ do tội lỗi “ giết người không dao” của gã đàn ông đê tiện kia. “Ác quỷ” mang bộ mặt xấu xa gớm ghiếc trong tưởng tượng của con người. Còn gã Sở Khanh kia lại là con “ác quỷ” đội lốt người, thậm chí còn có thể mang bộ mặt đẹp đẽ , thánh thiện nữa…
Nhưng nếu đọc đi đọc lại toàn bài thơ, sau nỗi ân hận xót xa của anh ta, tôi không nỡ coi anh ta là ác quỷ mà chỉ đánh giá anh ta là một kẻ dối trá, ích  kỷ, phóng đãng thôi. Điệp ngữ “ tôi nợ em” được nhắc đi  nhắc lại đên ba lần ở đầu bài thơ không chỉ là nỗi day dứt, sám hối muộn màng của anh ta mà còn thể hiện sự hiểu biết của anh ta về “em” rất sâu sắc. Rõ ràng, trong anh ta còn le lói chút nhân tính chứ chưa đến mức để trái tim hóa đá, đóng băng trước một người con gái đã yêu mình đến độ tiều tụy cả thể xác lẫn tâm hồn…Song dẫu vì lý do gì anh ta không cưới cô gái thì mọi lời  xin lỗi đều  không thể chấp nhận được.
Nhập vai, hóa thân vào nhân vật người đàn ông dối trá  để hưởng đam mê trong bóng tối, không mọt lời khuyên răn, giáo huấn, bằng hình tượng thơ độc đáo sáng tạo, Trần Sương Mai đã gửi đến các bạn gái trẻ một thông điệp cảnh tỉnh: Dẫu có hội nhập văn hóa Đông Tây, dẫu có quan niệm thoáng về tình yêu đến mấy, người con gái khi yêu vẫn rất cần có sự tỉnh táo, sáng suốt của lí trí, nhận rõ chân tướng của những kẻ “ nói dối” cơ hội , đừng để “ trái tim lầm chỗ để lên đầu”(Tố Hữu) rồi lặp lại bi kịch đớn đau của “ người đàn bà/ đêm đêm đào huyệt/liệm ước mơ trong váy áo thiên thần”.